Hình thức thờ cúng

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 141 - 146)

Chương 4. BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THAI DƯƠNG

4.2. Biểu tượng đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch

4.3.2. Hình thức thờ cúng

Trong các văn bản ghi chép, cả hai vị nữ thần, Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân, đều được nhà Nguyễn sắc phong nên việc tu sửa đền miếu và thờ cúng rất được nhân dân chú trọng, hương khói tôn nghiêm.

Thứ nhất, việc tu sửa đền miếu

Miếu Thai Dương phu nhân trước kia được các văn bản truyền thuyết ghi chép là “ngôi miếu cỏ phụng thờ” [37, tr. 173] hoặc là “một ngôi đền bằng tranh tre ở ấp Đông Thái” [2, tr. 224], sau đó cũng đã được xây dựng khang trang hơn. Theo Phan Thuận An, vào năm 1897, cửa biển Thuận An mới trổ ra, ngôi đền bị hư hỏng nên vua Thành Thái đã cấp tiền để xây dựng một ngôi đền khác tại ấp Phú Ninh [địa điểm hiện nay, ở đầu cầu Thuận An cũ – NTQH]. Đến năm 1947, trong chiến dịch Tiêu thổ kháng chiến, ngôi đền bị hư hỏng nặng và mãi đến năm 2006, dân làng tự nguyện đóng góp để xây dựng lại đền, lễ An vị mới được diễn ra (10/3/2006). Đền hiện tại có khuôn viên khá rộng rãi, và khang trang. Song so với phần sân đền rất rộng thì không gian điện thờ lại khá hẹp, chỉ có thể 2 – 3 người vào thắp hương một lần. Người trông coi đền giải thích kiến trúc ấy nhằm phục vụ các dịp lễ tế tại đền do ở thời điểm đó, rất đông quan khách và người dân về dự lễ. Kiến trúc chạm trổ

136

của đền Thai Dương phu nhân đã có sự ảnh hưởng từ những nét tín ngưỡng, văn hóa khác trong không gian đền và điện thờ, ví dụ:

- Nóc mái có lưỡng long chầu lân.

- Bờ nóc đắp hình phụng múa.

- Vách hai bên phía ngoài của điện thờ có hình vẽ hai con hạc đứng trên lưng rùa.

- Trên hoành phi có hình ba ông: Phước, Lộc, Thọ.

[Xin xem ở phụ lục 2 - NTQH]

Tất cả những hình ảnh khiến đền Thai Dương phu nhân mang dáng dấp gần giống với đình làng, cho nên không chỉ người đến thắp hương thấy băn khoăn mà ngay cả những người trẻ ở làng cũng nhầm lẫn đền với đình làng. Những chi tiết này phản ánh khuynh hướng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, của người Việt.

Trong một không gian đền thờ, họ có thể tích hợp rất nhiều vị thần để cùng thờ phụng, đôi khi dẫn đến việc không biết mình thờ ai như Đinh Hồng Hải đã đề cập đến trong Các vị thần hay nhiễu loạn không gian tôn nghiêm như trường hợp trên.

Miếu Kì Thạch phu nhân được Đào Thái Hanh miêu tả như sau: “Miếu ấy chỉ làm bằng một gian, chỉ có một cổng vào nhìn ra sông Thanh Phước; chỉ có sơ sài vài đồ thờ bằng gỗ: đèn, lư trầm, cổ bồng. Chúng được đặt trên một bàn thờ bằng gạch xây. Ở phía trước có một cái bệ cũng bằng gạch, dùng để đặt một tảng đá dựa vào tường” [38, tr. 144]. So với đền Thai Dương phu nhân, miếu Kì Thạch phu nhân không có sự thay đổi về địa điểm tọa lạc và vẫn được giữ gần như nguyên trạng từ trước đến giờ. Miếu nhỏ, nằm ở góc quanh của sông tạo cảm giác miếu lẩn khuất, u tịnh giữa không gian cây xanh. Mặt miếu hướng về sông nên tầm nhìn từ miếu khá rộng, thoáng. Phía trước miếu có một con đường nhỏ bao theo bờ sông, người trông coi miếu bảo rằng ngày xưa hiếm người đi qua con đường đó, bởi người dân sợ cái vía của Bà (vị thần Kì Thạch phu nhân). Người dân cũng không dám bẻ cây hái lá trong khuôn viên của miếu vì họ sợ Bà quở phạt. Hiện nay, đồ thờ trong miếu đầy đủ hơn và miếu cũng đã được tu bổ. Tuy nhiên, các chi tiết được thêm vào trong không gian phía trước gian miếu dường như không gắn kết với tín ngưỡng thờ đá mà dựa vào tâm lý của cộng đồng, ví dụ chạm vẽ hình nam thanh ở tường trái/ phải của phía trước gian miếu như đang đứng hầu bà trong miếu. Sự lựa chọn hình ảnh nam có liên quan đến quan niệm “trọng nam” ở một số làng xã [nữ

137

giới không được vào những nơi tôn nghiêm (đình làng/ điện thờ/…), không được đụng đến bàn thờ/ gian thờ tổ tiên – NTQH] và quan niệm không chính danh về việc Bà thường thích nam giới hơn nữ giới [có thể âm - dương là nguyên khởi của quan niệm này – NTQH].

