Tín ngưỡng thờ đá

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 125 - 131)

Chương 4. BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THAI DƯƠNG

4.2. Biểu tượng đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch

4.2.1. Tín ngưỡng thờ đá

Người Chăm giống như người Việt và các dân tộc Đông Nam Á khác quan niệm vạn vật hữu linh, mọi sự vật trong tự nhiên, vũ trụ đều linh thiêng. Đó chính là quan niệm đa thần, nguyên khởi của tín ngưỡng thờ đa thần, nghĩa là sông, núi, đất, cây,… đều có một vị thần cai quản/ trú ngụ. Trong tâm thức của người Việt, tín ngưỡng đa thần này chiếm một vị trí không nhỏ. Vì thế, trên vùng đất châu Ô, châu Rí, hầu hết sự vật mới mẻ và lạ lẫm, rừng thiêng, nước độc, nên niềm tin vào tính linh, tính thiêng của mỗi sự vật lại càng tăng thêm. Chúng tôi thiết nghĩ, điều này cũng là sự bấu víu về tinh thần để họ vượt qua nỗi sợ hãi.

Trong vạn vật hữu linh, đá được xem là sự vật gắn kết, song hành với đời sống của con người cổ xưa nhất. Khi sinh ra, con người sống trong hang đá; trong đời

120

sống hàng ngày, đá là vật tạo ra lửa để sưởi ấm, nấu chín thức ăn và cũng là công cụ sản xuất; cuối cùng, đá là nơi trú ngụ an yên, bền vững cho linh hồn con người. Do vậy, đá không chỉ là một sự vật vô tri vô giác mà thật sự có mối liên hệ chặt chẽ với con người và đời sống tâm linh.

Đặc biệt, trong đời sống tín ngưỡng của người Chăm, đá giữ một vai trò quan trọng. Người Chăm không chỉ thờ cúng những hòn đá/ tảng đá nguyên khối, thô mộc, họ còn là dân tộc nổi tiếng với điêu khắc đá, “đẽo đá như đẽo gỗ”, cho nên trong các đền tháp, đá là vật liệu chính để kiến tạo tượng, phù điêu, bệ thờ. Từ những tư liệu về tục thờ đá mà chúng tôi khảo sát, một thực tế là ngay trong tín ngưỡng thờ đá, người Chăm cũng có sự đa dạng và phong phú về các ý niệm, ví dụ như: người Chăm thờ thần Đá trong dạng biểu tượng về thần Shiva – những sinh thực khí, hay tục thờ kút – mộ chí của người Chăm Bàlamôn được làm bằng đá và có nhiều kiểu tạo tác khác nhau (đá được đẽo gọt, có hình trang trí,…) [98], thờ tảng đá ngầm để cầu bình yên khi ra khơi,...

Ngoài việc có thể bắt gặp đá ở những nơi trang trọng, tôn nghiêm, người Việt dễ dàng cảm nhận được sự kính ngưỡng và tôn thờ của người Chăm dành cho đá.

Hơn thế nữa, người Việt vốn cũng thờ đá (tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ chó đá).

Do đó, kết hợp với tín ngưỡng thờ đá vốn có cùng với sự kính ngưỡng đá của người Chăm, niềm tin vào tính thiêng của đá trong người Việt dường như nhân lên gấp bội. Chắc chắn, trong đó, nỗi sợ hãi của người Việt trước đá được thờ của người Chăm là điều có thật và có sức ám ảnh mạnh mẽ hơn rất nhiều so với bản nguyên thờ đá của mình. Vậy nên, chính tâm lý sợ hãi đã phần nào khiến người Việt có khuynh hướng “bắt chước”, thờ theo. Thậm chí, áp lực của nỗi sợ hãi cùng với sự phổ biến, đa dạng đá thờ của người Chăm đẩy người Việt vào tình trạng “nhiễu thông tin”, có thể thờ bất kỳ tảng đá/ hòn đá/ đá được điêu khắc nào trên đất châu Ô, châu Rí, đất của người Chăm (như trường hợp đá thờ tại miếu Kì Thạch phu nhân).

