Chương 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC
4.2. Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác huy động vốn đầu tư
4.2.7. Giải pháp nâng cao trình độ cán bộ quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Thường xuyên nâng cao năng lực cán bộ cơ sở. Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, gồm nhiều nội dung. Chính vì vậy cần tập trung đào tạo cho
cán bộ xây dựng NTM ở xã, các thành viên trong tiểu ban phát triển nông thôn những kiến thức về xây dựng NTM. Cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn thì mới có thể vận động được người dân tham gia xây dựng NTM. Khi chương trình MTQG triển khai, những công trình có giá trị dưới 3 tỷ đồng sẽ được phân cấp làm chủ đầu tư cho xã. Nếu như cán bộ xã yếu về năng lực thì không thể nào phát huy được hiệu quả từ đồng vốn đầu tư của nhà nước, không vận động được sự tham gia của nhân dân. Cán bộ xã, thôn là lực lượng chủ yếu để vận động và tổ chức hướng dẫn cho nhân dân xây dựng NTM, do đó sự nghiệp này thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết và năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ. Vì vậy cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nhất là chuyên môn nghiệp vụ, nhiệm vụ xây dựng NTM phù hợp với sự phân cấp, đầu tư của Trung ương. Cách làm của các xã hiện nay phần lớn vẫn là cán bộ đi tuyên truyền giới thiệu về NTM chỉ mời dân đến và đọc lại toàn bộ nội dung văn bản hướng dẫn của Trung ương, cách làm như vậy không thể nào đưa được tinh thần và nhiệm vụ của xây dựng NTM cho người dân hiểu và để bản thân họ hăng hái tham gia.
Tiếp tục quán triệt cho các ngành, các cấp về thực hiện Chỉ thị 1792/CT- TTg ngày 15/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết TW 3 để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới tư duy về quản lý đầu tư; Chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối ở từng cấp ngân sách. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc ở các cơ quan quản lý nhà nước.
Nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư và chính sách phát triển đồng bộ với quản lý. Khắc phục tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan; các ngành, các cấp rà soát lại quy hoạch gắn tái cơ cấu nền kinh tế. Tăng cường kỷ cương trong đầu tư công. Kiên quyết khắc phục tình trạng dự án vượt quá khả năng cân đối. Bố trí nguồn lực trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí đã duyệt và đúng đối tượng đã xác định. Khắc phục tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải,
sai đối tượng, cơ cấu nguồn vốn đã được xác định trong chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
Nâng cao chất lượng và quy trình thực hiện đầu tư gắn với đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn:
- Về đề xuất chủ trương đầu tư dự án: Các chủ đầu tư khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án phải làm rõ các căn cứ (Quy hoạch, kế hoạch 5 năm; Báo cáo thực trạng các dự án do chủ đầu tư đang thực hiện; Dự kiến nguồn vốn cho từng năm để thực hiện dự án Theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Các ngành/huyện cấp trên chủ đầu tư phải xác định năng lực của chủ đầu tư, các điều kiện đảm bảo khả thi dự án đầu tư. Khi các ngành, các huyện có ý kiến thống nhất với các chủ đầu tư thì dự án sẽ được đưa vào kế hoạch của ngành, huyện và sẽ xem xét đối với phần vốn ngành huyện trực tiếp quản lý; Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải cần đảm bảo đầu mối trong tham mưu đề xuất chủ trương đầu tư, đối với huyện là phòng Tài chính - Kế hoạch, đối với các Sở ngành là bộ phận làm công tác kế hoạch.
- Về Thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư: Cơ quan đầu mối tổng hợp thẩm định tham mưu chủ trương đầu tư có báo cáo thẩm định đề xuất ban hành chủ trương đầu tư phải báo cáo tổng hợp về nguồn vốn các công trình tiếp tục, vốn còn nợ trong lĩnh vực này, dự kiến khả năng nguồn có thể thực hiện dự án; Chỉ thẩm định chủ trương đầu tư dự án khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của ngân sách; Chủ trương đầu tư chỉ được quyết định khi đã xác định được tổng thể của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn hoặc có ý kiến của lãnh đạo huyện xử lý.
- Lập, thẩm định, phê duyệt dự án: Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chọn cơ quan tư vấn có đủ khả năng, năng lực và kinh nghiệm để nghiên cứu lập dự án; Cơ quan đầu mối thẩm định dự án thẩm định các nội dung dự án chủ đầu tư trình và thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
- Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Khi thực hiện đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc phân cấp: Vốn cấp nào thì cấp đó quyết định. Các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư phải trên cơ sở tính toán nguồn lực của địa phương không dựa nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) từ cấp trên. Đối với cấp xã việc quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính và các văn bản quy định sửa đổi khác (nếu có).
Tăng cường kiểm tra đôn đốc báo cáo tiến độ trong điều hành XDCB và các dự án đầu tư: Các Sở chuyên ngành, UBND cấp huyện phân công lãnh đạo tập trung chỉ đạo chủ đầu tư quản lý công trình, làm hồ sơ giải ngân và thực hiện quyết toán kịp thời; Quán triệt Nghị quyết TW 3 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Huyện ủy về phòng chống thất thoát, tham nhũng trong hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Mặt khác cần tích cực đôn đốc thực hiện các công trình XDCB.