Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Cẩm Phả
3.1.1. Điều kiện tự nhiên của thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh
* Vị trí địa lý
Thành phố Cẩm Phả nằm dọc quốc lộ 18A, cách thành phố Hạ Long 30 km, có diện tích tự nhiên 34.322,72 ha. Ranh giới hành chính tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Tiên Yên.
- Phía Đông giáp huyện Vân Đồn.
- Phía Nam giáp vịnh Bái Tử Long.
- Phía Tây giáp thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ.
Thành phố Cẩm Phả nằm trong hành lang kinh tế động lực Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh. Có tài nguyên phong phú đa dạng nhất là khoáng sản than, du lịch sinh thái biển và tài nguyên biển, là trung tâm công nghiệp nằm liền kề với thành phố Hạ Long, là cầu nối liên kết giữa các trung tâm kinh tế - dịch vụ - du lịch lớn của tỉnh với khu vực phía Đông tỉnh Quảng Ninh.
* Địa hình, địa mạo
Địa hình thành phố Cẩm Phả tương đối đa dạng và phức tạp bao gồm vùng đồi núi và đồng bằng ven biển và được chia thành 5 dạng địa hình như sau:
- Địa hình núi:
Núi thấp và trung bình: Phân bố ở hầu hết các phường, xã với diện tích khoảng 27.300 ha chiếm khoảng 70% diện tích, có độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên đã ảnh hưởng tới quá trình hình thành độ dày của tầng đất mịn.
Khu vực núi đất dốc trên 250: Chiếm khoảng 65% diện tích đất đồi núi, mức độ chia cắt mạnh đến trung bình, tầng đất mịn thường mỏng.
Khu vực núi thấp dốc dưới 250: Mức độ chia cắt yếu trung bình, tầng đất mịn thường dày.
- Địa hình vùng đồi:
Phân bố ở phía Tây đường quốc lộ 18A, thuộc 2 xã Cộng Hòa và Cẩm Hải, địa hình thường có dạng đồi gò, bát úp với độ cao trung bình từ 20 – 100 m, dưới chân đồi thường có dạng địa hình thấp, chịu ảnh hưởng của các cửa sông bao quanh như sông Voi Bé và sông Voi Lớn.
- Địa hình thung lũng:
Phân bố dọc theo các sông suối nhỏ nằm tiếp giáp với chân núi, hàng năm thường xuyên được bồi lắng phù sa vào mùa mưa đã tạo nên những dải đất bằng phẳng, màu mỡ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
- Địa hình đồng bằng ven biển:
Là vùng đất thấp tiếp giáp với vùng đồi gò, thuộc xã Cộng Hòa và Cẩm Hải, thường xuyên được bồi đắp bởi 2 con sông Voi Bé và sông Voi Lớn tạo nên dải đồng bằng nhỏ hẹp xen kẽ với vùng gò đồi, vùng này rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
- Địa hình núi đá vôi (Castơ):
Địa hình này phân bố ở các phường Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cẩm Thạch và phường Quang Hanh, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng.
* Khí hậu
Thành phố Cẩm Phả chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu biển. Theo số liệu của trạm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh thì khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ bình quân cả năm là 23,00C. Nền nhiệt độ được phân hoá theo mùa khá rõ rệt, trong năm có 4 tháng nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 200C (tháng 12 đến tháng 3 năm sau). Lượng mưa bình quân hàng năm là 2.144,5 mm nhưng phân bố không đồng đều giữa các tháng và các mùa trong năm.
Nắng: Trung bình số giờ nắng dao động từ 1.500 – 1.700h/năm, nắng tập trung từ tháng 5 đến tháng 12. Độ ẩm không khí bình quân cả năm khoảng 84%, cao nhất là tháng 3 và tháng 4 đạt 88%, thấp nhất vào tháng 11 và tháng 12 đạt 78%. Độ ẩm không khí còn phụ thuộc vào độ cao, địa hình và sự phân hóa theo mùa. Gió thịnh hành là gió Đông Bắc và gió Đông Nam.
