Hình thức đá thờ

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 137 - 141)

Chương 4. BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THAI DƯƠNG

4.2. Biểu tượng đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch

4.3.1. Hình thức đá thờ

Thứ nhất, đối với hình thức đá thờ tại đền Thai Dương phu nhân

Trong các văn bản truyền thuyết về Thai Dương phu nhân hầu như không nhắc đến hình dáng của tảng đá mà người đánh cá gối đầu lên ngủ. Chỉ có duy nhất một chi tiết, khi đoàn khách buôn người Nhật đến miếu thờ, một người đã nói: “Trong phiến đá này có phác ngọc, giá trị vô cùng.” [14, tr. 100].

Theo Đào Thái Hanh, trong bài viết “Chuyện Thánh mẫu Thai Dương phu nhân”, “tảng đá ấy là một loại ngọc có vân ngũ sắc, hình khối hình chữ nhật, độ hai thước rưỡi chiều dài, một thước rưỡi chiều rộng, một tấc rưỡi bề dày (một thước bằng 0,425 m).” [37, tr. 258]

Giữa hai dữ liệu trên, hình dáng và chất liệu của tảng đá không trùng khớp nhau. Phác ngọc là một hòn ngọc nằm trong tảng đá, trong khi lời kể của các bô lão ở làng Thai Dương Đào Thái Hanh viện dẫn lại cho rằng tảng đá là ngọc. Tuy nhiên, tảng đá có những điểm đặc biệt và có giá trị cao là điều không thể phủ nhận.

Ở đây, chúng tôi thiên về dữ liệu là tảng đá có phác ngọc. Các văn bản truyền thuyết về Thai Dương phu nhân đã cung cấp hàng loạt các dữ kiện xoay quanh thực trạng tảng đá: sau khi bị khách buôn người Nhật đập vỡ và bốc lấy ngọc đem đi [số ngọc này đã bị nhấn chìm xuống biển cùng với con thuyền khách buôn dưới năng lực siêu nhiên của vị thần trú ngụ trong đá – NTQH], số còn lại được dân chúng cất vào hòm, đặt trong một cái hầm xây kín bên trong miếu. Đến năm 1883, một đơn vị lính Pháp đóng quân tại miếu đổ đá trong hòm xuống sông vì chúng xem là thứ vô bổ. Mãi đến năm 1886, dân làng theo lời báo của đồng bóng đã cho mò tìm các mảnh đá thiêng bỏ lại vào hòm.

Tại đền Thai Dương phu nhân hiện nay, đá được thờ phụng hoàn toàn khớp với thực trạng đá Phan Thuận An đã giới thiệu trong Huế xưa và nay: di tích và danh thắng, nghĩa là những mảnh đá vỡ được đặt trong một quan tài nhỏ bằng kính.

Qua điền dã, chúng tôi càng khẳng định rằng nó là dạng đá bình thường, không phải

132

là ngọc và cũng không có các vân ngũ sắc. [Hình ảnh đá thờ tại đền Thai Dương phu nhân, xin xem ở phụ lục 2].

Việc thờ phụng ở đền được duy trì cho đến ngày nay, dù đá thờ đã trải qua nhiều dâu bể. Với rất nhiều sự kiện đã xảy ra với đá thờ như chúng tôi đã liệt kê ở trên, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: thứ nhất, trong thời gian gần 3 năm từ 1883 đến 1886, khi đá bị lính Pháp đổ xuống sông, việc thờ phụng ở đền có được duy trì không? Thứ hai, nếu câu trả lời cho câu hỏi một là có thì đối tượng được nhân dân thờ phụng là gì/ ai? Thứ ba, đá được thờ tại miếu hiện nay (tức là đá được vớt lên theo lời chỉ dẫn của đồng bóng năm 1886) có phải là đá trong truyền thuyết không?

Chúng tôi chỉ có câu trả lời từ người trông coi đền Thai Dương phu nhân cho hai câu hỏi đầu tiên, đó là trong 3 năm (1883 – 1886), việc thờ phụng vẫn được nhân dân duy trì và đối tượng thờ phụng là vị thần Thai Dương phu nhân. Còn với câu hỏi thứ ba, điều ấy thật khó để chứng thực, song cũng như đá ở miếu Kì Thạch phu nhân, niềm tin của quần chúng nhân dân mới là điều quan trọng. Chỉ niềm tin mới đủ uy lực để khiến nhân dân tiếp tục hương khói trong suốt 3 năm dù đối tượng thờ phụng (đá) đã không còn hiển hiện trên bàn thờ. Cũng chỉ niềm tin mới có thể lý giải sự tin tưởng nhân dân giành cho lời báo của đồng bóng để vớt đá từ dưới sông lên. Và niềm tin là điểm sáng duy nhất có thể gạt bỏ sự nghi hoặc của cộng đồng về việc đá được vớt có thật là đá thiêng xưa để tiếp tục thờ phụng.

