Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế và liên kết vùng trong phát triển kinh tế du lịch

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh thừa thiên huế (Trang 155 - 159)

Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH KINH TẾ DU LỊCH

4.3.8. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế và liên kết vùng trong phát triển kinh tế du lịch

4.3.8.1. Đa dạng hoá các nội dung và hình thức liên kết trong phát triển kinh tế du lịch

Bản chất của KTDL là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành liên vùng và xã hội hoá cao. Liên kết chặt chẽ các ngành liên quan đến hoạt động KTDL, hợp tác giữa các địa phương là một việc làm cần thiết, có tính chất bắt buộc và có ý nghĩa quan trọng để tạo ra chuỗi sản phẩm DL.

- Đặc trưng của ngành KTDL là khả năng liên kết ngang và liên kết dọc rất cao bởi tính tổng hợp của nhu cầu DL, tính nhất thể và tính hướng đích của hệ thống KTDL. Do đó trong chiến lược liên kết phát triển ngành, tỉnh TT-Huế cần thúc đẩy sự liên kết ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô, đa dạng hoá hình thức liên kết trên cơ sở tăng cường quản lý liên kết ngang và liên kết dọc cho tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động KTDL: (1) Liên kết ngang là liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan cung cấp cùng một loại sản phẩm, dịch vụ DL; (2) Liên kết dọc là liên kết giữa các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ DL khác nhau để thoả mãn nhu cầu mang tính tổng hợp và đồng bộ trong quá trình tiêu dùng DL của du khách. Sự liên kết này nhằm tạo ra gói sản phẩm DL tổng hợp và đồng bộ.

- Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KTDL nhanh và bền vững; tạo không gian DL thống nhất để cùng phát triển; tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; tỉnh TT-Huế cần tăng cường thêm các hình thức liên kết như:

+ Hợp tác, liên kết phát triển KTDL giữa các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ.

+ Hợp tác, liên kết phát triển KTDL trong khuôn khổ các tỉnh Bắc - Nam.

+ Hợp tác, liên kết phát triển KTDL các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ với Tây Nguyên.

+ Hợp tác, liên kết phát triển KTDL các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ với các đầu mối, trung tâm phân phối các thị trường khách DL lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phối hợp xây dựng chương trình, sản phẩm DL độc đáo, đặc sắc, mang tính riêng biệt của từng địa phương. Các tỉnh cần hỗ trợ lẫn nhau trong công tác sưu tập, trùng tu, tôn tao và phát triển các sản phẩm DL đặc trưng của từng địa phương như các làn điệu dân ca, các lễ hội, các làng nghề sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm, sản vật quý hiếm... Những sản phẩm này được chọn lọc đưa vào các chương trình, sản phẩm DL ở các địa phương trong vùng. Sự kết nối tuyến DL liên tỉnh, liên vùng chính là sự chia sẻ các sản phẩm DL trong cùng một tuyến DL với các sản phẩm đặc sắc nhất và đó chính là yếu tố giữ chân du khách.

- Xây dựng các chiến lược, chương trình liên kết phát triển KTDL đa dạng, phong phú về nội dung. Cụ thể như: Liên kết trong xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, đầu tư phát triển; trong phát triển sản phẩm DL; trong phát triển thị trường DL; trong xúc tiến, quảng bá KTDL; trong phát triển nguồn nhân lực; trong quy hoạch và quản lý quy hoạch KTDL; trong bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Mở rộng KTDL nhiều thành phần, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tại tỉnh TT-Huế và các vùng lân cận có điều kiện tham gia hoạt động kinh doanh DL, nhằm huy động mọi nguồn lực: nguồn vốn nhàn rỗi, nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên… Bên cạnh đó phát huy được lợi thế so sánh của vùng, mặt khác, phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, cải thiện đời sống xã hội.

- Khuyến khích sự gắn kết của các ngành liên quan: Giao thông, Ngoại giao, Bưu chính, Viễn thông… tích cực tham gia cung ứng dịch vụ DL trên cơ sở KTDL là chủ lực. Việc liên kết giữa các ngành cần được phối kết hợp nhịp nhàng, linh hoạt, chặt chẽ nhằm xây dựng các sản phẩm DL hấp dẫn du khách, đảm bảo an toàn cho du khách, an ninh trật tự tại địa phương và toàn vùng từ đó nâng cao hình ảnh DL tỉnh TT- Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

4.3.8.2. Tăng cường liên kết giữa với các địa phương trong vùng, đặc biệt là liên kết ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam

Liên kết phát triển, xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu sẽ giúp các địa phương trong mỗi vùng xác định rõ được lợi thế cạnh tranh, vai trò riêng để tạo ra sức mạnh tổng hợp, tiết kiệm được nguồn lực và bổ sung cho nhau kéo dài vòng đời sản phẩm và thương hiệu DL.