* Điều kiện thuỷ văn
Chế độ thuỷ văn của các sông, ngòi ở thành phố Cẩm Phả phụ thuộc chủ yếu vào chế độ thủy văn của các con sông chính như: sông Diễn Vọng, sông Mông Dương, sông Đồng Mỏ…..Nhìn chung, sông suối chảy trên địa phận Thành phố có diện tích lưu vực nhỏ, độ dài sông ngắn, lưu lượng nước không nhiều và phân bố không đều trong năm. Các sông này về mùa mưa thường mang một lượng phù sa bồi đắp vùng bãi ven sông, tạo nên những dải đất phù sa màu mỡ đồng thời cũng dễ gây ngập úng cho các vùng thấp trũng.
* Các nguồn tài nguyên - Tài nguyên đất
Nhóm đất phù sa: Chủ yếu ở vùng trũng, thấp, được bồi đắp bởi phù sa của sông và phù sa biển có diện tích 459 ha, chiếm 1,34% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Quang Hanh, Cẩm Thạch, Mông Dương, Dương Huy, Cộng Hòa. Nhóm đất phù sa được chia làm 2 đơn vị đất sau:
+ Đất phù sa được bồi chua
+ Đất phù sa không được bồi chua glây sâu:
Đất Glây: Diện tích 30,1 ha, chiếm 0,09% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã Cộng Hòa và phường Quang Hanh.
Đất vàng đỏ: Diện tích 26.405,64 ha, chiếm 78,65% diện tích tự nhiên, phân bố ở hầu khắp các phường, xã. Đất vàng đỏ được hình thành trên các loại đá mẹ khác nhau như phiến sét, phiến thạch, sa thạch.
Đất tác nhân: Diện tích 4.736,77 ha, chiếm 12,55% diện tích tự nhiên. . Nhóm đất này có 2 đơn vị đất là:
+ Đất ruộng bậc thang vùng đồi núi:
+ Đất bãi khai thác mỏ: Loại đất này hình thành do bị xáo trộn, có sự tích lũy các chất thải của khai thác mỏ.
Đất Cát: Diện tích 724,21 ha, chiếm 2,16% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Cẩm Sơn, Cẩm Trung, Cẩm bình, Cẩm Thành, Cẩm Thịnh, Cẩm Phú, Cẩm Đông, Cẩm Thạch, Cẩm thủy, Cẩm Hải, Mông Dương, Cộng Hòa. Đất được hình thành ven biển, ven các con sông chính do sự bồi đắp, bao gồm:
Đất mặn: Diện tích 1.554,9 ha chiếm 4,62% diện tích tự nhiên, phân bố ở phường Mông Dương, xã Cẩm jHải, xã Cộng Hòa. Nhóm đất này hình thành từ những sản phẩm phù sa sông biển lắng đọng trong môi trường nước biển.
Đất mùn vàng đỏ trên núi: Diện tích 175,6 ha, chiếm 0,52% diện tích tự nhiên. Phân bố ở phường Mông Dương. Đất mùn vàng đỏ nằm ở độ cao 700 – 900 m. Địa hình cao, dốc, hiểm trở nên xói mòn mạnh. Đất mặt thường có màu xám đen, tầng dưới có màu xám vàng. Đất có phản ứng chua, giàu hữu cơ ở tầng đất mặt, lân nghèo đến trung bình, kali tổng số trung bình. Lượng các cation kiềm trao đổi thấp, có độ dốc trên 250 nên khoanh nuôi bảo vệ rừng.
Đất có tầng sét loang lổ: Diện tích 236,5 ha, chiếm 0,7% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã, phường: Dương Huy, Cẩm Phú, Cẩm Sơn. Nhóm đất này hình thành trên các loại mẫu chất phù sa cổ, phù sa cũ hoặc trên các nền đá mẹ khác nhau.