Chính bởi quãng thời gian 3 năm đá thiêng bị đổ xuống sông và nhân dân đơn thuần thờ vị thần Thai Dương phu nhân đã chứng thực sức mạnh của niềm tin bởi lẽ họ không còn đồng nhất đá và vị thần trú ngụ, nếu đá mất đi thì vị nữ thần vẫn có thể an trú trong đền thờ. Đồng thời sự kiện trên cũng có khả năng là nguyên nhân cho việc thờ đá ở đền Thai Dương phu nhân có sự rẽ hướng, để tín ngưỡng thờ mẫu lấn át như hiện nay.

Đối với sự kiện năm 1886, nhân dân tổ chức vớt đá từ dưới sông lên, người trông coi đền lý giải chính vị thần Thai Dương phu nhân đã đánh tiếng qua đồng bóng và yêu cầu được trục vớt. Hành động này như một cách trả lại “thân xác” cho vị thần và cầu mong vị thần tiếp tục phù hộ độ trì cho nhân dân. Tuy nhiên, chúng tôi thiết nghĩ đó là một phương thức để phục hồi nguyên bản đối tượng thờ phụng của đền và tăng tính thiêng cho vị thần Thai Dương phu nhân.

133

Thứ hai, đối với hình thức đá thờ tại miếu Kì Thạch phu nhân

Trong Đại Nam nhất thống chí: Thừa Thiên Phủ, văn bản truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân ghi chép: Đá thờ là “hai hòn đá vuông lớn bằng chiếc chiếu, sắc xanh hơi trắng, mặt đá chạm hình thân người mặt thú, hai mươi cái tay, bốn cái chân” [72, tr.80]. Hay văn bản trong Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, tảng đá thờ được giới thiệu ngắn gọn: “Đó là một tảng đá không bình thường. Bề mặt tảng đá là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chàm rất có giá trị” [14, tr. 96]. Chỉ duy nhất trong bài viết “Sự tích nữ thần Kì Thạch phu nhân”, tảng đá thờ mới được Đào Thái Hanh miêu tả cụ thể như sau:

“Tảng đá này màu đen, có hình dạng như nửa tấm bửng tròn, có đáy 1,20m, cao 0,90m, dày 0,23m, có chạm nhiều hình người và con vật. Các hình chạm chia làm hai nhóm: phần trên, là một hình người hầu như trần truồng, ngồi trên tòa sen, chân xếp bằng và tay đặt lên đầu gối; bên phải có một con thú kỳ lạ và vài hình phác họa về người, với nét vẽ non nớt; về bên trái, có năm hình khắc đàn ông, đàn bà, con nít, người cầm ly rượu, kẻ thổi sáo. Phần dưới cách với phần trên bằng một đường viền được kẻ một cách thô sơ, có một đám người ăn mặc kín nửa người, hình như muốn vươn lên bằng cách đưa những cánh tay lên, hướng về người ở giữa của phần trên. Có khoảng hai mươi cái tay, mà bảy cái đeo vòng, có thể là tay đàn bà. Chân thì chỉ có bốn. Cạnh con người kì dị ấy, bên phải có khắc chạm một người có ba mặt đứng cầm cái chai, và một người nữa bị trói gô ngồi chồm hổm ở phía dưới, bên góc đối diện;

sau cùng, bên trái là một con voi lớn chổng đuôi lên trời” [38, tr. 145]

Chính Đào Thái Hanh đã khẳng định rằng: “Người ta có thể hiểu được trong tư tưởng của người xưa, phần trên tượng trưng cho thiên đàng, phần dưới là trần gian và địa ngục” [38, tr. 145]

Với những miêu tả chi tiết và hình dung của Đào Thái Hanh, chúng tôi hiểu rõ hơn nỗi kinh hãi của ngư phủ/ ngư dân trong truyền thuyết bởi ngoài những nguyên nhân chúng tôi đã đề cập đến ở mục 2.1. Tín ngưỡng thờ đá, ở đây vấn đề về các sự vật được chạm khắc là quan trọng nhất. Khởi sinh cho nỗi sợ hữu hình vì họ không thể nào lý giải sự vật được chạm nổi trên tảng đá là cái gì và được sử dụng cho mục đích gì. Trong khi đó, có thể họ đã nhìn thấy tảng đá ở đền/ tháp/ chùa - nơi tôn nghiêm của người Chăm. Thực tế, ngay trong văn bản của Đại Nam nhất thống chí:

