Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
2.3. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ, TRONG NƯỚC VỀ ĐẨY MẠNH KINH TẾ
2.3.1. Kinh nghiệm quốc tế
* Kinh nghiệm của Nhật Bản
Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với tỉnh TT-Huế trong phát triển làng nghề truyền thống phục vụ DL. Là nước công nghiệp phát triển, nhưng Nhật Bản vẫn phát triển các làng nghề thủ công một cách bền vững, đóng góp nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa cao cho KTDL. Điển hình như phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ở tỉnh Oita của Nhật Bản đã thực sự thu hút được sự quan tâm, học hỏi và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Indonesia…
Ðể có được những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và sáng tạo của nghệ nhân. Sản phẩm thủ công chỉ có thể cạnh tranh được với sản phẩm công nghệ, máy móc khi mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm hồn và sự sáng tạo của người làm ra chúng. Trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng tre thủ công ở tỉnh Oita có nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sản xuất và bảo quản nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, như vải tre, khăn mặt tre, than tre. Trung tâm cũng đồng thời tiến hành đào tạo đội ngũ nghệ nhân và thợ thủ công áp dụng các công nghệ đã được nghiên cứu vào thực tế sản xuất.
Phát triển loại hình DL làng nghề cũng là hướng đi Nhật Bản rất quan tâm, trong đó coi trọng việc giữ gìn cảnh quan môi trường. Điển hình như mô hình làng nghề Ôli Tôki, một ngôi làng nhỏ mang đậm dáng dấp cổ xưa với những bức tường, mái ngói phủ kín rêu phong đặc trưng cuả Nhật Bản, không gian đẹp, có cả những đàn cá bơi lội tung tăng trong con suối trong vắt. Đây là mô hình DL sinh thái kết hợp với làng nghề truyền thống mà Nhật Bản đang phát triển.
Có thể thấy, nền văn hóa Nhật Bản từ truyền thống đến hiện đại là một nguồn mạch dồi dào giàu bản sắc, nhất quán trong đặc điểm dân tộc và tính thời đại. Nhờ các chiến lược phù hợp, quốc gia này đã nhận thức và chú trọng việc quảng bá văn hóa của dân tộc mình ra khắp các vùng miền trên thế giới; đưa DL khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của Nhật trở thành một loại hình DL quan trọng của quốc gia; khai thác tốt tiềm năng DL trong các giá trị văn hóa truyền thống.
Nhật Bản là một trong những điểm đến đặc sắc đối với du khách quốc tế.
Nhờ có chính sách quản lý và vận hành phát triển du lịch hợp lý nên ngành du lịch của nước này đạt mức độ phát triển cao và ổn định, số lượng khách quốc tế đến
Nhật Bản luôn tăng mạnh trong khoảng thời gian kể từ sau thời điểm thảm hỏa sóng thần kép xảy ra vào năm 2011. Một trong những thành công quan trọng nhất của ngành Du lịch Nhật Bản được du khách, bạn bè quốc tế và các chuyên gia trong ngành đánh giá cao đó là việc kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống mang đậm bản sắc Nhật Bản với hoạt động du lịch một cách bền vững. Tiêu biểu là chính sách quản lý về bảo tồn di sản văn hóa tại Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng đến việc xây dựng hệ thống quản lý về bảo tồn di sản văn hóa tại quốc gia mình. Trọng tâm của hệ thống quản lý về bảo tồn di sản văn hóa tại Nhật Bản là việc Chính phủ đã phác thảo khung pháp lý liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa, trong đó có luật Bảo tồn di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh tự nhiên, luật Bảo tồn tài nguyên quý hiếm quốc gia và luật Bảo vệ tài sản Văn hóa; sử dụng các di sản văn hóa cho hoạt động du lịch; chia sẻ lợi ích từ hoạt động KTDL với cộng đồng và trao quyền cho cộng đồng với sự phát triển ngành KTDL.
* Kinh nghiệm của Campuchia
Campuchia có nhiều nét tương đồng với tỉnh TT-Huế về hệ thống di tích văn hoá và chiến lược phát triển KTDL theo hướng DL văn hóa. Với nguồn tài nguyên du lịch hạn chế, nhưng Chính phủ Campuchia đã xác định đúng điểm mạnh và lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác trong khu vục. Campuchia đã xác định rõ di tích lịch sử - văn hóa là sản phẩm du lịch trọng điểm, nên định hướng phát triển du lịch của nước này là tập trung vào chính sách bảo tồn, gìn giữ các di tích lịch sử - văn hóa này. Sự thành công của du lịch Campuchia một phần là do Chính phủ nước này đã có chính sách bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa kết hợp với chính sách khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này trong quá trình phục vụ hoạt động KTDL.
