Chương 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ
3.1. Đặc điểm địa bàn huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên
3.1.2. Đặc điểm tự nhiên
Phú Lương là huyện có địa hình tương đối phức tạp, độ cao trung bình so với mặt biển từ 100 - 400m.
- Các xã phía Bắc và Tây Bắc có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, tạo ra nhiều khe suối, độ cao trung bình 300 - 400m (độ dốc lớn trên 20º). Các xã phía Nam có địa hình bằng phẳng hơn với độ dốc thường dưới 15º tương đối thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp.
- Các loại đất phù sa, đất dốc tụ, đất bạc màu, đất đỏ vàng thích hợp cho việc phát triển các loại cây khác nhau chỉ chiếm 23,5% diện tích đất đai toàn huyện; hai loại đất đỏ vàng trên phiến thạch sét và đất nâu đỏ trên đá mác ma bazơ và trung tính tương đối phù hợp với trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và bố trí sản xuất theo hướng nông, lâm kết hợp chiếm trên 50% diện tích, còn lại là các loại đất khác.
Nhìn chung địa hình Phú Lương tương đối phức tạp, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển và giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch với các vùng trong và ngoài tỉnh.
3.1.2.2. Khí hậu, thời tiết
Do ảnh hưởng của vị trí địa lý và cấu trúc địa hình nên đặc trưng của khí hậu huyện Phú Lương là kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa, mùa đông lạnh và mùa hè nắng nóng rõ rệt. Trong mùa đông nhiệt độ thường xuống thấp, có khi xuống tới 3ºC, thường xuyên có các đợt gió mùa Đông Bắc hanh khô. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ cao, nhiều khi có mưa lớn và tập trung.
- Về nhiệt độ:
Nhiệt độ trung bình năm 23,7ºC, tổng tích nhiệt khoảng 8000ºC. Nhiệt độ bình quân cao nhất trong mùa nóng đạt 27, 2ºC. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 7, thấp nhất là tháng 1. Số giờ nắng trong năm đạt 1628 giờ, tháng có giờ nắng cao nhất là tháng 7 (195 giờ), tháng có giờ nắng thấp nhất là tháng 2 và tháng 3 (50 giờ).
- Về chế độ mưa:
Phú Lương có lượng mưa trung bình 2000 - 2100 mm/năm. Mưa thường tập trung vào thời gian từ tháng 4 đến tháng 10, có thể chiếm tới trên
90% tổng lượng mưa của cả năm; tháng 7 có lượng mưa lớn nhất, bình quân 410 - 420mm/tháng và có số ngày mưa 17 - 18 ngày/tháng. Tháng 12 và tháng 1 là những tháng ít mưa, lượng mưa khoảng 24 - 24 mm/tháng, mỗi tháng chỉ có từ 8 - 10 ngày mưa.
- Về độ ẩm:
Do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên huyện Phú Lương có độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình năm là 82%. Chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng không nhiều, cao nhất trong năm là 85% (tháng 2), thấp nhất là 80% (tháng 10).
- Lượng bốc hơi:
Lượng bốc hơi trung bình hàng năm đạt khoảng 985,5 mm. Lượng bốc hơi bình quân của các tháng nóng là 140 mm (tháng 5 đến tháng 10), tháng có lượng bốc hơi nhỏ nhất là tháng 1.
- Gió:
Huyện Phú Lương có hai hướng gió chính là gió Bắc và gió Đông Bắc;
từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thịnh hành là gió Bắc và gió Đông Bắc, tốc độ gió từ 2 - 4 m/s. Gió mùa Đông Bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 đến 5 ngày, tốc độ gió trong những đợt gió mùa Đông Bắc đạt tới cấp 5, cấp 6. Đặc biệt gió mùa Đông Bắc tràn về thường lạnh, giá rét ảnh hưởng tới mùa màng, gia súc và sức khỏe con người.
Nhìn chung, khí hậu Phú Lương cho phép phát triển nhiều loại cây trồng và tương đối đa dạng: cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, trồng rừng hoặc nông, lâm kết hợp… có thể bố trí chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây trồng khác nhau, đồng thời tạo chế độ che phủ quanh năm.
3.1.2.3. Chế độ thủy văn
Phú Lương có mật độ song suối lớn (bình quân 0,2km/km²), trữ lượng thủy văn cao, đủ cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư trong huyện. Các sông suối phân bố tương đối đều trong huyện, chảy qua hầu hết các xã, thuận tiện cho phát triển thủy lợi và vận tải thủy.
Sông Chu và các hợp thủy của nó nằm ở khu vực phía Bắc của huyện, chi nhánh dài khoảng 10km. Sông Đu bắt nguồn từ phía Bắc huyện, chảy dọc theo địa bàn huyện qua thị trấn Giang Tiên và đổ vào sông Cầu tại xã Sơn Cẩm.
Sông Đu được tao thành bởi hai nhánh chính, một nhánh bắt nguồn từ Tây Bắc xã Hợp Thành, nhánh kia từ phía Bắc xã Động Đạt. Hai nhánh gặp nhau ở phía trên thị trấn Đu và chảy về sông Cầu qua đoạn sông Giang Tiên, tổng chiều dài toàn hệ thống khoảng 45km.
