Những nhân tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu Giải pháp huy động vốn đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 37 - 43)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU

1.1. Một số lý luận cơ bản về huy động vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới

1.1.5. Những nhân tố ảnh hưởng đến công tác huy động vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới

1.1.5.1. Chính sách của nhà nước và địa phương ban hành

Chính sách của nhà nước là nhân tố quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình huy động vốn. Một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân sẽ đem lại hiệu quả cao trong huy động vốn, thúc đẩy nền kinh tế nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và ngược lại, chính sách sai lầm, một cơ chế gò bó, không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không phù hợp với những quy ước và thông lệ quốc tế, trong điều kiện kinh tế mở hiện nay sẽ rất khó khăn huy động vốn, thậm chí không thể huy động được vốn. Trên thực tế, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Do đó đã khơi dậy được sức người, sức của ở nông thôn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhà nước chủ động dành nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, Nhà nước còn tạo ra những cơ hội, biện pháp cụ thể (thông qua chính sách lãi suất, chính sách giá cả, chính sách đầu tư, chính sách ruộng đất...) nhằm đẩy mạnh việc huy động vốn đầu tư cho xây dựng NTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn nước ta có nhiều chuyển biến, đời sống nhân dân ổn định, tạo môi trường, điều kiện cho ổn định tình hình chính trị - xã hội.

1.1.5.2. Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra là một trong những yếu tố tác động đến công tác huy động vốn đầu tư ở mỗi địa phương. Việc huy động vốn đầu tư để xây dựng NTM đều phải nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển dài hạn hay ngắn hạn, mục tiêu cao hay thấp. Do vậy, các mục tiêu đặt ra phải sát với thực tế, phù hợp với các nguồn lực của địa phương thì việc huy động vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới có hiệu quả. Năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu sẽ phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc

Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời, sẽ không còn xã dưới 5 tiêu chí.Hiện nay, ở nhiều địa phương với mục tiêu kết thúc năm 2020, các xã xây dựng NTM sẽ hoàn thành cơ bản bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Do xuất phát điểm thấp, phần lớn các xã xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn, nên bài toán khó đặt ra cho các xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới là làm sao phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân một cách bền vững và hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn thấp kém, nguồn vốn hạn hẹp khiến việc thực hiện các tiêu chí đòi hỏi nhu cầu cần nhiều vốn rất khó. Với những địa phương đang gặp khó khăn như vậy, vấn đề huy động vốn từ người dân hầu như không có, những địa phương này không thu hút được nhà đầu tư trong khi nguồn vốn từ nhà nước hạn chế. Do đó mục tiêu đặt ra không thực hiện được không chỉ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nông thôn mới mà còn ảnh hưởng đến tâm lý nhà quản lý cũng như sẽ không có được sự ủng hộ của người dân. Vấn đề tiếp tục huy động nguồn lực để thực hiện nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó khi đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần phải xác định rõ được những vấn đề tồn tại, những điểm mạnh, những hạn chế để đưa mục tiêu cho phù hợp với từng địa phương. Các địa phương cần xác định, xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lâu dài chứ không chỉ là ngày một ngày hai, việc đề ra mục tiêu để dễ phấn đấu chứ không phải mốc cuối cùng của việc xây dựng nông thôn mới mà đặt ra.

1.1.5.3. Nhận thức, trình độ và kinh nghiệm của cán bộ

Phải có nguồn lực thì mới xây dựng triển khai và thực hiện được các bước trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó vấn đề huy động vốn đầu tư để thực hiện chương trình phải được đặt lên hàng đầu. Để nâng cao được năng lực và trình độ đối với vấn đề huy động vốn đầu tư, Bộ Tài chính đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính dự án đầu tư đối với các xã thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại khu vực

phía Bắc và phía Nam cho cán bộ một số bộ, ngành liên quan. Hội nghị tập huấn nhằm giúp các cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của cơ quan trung ương và địa phương nắm bắt được cơ chế tài chính thực hiện chương trình, đồng thời lắng nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm giúp các cơ quan hoàn thiện cơ chế tài chính cho chương trình trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế tài chính thực hiện chương trình quy định về nguồn vốn, cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán vốn thực hiện chương trình…

Bên cạnh đó Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng, ban hành các cơ chế ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đồng thời, tiếp tục triển khai ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại các vùng khó khăn và hàng năm ngân sách Trung ương cũng bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, nhiệm vụ, dự án quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Để huy động được vốn đầu tư cho quá trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi cán bộ cán bộ xã, thôn phải có năng lực và trình độ nhất định. Hiện nay ở nhiều địa phương trình độ cán bộ quản lý còn thấp, hạn chế về khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các cán bộ triển khai chương trình chủ yếu là kiêm nhiệm (cấp huyện, cấp xã, cấp thôn) do đó công tác triển khai thực hiện, giám sát, chưa kịp thời, nhiều vướng mắc phát sinh chưa được tháo gỡ. Một bộ phận cán bộ ở cơ quan chuyên môn của huyện chưa nắm chắc đầu việc, vấn đề để tham mưu đúng, trúng cho chính quyền trong việc tổ chức thực hiện. Nhiều cán bộ tham mưu không nắm rõ tình hình của địa phương do đó có thể đưa ra những phương án không hợp lý với địa phương đó.