Có thể thấy từ khi Angkor được công nhận là Di sản thế giới, lượng khách DL đến Campuchia tăng mạnh qua các năm. Có thời điểm khách đến Angkor chiếm 40%
tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia. Tuy nhiên, ngay khi có cảnh báo của UNESCO về đe doạ xuống cấp Angkor vì khách tham quan quá đông, ngành DL Campuchia ngay lập tức nghiên cứu và thực hiện biện pháp kiểm soát sức tải và hạn chế khách DL. Năm 2003, khách vào đền Angkor Wat chỉ được tối đa 300 khách mỗi lượt và thời gian tham quan chỉ kéo dài tối đa 2 giờ đồng hồ. Đến nay, các biện pháp hạn chế khách vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất để đối phó với nhu cầu tham quan không ngừng tăng lên hằng năm. Việc phát triển các khu DL biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc Sihanoukville ngoài mục đích khai thác tài nguyên DL biển
còn nằm trong chủ trương giảm sức tải khách DL ở khu vực Angkor, hướng khách DL vào những sản phẩm DL khác để giảm sức ép cho di sản. Ngoài ra, khi Campuchia phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng hàng loạt các tuyến đường giao thông mới để phục vụ cho DL, một quy định được ban hành là tất cả các cây cầu cổ phải giữ nguyên. Người ta chấp nhận làm đường vòng xa hơn và tốn kém hơn để giữ lại những cây cầu bằng đá ong, đá cẩm thạch và không có phương tiện cơ giới đi qua những cây cầu này. Nhờ thế mà rất nhiều rất nhiều cầu cổ có từ thế kỷ thứ IX, X ở Campuchia đã trở thành điểm tham quan DL hấp dẫn, đặc biệt là cây cầu 1300 tuổi mang tên KampongKdei (nằm cách Siem Riep 65km về phía Nam).
* Kinh nghiệm của Thái Lan
Trong những năm gần đây, Thái Lan rất chú trọng đầu tư phát triển ngành KTDL bền vững, coi đây là ngành công nghiệp mũi nhọn. Chính phủ Thái Lan đã có chính sách quốc gia xuyên suốt để hỗ trợ cho KTDL theo hướng PTBV. Thực chất chính sách này không cần quan tâm KTDL đóng góp bao nhiêu vào GDP, mà chỉ quan tâm du khách đến Thái Lan đã chi bao nhiêu tiền vào các hàng hóa, dịch vụ để góp phần phát triển KT-XH cho Thái Lan. Thái Lan luôn đặt mục tiêu thu nhập từ khách DL nói chung và hiệu quả KT-XH của quốc gia lên hàng đầu. Vì thế, chính sách quốc gia của quốc gia này là các ngành phải hỗ trợ cho KTDL phát triển để thực hiện xuất khẩu hàng hoá tại chỗ. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng chính sách hàng không giá rẻ để thu hút khách DL. Ngành hàng không sẵn sàng hỗ trợ cho KTDL theo hướng PTBV bằng cách giảm giá vé, từ đó góp phần giảm giá cho các chương trình DL đến Thái Lan.
Thái Lan đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển sản phẩm DL trong chiến lược phát triển KTDL. Để phát triển sản phẩm DL nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng cục Du lịch Thái Lan đề xuất xây dựng chính sách quốc gia về phát triển DL văn hoá và sinh thái đúng hướng và hình thành hệ thống DL bền vững. DL văn hóa và sinh thái liên quan đến quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, phát triển xã hội, sự tham gia của cộng đồng dân cư và những cải thiện cuộc sống của họ. Vì vậy, chính sách gắn với những vấn đề này được Thái Lan xem là chính sách tổng thể, trong đó mỗi vấn đề lại có tác động tích cực đến vấn đề khác nhằm làm cho cả hệ thống được tốt hơn như: môi sinh, quản lý nguồn tài nguyên DL, KTDL bền vững, phát triển KT-XH, sự tham gia của cộng đồng địa phương. Những chính sách và chiến lược đó gắn với yêu cầu đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ DL, kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường, tổ chức quản lý và khai thác các khu DL văn hóa và sinh thái.