CHƯƠNG 2 NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
2.1. NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ QUYỀN TỰ ĐỊNH ĐOẠT CỦA NGUYÊN ĐƠN
2.1.3. Quy định về quyền rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
Quyền rút yêu cầu khởi kiện là quyền tự định đoạt của nguyên đơn được ghi nhận tại Điều 5 và khoản 4 Điều 70 BLTTDS 2015. Theo quy định của pháp luật TTDS, quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn được thực hiện ở rất nhiều giai đoạn của quá trình tố tụng.
* Quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa sơ thẩm
Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 217 BLTTDS 2015, trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm có thể dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý khác nhau. Cụ thể:
- Nếu trong VADS chỉ có yêu cầu của nguyên đơn mà nguyên đơn rút hết yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Thực tế, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là căn cứ làm phát sinh VADS và cũng là đối tượng của xét xử sơ thẩm; do vậy, trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện mà trong vụ án không còn yêu cầu của đương sự khác, nghĩa là đối tượng xét xử không còn tồn tại thì Thẩm phán phải quyết định ngừng giải quyết vụ án.
- Nếu nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện nhưng trong vụ án vẫn có yêu cầu của đương sự khác (yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) thì Thẩm phán sẽ quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn và thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Đương sự có yêu cầu sẽ được xác định là nguyên đơn trong vụ án và người bị kiện sẽ trở thành bị đơn trong vụ án. Và Tòa án sẽ
85 Bản án được tham khảo từ trang web: https://caselaw.vn/ban-an/wjETKexJnL ngày truy cập 25/07/2017.
tiếp tục giải quyết những yêu cầu còn lại của đương sự.
Quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm được quy định tại Điều 244, 245 BLTTDS 2015. Về nguyên tắc, việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm được áp dụng giống với trường hợp rút đơn khởi kiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, lúc này, chủ thể có thẩm quyền giải quyết việc rút đơn của nguyên đơn không phải là Thẩm quyền mà là Hội đồng xét xử sơ thẩm. Theo cách sắp xếp của Điều 244, 245 BLTTDS 2015 thì việc rút đơn được thực hiện ở phần bắt đầu phiên tòa. Trong thủ tục này, Hội đồng xét xử sẽ hỏi để xác định nguyên đơn có rút đơn khởi kiện hay không và áp dụng những thủ tục cần thiết khi nguyên đơn quyết định rút đơn. Vậy, nếu đang ở phần tranh tụng, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Tòa án có chấp nhận hay không ? Theo tác giả, nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của nguyên đơn, Tòa án vẫn có thể áp dụng linh hoạt quy định của Điều 244 và Điều 245 BLTTDS 2015 để chấp nhận cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện.
Hiện nay, vẫn có hai quan điểm trái chiều về quy định thay đổi tư cách đương sự khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm nhất thiết phải đình chỉ vụ án. Nếu các đương sự khác có yêu cầu thì Tòa án phải áp dụng các quy định về tách vụ án để thụ lý và giải quyết thành vụ án riêng. Quan điểm này đưa ra nhằm khắc phục những rắc rối trong vụ án bởi, khi có sự thay đổi về tư cách đương sự, muốn vụ án phù hợp với quan hệ pháp luật mới đồng nghĩa với việc phải thay đổi hồ sơ vụ án. Và việc thay đổi này là không hợp lý vì không phù hợp với diễn biến của vụ án86.
Quan điểm thứ hai cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của được sự, vẫn phải giữ quy định về thay đổi tư cách đương sự khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm.
Việc thay đổi địa vi tố tụng được ghi vào biên bản phiên tòa87.
Theo tác giả, cả hai quan điểm trên đều có những kiến giải hợp lý riêng và cũng khó có thể nhận định quan điểm nào tốt hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các đương sự, tránh cho đương sự phải mất thêm thời gian, công sức khi phải tham gia giải quyết VADS lại từ đầu, nên có quy định linh hoạt cho phép đương sự được thay đổi địa vị tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Qua nghiên cứu về quyền rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cho thấy, quy định tại Điều 217, Điều 244 và 245 BLTTDS 2015 còn thể hiện một số bất cập, cụ thể:
Một là, khi nguyên đơn rút toàn yêu cầu khởi kiện, pháp luật không quy định cần phải hỏi ý kiến của bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan là không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong TTDS. Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015, khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, việc phải hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền, nghĩa
86 Lê Thu Hà (2007), “Giải quyết trường hợp thay đổi địa vị tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm”, Nghiên cứu lập pháp, (01), tr. 54, 55.
87 Thái Chí Bình, “Một số vướng mắc về đình chỉ yêu cầu của đương sự và thay đổi địa vị tố tụng trong tố tụng dân sự”, tại địa chỉ: http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/611 ngày 25/07/2017
vụ liên quan chỉ đặt ra trong trường hợp vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là chưa hợp lý.
Hai là, pháp luật chưa có quy định về trường hợp nguyên đơn có nhiều yêu cầu nhưng chỉ rút một phần yêu cầu thì Tòa án giải quyết như thế nào? Hoặc trong trường hợp nguyên đơn đã rút hết yêu cầu nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập hướng đến cả bị đơn và nguyên đơn thì ai sẽ trở thành nguyên đơn, ai sẽ trở thành bị đơn.
Ba là, BLTTDS 2015 chưa có quy định cụ thể để áp dụng cho trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn nhưng chỉ có một nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Điều này đã gây tranh cãi trong thực tiễn áp dụng. Có thể minh chứng bằng ví dụ sau:
Ông A và bà B sinh được 4 người con là M, N, P, Q. Ông A mất năm 2015, bà B mất năm 2016, cả hai người đều không để lại di chúc và có di sản thừa kế là thửa đất X.
