Chương 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ
3.3. Thực trạng công tác huy động vốn đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên
3.3.2. Kết quả huy động vốn
Kết quả huy động vốn đầu tư theo từng lĩnh vực trên địa bàn huyện Phú Lương và khu vực nông thôn trong huyện được thực hiện trong giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn huyện Phú Lương được thể hiện như sau:
3.3.2.1. Kết quả huy động vốn theo nguồn vốn huy động
Việc huy động, tăng cường vốn đầu tư cho nông thôn Phú Lương đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội chung cả huyện. Kết quả giai đoạn 2011- 2015 tăng trưởng kinh tế đạt 11,5% (năm 2015 là 12%); GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2011; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh, song với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhiều cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời nên vẫn có bước phát triển khá; Công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng;
ngành dịch vụ phát triển nhanh, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn không ngừng được tăng cường.
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Lương đã huy động được hơn 1.300 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau trong đó chủ yếu là nguồn vốn tín dụng và ngân sách nhà nước.
Bảng 3.6: Lượng vốn huy động để xây dựng nông thôn mới huyện Phú Lương
Đvt: Triệu đồng Năm 2011 2012 2013 2014 2015 Tổng Vốn huy động xây dựng NTM 139.109 294.936 147.160 33.412 730.538 1.300.155 Vốn ngân sách 137.154 233.946 132.035 22.255 72.278 597.668 Vốn tín dụng 1.955 13.390 5.000 0 654.000 674.345
Vốn từ doanh nghiệp 0 1,076 0 0 0 1,076
Vốn từ cộng đồng 0 1.524 10.125 11.157 4.260 27.066 Nguồn:Ban chỉ đạo NTM huyện Phú Lương
Qua bảng trên nhận thấy quy mô huy động giữa các năm không ổn định:
Năm 2012, huy động tăng 112% so với năm 2011 nhưng sang năm 2013 quy mô huy động lại giảm 50,1% so với năm 2012, năm 2014 giảm 77,3% so với năm 2013 nhưng sang năm 2015 quy mô huy động lại tăng 2.086,5% so với năm 2014.
Xét về cơ cấu nguồn vốn, nguồn huy động từ doanh nghiệp và từ cộng đồng dân cư đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Hai nguồn vốn còn lại là ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng có tỷ lệ huy động đạt cao hơn so với mục tiêu đề ra. Nguồn vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất (51,87%), cao hơn so với mục tiêu (30%).
3.3.2.2. Kết quả huy động vốn theo lĩnh vực đầu tư
- Huy động vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng
Xây dựng các hạng mục phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng hạ tầng theo kế hoạch, thực hiện khâu đột phá của huyện là bê tông hóa đường nông thôn, làm các bước đệm thực hiện các tiêu chí khác. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng khó khăn là một chủ trương đúng đắn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt cho đồng bào, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền. Những công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu bức thiết giúp nhân dân có điều kiện để phát triển sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Đồng thời, qua đó làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống của nhân dân dần được cải thiện, xóa nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn ngày một đổi thay.
Trong những năm qua, hệ thống giao thông được tập trung đầu tư, mở rộng, đã làm mới, cải tạo và nâng cấp được 169 công trình với trên 122km đường bê tông nông thôn trục xã, liên xã, liên xóm. Đồng thời, huy động sức dân làm mới, nâng cấp, cải tạo gần 300km đường, bê tông xi măng 224km, trải nhựa 57km… với tổng kinh phí đầu tư hàng trục tỷ đồng. Đến nay,
76,79% đường trục xã, đường liên xã được “cứng hóa” theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 47,9% đường trục liên thôn được “cứng hóa”; 28,09% đường ngõ xóm có rãnh thoát nước, không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân, nhiều trạm bơm được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp (Đã đảm bảo tưới tiêu chủ động trên 75% diện tích đất nông nghiệp).
Hệ thống điện nông thôn được quan tâm cải tạo, củng cố, nâng cấp cơ bản đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất, dân sinh nông thôn; xây mới 40 trạm biến áp, cải tạo và nâng cấp 144 km đường điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn đạt trên 98%; hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện đạt 85,5%. Mạng lưới bưu chính viễn thông từng bước được nâng cấp và hiện đại: 100% số xã có điểm Bưu điện văn hóa xã, có mạng truy cập internet đến trung tâm xã. Đầu tư nâng cấp xây mới 26 trường học. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, đã xây dựng mới được 9 trạm y tế, sửa chữa và nâng cấp 4 trạm y tế.
Toàn huyện có 10/14 xã đã xây dựng xong nhà văn hóa xã đạt tiêu chuẩn. Nước sạch và vệ sinh môi trường được quan tâm đầu tư, đã xây dựng mới được 6 công trình cấp nước tập trung, xây dựng mới 1 khu sử lý rác thải toàn huyện, xây dựng mới 2 điểm tập kết rác thải, hỗ trợ các xã xây dựng các bể chứa rác thải tại các khu sản xuất tập trung.
- Huy động vốn đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện các chương trình xã hội ở nông thôn
Vốn sản xuất kinh doanh cơ bản được hình thành từ nguồn vốn tín dụng, vốn tự có của các doanh nghiệp nhà nước, vốn ngoài quốc doanh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giai đoạn 2011 - 2015 nguồn vốn đầu tư huy động cho sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện mỗi năm đạt khoảng 96,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn này được thực hiện trên địa bàn nông thôn đạt khoảng 35,5 tỷ đồng chiếm 37% vốn sản xuất kinh doanh toàn huyện. Thời
gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển (Quyết định 131/QĐ- TTg, Quyết định 443/QĐ-TTg, Quyết định 479/QĐ-TTg về hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp, mua máy móc, xây dựng nhà ở,...). Có thể thấy, những ưu đãi này thực tế là “đòn bẩy” cho nền kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo chưa thật sự thuận lợi, cần có giải pháp khắc phục.
Đối với việc huy động vốn đầu tư cho các chương trình xã hội: Do Phú Lương có địa bàn đồi núi rộng, điều kiện kinh tế - xã hội còn kém phát triển nên việc đầu tư cho các chương trình xã hội như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… được quan tâm đặc biệt. Trên địa bàn hiện có nhiều chương trình lớn được triển khai như: chương trình 30a, chương trình 134, chương trình 135… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.