CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN
1.2.2. Nhóm quyền tranh tụng của nguyên đơn
1.2.2.1. Cơ sở khoa học của nhóm quyền tranh tụng của nguyên đơn
Thứ nhất, quyền tranh tụng của nguyên đơn có nguồn gốc từ bản chất của quan hệ pháp luật nội dung. Xét về tính đặc thù, quan hệ dân sự là sự giao kết, mối liên hệ ràng buộc “riêng tư” của các chủ thể xoay quanh các quyền về nhân thân và tài sản. Khi một bên xâm phạm đến sự giao kết chung hoặc có hành vi trái luật làm tổn hại đến giá trị tài sản và nhân thân của chủ thể khác thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó. Khi nguyên đơn khởi kiện đến Tòa án, để Tòa án thấy rằng đích thực nguyên đơn đã bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp thì nguyên đơn phải có quyền đưa ra các chứng cứ, lập luận, lĩ lẽ…để thuyết phục Tòa án - các quyền này được gọi chung là quyền tranh tụng. Mặt khác, nguyên đơn là chủ thể trong quan hệ tranh chấp, là người biết rõ nhất sự thật khách quan của vụ án và nắm giữ những tài liệu chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án nên phải có quyền tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tranh tụng chính là một trong những biện pháp tốt nhất để đương
60 BLTTDS Nhật Bản, Điều 303.
61 Viện khoa học pháp lý (1998), Mộtsố vấn đề về Pháp luật dân sự Việt Nam từ Thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc, Bộ Tư pháp, tr.166, trích trong tài liệu: “Nguyễn Thị Thu Hà, tlđd chú thích 52, tr. 47”.
sự làm rõ được sự thật, chứng minh bảo vệ quyền, lọi ích hợp pháp của mình62. Khái quát nhất, quyền tranh tụng của nguyên đơn là khả năng mà pháp luật cho phép nguyên đơn có thể đưa ra hoặc trao đổi những chứng cứ, lý lẽ, lập luận, căn cứ pháp lý để chứng minh, biện luận cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án theo những trình tự, thủ tục do pháp luật TTDS quy định. Nguyên đơn có thể sử dụng quyền tranh tụng của mình trong suốt quá trình từ khi khởi kiện đến khi phán quyết của Tòa án có hiệu lực.
Thứ hai, quyền tranh tụng của nguyên đơn được hình thành từ yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp dân sự là phải xác định được sự thật khách quan của vụ án. Khi nguyên đơn khởi kiện đến tòa, thực tế Tòa án không phải là một bên trong quan hệ tranh chấp mà chỉ là bên trung gian đứng giữa để phân xử và tuyên bố công lý thuộc về bên nào. Vậy, làm thế để Tòa án xác định được sự thật của vụ án? Phương pháp nhanh nhất để tìm lời giải cho câu hỏi trên là phải đặt các đương sự vào một quá trình tương tác liên tục và chủ động. Quá trình đó sẽ giúp “lột tả” toàn bộ các vấn đề liên quan đến tranh chấp của các bên. Để làm được điều đó, pháp luật phải trao cho các đương sự những quyền tương ứng nhất định – đó chính là quyền tranh tụng. Nói cách khác, thông qua việc các đương sự sử dụng quyền tranh tụng, những điểm mâu thuẫn của vụ án sẽ được làm rõ, những sơ hở từ lập luận của các đương sự sẽ được bộc lộ, từ đó sự thật khách quan của vụ án sẽ được phơi bày. Khi đó, Tòa án là cơ quan nhân danh công lý sẽ có đủ khả năng để nhìn nhận và đánh giá xem đâu là sự thật khách quan trong quan hệ tranh chấp. Dựa vào kết quả của quá trình tranh tụng, Tòa án sẽ ra phán quyết để đảm bảo công bằng với các bên.
Nói một cách sâu sắc như Giáo sư Nguyễn Huy Đẩu: “Nguyên tắc cho hai người đi kiện đối tụng nhau trước thẩm phán là một yếu tố an toàn cho họ và cũng là một điều kiện để Tòa án biết rõ nội tình. Nghe một tiếng chuông, theo cách lí luận một chiều, không thể có đủ tài liệu xét định khả dĩ phán đoán được công minh”63.