Ngày 8/7/2016, bà M và N có đơn khởi kiện ông P và Q, yêu cầu chia thừa kế của ông A và bà B. Tòa án đã thụ lý vụ án trên, xác định và M và N là nguyên đơn, ông P và Q là bị đơn. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, bà M có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện.
Vậy, ở trường hợp này Tòa án có thể giải quyết như thế nào ? Hiện nay tồn tại hai quan điểm khác nhau về câu hỏi trên.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc bà M có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện là không trái với quy định của pháp luật nên Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết yêu cầu của bà M và tiếp tục giải quyết yêu cầu của bà N88. Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù bà M có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, nhưng yêu cầu này lại đồng nhất với yêu cầu của của bà N mà không phải yêu cầu độc lập, riêng biệt, nên Tòa án không thể đình chỉ giải quyết yêu cầu của bà M mà phải tiếp tục giải quyết vụ án89.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi sở dĩ yêu cầu của bà M và N được Tòa án giải quyết trong cùng một vụ án là do bà M và N có cùng yêu cầu khởi kiện – đều là “tranh chấp về chia di sản thừa kế”. Việc Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu của bà M và N trong cùng vụ án sẽ đảm bảo cho vụ án được giải quyết nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, cần lưu ý rằng, khi khởi kiện bà M và N đều độc lập về quyền và nghĩa vụ. Do đó, việc rút đơn khởi kiện của bà M không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của bà N.
* Quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm
Hiện nay, BLTTDS 2015 không có quy định về trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, có thể áp dụng tinh thần của Điều 18 NQ 06/2012/NQ-HĐTP để giải quyết cho trường hợp này. Theo đó, trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, khi chưa có chủ thể nào kháng cáo, kháng nghị thì
88 Nguyễn Thị Hạnh – Nguyễn Thị Hương (2013), “Giải quyết việc nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện trong VADS nhiều nguyên đơn có cùng yêu cầu”, Tòa án Nhân dân, (20), tr. 26.
89 Nguyễn Thị Hạnh – Nguyễn Thị Hương, tlđd chú thích 89, tr. 27.
nguyên đơn vẫn có quyền rút đơn khởi kiện. Nếu việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn không được bị đơn đồng ý thì yêu cầu rút đơn của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận. Nếu hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị nào khác thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu bị đơn đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Toà án cấp sơ thẩm đều phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị (nếu có), cùng với văn bản rút đơn khởi kiện cho Toà án cấp phúc thẩm để Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết. Ở trường hợp này khi bị đơn đã đồng ý, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hướng dẫn này có hạn chế là pháp luật chỉ quy định việc rút đơn của nguyên đơn phải hỏi ý kiến của bị đơn mà đã bỏ qua ý kiến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không hợp lý. Về tư cách, người có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng là đương sự trong vụ án nên phải có quyền bình đẳng như các đương sự khác.
* Quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm
Khoản 1 Điều 299 BLTTDS 2015 quy định, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phải hỏi ý kiến của bị đơn: trường hợp bị đơn không đồng ý thì Tòa án không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; trường hợp bị đơn đồng ý thì hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Điều đặc biệt trong quy định của Điều 299 là:
ngay cả trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì việc rút đơn của nguyên đơn vẫn phải đưa ra Tòa án phúc thẩm để xem xét.
Điều này là hợp lý vì, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không thể có đủ thẩm quyền để hủy bản án của hội đồng xét xử sơ thẩm. Nói cách khác, để ra được bản án sơ thẩm, Tòa án và các đương sự đã mất rất nhiều công sức và thời gian, nếu quy định cho phép Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm là vừa vi phạm về thẩm quyền xét xử cũng như tính logic của thủ tục tố tụng.
Thêm nữa, quy định của Điều 299 cũng giúp lý giải tại sao khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời hạn kháng cáo mà được bị đơn đồng ý thì Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải gửi hồ sơ lên cho Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, bởi thực tế, tòa án cấp sơ thẩm không có thẩm quyền hủy bản án của chính mình. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 299 cũng quy định khi Tòa án phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại.
Tuy nhiên, từ thực tiễn áp dụng và qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, có thể thấy, mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng quy định về trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại Tòa án cấp phúc trong các BLTTDS vẫn tồn tại những hạn chế giống nhau – đó là quy định khi nguyên đơn rút đơn chỉ cần hỏi ý kiến của bị đơn. Quy định này đã trực
tiếp xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
* Quyền rút đơn khởi kiện của nguyên đơn ở thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo quy định của Điều 346 và khoản 3 Điều 356 BLTTDS 2015, dẫn chiếu về các căn cứ ở Điều 217, trong trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện ở thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Quy định này được xây dựng nhằm bảo đảm quyền tự định đoạt của nguyên đơn và các đương sự. Thực tế, khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì đối tượng của vụ tranh chấp không còn tồn tại nên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải hủy tất cả các bản án đã có hiệu lực, đồng thời quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Thêm nữa, nhằm giải quyết triệt để vấn đề có liên quan giữa các đương sự, BLTTDS 2015 bổ sung thêm quy định về việc Hội đồng xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết cả hậu quả của việc thi hành án nếu bản án, quyết định của Tòa án đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là khi nguyên đơn rút đơn có cần hỏi ý kiến của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) hay không? Trong trường hợp nguyên đơn chỉ rút một phần yêu cầu khởi kiện thì Hội đồng xét xử giải quyết như thế nào? Sau khi Hội đồng xét xử hủy bán án, quyết định sợ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại hay không? Để bảo đảm quyền rút đơn của nguyên đơn, BLTTDS cần thiết phải có hướng dẫn giải đáp các câu hỏi trên.