Chương 3 THỰC TRẠNG KINH TẾ DU LỊCH THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN
3.3.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Dựa trên kết quả nghiên cứu, có thể đưa ra những nguyên nhân nhằm lý giải cho những hạn chế, tồn tại đối với KTDL theo hướng PTBV tại tỉnh TT-Huế trong giai đoạn vừa qua như sau:
* Nguyên nhân khách quan
- Tỉnh TT-Huế nằm ở dải đất miền Trung, với đặc thù về vị trí địa lý và khí hậu nên tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi một số hiện tượng thời tiết không thuận lợi như mùa mưa kéo dài, bão, lụt,... Hơn thế nữa, trước nguy cơ biến đổi khí hậu, cùng với sự nóng lên của trái đất, dịch bệnh và thiên tai hoành hành... đã có tác động không nhỏ đến ngành KTDL toàn cầu như làm hư hại tài nguyên DL, ảnh hưởng đến nguồn khách DL, các dịch vụ kinh doanh DL... Điều này phần nào dẫn đến tính thời vụ cũng như tăng trưởng của ngành KTDL tỉnh TT-Huế giai đoạn vừa qua. Theo thống kê của
Sở DL tỉnh và nhiều tổ chức quốc tế uy tín, khách DL quốc tế thường đến tỉnh TT-Huế vào những tháng cuối năm và những tháng đầu năm (lại là những tháng mưa bão của tỉnh TT-Huế, nên hoạt động KTDL bị ảnh hưởng khá nhiều). Mặc khác, khách DL nội địa lại tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm, đặc biệt là vào tháng 6, khi diễn ra lễ hội Festival, khách quốc tế ít tập trung tháng mùa hè do thời tiết nóng bức.
- Khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Điển hình như trong năm 2008 và đầu năm 2009, cơn bão suy thoái kinh tế thế giới đã tác động rõ nét tới nền kinh tế nước ta. Những tác động này đã kéo theo mức sống của người dân ngày càng khó khăn hơn, chi tiêu giảm sút kéo theo lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nói chung và tỉnh TT-Huế nói riêng suy giảm trong một thời gian.
- Tình hình chính trị, an ninh thế giới và trong khu vực trong những năm gần đây đang đối diện với những thách thức vô cùng to lớn, đó là nạn khủng bố, bạo loạn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển đảo… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình chính trị và an ninh của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam mà cụ thể là một số địa phương phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khá nặng nề. Điều này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn tài nguyên DL đồng thời tạo tâm lý quan ngại cho du khách khi muốn đi DL.
- Hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết phát triển KTDL giữa các vùng và các địa phương trong cả nước đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho KTDL tỉnh TT- Huế. Tuy nhiên, cũng từ đây áp lực cạnh tranh KTDL trong khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, các chiến lược tiếp thị và nâng cao dịch vụ ngày càng được nâng lên một tầm cao hơn, quy mô hơn. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp DL địa phương còn rất hạn chế.
Đối với trong nước, sự xuất hiện và ngày càng phát triển của các điểm đến có khả năng cạnh tranh cao như: Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình…với những sản phẩm DL đa dạng, chất lượng cao đã tạo ra áp lực trong cạnh tranh và sự chia sẻ thị trường đối với ngành KTDL tỉnh TT-Huế thời gian qua.
- Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu và các nhà quản lý trong lĩnh vực KTDL của tỉnh cho thấy bản chất và tính cách của con người Huế cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động KTDL [142]. Do tính cách vùng miền, con người Huế thường có thiên hướng chậm, ít thích đổi mới, thường sống bằng quá khứ và hình thành chủ nghĩa cục bộ. Cũng chính những yếu tố này nên trong thời gian qua ngành KTDL
tỉnh TT-Huế tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn chưa có sự bứt phá lớn, thiếu mạnh dạn, đột phá trong đầu tư và xây dựng sản phẩm DL độc đáo, riêng có của địa phương.
- Công tác thống kê số liệu KTDL còn nhiều hạn chế và chưa thật sự hệ thống, thiếu tính chính xác đã khiến cho việc đánh giá tác động của ngành KTDL đến tăng trưởng kinh tế ở tỉnh TT-Huế, và đánh giá sự PTBV ngành KTDL địa phương chưa thật sự đầy đủ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một phương pháp toàn diện và đầy đủ cũng như hệ thống các tiêu chí chuẩn để đánh giá sự PTBV của ngành KTDL đối với điều kiện đặc thù của từng địa phương trong đó có tỉnh TT-Huế.
* Nguyên nhân chủ quan
- Có thể nói nguyên nhân lớn nhất dẫn tới những hạn chế, yếu kém đối với KTDL theo hướng PTBV ở tỉnh TT-Huế trong giai đoạn vừa qua chính là mức độ tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc xác định KTDL với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn chưa thật sự sâu sắc, xứng tầm; thiếu tính đồng bộ và liên kết phát triển giữa các chủ thể liên quan cũng như với các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó trình độ hiểu biết về KTDL theo hướng PTBV trong cộng đồng còn rất hạn chế; đặc biệt thiếu đội ngũ lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn xa trông rộng, có tư duy đột phá và tiến bộ trong định hướng bền vững đối với ngành KTDL địa phương.
