2.2 CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.3 Một số công trình nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm trái cây ở Việt Nam
Trong nền kinh tế thị trường, với xu hướng hội nhập người sản xuất không chỉ quan tâm tới thị trường tiêu dùng trong nước mà còn hướng mạnh ra xuất khẩu, từ đó đã hình thành nên các chuỗi trong ngành hàng. Riêng ngành rau, hoa, quả, các chuỗi đã bắt đầu hình thành nhưng còn đơn giản, có ít các tác nhân tham gia. Sự liên kết và trách nhiệm của các tác nhân trong kênh tiêu thụ còn yếu, lỏng lẻo nên khái niệm về chuỗi hàng hóa dịch vụ còn mang tính lý thuyết. Trước thực tế này đã có nhiều những nghiên cứu liên quan nhằm hệ thống hóa cơ sở lý luận về chuỗi giá trị, đánh giá thực trạng hoạt động của mỗi tác nhân trong ngành hàng cũng như đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng rau, quả. Tuy nhiên, đi nghiên cứu sâu về chuỗi giá trị ngành hàng cây có múi nói chung, cây cam đường Canh nói riêng thì còn rất hạn chế. Sau đây là một số đề tài nghiên cứu có liên quan:
1. Nguyễn Thị Lý (2010). “Phân tích chuỗi cung ứng sản phẩm cây quất cảnh tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên”, Luận văn tốt nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Gia Lâm, Hà Nội.Tác giả luận văn đã chỉ ra được đặc điểm cơ bản của chuỗi cung ứng quất cảnh tại xã Mễ Sở (Hưng Yên) có 4 tác nhân tham gia là người sản xuất, thu gom, bán buôn và người bán lẻ. Trong đó, dòng sản phẩm chủ yếu theo hướng những người bán lẻ tại các địa phương khác để đến tay người tiêu dùng. Vai trò của hợp đồng tiêu thụ được phát huy, gắn kết giữa các thành viên còn hạn chế… Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, kết quả phân tích tài chính chuỗi cung ứng của tác giả còn sơ sài, bỏ qua sự phân
phối giá trị gia tăng giữa các tác nhân trong chuỗi. Đây là mặt hạn chế của đề tài, cần được khắc phục.
2. Nguyễn Phú Son (2013). “Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm táo tỉnh Ninh Thuận”, Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, Số 28, trang 71 – 78.
Bài báo khoa học trên đã chỉ ra được chuỗi giá trị sản phẩm táo Ninh Thuận có 2 kênh phân phối truyền thống đối với sản phẩm táo tươi và một kênh phân phối tiềm năng đối với sản phẩm táo sấy. Phân phối lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi hiện theo hướng không có lợi cho người trồng. Tuy nhiên vẫn có thể cải thiện hiện trạng phân phối thu nhập giữa các tác nhân theo hướng gia tăng phân phối thu nhập cho người trồng.
3. Chương trình Phát triển MPI – GTZ (2007). “Phân tích chuỗi giá trị bưởi Vĩnh Long”. Chương trình Phát triển này nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm bưởi Vĩnh Long (đã có thương hiệu, là đặc sản của vùng), bằng cách xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ từ người sản xuất đến các trung gian, doanh nghiệp, các đại lý bán lẻ bằng các cam kết hoạt động lâu dài. Xuất phát từ kết quả phân tích thực trạng, tổ chức này đề xuất ra các nhóm chiến lược nhằm nâng cấp chuỗi giá trị như nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chiến lược marketing thông minh, nhãn mác chỉ dẫn thương hiệu sản phẩm, cải tiến phương thức vận chuyển, bảo quản, mở rộng thị trường xuất khẩu,…
Những công trình nghiên cứu trên đã phân tích, đánh giá được một phần thực trạng các hoạt động của các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng, từ đó đề ra các biện pháp, các hướng đi để các ngành hàng cây có múi có khả năng cạnh tranh hơn, thành công hơn, trong đó các thành phần của chuỗi giá trị đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, do sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau nên hướng nghiên cứu của mỗi công trình trên còn chưa trọn vẹn về các mặt của chuỗi giá trị do vậy, những phân tích dưới đây sẽ góp phần nghiên cứu toàn diện chuỗi giá trị dưới góc độ khác đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực trong việc tìm ra giải pháp, kiến nghị việc nâng cấp chuỗi giá trị ngành rau hoa quả nói chung và cây cam Canh nói riêng.