CHƯƠNG 2 NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
2.2. NỘI DUNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ QUYỀN TRANH TỤNG CỦA NGUYÊN ĐƠN
2.2.2. Quy định về quyền đƣợc tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn
Bên cạnh quyền cung cấp chứng cứ, để đảm bảo tranh tụng, nguyên đơn phải có quyền tiếp cận chứng cứ. BLTTDS 2015 đã có những quy định mới về quyền được tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn trong quá trình TTDS. Quyền được tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn được thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, các đương sự khác có nghĩa vụ sao gửi những tài liệu, chứng cứ cho nguyên đơn. Khoản 9 Điều 70 và Khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 đã đưa ra một nguyên tắc chung đó là: Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi
tài liệu, chứng cứ đó cho các đương sự khác, trừ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo quy định này, khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phản đối yêu cầu của nguyên đơn hoặc đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập với nguyên đơn có nghĩa vụ chủ động, tự giác sao chụp tài liệu, chứng cứ để gửi cho nguyên đơn. Trong trường hợp có một số tài liệu, chứng cứ mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã giao nộp cho Tòa án nhưng không thể công khai thì Tòa án có trách nhiệm thông báo cho nguyên đơn những tài liệu, chứng cứ này. Quy định mới này của BLTTDS 2015 sẽ giúp nguyên đơn có thể chủ động trong việc chuẩn bị những phương án dự phòng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhằm cụ thể hóa tinh thần của Điều 70 và Điều 96, điểm b khoản 2 Điều 210 BLTTDS 2015 quy định: tại phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, Thẩm phán có trách nhiệm công bố những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và phải hỏi đương sự về những tài liệu, chứng cứ đương sự đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Thực chất, ý nghĩa của quy định này là giúp Tòa án và các đương sự có thể xác định chắc chắn và đầy đủ những tài liệu chứng cứ mà các bên sẽ dùng để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại phiên tòa sơ thẩm. Thêm nữa, theo quy định của Điều 210, tại phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi, bổ sung yêu cầu và có đưa ra chứng cứ mới để chứng minh cho yêu cầu đó thì phải có nghĩa vụ chuẩn bị trước một bộ tài liệu, chứng cứ để kịp thời cung cấp cho nguyên đơn. Tuy nhiên, cần có quy định rằng Tòa án và các đương sự sẽ “chốt” những tài liệu, chứng cứ sẽ được sử dụng để tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm nếu các bên không thỏa thuận được tại phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Có thể nhận thấy, trên thực tế không phải lúc nào bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có thái độ hợp tác trong việc tự giác, chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình với nguyên đơn. Thực tế, có nhiều trường hợp đương sự không thực hiện đúng nghĩa vụ mà pháp luật quy định với nguyên đơn. Chẳng hạn, trường hợp bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không giao nộp, giao nộp không đầy đủ, giao nộp không đúng thời hạn những tài liệu, chứng cứ mà mình có cho nguyên đơn; hoặc những tài liệu, chứng cứ sao gửi cho nguyên đơn không giống với tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án. Như vậy, mặc dù BLTTDS 2015 đã có những quy định mới nhằm đảm bảo cho nguyên đơn và các đương sự khác có quyền tiếp cận chứng cứ, nhưng quy định này mãi mãi chỉ là hình thức nếu không có chế tài áp dụng đối với người vi phạm.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có quy định để bảo đảm quyền tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn tại phiên tòa. Trong trường hợp, tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Tòa án chấp nhận cho cung cấp chứng cứ muộn vì có lý do chính đáng và những đương sự này cũng chủ động chuẩn bị một bản để gửi cho
nguyên đơn thì việc làm này cũng không bảo đảm quyền chứng minh của nguyên đơn.
Bởi lẽ, mục đích của quyền được tiếp cận chứng cứ là nhằm giúp nguyên đơn có thể chuẩn bị các phương án hoặc tài liệu chứng cứ khác để biện luận và bảo vệ quyền lợi của mình. Ở trường hợp này, mặc dù được tiếp cận chứng cứ ngay tại phiên tòa nhưng nguyên đơn vẫn hoàn toàn bất lực khi không có thời gian chuẩn bị cho việc phản bác những chứng cứ mà các đương sự khác mới đưa ra. Do đó, trong nhiều trường hợp, cần có quy định để bảo đảm đồng thời cả quyền tiếp cận chứng cứ và quyền chứng minh của nguyên đơn.
Thứ hai, nguyên đơn có quyền đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ. Như đã nói, về nguyên tắc, song song với việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chủ động sao gửi tài liệu, chứng cứ cho nguyên đơn. Tuy nhiên, quyền này của nguyên đơn chỉ được bảo đảm khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tự giác và chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình. Vậy, bên cạnh việc thụ động chờ đợi đương sự khác sao gửi tài liệu, chứng cứ cho mình nguyên đơn có cách nào để tiếp cận chứng cứ của đương sự khác hay không? Dự liệu được trường hợp này, pháp luật TTDS đã quy định những phương thức giúp nguyên đơn được chủ động trong việc tiếp cận chứng cứ để chuẩn bị các phương án bảo vệ. Phương thức này được ghi nhận tại khoản 7 Điều 70 BLTTDS 2015, theo đó, nguyên đơn có quyền chủ động đề nghị Tòa án yêu cầu các đương sự khác phải cung cấp cho mình những tài liệu, chứng cứ mà họ đang nắm giữ.
Thứ a, nguyên đơn có quyền ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập (khoản 8 Điều 70 BLTTDS 2015). Quy định cho phép nguyên đơn có quyền sao chụp tài liệu, chứng cứ cũng là cơ sở để bảo đảm quyền được tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn. Quy định này mang lại nhiều ý nghĩa, một là, tạo điều kiện chủ động cho nguyên đơn trong việc tiếp cận tài liệu, chứng cứ; hai là thông qua việc sao chụp tài liệu, chứng cứ, nguyên đơn có thể biết được những cứ mà đương sự khác sao gửi cho mình có trùng khớp với chứng cứ mà họ đã cung cấp cho tòa án hay không.
Trước đây, điều 17 NQ số 03/2012/NQ-HĐTP có quy định: “Đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa án mở phiên toà xét xử vụ án”. Có lẽ, quy định này được xây dựng để bảo đảm thực hiện nguyên tắc xét xử liên tục được quy định tại Điều 197 BLTTDS 2011. Tuy nhiên, việc bảo đảm nguyên tắc này lại vô hình chung làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tiếp cận chứng cứ của nguyên đơn. Rõ ràng, BLTTDS 2011 quy định nguyên đơn có quyền cung cấp chứng cứ trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng nhưng chỉ chấp nhận cho nguyên đơn được sao chụp tài liệu, chứng cứ trước phiên tòa sơ thẩm là bất hợp lý.
Như vậy, quy định về quyền được sao chụp, tài liệu chứng cứ của nguyên đơn trong BLTTDS 2011 và văn bản hướng dẫn có sự mâu thuẫn và không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nguyên đơn.
Để khắc phục vấn đề này, BLTTDS 2015 cần có hướng dẫn cho phép nguyên
đơn được sao chụp tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp các đương sự khác cung cấp cho tòa án chứng cứ mới và được Tòa án chấp nhận. Đồng thời, cũng cần có hướng dẫn về thủ tục sao chụp tài liệu, chứng cứ và cơ chế hỗ trợ của Tòa án trong trường hợp nguyên đơn không thể sao chụp được tài liệu, chứng cứ.