Chương 2. BIỂU TƯỢNG ĐÁ VÀ HỆ THỐNG NGHĨA CỦA BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM
2.1. Biểu tượng đá và các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới và Việt Nam
2.1.2. Các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới và Việt Nam qua các công trình nghiên cứu
“Biểu tượng phong phú hơn là một dấu hiệu, ký hiệu đơn thuần: hiệu lực của nó vượt ra ngoài ý nghĩa, nó phụ thuộc vào cách giải thích và cách giải thích thì phụ thuộc vào một thiên hướng nào đó. Nó đầy gợi cảm và năng động” [21; tr.XX]. Thế nên việc cụ thể hóa tất cả các lớp nghĩa của biểu tượng dường như là một điều bất khả thi. Tuy nhiên, ở tiểu mục 2.1, ngoài ý muốn phác họa con đường hình thành nghĩa của biểu tượng đá, hệ thống các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giải nghĩa, chúng tôi dựa vào việc tổng kết những lớp nghĩa của biểu tượng đá của kho tàng văn hóa thế giới trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant và các công trình nghiên cứu biểu tượng đá ở Việt Nam để nhận diện các lớp nghĩa của đá trong văn hóa Việt Nam. Sự tổng hợp này sẽ tạo nền tảng để chúng tôi kế thừa và triển khai cho mục 2.2. Các lớp nghĩa tiêu biểu của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.
Những đặc điểm của đá thường được con người chú ý đến gồm có: cứng rắn, độ bền vững cao, khả năng bị mài mòn thấp, không thể bẻ cong,… Tất cả có thể được xem là những nét riêng khu biệt đá với các dạng vật chất khác. Song khi chúng ta đề cập đến biểu tượng đá, nghĩa là đá không chỉ còn là một dạng vật chất, một dấu hiệu mà đã có sự gắn kết với tín ngưỡng, với huyền thoại,… để ẩn giấu giá trị biểu tượng. Đương nhiên, các đặc trưng riêng của đá cũng trở thành “cái tâm điểm quanh đó vận hành toàn bộ hoạt động tâm trí mà nó khơi động” [21, tr.XX], hay nói cách khác, đây chính là những cơ sở để trí tưởng tượng của con người được bay bổng và liên kết, hình thành các lớp nghĩa của biểu tượng đá. Vậy nên, với rất nhiều nét đặc trưng, đá đã là một biểu tượng đa nghĩa.
Hơn thế nữa, “biểu tượng luôn luôn đa chiều” [21, tr.XXVIII] và có “khả năng thâm nhập lẫn nhau” [21, tr.XXVIII]. Điều đó cho thấy một thực tế, các lớp nghĩa của đá không phải chỉ được xây dựng nên từ mỗi nét đặc trưng riêng biệt mà đôi khi còn là kết quả của sự liên hệ, xâu chuỗi đậm tính “tương quan” hay sự liên kết những mặt “đối kháng”/ “lưỡng cực” giữa các đặc điểm, thậm chí là những lớp nghĩa đầu tiên của đá. Ngoài ra, sự hình thành lớp nghĩa còn phụ thuộc vào văn hóa
33
và quan niệm của mỗi cộng đồng. Nghĩa của biểu tượng đá luôn ở dạng vận động, ngày càng được mở rộng và càng khó xác định hơn. Có lẽ chính vì những lý do trên nên Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, ngay từ phần giới thuyết về biểu tượng, đã nhấn mạnh công trình không phải là tập hợp tất cả nghĩa của biểu tượng, mà chỉ là những định hướng nghĩa.
Riêng với biểu tượng đá, chúng tôi xin được lập bảng hệ thống những định hướng nghĩa chính mà Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã thống kê để có thể thấy rõ lớp nghĩa, dạng thức đá và cộng đồng quan niệm. Ở đây, chúng tôi chỉ liệt kê các định hướng nghĩa của biểu tượng đá, không kể các dạng thức khác: đá ngầm, đá trời, ngọc thạch, ngọc trai….
