CHƯƠNG 2 NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
2.2. NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ QUYỀN TRANH TỤNG CỦA NGUYÊN ĐƠN
2.2.1. Quy định về quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn khi khởi kiện
Cùng với việc thực hiện quyền khởi kiện, nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Thực tế, quyền khởi kiện và quyền cung cấp chứng cứ của nguyên đơn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Bởi, nếu quyền cung cấp chứng cứ chứng minh càng được quy định thuận lợi bao nhiêu thì quyền khởi kiện càng được bảo đảm bấy nhiêu. So với BLTTDS 2011, BLTTDS 2015 đã có những quy định mới về vấn đề cung cấp chứng cứ, chúng minh trong TTDS.
Trước đây, Điều 165 BLTTDS 2011 và Điều 6 Nghị quyết số 05/2012/NQ/HĐTP hướng dẫn Điều 165 quy định:“cùng với đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp cho Tòa án những tài liệu chứng cứ an đầu để chứng minh cho quyền khởi kiện của mình là có
95 Nguyễn Thị Thu Hà, tlđd chú thích 52, tr. 172-173.
căn cứ và hợp pháp”. Tài liệu, chứng cứ ban đầu được hiểu là những tài liệu, chứng cứ có thể dùng làm cơ sở để chứng minh cho yêu cầu của nguyên đơn đưa ra là đúng. Ví dụ, khi khởi kiện ly hôn và nuôi con thì nguyên đơn phải cung cấp cho Tòa án bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao khai sinh của con; nếu khởi kiện về giải quyết tranh chấp hợp đồng thì nguyên đơn phải cung cấp cho Tòa án bản sao hợp đồng, hóa đơn thanh toán…Theo quy định này, khi khởi kiện, nếu người khởi kiện không cung cấp cho Tòa án những tài liệu chứng cứ ban đầu thì Tòa án sẽ không tiến hành thụ lý vụ án.
Thực tiễn đã chứng minh quy định của Điều 165 BLTTDS 2011 đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền khởi kiện của nguyên đơn. Đơn cử, đối với tranh chấp về đất đai, trong nhiều trường hợp, những giấy tờ có thể sử dụng để chứng minh cho quyền khởi kiện của người khởi kiện là có cơ sở thường do cơ quan nhà đất nắm giữ. Trước khi khởi kiện, người khởi kiện đã rất nỗ lực trong việc yêu cầu cơ quan nhà đất cung cấp cho mình những giấy tờ có liên quan đến quan hệ đang tranh chấp nhưng cơ quan nhà đất nhất định không cung cấp. Điều này dẫn đến việc khi khởi kiện, người khởi kiện không thể cung cấp được cho Tòa án những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu đang tranh chấp và căn cứ theo quy định của BLTTDS 2011, Tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Quy định này thể hiện một sự nhầm lẫn khi đánh đồng giữa việc thực hiện quyền khởi kiện của nguyên đơn và việc làm thế nào để yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
Để khắc phục những bất cập trên, khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015 quy định, trong trường hợp vì lý do khách quan, nếu nguyên đơn không thể nộp đầy đủ chứng cứ, tài liệu kèm theo đơn khởi kiện thì họ có thể nộp chứng cứ, tài liệu hiện có để chứng minh cho yêu cầu của mình. Vậy, trong trường hợp khi khởi kiện nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ gì thì Tòa án có thụ lý vụ án không ? Mặc dù chưa có nghị quyết hướng dẫn, nhưng câu hỏi này đã được trả lời trong Giải đáp số 01/ 2016/GĐ-TANDTC. Theo đó, khi nộp đơn khởi kiện, nếu nguyên đơn không nộp kèm theo được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào thì phải có văn bản tường trình, giải thích về lý do không nộp tài liệu chứng cứ của mình. Nếu xét lý do của nguyên đơn là chính đáng, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án.
Với quy định trên, khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015 đã phân biệt được “việc khởi kiện” và “được chấp nhận yêu cầu khởi kiện” của nguyên đơn. Cần nhận thức rõ, việc nguyên đơn thực hiện quyền khởi kiện là quyền của công dân trong việc tiếp cận công lý, còn để yêu cầu đưa ra được chấp nhận, nguyên đơn phải chứng minh để thuyết phục Tòa án rằng yêu cầu mình là hợp pháp. Nếu không chứng minh được, yêu cầu của nguyên đơn sẽ bị Tòa án bác bỏ, đồng thời nguyên đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật96. Như vậy, quy định về cung cấp tài liệu chứng cứ chứng minh trong BLTTDS 2015 đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý.