1.2.2.2. Nội dung một số quyền trong nhóm quyền tranh tụng của nguyên đơn
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn
Hiện nay, trong những nghiên cứu về pháp luật TTDS, các học giả cũng thể hiện những quan điểm khác nhau về quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của đương sự.
Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, trong quá trình Tòa án giải quyết VADS, đương sự chỉ có quyền cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa án trong thời hạn nhất định do Thẩm phán ấn định (hoặc được pháp luật ấn định chung trong mọi trường hợp). Hết thời hạn đó, đương sự mất quyền xuất trình chứng cứ do việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ. Việc xuất trình chứng cứ quá hạn chỉ được chấp nhận trong trường hợp có lý do chính đáng hoặc vì những trở ngại khách quan mà đương sự không thể có được chứng cứ để cung cấp trong thời hạn đã được ấn định64. Quan điểm này được thể hiện trong BLTTDS Cộng
62 Nguyễn Công Bình (2006), Bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 64.
63 Nguyễn Huy Đẩu, tlđd chú thích 2, tr. 377.
64 Nguyễn Thị Thu Hà (chủ nhiệm) (2012), Tranh tụng trong TTDS Việt nam trước yêu cầu cải cách tư pháp, Đề tài
hòa Pháp, BLTTDS của Liên bang Nga và BLTTDS Nhật Bản65.
Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, trong quá trình Tòa án giải quyết VADS, pháp luật phải ấn định thời hạn cung cấp chứng cứ. Trường hợp đương sự cung cấp chứng cứ quá hạn mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền và chịu toàn bộ các tổn phí phát sinh từ việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án do việc chậm cung cấp chứng cứ đem lại (kể cả các thiệt hại mà các đương sự khác phải gánh chịu)66. Về bản chất, quan điểm này vẫn chấp nhận cho phép đương sự cung cấp chứng cứ ở mọi giai đoạn của quá trình tố tụng, tuy nhiên việc cung cấp chứng cứ muộn sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi.
Hai nhóm quan điểm trên đều có góc độ hợp lý riêng. Ở quan điểm thứ nhất, việc quy định đương sự (trong đó có nguyên đơn) chỉ được cung cấp chứng cứ trong thời gian hợp lý giúp cho hoạt động tố tụng được công khai, minh bạch, tạo cho các đương sự “một sân chơi đẹp”. Giúp nâng cao trách nhiệm của các đương sự trong việc thực hiện quyền cung cấp chứng cứ và tránh tình trạng đương sự cung cấp chứng cứ tùy tiện. Với quan điểm thứ hai, nếu trong một quốc gia với điều kiện kinh tế khó khăn và trình độ hiểu biết pháp luật không cao thì quy định theo quan điểm này sẽ đem lại lợi thế tích cực cho nguyên đơn nói riêng và các đương sự nói chung. Quan điểm này sẽ giúp khắc phục tình trạng một bên đương sự được hưởng lợi không có căn cứ do bên kia không có hoặc không biết thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cũng như việc Tòa án giải quyết vụ án không căn cứ vào sự thật khách quan của vụ án.
Với hai quan điểm trên, những ưu điểm của quan điểm này sẽ là điểm hạn chế của quan điểm còn lại. Tuy nhiên, xét về bản chất của tranh chấp dân sự là luôn gắn với quan hệ riêng tư của các chủ thể (việc dân sự cốt ở đôi bên) thì có lẽ quy định như quan điểm thứ nhất sẽ giúp năng cao tính chủ động của các đương sự trong TTDS, đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của người dân khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần quy định rõ, Tòa án phải thích rõ cho đương sự (trong đó có nguyên đơn) biết rằng mình chỉ có quyền cung cấp chứng cứ để thuyết phục Tòa án trong phạm vi pháp luật ấn định.
