Chương 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ
3.1. Đặc điểm địa bàn huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên
3.1.3. Các điều kiện kinh tế - xã hội
3.1.3.1. Tình hình dân số - lao động, giáo dục - y tế
Hiện trạng dân số: Theo báo cáo điều tra dân số tại phòng thống kê huyện Phú Lương đến năm 2015, toàn huyện có 107.172 nhân khẩu (bao gồm cả lực lượng vũ trang), và tiếp tục gia tăng trong năm 2016. Huyện có 16 đơn vị hành chính gồm 14 xã, 2 thị trấn; 274 xóm, phố, tiểu khu, gồm 8 dân tộc là:
Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Giao, Mông, Cao Lan, Hoa. Mật độ dân số của huyện năm 2014 là 290 người/km2 phân bố không đều, mật độ cao nhất là 3.760 người/ km2 là thị trấn Giang Tiên, thấp nhất là 137 người/ km2 ở xã Yên Ninh. Nhân khẩu nông nghiệp chiếm 76%, phi nông nghiệp chiếm 24%.
- Giáo dục: Về cơ bản đã xóa bỏ phòng học tạm, đã và đang xây dựng mới kiên cố. Năm 1999, 16 đơn vị hành chính đã được công nhận xóa mù chữ và phổ cập giáo dục theo chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học liên tục được tăng cường. Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học được
thực hiện và duy trì tốt, đến nay huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, 16 xã, thị trấn duy trì tốt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia đến nay là 45/63 trường đạt 71,4%. Trong đó, Mầm non 12/19 trường đạt 63,15% (03 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), tiểu học 25/27 trường (01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), THCS đạt 8/17 trường.
- Về y tế: Hiện nay huyện có một Bệnh viện đặt ở thị trấn Đu được xây dựng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp và lạc hậu cả về trang thiết bị y tế, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; một phòng khám đa khoa khu vực đặt tại xã Hợp Thành. Tất cả 16 xã và thị trấn đều có trạm y tế. Mạng lưới y tế của huyện đến nay đang được quan tâm, củng cố, kiện toàn. Công tác kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh, hoạt động tăng cường đã hạn chế nhiều loại dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra hoạt động trong phòng, chống bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh theo mùa, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn;
thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án trong công tác y tế, đặc biệt là dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính;
một số cơ sở y tế được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân gắn liền với Chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về Y tế, đến nay đã có 09 xã được công nhận đạt chuẩn về Y tế.
Nhìn chung, các điệu kiện tự nhiên, KT - XH của huyện cũng ảnh hưởng khá nhiều tới quá trình thực hiện xây dựng NTM ở một số các khía cạnh như: việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đề phải phụ thuộc vào mùa vụ, vào tháng mùa mưa không thể thi công các công trình xây dựng, dẫn tới tiến độ thi công không thể đảm bảo kế hoạch; để tăng năng suất cây trồng, chuyển đổi mùa vụ gặp khó khăn do thời tiết, khí hậu thay đổi thất thường, độ che phủ
rừng thấp, lũ lụt hay xảy ra làm cho đất bạc màu nhanh; địa hình không bằng phẳng để thiết kế cánh đồng mẫu lớn cung cấp sản phẩm hàng hóa tập trung…
Từ đó làm cho việc tăng cao thu nhập của người dân, nhất là nông dân còn nhiều khó khăn.
3.1.3.2. Tình hình phát triển kinh tế và hạ tầng kỹ thuật
Mặc dù nền kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu bất thường làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo đúng hướng của các ngành, các cấp kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao và tương đối ổn định 11,5%/năm (năm 2011) lên 12% năm 2015.
Từ năm 2011 - 2015, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nhưng không mạnh mẽ. Giá trị sản xuất năm 2011 đạt 396,6 tỷ đồng (giá cố định 1994), năm 2012 đạt 355,8 tỷ đồng (giá cố định 1994), trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp xây dựng 15,90%/năm, thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15,33%/năm, nông lâm thuỷ sản tăng bình quân 6,9%/năm. Tổng thu ngân sách năm 2011 là 43.000 triệu đồng; năm 2012 đạt 51.500 triệu đồng;
năm 2014 đạt 73.328 triệu đồng; năm 2015 là 63.440 triệu đồng.
Bảng 3.1: Cơ cấu kinh tế các ngành qua các năm (giá thực tế) Năm
Chỉ tiêu 2011 2012 2013 2014 2015
Cơ cấu 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0
Nông lâm thủy sản 41,6 40,26 37,11 34,88 32,35 Công nghiệp xây dựng 38,3 32,97 31,28 32,74 33,26 Thương mại dịch vụ 20,1 26,77 31,61 32,38 34,39
Nguồn: Phòng tài chính - kế hoạch huyện Phú Lương Du lịch: Ngoại trừ khu du lịch Đền Đuổm là điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, huyện; các hoạt động dịch vụ tại các điểm du lịch khác của huyện còn rất đơn giản, mới chỉ tập trung một phần nhỏ về hàng hóa cho sinh hoạt lễ hội, một số dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, ăn uống phục vụ sinh hoạt… chưa có
các hoạt động lễ hội, các hoạt động văn hóa phục vụ cho du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn yếu kém.
Ngoài ra các hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới như điện tử, internet, bảo hiểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ…
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và sinh hoạt dân cư.
- Về giao thông: Là huyện có lợi thế về giao thông cả về đường bộ và đường thủy, quốc lộ 3 chạy dài 38 km qua 8 xã và thị trấn, có hai đầu mối giao thông đi huyện Đại Từ, Định Hóa sang Tuyên Quang. Hệ thống giao thông liên xã, liên thôn tương đối hoàn thiện, chỉ còn một số xóm chưa có đường cho xe cơ giới.
- Điện: Hệ thống điện đã đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của Bộ Công thương, giải quyết nhu cầu về điện cho hơn 95% số hộ sử dụng điện thường xuyên. Các trạm biến thế được xây dựng dải đều khắp các khu vực trong địa bàn từng xã.
- Thủy lợi: Hiện nay mạng lưới thủy lợi chưa hoàn chỉnh, một số công trình xây dựng trước đây đã xuống cấp, cần phải nâng cấp, đồng thời nhu cầu về tưới tiêu khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là rất lớn.