96 Lê Thu Hà (2015), “Cần tiếp tục đổi mới thủ tục tố tụng dân sự trong dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi)”, Nhà nước và pháp luật, (08), tr. 39.
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Qua nghiên cứu quá trình phát triển của chế định chứng minh trong TTDS, có thể nhận thấy các quy định về cung cấp chứng cứ chứng minh có sự thay đổi rõ rệt quan từng lần sửa đổi. Sự thay đổi này đã giúp cho pháp luật TTDS Việt Nam ngày càng “xích lại”
gần hơn với pháp luật TTDS quốc tế97.
Trước đây, BLTTDS 2011 tại Điều 84 quy định cho phép đương sự có quyền cung cấp chứng cứ trong mọi thời điểm của quá trình tố tụng. Qua hơn 10 năm áp dụng trên thực tế, Điều 84 BLTTDS 2011 đã thể hiện những hạn chế rất lớn. Theo quy định này, đương sự gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi trong việc chứng minh. Trong nhiều VADS đã xảy ra trường hợp, nguyên đơn cố tình giấu chứng cứ để đến phiên tòa phúc thẩm mới cung cấp cho tòa án. Việc cung cấp chứng cớ bất ngờ này đã gây ra bất lợi cho cả bị đơn và Tòa án. Đối với bị đơn, khi nguyên đơn cung cấp chứng cứ bất ngờ sẽ đẩy bị đơn vào hoàn cảnh bất lợi do không có đủ thời gian, điều kiện để chuẩn bị những phương án phòng vệ và hiển nhiên nguy hiểm tiềm ẩn gây ra cho bị đơn là khả năng thua kiện rất cao. Đồng thời, bản án phúc thẩm sau khi tuyên sẽ có ngay hiệu lực pháp luật nên bị đơn không có cơ hội để kháng cáo như ở cấp sơ thẩm. Đối với Tòa án, trong trường hợp nguyên đơn cung cấp chứng cứ bất ngờ sẽ khó bảo đảm cho Tòa án đánh giá chứng cứ được toàn diện, bởi khi bị đơn không có đủ phương tiện để “đối trọng” lại yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án khó lòng nhận diện được “bức tranh toàn cảnh” của vụ án. Sự bất hợp lý này có thể dẫn đến hậu quả là bản án của Tòa án tuyên không công bằng, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.
Nhận ra những điểm bất hợp lý trên, BLTTDS 2015 đã đưa ra những quy định mới để khắc phục những hạn chế của BLTTDS 2011 về vấn đề cung cấp chứng cứ chứng minh. Cụ thể, khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015 quy định: “Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm…”. Theo quy định này, các đương sự nói chung và nguyên đơn nói riêng vẫn có quyền cung cấp chứng cứ trong quá trình tòa án giải quyết VADS. Tuy nhiên, việc cung cấp chứng cứ của nguyên đơn không thể thực hiện “tùy tiện” như trước đây. Yêu cầu đặt ra là việc cung cấp chứng cứ phải được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Sau giai đoạn này, việc cung cấp chứng cứ của nguyên đơn vẫn có thể được tòa án chấp nhận nhưng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe mà pháp luật quy định. Quy định này giúp hạn chế sự lạm dụng quyền cung cấp chứng cứ của nguyên đơn, đồng thời đảm bảo cho hoạt động tranh tụng trong TTDS được diễn ra minh bạch, khách quan và công bằng.
Tuy nhiên, BLTTDS 2015 cũng có quy định hoàn toàn mới về phiên họp giao nộp,
97 Trần Anh Tuấn (chủ biên) (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Tư pháp, tr. 226.
tiếp cận, công khai chứng cứ, do vậy nếu quy định thời hạn cung cấp chứng cứ là trước khi đưa vụ án ra xét xử sẽ làm mất ý nghĩa của phiên họp này. Thiết nghĩ, BLTTDS 2015 cần sửa đổi về vấn đề này.
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm Theo quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015, sau thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nguyên đơn vẫn có quyền cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền cung cấp chứng cứ của nguyên đơn chỉ được Tòa án chấp nhận nếu có lý do chính đáng và nguyên đơn phải chứng minh được điều này. Như vậy, nhằm đảm bảo cho hoạt động tranh tụng, việc chấp nhận chứng cứ được giao nộp muộn của nguyên đơn được thực hiện rất hãn hữu.