Thứ hai, về việc thờ cúng và tế lễ

Trong khía cạnh này, các văn bản truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân ghi chép rất sơ lược.

Đối với đền Thai Dương phu nhân: “Ngư dân trong vùng nghe đền linh thiêng thường đến tế lễ” [87, tr. 173], “ngày tế hàng năm ở đây là 23 tháng Chạp âm lịch”

[2, tr. 225]. Đặc biệt, việc tế lễ ở đền Thai Dương còn có hình thức dùng người/ vật để tế thần: “Hằng năm, tới lễ tế thần vào mùa rét, phải dùng một thiếu nữ làm vật hy sinh để tế thần. Sau thấy hại đến sinh mạng người, bèn thay thế bằng một con bò, kỳ tế tất có lễ giáng thần, gọi là Thai Dương thần nữ” [14, tr. 93]. Lễ tế Thai Dương phu nhân được tổ chức hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Quá trình lễ tế được giao cho làng tổ chức. Hiện nay, việc dùng vật để tế thần ở đền Thai Dương phu nhân không còn nữa.

Đối với miếu Kì Thạch phu nhân: “Dân làng hằng năm tổ chức cúng vái và cứ ba năm một lần thì tổ chức đua trải, cầu mong cho dân làng làm ăn thịnh vượng. Địa điểm đua là quãng sông trước mặt miếu bà” [14, tr. 95]. Tế lễ vẫn được diễn ra hàng năm cùng ngày với lễ tế ngài khai canh của làng Thanh Phước [ngài Thành hoàng Phan Niệm, người theo vua Lê Thánh Tông vào Bình Chiêm đánh giặc - NTQH]:

ngày 22/6 âm lịch. Vì vậy, làng đứng ra lo việc tế lễ. Còn việc hương khói hàng tháng tại miếu Kì Thạch phu nhân vào ngày rằm và 30, mùng 1 do người trông coi miếu quản lý [kinh phí là khoản tiền các đoàn đến thắp hương tại miếu gửi lại cho người trông coi. Đây là khoản tiền tùy tâm - NTQH].

Đua trải thường được tổ chức vào ngày 22/6 hoặc ngày vía 10/7 âm lịch. Ông Phan Cà khẳng định rằng Bà rất thích đua trải, và ghe nào đem mâm trầu cau đến trình Bà trước khi đua cũng được Bà độ trì, không về nhất, cũng về nhì. Sau khi thắng giải, các đội thường đến báo tin, tạ ơn bà và vắt dải vải đỏ trên cây phía trước miếu. Ngoài ra, xung quanh việc đua trải ở quãng sông trước miếu còn có rất nhiều câu chuyện thần bí về sự hiển linh của Bà.

138

Hình thức thờ cúng ở đền Thai Dương phu nhân và miếu Kì Thạch phu nhân có những đặc điểm sau:

Lễ tế Thai Dương phu nhân thường được tổ chức trong 4 ngày, kéo dài từ ngày 20 đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, trong đó ngày 23 là chính lễ, sẽ có lễ rước Bà từ đền thờ về đình làng để làm lễ tế. Dân gian Huế thường truyền tụng bài ca dao mô tả các nghi thức Mộc dục (tắm tượng) và trang điểm cho pho tượng Bà tại đền thờ như sau: Hai mươi làm tốt/ Hai mốt xỏ tai/ Hăm hai đeo hoa/ Hăm ba đưa về (Hoặc: Hăm ba tế Giàn).

Lễ Mộc dục ở đền Thai Dương phu nhân có nét gần gũi với lễ tắm tượng của người Chăm trong lễ cúng chính thức nữ thần Po Ina Nagar (lễ Cambur) vào tháng 9 lịch Chăm, lễ tục phổ biến trong tín ngưỡng thờ nữ thần. Tuy nhiên, dễ dàng nhận ra vai trò của đá đã có sự thay đổi trong tín ngưỡng thờ cúng tại đền Thai Dương phu nhân, bởi lẽ hình thức tế lễ rất gần với tín ngưỡng thờ nữ thần.