STT NGHĨA BIỂU TRƯNG CỘNG ĐỒNG DẠNG THỨC
1 Liên hệ giữa trời và đất Một số dân tộc ở châu Úc, Bắc Mỹ, Inđônêxia, Hy Lạp
Cự thạch, đá thần, mô đá 2 Sự hiện diện của thần linh Hy Lạp, Ailen, Việt Nam Tảng đá dựng
đứng, phiến đá
3 Đất mẹ Hy Lạp, Trung Hoa, Việt
Nam
Hòn đá, tảng đá
4 Phục sinh linh hồn nhờ ân huệ của Chúa/ Sự cứu chuộc linh hồn
Đạo Kitô Đá
5 Sự sống ở trạng thái tĩnh Vùng Altai, người Mãn Châu Đá
6 Phì nhiêu Châu Phi Mảnh đá lửa
7 Giải phóng khỏi chất tự nhiên thô lậu
Các bộ tộc Chorti ở Mêhicô Lưỡi rìu đá mài nhẵn,…
8 Vong hồn tổ tiên hóa đá Mêhicô, Mông Cổ Đá cầu mưa, đá tình yêu,…
9 Sự có mặt đích thực của thánh thần
Miền Tiểu Á, Rome Tảng đá đen,…
10 Cầu sinh Ấn Độ, Bretagne Đá dựng đứng
11 Cầm giữ các hồn vía lành Dravidien, châu Úc Hòn đá, đá
34
hoặc dữ thủng, đá,…
12 Sự nhận thức thế giới Bộ tộc Peul Phiến đá dẹt 13 Linh hồn của cộng đồng Pêru, Xibia Đống đá,…
14 Chuyển vị từ trạng thái đục thành trong mờ
Thành Jérusalem Đá quý,…
15 Khôn ngoan, anh minh Đạo Kitô Đá thần,…
Thống kê của tác giả luận án về các định hướng nghĩa chính của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới [21, tr.268 - 274]
Đối với từng lớp nghĩa/ dạng thức của đá, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đưa ra những dẫn chứng cho thấy sự biến chuyển trong nghĩa của biểu tượng ở mỗi cộng đồng. Ví dụ người Do Thái xem đá được đẽo gọt để xây dựng đền thờ là “dấu hiệu về sự định cư của dân tộc mà Chúa đã chọn” [21, tr.269], thì hòn đá hình lập phương của hội Tam Điểm cũng thể hiện “tính ổn định, trạng thái cân bằng, hoàn tất và tương ứng với muối giả kim” [21, tr.269], trong khi đó hòn đá hình lập phương có chỏm nhọn là “biểu tượng của thứ đá tạo vàng: khối tháp nhọn ở bên trên khối vuông là hình ảnh của bản nguyên tinh thần đặt trên nền tảng của muối và đất” [21, tr.269]. Cũng có trường hợp cùng một loại đá nhưng sẽ có những nghĩa biểu trưng khác nhau: lưỡi tầm sét ở châu Phi là các mảnh đá trời rơi xuống biểu trưng cho sự “phì nhiêu” [21, tr.270], với bộ tộc Chorti lại là “biểu tượng của sét” [21, tr.270], hay bộ tộc Fang ở miền Gabon có truyền thống “đặt đá tầm sét vào giữa hai cẳng chân của người sản phụ để cho dễ đẻ” [21, tr.270],… Tác giả đã minh chứng cho sự giao thoa, đồng nhất/ khác biệt các nét nghĩa về đá ở nhiều tín ngưỡng, dân tộc, cộng đồng trên thế giới. Trong đó, mỗi cộng đồng kiến tạo và bảo lưu một nét nghĩa, mạch chảy riêng trong nguồn chung, góp phần làm nên sự phong phú và sống động của biểu tượng đá.
Từ câu chuyện về “vật được cắt làm đôi” [21, tr.XXIII] để những người chủ/
khách, người cho vay/ người đi vay, cha mẹ/ con, hai người sắp chia tay… nhận ra mối giao hảo ngày trước, “phân ly và tái hợp” [21, tr.XXIII] đã trở thành một đặc tính của biểu tượng. Vì vậy, việc xác định/ “tái hợp” nghĩa của biểu tượng trong bất kỳ văn bản nào sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và có một khả năng rất dễ xảy ra,
35
đó là nghĩa được người đọc “tái hợp” không đồng nhất với nghĩa được gởi gắm ban đầu. Ví dụ nhìn từ truyền thuyết dân gian Việt Nam, sự xuất hiện của biểu tượng đá trong văn bản, trên bề mặt ngôn ngữ, có thể chỉ đơn thuần là một dấu hiệu chỉ dẫn, có thể đơn lẻ hoặc mang tính lặp lại (motif người hóa đá, đá hóa người, vật hóa đá, đá thiêng,…). Theo chúng tôi, đây chính là một hình thức phân ly/ chia tách biểu tượng trong văn bản. Để giải mã một/ nhiều nét nghĩa được tác giả dân gian gói ghém trong tầng sâu của dấu hiệu chỉ dẫn, chúng tôi sẽ nhìn nhận từ nhiều góc độ:
Thứ nhất, khả năng tiếp nhận của người đọc dựa vào vốn tri thức họ có.