- Tài nguyên nước
Nước mặt: Tài nguyên nước mặt bao gồm các sông chính như hệ thống sông Diễn Vọng, sông Mông Dương, sông Voi Lớn, Sông Voi Bé và còn có 28 hồ đập lớn nhỏ nằm rải rác trong Thành phố. Ngoài ra trên địa bàn hình thành
nhà máy nước Diễn Vọng lấy nước từ các hồ Cao Vân và Sông Diễn Vọng để xử lý, cung cấp nước cho toàn Thành phố.
Nước ngầm: Tài nguyên nước ngầm trên địa bàn Thành phố có trữ lượng lớn, phía bắc vùng đồi núi có chất lượng tốt, nhân dân sử dụng nước bằng cách đào và khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Vùng thấp và ven biển nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên ít được sử dụng trong sinh hoạt.
- Tài nguyên rừng
Diện tích đất rừng chủ yếu là rừng gỗ non chưa có trữ lượng và rừng tre nứa, rừng ngập mặn chủ yếu là rừng phòng hộ bao gồm cây sú vẹt. Diện tích rừng thường tập trung chủ yếu ở các phường, xã: Mông Dương, Cộng Hòa, Cẩm Hải, Dương Huy và Quang Hanh. Độ che phủ rừng đạt 45,5%.
- Tài nguyên biển
Cẩm Phả là thành phố ven biển, có trên 70 km bờ biển chạy dọc theo vịnh Bái Tử Long từ phường Quang Hanh đến cầu Ba Chẽ. Tiềm năng kinh tế biển khá đa dạng, nhất là các cảng và dịch vụ cảng biển, du lịch biển – ven biển và thủy sản, cùng với các dãy núi đá, hang động có cảnh quan kỳ thú là điểm du lịch phục vụ nhu cầu khách trong nước và quốc tế.
- Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản lớn nhất ở Cẩm Phả là than đá và phân bố dọc theo quốc lộ 18A và 18B. Tổng tiềm năng ước tính trên 1 tỷ tấn, trữ lượng có thể khai thác thuận lợi 240 triệu tấn (theo số liệu ngành than), qua thăm dò than khai thác hầm lò đạt độ sâu – 300m, sản lượng than khai thác trên địa bàn thành phố chiếm 50 – 50% sản lượng than toàn quốc, chất lượng than tốt, tiện đường chuyên chở ra cảng nước sâu, thuận tiện cho xuất khẩu. Ngoài ra còn có tiềm năng về đá vôi phân bố chủ yếu trên địa bàn phường Quang Hanh và các dãy núi đá vôi ngoài vịnh, có trữ lượng lớn để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng; Đất sét: Là nguồn
nguyên liệu dùng để sản xuất gạch ngói được tập trung nhiều ở trên địa bàn phường Quang Hanh và xã Cộng Hòa; Nước khoáng: Là nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao, có thể phát triển khai thác với quy mô lớn, tập trung ở phường Quang Hanh, chứa nhiều nguyên tố vi lượng có ích, phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng.
* Tài nguyên du lịch
Nằm cạnh vùng di sản vịnh Hạ Long và Bái Tử Long kết hợp với suối khoáng nóng Quang Hanh, hang Vũng Đục, đền Cửa Ông, đảo Rều cùng với các bãi biển, khu du lịch Bến Do đã tạo thành tua du lịch hấp dẫn nhằm thu hút lượng du khách lớn đến thăm quan, vãn cảnh và du lịch văn hóa.
- Tài nguyên nhân văn
Hiện tại trên địa bàn Thành phố có nhiều dân tộc anh em đang định cư và sinh sống chủ yếu có dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu,... Cộng đồng các dân tộc trong thành phố với những truyền thống, bản sắc riêng đã hình thành một nền văn hoá phong phú, có nhiều nét độc đáo và giàu bản sắc dân tộc.