Từ truyền thuyết về Thai Dương phu nhân, Kì Thạch phu nhân và thực trạng đá thờ, hai điều kiện để dẫn đến hiện tượng trên: một là đá trên đất Chăm, đặc biệt đá xuất hiện trong không gian thờ cúng tôn nghiêm; hai là đá có liên quan đến các chi tiết trong những câu chuyện về tín ngưỡng thờ đá của người Chăm. Cần khẳng định rằng, trong tín ngưỡng thờ đá của Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân, bên

121

cạnh sự ảnh hưởng từ tín ngưỡng Chăm, còn có các yếu tố Việt hóa mang tính chất dung hòa của người Việt.

Đối với trường hợp Kì Thạch phu nhân, mặc dù đá xuất hiện trong truyền thuyết chưa được miêu tả một cách kỹ càng nhưng nó là đại diện cho ý niệm về một vị thần. Khi hình dáng và những nét chạm trổ trên tảng đá được miêu tả trong văn bản của Đào Thái Hanh, người đọc có thể tường tận hơn nỗi kinh hãi của ngư phủ, vì có thể họ đã nhìn thấy phù điêu ở những nơi thờ tự của người Chăm [nhưng họ không hiểu nhân vật quái dị được khắc chạm trên phù điêu là ai và chức năng của phù điêu là gì – NTQH]. Điều ấy kết hợp với nỗi e sợ trước không gian định cư mới, cùng việc thiếu thông tin về văn hóa bản địa đã gây ra sự sợ hãi ở nhân vật ngư phủ. Vì thế, đá trong truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân ẩn chứa lớp tín ngưỡng thờ đá gần với bản nguyên của thờ đa thần. Ở đó, trước hết là sự đồng cảm, gần gũi trong quan niệm về vật linh giữa người Việt di cư và người Chăm bản địa.

Cần biết rằng “trong tín niệm của người Chăm có một vị nữ dâm thần, tiếng Chăm gọi là Tàrỉ, thường sống lang thang ở những nơi hang sâu cùng cốc, những người đàn ông đi rừng hay bị vị này chòng ghẹo. Vị thần này hay nương mình trong các hòn đá, ngày nay nếu chúng ta có dịp đi vào rừng sâu thấy những hòn đá trên đó được đánh ba vạch vôi theo hình tam giác (hai mắt một mũi) thì đấy là biểu tượng của vị này” [74, tr.67]. Như vậy, ý niệm về một vị thần trú ngụ trong đá mà chúng tôi nêu ở trên có khả năng là vị nữ dâm thần. Theo chúng tôi, có thể giả định: trong một trường hợp/ không gian nào đó, ngư phủ đã được nghe loáng thoáng câu chuyện về đá và vị nữ thần Tàrỉ. Đến thời điểm bắt gặp hòn đá kỳ lạ cứ bám theo mình, lại có một nhân vật nữ xuất hiện thần kỳ trong giấc mộng để nói về sự tồn tại của bà và hòn đá thì việc ngư phủ gắn kết, xâu chuỗi hai câu chuyện (huyền thoại và đời thực) là điều dễ hiểu và đương nhiên. Cũng bởi không thấu đáo văn hóa bản địa nên có thể từ một vị nữ dâm thần trú ngụ trong đá ở rừng sâu lại trở thành đá ở vùng sông nước. Dường như sự thiếu thông tin đã trở thành khoảng trống để người Việt khỏa lấp bằng những yếu tố thuộc về không gian sinh sống của họ.

Tảng đá được thờ là một sản phẩm tinh thần phục vụ tín ngưỡng của người Chăm cho nên, dẫu chưa bàn đến ý niệm về vị nữ dâm thần trú ngụ trong đá, đá thờ trong truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân đã được phủ một lớp vô hình của nỗi sợ hãi trước tín ngưỡng Chăm cùng với một lớp “hữu hình” của những hình thù kỳ lạ

122 chạm trổ trên đá của văn hóa Chăm.