Quy định này là hợp lý, bởi việc vận dụng lý thuyết tranh tụng phải được cân nhắc quyết định dựa trên nền tảng kinh tế và trình độ dân trí của mỗi quốc gia. Thiết nghĩ, với khả năng hiện tại của nước ta, việc áp dụng mô hình tranh tụng tuyệt đối sẽ gây bất lợi cho người dân. Việc áp dụng mô hình tranh tụng một cách linh hoạt là một lựa chọn đúng đắn. Thực tế, thực tiễn luôn diễn ra đa dạng và thực sự tồn tại những trường hợp do những nguyên nhân khách quan mà nguyên đơn và các đương sự thực sự không thể cung cấp ngay chứng cứ cho Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Đồng thời, nếu không chấp nhận cho nguyên đơn và các đương sự cung cấp chứng cứ muộn khi có lý do chính đáng thì phán quyết của tòa sẽ không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án. Như người ta vẫn thường nói, các bên được quyền có một Tòa án công bằng, chứ không phải một Tòa án hoàn hảo98. Vì vậy, quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015 là phù hợp.
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn tại Tòa án cấp phúc thẩm Theo Điều 287 BLTTDS 2015, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, việc cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận trong hai trường hợp. Một là, trường hợp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì lý do chính đáng. Đây là trường hợp đương sự không thể có tài liệu chứng cứ để xuất trình cho Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, khi đương sự xuất trình được chứng cứ mới và chứng minh có lý do chính đáng thì Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận chứng cứ này. Hai là, trường hợp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án sơ thẩm không yêu cầu nguyên đơn giao nộp hoặc nguyên đơn không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Đây là trường hợp đương sự không biết về sự tồn tại của chứng cứ nên không thể cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm, khi vụ án được xét xử phúc thẩm, đương sự mới biết đến sự tồn tại của chứng cứ đó; nếu đương sự có thể chứng minh được lý do cung cấp chứng cứ muộn là chính đáng thì chứng cứ mới cung cấp sẽ được Tòa án chấp nhận. Thủ tục cung cấp chứng cứ được thực hiện theo quy định Điều 96. Vậy, giả sử tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ và có lý do chính đáng thì Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận không ? Thiết nghĩ,
98 Alan B. Morrison (chủ biên), tlđd chú thích 47, tr. 111.
BLTTDS 2015 cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.
* Quyền cung cấp chứng cứ, chứng minh của nguyên đơn trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng được quy định tại Điều 24, BLTTDS 2015 đã có quy định mới về quyền cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 330 và Điều 357 BLTTDS 2015, nguyên đơn có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu nguyên đơn giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng nguyên đơn không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ nguyên đơn không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, hiện nay có một số quy định trong chế định giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa bảo đảm quyền tranh tụng của đương sự nói chung và nguyên đơn nói riêng. Cụ thể, Điều 338 BLTTDS 2015 quy định: Tòa án chỉ triệu tập đương sự đến phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm khi xét thấy cần thiết. Với quy định này, Điều 338 đã hạn chế quyền tranh tụng của đương sự khi quy định quyền tham gia phiên tòa của đương sự bị phụ thuộc bởi ý chí của Tòa án. Thiết nghĩ, BLTTDS cần có những sửa đổi về quy định này để bảo đảm hơn nữa quyền tranh tụng của đương sự trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh các quy định trực tiếp, BLTTDS 2015 cũng có những quy định gián tiếp nhằm bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của nguyên đơn. Sự bảo đảm này thể hiện ở Điều 7, khoản 7 Điều 70 và Điều 106 BLTTDS 2015. Theo đó, khi có yêu cầu của nguyên đơn, các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó. Song, trong trường hợp nguyên đơn đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể làm đơn đề nghị Tòa án hỗ trợ mình thu thập chứng cứ. Với quyền hạn của mình, Tòa án có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu trữ tài liệu chứng cứ phải cung cấp cho nguyên đơn hoặc cho Tòa án để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn. Nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức này vẫn cố tình không cung cấp các tài liệu, chứng cứ mà Tòa án yêu cầu sẽ phải chịu chế tài pháp lý theo quy định tại Điều 495 BLTTDS 2015.