* Quyền được tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn
Qua lịch sử hình thành của pháp luật TTDS của một số nước trên thế giới, có thể nhận thấy, nhận thức về quyền được tiếp cận chứng cứ của đương sự nói chung và nguyên đơn nói riêng đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đơn cử, có thể tham khảo về lý thuyết “phát hiện bằng chứng” trong pháp luật TTDS của Mỹ.
Trong công trình “Những vấn đề cơ bản của luật pháp Mỹ”, Giáo sư Morrison nhận định: “Trong thời kỳ đầu của hệ thống pháp luật Mỹ, một bên phải
khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 124.
65 Bùi Thị Huyền (2013), Phiên tòa sơ thẩm dân sự - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.
58, 59.
66 Trần Anh Tuấn (Chủ nhiệm) (2010), Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự theo định hướng cải cách tư pháp, Đề tài khoa học cấp trường , Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 42
chứng minh vụ việc của mình với các bằng chứng mà họ tự thu thập, không có sự giúp đỡ của bên kia. Trong nhiều trường hợp, điều này đặt một bên vào thế tương đối bất lợi. Ví dụ, trong những vụ việc liên quan đến một sản phẩm có khiểm khuyết, hầu như tất cả thông tin liên quan tới thiết kế hoặc việc sản xuất sản phẩm đều nằm trong tầm kiểm soát của bị đơn, trong khi tất cả những bằng chứng liên quan đến mức độ thiệt hại của nguyên đơn đều không nằm trong sự kiểm soát của họ. Thiếu những biện pháp để thay đổi tình trạng mất cân bằng này, kết quả có thể là một phán quyết không công bằng, và điều thường thấy hơn là sự kinh ngạc lớn đối với cả hai bên khi có những bằng chứng mới được đưa ra lần đầu tiên tại phiên xét xử.
Lý thuyết kiện tụng này giờ đây đã thay đổi hết sức mạnh mẽ, và một tiến trình được biết đến với cái tên “phát hiện bằng chứng” cho phép mỗi bên xác định – trước khi phiên xét xử diễn ra – những cơ sở mà bên kia dựa vào để biện hộ cho mình về các sự kiện và pháp luật trong khi xử.”67
Thực tiễn áp dụng pháp luật TTDS đã cho thấy, quyền tranh tụng chỉ thực sự có hiệu quả nếu mỗi đương sự biết được đầy đủ và toàn diện các yêu cầu, chứng cứ và lý lẽ chống lại họ. Về logic, người ta chỉ có thể đối đáp lại những gì mà họ biết68, do đó quyền được biết các tài liệu, chứng cứ của đối phương là điều hết sức cần thiết69. Để đảm bảo thực hiện quyền tranh tụng, đảm bảo rằng các chứng cứ phải được phơi bày và không bị giấu diếm bởi các chủ thể trong tranh chấp, đòi hỏi các đương sự phải được biết chứng cứ của nhau và được sao chụp các tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án70. Để thỏa mãn quyền của nguyên đơn, trong trường hợp các đương sự khác phản đối hoặc kiện ngược lại nguyên đơn phải có nghĩa vụ chuyển giao các tài liệu, chứng cứ cho nguyên đơn trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Quyền này không chỉ cho phép nguyên đơn biết được mọi dữ kiện có lợi cho mình mà bên kia đang nắm giữ, mà còn cho phép họ biết được những dữ kiện có lợi cho đối phương71. Đồng thời, trước khi đưa ra xét xử, Tòa án có trách nhiệm phải tổ chức cho các bên đương sự gặp nhau để thống nhất những tài liệu, chứng cứ nào được coi là chứng cứ của mỗi bên72. Nếu các đương có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ với nguyên đơn có thể chịu những chế tài pháp lý bất lợi (điều này cũng áp dụng với cả nguyên đơn khi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho đương sự khác). Như vậy, để đảm bảo quyền tranh tụng của nguyên đơn đòi hỏi pháp luật TTDS phải quy định cho nguyên đơn quyền được tiếp cận chứng cứ.
* Quyền được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn
67 Alan B. Morrison, tlđd chú thích 47, tr. 97.
68 Phạm Như Hưng (2003), “Nguyên tắc tranh tụng trong luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Pháp”,Luật học (04) tr. 45.