134

Thừa Thiên phủ, sự miêu tả của tác giả rất chung chung và có khả năng tạo ra mạch liên tưởng về quái vật, dễ gây sự sợ hãi: “mặt đá chạm hình thân người mặt thú, hai mươi cái tay, bốn cái chân” [72, tr.80]. Điều này cho thấy dường như nỗi sợ hãi cũng tồn tại trong chính người ghi chép văn bản, họ có sự trăn trở, băn khoăn về nét dị thường ở sự vật. Vậy nên việc thờ phụng của ngư phủ là đương nhiên. Mãi đến văn bản trong Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế, việc định danh cho tảng đá mới được xác lập: “một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chàm” [14, tr. 96]. Với việc gọi tên cụ thể, tính kỳ lạ của sự vật được chạm khắc trên đá được giảm đi khá nhiều.

Trong bài viết, Đào Thái Hanh đưa vào một chú thích trích từ BEFEO XIV 1914; số 9, tr. 93: “Ông Arousseau có ghi là ở làng Thanh Phước, gần Huế, có một tấm bửng chạm trổ của Chàm được xây vào trong tường của một ngôi chùa, thể hiện cái cảnh tượng mà ai cũng biết của Bavana đang lay chuyển một hòn núi có Civa và Pariati ngồi. Những bức chạm nổi tương tự như vậy, mới đây, cũng được tìm thấy ở Champa và Cao Miên. Bức chạm ở Cao Miên ở tình trạng bảo quản rất là tốt” [38, tr. 146]. Văn bản của Đào Thái Hanh đã giải mã được yếu tố quan trọng liên quan đến các sự vật được chạm khắc trên tảng đá.

Từ chú thích trên và quá trình điền dã, chúng ta có cơ sở để khẳng định tảng đá chạm nổi một cảnh trong thần thoại của Ấn Độ, một trong những yếu tố để xây dựng thánh điển của Ấn Độ giáo [tôn giáo của người Chăm Bàlamôn là Ấn Độ giáo, biểu thị rất rõ trong tục thờ linga và yoni – NTQH]. Song trong chú thích, một vài cách gọi tên nhân vật của Đào Thái Hanh có thể chưa chính xác: quỷ vương Ravana (Bavana), thần Shiva (vị thần sáng tạo và hủy diệt, có sức mạnh và quyền năng nhất trong vũ trụ), nàng Parvati (người vợ của thần Shiva). Cảnh được chạm khắc trên tảng đá trong truyền thuyết chính là cuộc đấu trí giữa quỷ vương Ravana và thần Shiva trên đỉnh núi Kaisala.

Hơn thế nữa, ở chú thích của Đào Thái Hanh, tảng đá được cho là “xây vào trong tường của một ngôi chùa ” [38, tr. 146]. Chúng tôi rất băn khoăn về chi tiết này. Trong các văn bản của truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân, phần lớn không có chi tiết nào đề cập đến việc tảng đá được xây kết dính vào tường, và khi điền dã, chúng tôi cũng nhận thấy tảng đá là đối tượng được đặt riêng để thờ, có thể di chuyển được. “Ngôi chùa” trong chú thích có khả năng là sự nhầm lẫn của người

135

viết hoặc người dịch vì không gian và kiến trúc đền/ miếu/ chùa ở làng xã nhìn chung không có sự khác biệt rõ rệt, ngoài đối tượng được thờ.

Lúc chúng tôi đến điền dã tại miếu và đặt câu hỏi về những sự vật được chạm khắc trên đá thờ, người đang trông coi miếu Kì Thạch phu nhân không thể lý giải ý nghĩa của những hình ảnh chạm nổi. Thực tế đã cho thấy xuất phát là một phù điêu của người Chăm nhưng trong tín ngưỡng thờ cúng, ý nghĩa của hình ảnh chạm nổi này không có giá trị cao, mặc dù phần nào minh chứng cho dấu ấn của văn hóa Chăm trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Vậy, điều quan trọng chính là tính linh thiêng của tảng đá/ vị thần trú ngụ trong đá hay nói cách khác là ở niềm tin của người dân đặt vào nó.

Do đó, đá thờ trong truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân và Thai Dương phu nhân là điểm nối giữa hư (truyền thuyết, thần linh) và thực (tín ngưỡng, cuộc sống đời thường). Vì thế, chỉ duy nhất sự tồn tại của đá thờ là đã đủ gây dựng và gia tăng niềm tin của cộng đồng vào tín ngưỡng và truyền thuyết.

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 137 - 141)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)