1.1.5.4. Năng lực của các chủ thể tham gia huy động vốn đầu tư để xây dựng nông thôn mới

Theo kế hoạch, số vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới bao gồm: Vốn ngân sách trung ương (Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn là khoảng 23%. Vốn trực tiếp cho chương trình để thực hiện các nội dung theo quy định là khoảng 17%). Vốn tín dụng khoảng 30%; vốn từ các DN, các loại hình kinh tế khác khoảng 20% và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.

Để thực hiện thành công chương trình trong thời gian tới cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc huy động các nguồn vốn để tập chung xây dựng nông thôn mới. Chính phủ đã xác định thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện. Trong đó cùng với thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ trên địa bàn và nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình này bao gồm cả trái phiếu Chính phủ thì cần huy động tối đa nguồn lực của địa phương. Vấn đề huy động nguồn lực rất quan trọng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới tuy nhiên ngân sách cho công tác huy động nguồn lực này đang rất hạn chế. Kinh phí cấp cho hoạt động này còn thấp so với yêu cầu thực tiễn nên nhiều địa phương triển khai các hoạt động còn hình thức, chất lượng chưa cao; hay thể chế về chế độ đãi ngộ, thu hút cán bộ, viên chức công tác trong vấn đề huy động vốn còn nhiều bất cập và thấp, từ đó ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc tăng cường huy động các nguồn vốn và hỗ trợ xã hội, cho chương trình này là hết sức cần thiết, qua đó các tổ chức xã hội, nghề nghiệp... sẽ đóng góp “sức người, sức của” để cùng với nhà nước làm tốt chương trình này.

Ngoài ra, cần huy động vốn đầu tư của DN đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân và các nguồn vốn tín dụng, các khoản viện trợ không hoàn lại của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư...

Để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều Bộ, ngành. Về phía Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu; Thực hiện rà soát các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các loại phí, lệ phí người nông dân phải đóng khi được cung cấp các dịch vụ công để đề xuất miễn, giảm cho nông dân; Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua chương trình kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản...

1.1.5.5. Cơ chế quản lý quá trình thực hiện huy động vốn đầu tư để xây dựng nông thôn mới

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình nông thôn mới trong thời gian tới, nhất là trong việc huy động vốn đầu tư, trước hết cần ưu tiên triển khai công tác lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư.

Vấn đề quản lý vốn được thực hiện như sau:

- Đối với các đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm từ 50%

vốn trở lên thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số: 174/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế huy động và quản lý các nguồn vốn tại xã thực hiện Đề án

“Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Đối với các đối tượng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn chiếm dưới 50% vốn thì việc thực hiện quản lý vốn do cộng đồng và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã tự bàn bạc thống nhất.

Đối với các đối tượng do doanh nghiệp đầu tư: Các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Trên cơ sở Đề án xây dựng nông thôn mới của xã được Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới Trung ương thông qua, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phê duyệt Đề án làm cơ sở thực hiện; Uỷ ban nhân dân xã và Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nơi có dự án đầu tư để bàn bạc dân chủ, công khai lựa chọn thứ tự dự án ưu tiên để đầu tư. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, quy chuẩn xây dựng của Nhà nước và ý kiến tư vấn của cán bộ chuyên môn, UBND xã lập kế hoạch vốn của xã trong 3 năm gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ liên quan, Ban Chỉ đạo Tỉnh để theo dõi, quản lý. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan của Tỉnh, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã tổ chức lập các dự án đầu tư theo đúng tiêu chuẩn định mức theo quy định của cấp có thẩm quyền (cấp đường, trường học, trụ sở xã, trạm y tế...) để xác định mức vốn cho từng dự án, công trình gửi Ban Chỉ đạo Trung ương để xác định mức vốn hỗ trợ.

Căn cứ nguồn vốn được ngân sách cấp trên hỗ trợ (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện), khả năng của ngân sách cấp xã, nguồn vốn huy động đóng góp và căn cứ khối lượng thực hiện của các dự án đầu tư, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã đề xuất phương án báo cáo Chủ tịch UBND xã quyết định thông báo kế hoạch vốn, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ chuyển vốn, thanh toán.

Các chương trình, chính sách xây dựng NTM ngày càng mở rộng về quy mô nhưng nhiều chính sách vẫn còn kém hiệu quả do chồng chéo. Sự

chồng chéo trong chính sách một phần là do chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Các chính sách được nhiều bộ, ngành đề xuất ban hành và nhiều cơ quan cùng thực hiện, nhưng thiếu sự phối hợp. Trong một văn bản quyết định ban hành thường quy định nhiều chính sách; một nội dung chính sách có khi lại được quy định trong các quyết định khác nhau, có chính sách bao hành theo đối tượng, có chính sách ban hành theo lĩnh vực, có chính sách ban hành theo vùng địa lý...

Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó cần phải kiên trì để thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tránh chủ quan nóng vội, bệnh thành tích; phải khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người dân.

Đặc biệt, các chính sách xây dựng nông thôn mới phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người dân tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn; những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế. Chính sách xây dựng nông thôn mới cần phù hợp với từng địa phương; đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, có các chính sách xây dựng nông thôn mới chung, có chính sách đặc thù cho từng vùng khó khăn.

Một phần của tài liệu Giải pháp huy động vốn đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện phú lương tỉnh thái nguyên (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)