Người đọc, “kẻ cảm nhận được một quan hệ biểu tượng sẽ đứng ở vị trí trung tâm của vũ trụ” [21, tr.XXVIII] để có thể nhận diện được tất cả các chiều nghĩa của biểu tượng. Những điều chưa biết có thể sẽ vẽ ra một khoảnh không gian hạn định trí tưởng tượng của con người về “tiềm năng” nghĩa của biểu tượng. Do vậy, trong quá trình kiến giải nghĩa, người tiếp nhận phải ý thức “tránh cho là ngông cuồng tất cả những gì vượt quá sự hiểu biết của chúng ta” [21, tr.XXX]. Bên cạnh tri thức, ở sự tiếp nhận của người đọc, cảm quan cá nhân về thế giới và khuynh hướng cảm xúc cũng sẽ ảnh hưởng đến việc định hình nghĩa cho biểu tượng. Chính bởi những lý do trên, mặc dù cùng tiếp cận một biểu tượng, giữa các cá nhân người đọc sẽ có độ chênh khác nhau trong kiến giải nghĩa.
Thứ hai, nghĩa quy ước của cộng đồng hay là nghĩa thống nhất mà cả cộng đồng đã đồng thuận và bảo lưu cho biểu tượng. Đây là nghĩa mà cá nhân người đọc phải truy tìm trong tổng phổ văn hóa của cộng đồng. Song cũng có trường hợp với người đọc, là một cá nhân sinh ra và trưởng thành trong không gian của cộng đồng, nghĩa quy ước dường như đã ảnh hưởng một cách vô thức, trở thành nếp nghĩ/ nếp cảm của người đọc trước biểu tượng. Điều này ẩn chứa cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tích cực khi người đọc có được nền tảng tốt để tiếp cận và kiến giải nghĩa biểu tượng, và tiêu cực khi sự tự do, sáng tạo của người đọc bị giới hạn bởi chính nếp nghĩa đó. Tuy nhiên, không thể loại trừ nghĩa quy ước trong quá trình nghiên cứu biểu tượng bởi vì nó tồn tại như là phông văn hóa của biểu tượng.
Thứ ba, sự liên kết giữa dấu hiệu chỉ dẫn của biểu tượng với các chi tiết khác trong văn bản. Thật ra, không chỉ gói gọn trong những chi tiết khác của văn bản mà ngay cả tín ngưỡng, văn hóa cũng được xem là “bè đệm hiện sinh” [21, tr.XXVIII] của
36
biểu tượng. Người ta gọi đó là “vầng hào quang sáng rỡ trong đó biểu tượng được phát hiện” [21, tr.XXIX]. Nếu bỏ qua các mối quan hệ này và không đặt biểu tượng trong tổng thể môi trường sống của nó thì khó có thể nắm bắt được nghĩa của biểu tượng.
Từ cả ba điểm trên, chúng tôi nhận ra việc “tái hợp” nghĩa của biểu tượng đá trong bất kỳ văn bản nào sẽ vừa mang tính khách quan vừa đậm dấu ấn cá nhân. Có thể thấy hệ thống nghĩa của biểu tượng đá đã được các nhà nghiên cứu “tái hợp”
trong các công trình đề cập đến ở chương 1 là cả một hành trình bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố. Ở đó, sự giao thoa về nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại cũng thể hiện rất rõ.
Thờ đá xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, nghĩa là niềm tin mọi sự vật xung quanh đều có một vị thần an trú. Các công trình nghiên cứu về tín ngưỡng thờ đá từ Văn hóa tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt (Leopold Cadiere), Tìm hiểu văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á (Đinh Gia Khánh), Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam (Nguyễn Duy Hinh) cho đến “Thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam” (Nguyễn Việt Hùng) đều khẳng định đá có một nét nghĩa đầu tiên, đó là sự hiện diện của thánh thần. Khi xem đá biểu trưng cho “sự có mặt đích thực” [21, tr.271] thì đồng thời các nhà nghiên cứu cũng để người đọc ngầm hiểu về đá – nơi trú ngụ của vị thần. Vì lẽ này, đá luôn được người Việt thờ phụng ở nơi tôn nghiêm, tránh những sự đụng chạm được coi là vô lễ với đá/ vị thần đá, nếu không sẽ bị thần quở trách.