Sông Cầu chảy từ phía Bắc xuống theo đường ranh giới phía Đông của Phú Lương (tiếp giáp với huyện Đồng Hỷ) qua các xã Phú Đô, Tức Tranh, Vô Tranh, Sơn Cẩm. Đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn huyện Phú Lương dài 17km vừa là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho sinh hoạt và sản xuất của khu vực phía Nam huyện vừa là một trong những tuyến giao thông quan trọng của huyện.
Hệ thống sông, suối góp phần vào việc cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân đồng thời tiêu thoát nước vào mùa mưa. Thủy chế các sông suối trong vùng khá phức tạp, mà sự tương phản chính là sự phân phối dòng chảy không đều trong năm. Mùa mưa lượng nước dồn nhanh về sông chính, tạo nên dòng chảy lớn và xiết gây lũ ngập các ngầm trên tuyến đường chính làm ách tắc giao thông. Về mùa khô, dòng chảy cản kiệt, mực nước dòng sông rất thấp.
Tiềm năng về nguồn nước trên địa bàn huyện khá dồi dào, nhưng do các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương dẫn chưa được hoàn chỉnh nên tưới tiêu chưa chủ động. Do vậy để phát triển sản xuất nông nghiệp cần thiết đầu tư các công trình thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lý, sinh thái của từng loại cây trông, đồng nghĩa với việc khai thác và quản lý tốt tài nguyên nước.
3.1.2.4. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Phú Lương có hệ thống sông suối khá dày, đây là nguồn nước mặt với trữ lượng lớn, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất nông
nghiệp của các xã trong toàn huyện. Nước ngọt từ các hồ, đập nước được dẫn tới các khu sản xuất nông nghiệp nhờ hệ thống kênh mương dẫn nước nội đồng dài 80km cung cấp nước tưới ổn định cho 3000 ha lúa vụ xuân, 4000 ha lúa vụ mùa và hàng trăm ha cây rau, màu vụ đông, đồng thời tạo nguồn nước tưới cho trên 500 ha chè vụ đông.
Nguồn nước tại các ao, hồ: Phú Lương có các hồ thủy lợi và nuôi trồng thủy sản rất có giá trị như hồ Ô Rô (Phủ Lý), hồ Đầm Ấu, Tuông Lạc (Ôn Lương), hồ 19/5 (Sơn Cẩm), hồ Khuân Lân, Phủ Khuôn (Hợp Thành), hồ Núi Mủn (Cổ Lũng), hồ Suối Mạ (Yên Trạch).
Nguồn nước sinh hoạt của nhân dân được lấy từ nguồn nước ngầm do dân tự khai thác, nguồn cấp nước sạch đô thị đã có kế hoạch xây dựng.
Nguồn nước ngầm: Phú Lương có trữ lượng nước ngầm khá lớn, chất lượng nước khá tốt, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đây là nguồn nước được nhân dân sử dụng qua hệ thống giếng khơi.
Nhìn chung nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp ở Phú Lương khá dồi dào, tuy nhiên còn khó khăn vào mùa khô. Trong thời gian tới cần có biện pháp cải tảo, xay dựng các công trình dự trữ nước mưa, phủ xanh đất trống, bảo vệ rừng và xây dựng hệ thống cấp nước đô thị để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện.
3.1.2.5. Tài nguyên khoáng sản
Phú Lương có nguồn cát, đá sỏi ở sông Cầu. Đây là nguồn vật liệu xây dựng khá dồi dào, phục vụ cho các hoạt động khai thác đáp ứng cho nhu cầu trong huyện. Đồng thời Phú Lương cũng có trữ lượng khoáng sản khá phong phú đa dạng với trữ lượng lớn như than mỡ ở xã Phấn Mễ, thị trấn Giang Tiên, than đá ở xã Sơn Cẩm, quặng sắt ở xã Phấn Mễ, quặng Titan ở xã Động Đạt, xa Phủ Lý...Với trữ lượng khoáng sản tự nhiên khá phong phú này, huyện Phú Lương những năm qua đã và đang tích cực đầu tư vào công nghiệp khai khoáng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, góp phần lớn vào sự
phát triển kinh tế của địa phương và giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động tại địa phương.
3.1.2.6. Tài nguyên đất
Phú Lương có diện tích đất tự nhiên là 368,82km2, trong đó 123,33km2 là diện tích đất nông nghiệp, bằng 33,43% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất lâm nghiệp là 173,19 km2, bằng 46,94% diện tích đất tự nhiên. Phần còn lại là đất ở, đất chuyên dùng, đất nuôi trồng thủy sản và đất chưa sử dụng.
Phú Lương có ba loại đất chính: đất fe-ra-rít đỏ vàng trên phần thạch sét, đất fe-ra-rít màu vàng nhạt trên đất cát và đất nâu đỏ trên đá macmabazơ và trung tính tương đối phù hợp để trồng cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cây chè, cà phê, cây ăn quả và bố trí sản xuất theo hướng nông - lâm kết hợp. Ba loại đất này chiếm trên 50% tổng diện tích tự nhiên của huyện.
Dùng đất cần ưu tiên bố trí sử dụng các loại đất trên vào sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là đất trồng cây hàng năm), hạn chế tới mức thấp nhất việc bố trí các loại đất này cho các mục đích phi nông nghiệp.