Chương 4 PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH KINH TẾ DU LỊCH
4.3.1. Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức và mức độ tham gia của cộng đồng địa phương đối với kinh tế du lịch theo hướng phát triển
4.3.1.1. Thay đổi và nâng cao tư duy nhận thức và cách làm kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững của những chủ thể tham gia
Kinh tế du lịch theo hướng PTBV không thể phát triển độc lập mà cần có sự đồng lòng của toàn xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là nhận định xã hội về KTDL theo hướng PTBV phải thay đổi một cách cơ bản mà trước tiên là ở cấp ra chính sách. Từ những bài học kinh nghiệm trong phát triển KTDL theo hướng bền vững, có thể thấy một trong những bài học quan trọng dẫn tới sự thành công đó là nhờ vào đội ngũ những người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng trong ngắn hạn và cả dài hạn; có tư duy tiến bộ, đột phá trong hoạt động KTDL.
Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ được ban hành đã đưa ra giải pháp quan trọng đầu tiên là “Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển KTDL”. Do đó, chỉ khi nhận thức đúng và đầy đủ về KTDL theo hướng PTBV thì tỉnh TT-Huế mới tạo ra sự liên kết giữa các bên liên quan là Nhà nước và khu vực tư nhân, giữa các ngành, các cấp, giữa cộng đồng doanh nghiệp và địa phương để phát huy đúng vị trí, vai trò của KTDL theo hướng PTBV và đưa KTDL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những giải pháp cụ thể:
- Thay đổi cách tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KTDL theo hướng PTBV; về nội hàm kinh tế, môi trường và văn hoá của KTDL theo hướng PTBV. Phải biến nhận thức thành những hành động cụ thể, hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ để thúc đẩy KTDL theo hướng PTBV.
- Khắc phục tình trạng coi nhẹ, giản đơn trong hoạt động KTDL, hay làm KTDL theo kiểu mùa vụ, “ăn xổi”, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, hay chỉ khai thác tài nguyên mà không chú trọng bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hoá… Cần nhận thức rằng thúc đẩy KTDL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ tạo động lực phát triển KT-XH, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, con người, văn hoá Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
- Cần thay đổi quan điểm phát triển lâu nay là chỉ nhìn vào số lượng khách DL để đánh giá, chỉ nhìn vào bề nổi của sự tăng trưởng mà chưa chú ý đến chất lượng tăng
trưởng là làm sao để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách, làm sao để tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân…
- Chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò và động lực của ngành KTDL cho mọi chủ thể, đối tượng để tạo sự đồng thuận xã hội về phát triển KTDL trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, nâng cao dân trí, nâng cao hiểu biết cho cộng đồng dân cư địa phương và khách DL trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn phát triển các tài nguyên DL trong phát triển KTDL bền vững.
- Đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách phục vụ cho công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tham gia vào hoạt động KTDL, đồng thời cần hỗ trợ phương tiện và có chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này.
4.3.1.2. Xây dựng nét đẹp trong ứng xử văn hoá du lịch
- Để ngăn chặn, xử lý, khắc phục các vấn nạn, tiến tới chấm dứt một loạt hình ảnh xấu của môi trường DL, tạo nên hình ảnh tốt đẹp và niềm tin cho du khách trong và ngoài nước, tạo bước chuyển biến căn bản về môi trường KTDL tỉnh TT-Huế thì chính quyền địa phương cần phải tạo lập được một cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân, mà trước hết là trong toàn ngành KTDL, cùng chung tay cải thiện môi trường DL.
Để làm tốt nhiệm vụ này thì trách nhiệm quản lý nhà nước về KTDL của chính quyền địa phương, của Ban quản lý các khu DL và các cơ sở kinh doanh dịch vụ DL phải được đặt lên hàng đầu. Cần có các biện pháp xử lý mạnh tay, kịp thời các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, tiến tới chấm dứt, không để tái phạm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng môi trường DL văn minh cho tỉnh TT-Huế.
- Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển KTDL của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt đề cao trách nhiệm của chính quyền tỉnh TT-Huế trong xử lý các vấn đề nóng như: tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm an toàn, ứng xử văn minh với du khách; từng bước xóa bỏ nạn ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo du khách, trộm cướp…; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động KTDL, nhất là với các cơ sở kinh doanh DL. Xây dựng các quy
định, chế tài, mức phạt kinh tế đối với các hành vi xả thải bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường DL một cách cụ thể.
- Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự gắn kết của gia đình, nhà trường, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, đa dạng hóa các hình thức giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể liên quan, từ đó có những hành động thiết thực để xây dựng Huế trở thành điểm đến ấn tượng, chất lượng tốt trong lòng du khách.
- Hoàn thiện và áp dụng hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động KTDL.
Quy định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KTDL phải giữ đạo đức nghề nghiệp, có thái độ vui vẻ, thân thiện, niềm nở với du khách; đối xử công bằng giữa du khách trong nước và quốc tế; cung cấp sản phẩm dịch vu có chất lượng, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng và được niêm yết giá đầy đủ.
4.3.1.3. Tăng cường mức độ tham gia của cộng đồng đối với kinh tế du lịch theo hướng phát triển bền vững
Cộng đồng địa phương là một bộ phận quan trọng, là chủ thể trực tiếp tham gia vào các khâu của hoạt động KTDL như: tiếp nhận du khách, phát triển các sản phẩm DL, hướng dẫn du khách... đồng thời thông qua vận động cộng đồng dân cư thực hiện những chính sách của chính quyền địa phương về KTDL theo hướng PTBV và tạo điều kiện cho người dân hưởng lợi từ những hoạt động đó. Hay nói cách khác trong cuộc
“cách mạng” này người dân vừa là người thực hiện những chính sách nhưng cũng là người hưởng lợi từ các chính sách đó. Từ hoạt động KTDL người dân sẽ ý thức được niềm tự hào về vùng đất nơi mình sinh sống, đây là giá trị tinh thần tạo nên động thúc đẩy sự PTBV ngành KTDL tỉnh TT-Huế.
- Nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của KTDL theo hướng PTBV đối với sự phát triển KT-XH; xác định rõ vị trí, vai trò của người dân trong hoạt động KTDL theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, đồng bộ đặc biệt là người dân tại các khu, điểm DL trọng điểm.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm DL, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, văn minh để thu hút ngày càng đông khách DL đến tham quan.
- Xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tiếp tục đổi mới cơ chế, pháp luật
qua đó phát huy sáng kiến và khả năng làm chủ của cộng đồng địa phương trong việc quản lý KTDL. Đây được xem là giải pháp có hiệu quả thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và cộng đồng địa phương sẽ được thụ hưởng thành quả của sự tham gia này.
- Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để người dân địa phương tích cực tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển KTDL tại địa phương. Qua đó góp phần đảm bảo quá trình quy hoạch phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương. Đồng thời giúp người dân hiểu được những lợi ích KT-XH có được khi phát triển KTDL. Hơn hết cần cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin để từ đó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi tham gia vào hoạt động KTDL tại địa phương.
- Nâng cao ý thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các nguồn tài nguyên DL tại địa phương, đồng thời giúp họ hiểu đây chính là nguồn sinh kế của họ và các thế hệ con cháu mai sau.
- Xây dựng mô hình, cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động KTDL theo hướng PTBV như hỗ trợ cộng đồng được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin thiết thực cho người dân nhằm phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ DL, ngành nghề phục vụ DL…
- Đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, giải thích cho cộng đồng dân cư các văn bản, quy định, nghị quyết hiện hành liên quan đến KTDL cũng như bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống để nhân dân hiểu và thực hiện.