69 Nguyễn Thị Thu Hà, tlđd chú thích 64, tr. 72.
70 Xem Điều 35 BLTTDS Liên bang Nga.
71 Alan B. Morrison, tlđd chú thích 47, tr. 101.
72 Micheal Browde (1998), Phápluật TTDS của Mỹ và một số nước theo hệ thống luật án lệ, (Bài phát biểu tại cuộc hội thảo “Về pháp luật TTDS” tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9 đến 11/6/1898, Kỷ yếu của dự án, tr. 11.
Chứng minh là một trong những hoạt động quan trọng nhất của việc thực hiện quyền tranh tụng. Nói cách khác, quyền chứng minh vừa là nội hàm vừa là cơ sở bảo đảm cho quyền tranh tụng được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, quyền chứng minh luôn phải đặt trong mối quan hệ với nghĩa vụ chứng minh. Ở một góc độ tương đối nhất định, nếu nghĩa vụ hay gánh nặng chứng minh của nguyên đơn càng được thu hẹp thì quyền chứng minh nói riêng và quyền tranh tụng nói chung của nguyên đơn càng được mở rộng.
Nếu ở tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì trong TTDS nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Việc xác định ai là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh chủ yếu trong tố tụng đều dựa vào một nguyên lý chung là “Ai đưa ra yêu cầu, người đó phải chứng minh”. Trong TTDS, đương sự chính là chủ thể của quan hệ pháp luật có tranh chấp, là người đưa ra yêu cầu nên phải có nghĩa vụ chứng minh. Hơn ai hết, nguyên đơn là chủ thể phát động quá trình tố tụng nên bên cạnh quyền đưa ra yêu cầu, nguyên đơn phải chứng minh cho Tòa án thấy yêu cầu mà mình đưa ra là có cơ sở. Tuy nhiên, nếu cho rằng vì nguyên đơn là người đưa ra yêu cầu nên trong mọi trường hợp nguyên đơn đều phải có nghĩa vụ chứng minh là không công bằng với họ.
Thực tế, có những trường hợp nguyên đơn đưa ra yêu cầu nhưng không thể chứng minh được một phần yêu cầu mình đã đưa ra là có cơ sở vì những lý do chính đáng thì cần có quy định để bảo vệ sự công bằng của họ. Hoặc trong trường hợp những tình tiết, sự kiện nguyên đơn đưa ra đã chứa đựng giá trị chứng minh thì nguyên đơn phải được loại trừ nghĩa vụ chứng minh. Nói cách khác, để bảo quyền đảm tranh tụng, trong một số trường hợp, nguyên đơn phải có quyền được loại trừ một số nghĩa vụ chứng minh bất hợp lý.
Vậy, quyền của nguyên đơn trong việc được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh là một vấn đề cần thiết phải đề cập nhằm tạo cơ sở cho hoạt động nghiên cứu quyền tranh tụng của nguyên đơn được đầy đủ và toàn diện.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Giáo sư Vũ Văn Mẫu cũng từng nhận định:
“Có những trường hợp các đương – tụng không phải dẫn chứng (không phải chứng minh), đây là những trường hợp có sự suy đoán được dữ liệu sẵn ở trong luật để bênh vực một vài đương sự”73. Hiện nay, trong pháp luật TTDS của một số quốc gia cũng áp dụng nguyên lý: nếu tình tiết, sự kiện mà đương sự đưa ra đã có giá trị chứng minh liên quan đến VADS thì đương sự không có nghĩa vụ phải chứng minh. Cụ thể, theo Điều 61 BLTTDS Liên bang Nga, những tình tiết, sự kiện sau không cần phải chứng minh: những tình tiết, sự kiện mọi người đều biết; những tình tiết, sự kiện được xác định trong bản án đã có hiệu lực pháp luật…Hay Điều 179 BLTTDS Nhật Bản quy định: Những tình tiết đã được các bên thừa nhận tại Tòa án thì không phải chứng minh. Trong trường hợp việc thừa nhận tại phiên tòa là ép buộc thì đương sự có quyền rút lại việc thừa nhận đó. Về logic, nghĩa vụ là điều bắt buộc chủ thể phải làm, vậy những điều chủ thể không phải làm
73 Vũ Văn Mẫu, tlđd chú thích 1, tr. 370.
chính là quyền của các chủ thể. Theo đó, những tình tiết, sự kiện đương sự (trong đó có nguyên đơn) không có nghĩa vụ phải chứng minh chính là quyền đương sự được loại trừ nghĩa vụ chứng minh.