Tương tự những công trình trên, cũng từ tín ngưỡng thờ đa thần, trong tiểu luận “Truyền thuyết dân gian xứ Bắc về các thần tự nhiên”, Nguyễn Huy Bỉnh nối tiếp nét nghĩa sự hiện diện của vị thần đá trong truyền thuyết dân gian. Ngoài ra, kết nối tín ngưỡng thờ đá và văn học dân gian, chuyên luận Sự tích vọng phu và tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam của Nguyễn Việt Hùng, bài viết “Thử nhận diện dấu vết tín ngưỡng Chăm qua nhóm truyện cổ người Việt ở Thuận Hóa” của Hồ Quốc Hùng nhấn mạnh một lần nữa vai trò của vị thần trong đá. Song đá không chỉ gói gọn trong biểu trưng về “vong hồn các tổ tiên đã hóa đá” [21, tr.270] mà ở chuyên luận và bài viết trên, đá biểu hiện cho sự “cố định và an ủi, giữ lấy vong hồn tổ tiên, để tạo nên màu mỡ cho đất và thu hút nước mưa” [21, tr.270], đồng thời cũng là hình ảnh của thần linh phù trợ. Đặc biệt, ý nghĩa đá cầu mưa đã chứng tỏ sự liên hệ mang
37
tính sức mạnh thiêng liêng giữa đá và nước. Ở hai công trình, Nguyễn Việt Hùng và Hồ Quốc Hùng đều phản ánh sự tiếp nhận văn hóa Chăm trong tín ngưỡng thờ đá/
truyện cổ của người Việt. Trong khi đó, với “Truyền thuyết Thạch tướng quân trong mối quan hệ với tín ngưỡng thờ đá”, Nguyễn Huy Bỉnh đã nói lên sự có mặt của thần Thạch tướng quân trong những di vật đá thiêng tại xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Điều đáng chú ý là đá thiêng ở Tiên Lát hội tụ cả hình ảnh của thần linh và tổ tiên.
Riêng trường hợp đá mồ côi Nguyễn Mạnh Tiến nhắc đến trong Những đỉnh núi du ca – một lối tìm về cá tính H’Mông là một nét nghĩa khác, được quy định bởi cộng đồng người H’Mông. Họ lấy chính tâm thức của mình để kiến tạo một lớp nghĩa cho đá, như là một công cụ để giải tỏa cảm xúc và nỗi đau mồ côi. Ở nghĩa biểu thị này, chúng tôi chưa tìm được sự giao thoa với hệ thống định hướng nghĩa của biểu tượng đá mà Jean Chevalier và Alain Gheerbrant nêu ra trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới.
Khác với tất cả các tác giả trên, Trần Thị An lại định hình giá trị biểu trưng của đá cụ thể ngay trong bài viết “Những biểu tượng không gian thiêng trong truyền thuyết dân gian người Việt”: không gian đá – sự sống trong trạng thái tĩnh. Theo cá nhân chúng tôi, đây có thể được xem là nghĩa tổng quát, phổ biến nhất của biểu tượng đá bởi lẽ dưới cái vỏ đá tưởng vô tri vô giác lại ẩn chứa bóng dáng của một vị thần, những phép thiêng với sức mạnh vô biên để liên kết trời – đất, con người – thần linh và thậm chí nắm giữ quyền năng sinh sản. Đương nhiên sự sống không chỉ hạn hẹp trong việc giãn nở/ mài mòn của đá mà ngầm truyền thông điệp về cái vĩnh cửu và bất biến của biểu tượng đá.
“Ý nghĩa của biểu tượng bộc lộ ra trong cái vừa là gãy vỡ vừa là nối kết những phần của nó đã vỡ ra” [21, tr.XXIII] cho nên việc truy tìm nghĩa của biểu tượng trong văn học dường như càng khó khăn hơn. Trong tình hình nghiên cứu về đá hiện nay ở Việt Nam, số lượng công trình khá giới hạn, đặc biệt tiếp cận từ hướng biểu tượng lại càng ít, do đó các lớp nghĩa được chúng tôi thống kê sơ lược ở trên chỉ mới là sự bắt đầu cho quá trình khám phá biểu tượng đá. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về đá đã định hướng cho chúng tôi trong hành trình tái hợp nghĩa cho biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.
38
2.2. Các lớp nghĩa tiêu biểu của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam
Trên cơ sở khảo sát 71 truyền thuyết có biểu tượng đá và định hướng nghĩa của Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Jean Chevalier và Alain Gheerbrant), chúng tôi cho rằng biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam có bốn lớp nghĩa tiêu biểu: sự sống trong trạng thái tĩnh, sự tái sinh trong ngưỡng vọng, sự hiện diện của thần linh, ý niệm chuyển vị. Tất nhiên, như chúng tôi đã đề cập đến trong mục 2.1, sự sống trong trạng thái tĩnh là lớp nghĩa phổ quát nhất và có khả năng bao hàm cả những lớp nghĩa khác. Song chúng tôi vẫn muốn tách các lớp nghĩa thành những phần riêng biệt vì hai lý do: 1. Mỗi lớp nghĩa đều biểu thị phong phú và khá rõ trong văn bản, 2. Chúng tôi có thể đi sâu phân tích kỹ hơn, nhằm làm rõ những chuyển biến sắc thái trong nghĩa của biểu tượng đá.