Chúng tôi cụ thể hóa các lớp ý niệm để hình thành nên tín ngưỡng thờ đá của đá trong truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân như sau:

Đá có chạm trổ tinh xảo Của người Chăm

1. Đá – vật thiêng (tục thờ đá của người Việt)

2. Đá – vật thiêng trên mảnh đất hoàn toàn mới (thần linh của người Chăm) [nỗi sợ vô hình – NTQH]

3. Đá có hình thù kỳ lạ được chạm khắc (xuất hiện trong đền miếu người Chăm) [nỗi sợ hữu hình – NTQH]

4. Đá là nơi trú ngụ của vị nữ dâm thần Tàrỉ trong tín ngưỡng của người Chăm [nỗi sợ hữu hình – NTQH]

Như thế, đá thờ trong truyền thuyết về Kì Thạch phu nhân là sự tích hợp của nhiều ý niệm về đá, nảy sinh từ những nỗi sợ vô hình và hữu hình của người Việt khi đến định cư vùng đất mới. Trong đó, có sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ đá và tín ngưỡng thờ nữ thần [chúng tôi sẽ trình bày kỹ về tín ngưỡng thờ nữ thần ở mục 2.2].

Trường hợp đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân lại mang một ý niệm khác liên quan đến tục thờ tảng đá ngầm của người Chăm.

Trước tiên, dân tộc Chăm mang đậm dấu ấn văn hóa biển. Theo Inrasara, “nếu người Việt kêu: trời đất ơi, thì người Chăm: Trời biển ơi (Lingik tathik lơy). Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Chăm thì khác: dưới chân họ là mênh mông biển nước” [93], và “tổ tiên Chăm xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển” [93]. Trong đời sống tâm linh, người Chăm thờ thần Sóng (Po Riyak) và thần Biển (Yang Tathik). Đặc biệt thần Biển giữ một vị thế quan trọng trong tín ngưỡng Chăm, vì “những lúc lên rừng xuống biển (Trun tathik đik glai) gặp bao bất trắc hiểm nguy, Chăm luôn cậy đến Thần Biển phò trợ độ trì” [93]. Ngoài biển khơi bao la, bất trắc không chỉ đến từ sóng, từ trời, mà còn xuất hiện từ đáy biển với những tảng đá ngầm, hiểm họa không thể nhìn thấy và lường trước được. Bên cạnh ngưỡng vọng thần Biển, “người Chăm thường thờ những tảng đá ngầm để cầu mong bình yên cho những lần ra khơi” [49, tr.27].

Người Việt đến định cư ở xứ này, do đồng bằng miền Trung nhỏ hẹp, sở trường trồng lúa nước khó có thể phát huy. Nghề đi biển là một trong những lựa

123

chọn phù hợp để mưu sinh. Trong bài viết “Thích ứng với biển của người Việt – nhìn từ khía cạnh sinh kế và tín ngưỡng thờ thần biển của cư dân ven biển (Khảo sát từ một số cộng đồng ngư dân ven biển Bắc Trung Bộ, Việt Nam)” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6/2015), dựa trên các kết quả của khảo cổ học, Trần Thị An đã cho thấy không chỉ người Việt cổ thích ứng sớm với biển mà hướng khai thác biển đã trở thành một sinh kế truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Vậy nên, trong cuộc chiến sinh tồn ở vùng đất mới, họ đã thẩm thấu văn hóa biển của người Chăm một cách tinh tế. Trong tâm thức của người Việt, cùng với quan niệm đa thần, núi sâu và biển cả là hai thế giới linh thiêng của các vị thần mà con người vẫn chưa thể làm chủ, hay có quyền tự quyết. Trước mỗi cơn bão càn quét, mỗi biến đổi của biển, người đi biển chỉ có thể đặt số mệnh và may mắn của mình vào thần linh. Chính nỗi e sợ vì những điều chưa thể chạm đến đã hình thành nên niềm tin: chỉ cần tôn trọng và thờ phụng đầy đủ, thần sẽ phù hộ độ trì. Tất cả đã khởi nguồn cho việc người Việt tiếp nhận và hội nhập vào điện thờ của mình các vị thần biển của người Chăm.

Người Việt sinh sống bằng nghề đi biển có tục thờ Cá Ông (sự tiếp nhận và cải biên từ vị thần Sóng Po Riyak của người Chăm) và thờ đá ngầm.

Với người Việt xưa, các tín niệm về biển của người Chăm, cư dân biển tiến, là những kinh nghiệm quý báu. Quá trình xâm nhập của tục thờ đá ngầm ở biển vào tín ngưỡng thờ đá của người Việt có thể là vô thức hoặc do người Việt hoàn toàn chủ động. Ở đây, chúng tôi thiên về sự chủ động tiếp nhận của người Việt. Bởi lẽ trong các văn bản truyền thuyết về Thai Dương phu nhân, niềm tin vào đá/ vị thần trú ngụ trong đá vượt ra khỏi phạm vi quần chúng nhân dân mà còn ở các vị vua quan triều Nguyễn. Chúng tôi nghĩ rằng việc vua các triều đại nhà Nguyễn đến cầu đảo tại miếu vừa thể hiện sự tôn trọng của nhà nước đối với thần linh bản địa của xứ sở mới, vừa có thể là một hình thức để tập hợp lòng dân.