- Tăng cường liên kết ba địa phương: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trên cơ sở:

+ Cùng hợp tác chặt chẽ để quảng bá hình ảnh điểm đến chung cho 3 địa phương: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; cung cấp các ấn phẩm, tài liệu cho khách qua các kênh: cơ quan đại diện ngoại giao, hàng không và các doanh nghiệp DL.

+ Thành lập Ban chỉ đạo, điều phối chung để kết nối hoạt động KTDL giữa 3 địa phương, kết nối từ cấp độ chiến lược cho đến việc thực hiện; từ cấp quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp lữ hành, DL. Triển khai thêm nhiều hoạt động phối hợp của các địa phương như đánh giá, lựa chọn, hình thành các sản phẩm chung, phối hợp tổ chức các sự kiện, định hướng các hoạt động marketing cho cả 3 địa phương, cũng như hình thành Quỹ xúc tiến chung để sự liên kết có hiệu quả hơn và đi vào chiều sâu.

+ Tổ chức buổi trao đổi, khảo sát cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước để tuyên truyền các phương tiện thông tin đại chúng về hình ảnh chung cho 3 điểm đến.

+ Phối hợp với dự án EU hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu DL 3 địa phương, tăng cường quảng bá sản phẩm, ưu tiên phát triển E-marketing cũng như thành lập Quỹ hoạt động DL chung, phát triển các điểm DL ưu tiên nằm trong các dòng sản phẩm chung của vùng (con đường di sản, nghỉ dưỡng biển, con đường sinh thái và DL cộng đồng).

- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của việc liên kết phát triển KTDL cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động KTDL trên địa bàn các tỉnh.

Xây dựng các chính sách xúc tiến phù hợp nhằm tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp này liên kết.

- Phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông trọng điểm của tỉnh TT-Huế với mạng lưới tuyến DL trong vùng duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên cũng như các tuyến DL liên vùng, liên quốc gia. Theo đó là hệ thống trung chuyển phục vụ đưa đón khách dọc theo các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 9 nối kết với cửa khẩu Lao Bảo.

- Tiếp tục đẩy mạnh kết nối với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và hang động Sơn Đòong (Quảng Bình) và Con đường Di sản miền Trung (Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn) tạo thành chuỗi DL đặc sắc và đẳng cấp cao.

- Tổ chức các lớp tập huấn về DL cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp DL địa phương, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách DL; tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế trong đào tạo DL tại miền Trung, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo về KTDL trong vùng.

4.3.8.3. Mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức, các nước trong khu vực và quốc tế

- Hợp tác, liên kết phát triển với các nước trong khối ASEAN để hình thành các gói sản phẩm DL liên kết khu vực theo các nhóm: DL tàu biển, DL đường sông; DL văn hóa, gắn với các di sản; DL gắn với thiên nhiên; DL cộng đồng.

- Chủ động và tích cực hơn trong việc mở rộng thị trường; tham gia hội thảo, hội chợ, triển lãm; phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù để thu hút khách trong khu vực ASEAN.

- Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với khối ASEAN + 3; hợp tác trong khuôn khổ hợp tác KTDL hành lang Đông - Tây; các nước tiểu vùng sông Mêkong mở rộng GMS, hợp tác 3 quốc gia một điểm đến (Thái Lan, Lào, Việt Nam); hợp tác 4 quốc gia (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam)….

- Thiết lập mối quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong WTO nhằm học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong chiến lược phát triển KTDL theo hướng bền vững.

- Xây dựng các hệ thống chính sách quốc gia xuyên xuốt về KTDL theo hướng PTBV để tạo điều kiện cho KTDL tỉnh có khả năng cạnh tranh đồng thời thực hiện đúng các cam kết, tiêu chuẩn về DL với các tổ chức quốc tế và khu vực.

Một phần của tài liệu Kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh thừa thiên huế (Trang 155 - 159)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(224 trang)