Bên cạnh đó, việc xác định những trường hợp nào nguyên đơn có quyền được loại trừ nghĩa vụ chứng minh phải căn cứ vào bản chất của quan hệ pháp luật nội dung được quy định trong các luật chuyên ngành. Ví dụ, trong luật sáng chế của Đức, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ có quy định: Trong thủ tục TTDS, nếu đối tượng sáng chế là quy trình sản xuất một loại sản phẩm, cơ quan tố tụng có quyền buộc bị đơn chứng minh cho việc không gây thiệt hại và không vi phạm của mình, tức là quy trình sản xuất của mình khác với quy trình nguyên đơn đã được cấp sáng chế74. Thực tế, quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được cấp sáng chế. Nếu bị đơn bị nguyên đơn cáo buộc là sử dụng quy trình sản xuất giống với quy trình đã được cấp sáng chế của nguyên đơn thì bị đơn có nghĩa vụ chứng minh quy trình của mình khác với quy trình đã được đăng ký bảo hộ trước đó. Như vậy, trong trường hợp này, nguyên đơn không có nghĩa vụ phải chứng minh bị đơn đã sử dụng một quy trình giống với quy trình của mình đã được bảo hộ. Ở đây, nếu nguyên đơn muốn thuyết phục Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình thì nguyên đơn có quyền chứng minh việc bị đơn đã “ăn cắp” ý tưởng sáng chế đã được bảo hộ chứ không có nghĩa vụ bắt buộc phải chứng minh sự việc đó.
Như vậy, về nguyên lý, nguyên đơn có quyền được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh trong một số trường hợp như: những tình tiết, sự kiện mà nguyên đơn đưa ra để chứng minh cho yêu cầu của mình đã hàm chứa sẵn giá trị chứng minh; những tình tiết, sự kiện mà nguyên đơn đưa ra được các đương sự khác thừa nhận trên cơ sở thiện chí, tự nguyện; hoặc những trường hợp vì lý do khách quan mà nguyên đơn không thể chứng minh được lỗi của bị đơn hoặc hành vi gian dối mà bị đơn đã thực hiện.
* Quyền tranh tụng tại phiên tòa của nguyên đơn
Có thể khẳng định, vai trò của Thẩm phán tại phiên tòa dẫn đến sự khác biệt về cách thức tổ chức phiên tòa giữa mô hình tố tụng xét hỏi (áp dụng trong hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa) và mô hình tố tụng tranh tụng (áp dụng trong hệ thống pháp luật thông luật, điển hình như ở Anh và Mỹ). Đối với mô hình theo truyền thống xét hỏi, quy trình tố tụng tại phiên tòa bao gồm : phần khai mạc phiên tòa, xét hỏi, tranh luận75, nghị án và tuyên án. Đối với mô hình theo truyền thống tranh tụng, quy trình tố tụng tại phiên tòa chỉ có phần bắt đầu phiên tòa, trình bày của các đương sự, tranh tụng, nghị án và tuyên án mà không có phần xét hỏi, điều này thể hiện vai trò trung tâm của các đương sự
74 Ngô Vĩnh Bạch Dương (2015), “Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng”, Nghiên cứu lập pháp, (07), tr. 46.
75 Tranh luận có nội hàm hẹp hơn so với tranh tụng. Trong TTDS, tranh luận và tranh tụng đều có điểm giống nhau là hướng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, nếu tranh tụng là một quá trình đi tìm kiến sự thật từ khi khởi kiện đến khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật thì tranh luận chỉ là hoạt động đi tìm sự thật tại phiên tòa.