Tục thờ đá của các cư dân ven biển miền Trung đã được Cadière miêu tả trong công trình Văn hóa tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt như là một hình thức tín ngưỡng thực hành của người Việt, xuất phát từ tâm lý e sợ nguy hiểm mà những tảng đá ngầm đó gây ra, “Những vị thần ấy, vị thần cư ngụ ở đó, chẳng qua là đặc thù hiểm trở thiên nhiên của địa điểm, ảnh hưởng tai họa của nơi được nhân cách hóa. Giữa thần và địa điểm đó có một sự gắn bó mật thiết, thần là chính thần

124

của địa điểm” [19, tr. 277]. Cụ thể hơn, ở trường hợp Thai Dương phu nhân, đó chính là hình thức thờ cúng kết hợp giữa tục thờ Đá (tảng đá ngầm) và thờ nữ thần.

Việc thờ thần đá ngầm trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân không chỉ đơn thuần là “cầu xin những vị thần có thái độ thù địch, coi như trú tại những khối đá này đừng làm hại họ” [49, tr.27], còn bao hàm cả vị thần bảo trợ, may mắn để mỗi chuyến ra khơi bình yên và tôm cá đầy thuyền. Vì thế, xét về ý nghĩa, vị thần bảo trợ trong truyền thuyết mang cả dáng dấp vị thần Biển (Yang Tathik) trong ý niệm của người Chăm mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên [Việc định giới cho vị thần trú ngụ trong đá là nữ, chúng tôi sẽ trình bày ở mục 2.2].

Dựa trên kết quả điền dã và khảo sát, trong bài viết “Thử nhận diện dấu vết tín ngưỡng Chăm qua nhóm truyện cổ người Việt ở Thuận Hóa”, Hồ Quốc Hùng đã cho rằng tục thờ đá đã xuyên thấm vào truyện cổ dân gian, tạo thành một nhóm truyện độc đáo của vùng Thuận Hóa, minh chứng cho sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tục thờ đá ngầm trong đời sống của người Việt.

Theo chúng tôi, biểu tượng đá của truyền thuyết về Thai Dương phu nhân gồm có những lớp ý niệm sau:

Đá

1. Đá – vật thiêng (tục thờ đá của người Việt) 2. Đá – tảng đá ngầm (thần linh của người Chăm) 3. Đá – thần Biển (thần Yang Tathik)

Đá thờ ở Thai Dương phu nhân cũng là sự tích hợp của rất nhiều ý niệm về đá, kết hợp cả bản nguyên tục thờ đá của người Việt và thờ đá, thờ thần Biển của người Chăm. Điểm khác biệt so với trường hợp đá thờ của Kì Thạch phu nhân là đá thờ ở Thai Dương phu nhân hoàn toàn xuất phát từ nỗi sợ hãi vô hình của ngư phủ về những thế lực thần linh đang song hành tồn tại. Ngoài sự ảnh hưởng từ đời sống tâm linh của người Chăm, sự tích hợp và dung hòa các ý niệm trong đá thờ ở đây chính là dấu ấn của người Việt. Họ đã tiếp biến tín ngưỡng Chăm, biến yếu tố thần linh bản địa thành các ý niệm trong tín ngưỡng riêng của mình.

Vì vậy, đá thờ ở Kì Thạch phu nhân và Thai Dương phu nhân tưởng như chịu ảnh hưởng hoàn toàn tín ngưỡng, văn hóa Chăm nhưng thật ra chỉ là sự vay mượn vỏ bọc hay liên kết các những ý niệm trong tín ngưỡng của người Chăm. Thực trạng

125

này hình thành từ nguyên nhân sâu xa là tâm lý sợ hãi của người ưa định cư phải di cư, thiếu kiến thức về văn hóa bản địa và “mong muốn chủ quan” dung hòa tín ngưỡng của người Việt.

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 125 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)