- Công tác quy hoạch, thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về KTDL và chiến lược cho KTDL theo hướng PTBV vẫn còn gặp nhiều hạn chế cơ bản. Đây được xem là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến xu hướng PTBV của ngành KTDL tỉnh TT-Huế trong thời gian tới. Chẳng hạn, đối với công tác quy hoạch KTDL, ngoài loại hình DL di sản, ngành KTDL tỉnh TT-Huế chưa xác định một cách rõ ràng định hướng để phát triển các loại hình DL khác. Các định hướng được xác định phát triển trong Nghị quyết Tỉnh Ủy tháng 11/2016 bao phủ hầu hết các loại hình DL: DL di sản; DL nghỉ dưỡng, chữa bệnh; DL cộng đồng; DL sinh thái; DL biển, đầm phá; DL hội nghị, hội thảo; DL ẩm thực; DL vui chơi, giải trí; DL mua sắm. Trong khi đó, quy hoạch tổng thể phát triển KTDL của tỉnh TT-Huế được thực hiện bởi tổ chức Foundation of Future của Singapore lại xác định xây dựng tỉnh TT-Huế trở thành một thành phố Xanh, với 11 dự án đề xuất tìm kiếm nhà đầu tư, tập trung chủ yếu vào phát triển DL gắn với nông thôn, làng sinh thái, khách sạn nổi, làng văn hóa và làng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, sẽ là rất tốn kém để liên kết các địa điểm DL khi đầu tư dàn
trải trên một địa bàn rộng như tỉnh TT-Huế, trong khi du khách thường hạn chế về thời gian để có thể trải nghiệm các dịch vụ DL.
- Công tác quản lý nhà nước còn nhiều chồng chéo, kỷ luật hành chính chưa thật sự nghiêm, cải cách hành chính hạn chế và chưa có kết quả rõ rệt. Công tác quản lý và khai thác tài nguyên DL còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó công tác phân công, phối hợp giữa các ban, ngành cơ quan tại địa phương chưa thật sự liên kết, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực KTDL để xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn ở tỉnh TT-Huế như mục tiêu đã đề ra.
- Chưa có tính chiến lược ổn định, lâu dài và bền vững trong việc phát triển ngành KTDL như chiến lược thu hút khách DL, đặc biệt là thu hút khách DL quốc tế;
chiến lược thu hút những nhà đầu tư lớn, những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh đến với địa phương.
- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL, người dân, du khách về ý nghĩ, vai trò, nội dung của KTDL theo hướng PTBV cũng như vị trí, trách nhiệm của mỗi chủ thể đối với định hướng chưa được chú trọng đúng mức và đầy đủ đặc biệt đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong phát triển KTDL.
- Nguồn lực để phát triển KTDL cho tỉnh TT-Huế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Đặc biệt là sự khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư còn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu và đầu tư dàn trải; việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn và thua kém nhiều so với các địa phương lân cận. Bên cạnh đó ngành KTDL địa phương còn thiếu đội ngũ quản lý và chuyên gia giỏi và việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong hoạt động KTDL vẫn còn thiếu tính đồng bộ, chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ KTDL nhìn chung còn kém phát triển, thiếu đồng bộ, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách.
- Những hạn chế cơ bản thuộc về phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTDL cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của ngành KTDL tỉnh TT- Huế trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh DL chưa thực sự thuận lợi, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, thuế đất tăng… làm giá cả dịch vụ tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh, có doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ.
- Kinh tế Du lịch tỉnh TT-Huế đang đối mặt với những nguy cơ đó là không giữ chân được du khách, mức chi tiêu bình quân của du khách thấp hay du khách ít có nhu
cầu quay trở lại Huế trong lần tiếp theo. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực tế trên là do sản phẩm và dịch vụ DL tại địa phương còn quá đơn điệu, nhàm chán; thiếu những sản phẩm và dịch vụ DL chất lượng cao, mang tính đột phá, hấp dẫn; chưa khai thác tốt thị trường hàng hoá đồ lưu niệm và quà tặng mang đặc trưng văn hoá Huế…
- Liên kết phát triển KTDL của tỉnh TT-Huế với các địa phương khác chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện nay, liên kết KTDL mạnh nhất của tỉnh TT-Huế là với Quảng Nam và Đà Nẵng. Tuy nhiên, sức nóng cạnh tranh đang dần lấn át sự hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút khách DL, thường xuyên xảy ra bất đồng do sự khác biệt về nguồn lực, lợi thế cạnh tranh và định hướng của mỗi địa phương.