Ở miếu Kì Thạch phu nhân, người dân đến thắp hương thường cúng dường vải lụa, “áo” cho tượng. Người trông coi mỗi tháng lại thay áo cho Bà một lần. Nếu không được phép của người trông coi thì hầu hết những người đến thắp hương không thể nào nhìn thấy những nét chạm nổi trên tảng đá. Người Chăm cũng có tục cúng lễ các hiện vật (áo, váy, khăn trùm đầu, dây lưng,…) và mặc y trang cho tượng thần song việc đó chỉ diễn ra trong mỗi dịp cúng lễ, hội hè hàng năm và do Bà bóng thực hiện. Trong Xứ trầm hương, nhận xét về việc thờ cúng hiện nay ở Tháp Bà tại xứ Kaut Hara (Cù Huân) là Poh Nagar (hay Po Ino Nogar) [người Việt gọi là Thiên Y A Na – NTQH], Quách Tấn đã cho rằng “Hình tượng nữ thần bằng đá xanh (sa thạch), cao lớn, ngồi xếp bằng trên một bệ cao rộng cũng bằng đá sa thạch… Y phục chạm khắc như thường thấy ở các tượng thần của người Chăm… Nét chạm trổ cực kỳ tinh vi, vừa sắc sảo, vừa dịu dàng trông như người thật. Nhưng rất tiếc, người Việt lấy sơn sơn mặt tượng, rồi vẻ mày, vẽ mặt một cách vụng về, lại choàng vào thân nào cẩm bào đội lên đầu một chiếc ngọc miện, hoa hoè loè loẹt, trông như một tượng gỗ, một tượng đất do thợ tay ngang tạo nên. Về mặt mỹ thuật thì bị giảm sút, nhưng về mặt tinh thần thì lại gia tăng, vì tượng thần đã hoàn toàn Việt Nam hoá, trông vào không còn chút dấu tích gì của Chiêm Thành” [75, tr. 171]. Chúng tôi cũng đồng quan điểm, hành động mặc áo cho đá ở miếu Kì Thạch phu nhân là

139

một sự Việt hóa hình thức thờ cúng, bên cạnh việc luôn đặt một bát hương trước tảng đá [điều này khác với tín ngưỡng của người Chăm – NTQH]. Y trang của đá không có quy chuẩn, hầu hết hiện vật cúng lễ đều mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ mẫu (hầu đồng) ở Huế: áo choàng màu đỏ, có đính kim sa lấp lánh.

Vì vậy, có lẽ ở hình thức thờ cúng của đền Thai Dương phu nhân và miếu Kì Thạch phu nhân hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã lấn át tín ngưỡng thờ Đá. Trong khi đó, theo ghi chép của các văn bản truyền thuyết, tín ngưỡng ở vị trí trung tâm của biểu tượng đá là tín ngưỡng thờ đá. Song qua thời gian, tín ngưỡng thờ đá đã bị che lấp đi, người dân chỉ còn biết đến vị được thờ là Mẫu.

Tiểu kết chương 4

Qua khảo sát bản kể về Kì Thạch phu nhân Thai Dương phu nhân, qua việc phân tích cấu trúc các bản kể, di tích và các hình thức thờ cúng tại các di tích trên, chúng tôi nhận thấy có sự đan xen chặt chẽ ở đây tín ngưỡng thờ đá và tín ngưỡng thờ Mẫu của hai dân tộc Việt - Chăm. Là vùng đất mà người Chăm sinh sống trong một thời gian dài trước khi người Việt xuất hiện, là vùng đất mà sự xen cư của hai tộc người đã tồn tại trong một khoảng thời gian khá dài của lịch sử dân tộc, sự đan xen tín ngưỡng nói riêng, văn hóa nói chung của hai tộc người Chăm - Việt là điều hiển nhiên, tuy rằng, với độ lùi thời gian đáng kể, việc chỉ ra sự đan xen hoặc dấu vết ảnh hưởng là không dễ dàng. Chúng tôi hy vọng rằng, sự khảo sát các bản kể, sự phân tích bản kể trong mối quan hệ với bối cảnh diễn xướng của 2 truyền thuyết Kì Thạch phu nhân Thai Dương phu nhân bước đầu gợi ra được những biểu hiện của sự giao thoa và mối quan hệ qua lại khá chặt chẽ của hai tộc người, và chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, với tính phức tạp và giá trị gợi mở sâu sắc của nó để hiểu về các vấn đề lịch sử - văn hóa - xã hội của vùng đất địa đầu tiểu vùng Trung Trung bộ này, chúng tôi ý thức rõ rằng, truyền thuyết và tín ngưỡng thờ đá của chỉ hai truyền thuyết chưa thể giải quyết được mà cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong các công trình chuyên khảo khác.

Một phần của tài liệu Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam (Trang 141 - 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)