Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm rau quả trong nước

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHUỖI GIÁ TRỊ CAM ĐƯỜNG CANH XÃ ĐA TỐN, HUYỆN GIA LÂM, TP HÀ NỘI (Trang 32 - 35)

2.2 CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.2.2 Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm rau quả trong nước

2.2.2.1Thực trạng về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây có múi

Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi và hiệu quả kinh tế cao, cây có múi ở nước ta được trồng từ lâu đời, qua quá trình chọn lọc đã hình thành nên những loại quả đặc sản gắn với vùng miền như cam Xã Ðoài (Nghệ An), cam Bù (Hà Tĩnh), cam Sành (Hà Giang), cam Canh (Hà Nội), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh),

bưởi Diễn (Hà Nội), bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ), các loại quýt như quýt Đỏ (Hà Giang), quýt Vàng (Lạng Sơn), quýt Sen (Yên Bái)... Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (2011), diện tích trồng cây ăn quả có múi tăng nhanh hàng năm. Năm 1990 cả nước có hơn 19 nghìn ha cam, quýt, với sản lượng 119.238 tấn, đến năm 2011, diện tích trồng cây có múi đã tăng lên khoảng 135 nghìn ha với sản lượng gần 1,35 triệu tấn. Diện tích và sản lượng cây có múi tăng đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều vùng quê.

Theo Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT (2012), ở Nam Bộ, chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ lâu đã hình thành những vùng sản xuất cây có múi khá nổi tiếng, với những chủng loại cây có múi “độc nhất vô nhị” như: Quýt Hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cam Sành Tam Bình (Vĩnh Long), chanh Tàu ở Cái Bè (Tiền Giang) và Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Gần đây, do hiệu quả kinh tế cao, một số vùng chuyên canh cây có múi được hình thành và mở rộng sang các vùng lân cận như cây cam Sành mở rộng diện tích rất lớn sang huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Bè (Tiền Giang), Cầu Kè (Trà Vinh), Phụng Hiệp (Hậu Giang); cây bưởi da xanh cũng phát triển mạnh ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cây cam Canh – bưởi Diễn tại Lục Ngạn (Bắc Giang).

Bên cạnh đó, cây có múi cũng có nhiều ưu điểm so với một số loại cây trồng khác như có thể cho năng suất đến trên 100 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, sầu riêng, nhãn chỉ đạt năng suất từ 10-20 tấn/ha. Mặt khác, đây cũng là nơi có nhiều loại trái cây có múi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, độc quyền nhãn hàng hóa… là cơ hội cho tổ chức thu mua, đóng gói, tiêu thụ.

Trong khi đó, cây có múi là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chiếm diện tích ưu thế ở các tỉnh, thành Nam bộ. Đến nay, nhiều tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL đã thực hiện các mô hình sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP như: Mô hình sản xuất bưởi Năm Roi theo GlobalGAP

(Vĩnh Long), mô hình sản xuất bưởi da xanh theo VietGAP (Bến Tre), mô hình sản xuất cam Sành theo VietGAP (Tiền Giang).

Theo định hướng phát triển cây có múi ở vùng ĐBSCL, diện tích cây ăn trái chủ lực (đặc sản) được quy hoạch gần 150.000 ha, chiếm 36% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng bao gồm 14 chủng loại, trong đó cây có múi bao gồm: bưởi da xanh, bưởi năm Roi, bưởi đường lá cam, quýt Hồng, quýt đường, cam mật, cam Sành, chanh.

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (2012), toàn huyện hiện có tổng diện tích cây ăn quả có múi trên 700 ha giá trị kinh tế cao. Trong đó bưởi Diễn khoảng 220 ha, chủ đạo là cây cam đường Canh có quy mô gần 500 ha, sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn, đồng nghĩa với việc người dân trồng cam Đường Canh ở đây thu về gần 200 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các loại cây này là đầu tư lớn, yêu cầu chăm sóc cao, đòi hỏi phải có kỹ thuật trong khi một bộ phận người dân chưa được trang bị tốt cho việc này. Chính vì vậy, UBND huyện Lục Ngạn xác định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Đường Canh là một trong những yếu tố quyết định để thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.

2.2.2.2 Một số khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây có múi của Việt Nam hiện nay

Tuy cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao cây có múi trong vùng phát triển còn thiếu ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trồng nhiều chủng loại cây trên cùng diện tích, thiếu sự liên kết giữa người trồng để thống nhất quy trình và đầu tư đồng bộ, chưa tổ chức hệ thống tiêu thụ chuyên nghiệp; sự liên kết giữa “4 nhà” đặc biệt là nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa thật sự gắn kết. Ngoài ra,“vấn nạn” bệnh vàng lá Greening đe dọa các vùng trồng cây này, trong khi đó việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn và phức tạp dẫn đến nhiều hộ nông dân đứng ngồi không yên.

Đã có nhiều chủng loại trái cây có múi ngon đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế như: bưởi da xanh, cam Sành, chanh không hạt nhưng lại không có vùng chuyên canh đúng nghĩa, không có nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn;

giống cây có múi chất lượng kém chiếm trên 50% diện tích trồng; thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ; công tác bảo quản sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, việc lạm dụng các chất kích thích sinh trưởng đang có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ trái cây hư hỏng sau thu hoạch lên đến 25-30%...Đây là những rào cản dẫn đến sản xuất cây có múi ở nước ta vẫn còn thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CHUỖI GIÁ TRỊ CAM ĐƯỜNG CANH XÃ ĐA TỐN, HUYỆN GIA LÂM, TP HÀ NỘI (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)