CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ
1.1. Tổng quan về dịch vụ logistics
Logistics cung cấp hàng loạt các chức năng, nhiệm vụ do đó khó có thuật ngữ nào trong Tiếng Việt có thể diễn tả được hết ý nghĩa của dịch vụ này mà chủ yếu được biết đến với các từ như “hậu cần”, “chuỗi cung ứng” , … Tuy nhiên, trên thực tế, các DN vẫn giữ nguyên và sử dụng thuật ngữ “logistics” như: sales, marketing, container,…
Theo Hội đồng các chuyên gia Quản trị chuỗi cung ứng Hoa Kỳ (CSCMP):
“Logistics được định nghĩa là một bộ phận của chu trình chuỗi cung ứng, bao gồm các quá trình hoạch định kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả việc dự trữ và lưu chuyển hàng hóa dịch vụ, thông tin hai chiều giữa điểm khởi đầu và điểm tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Còn theo ESCAP: “Logistics có thể định nghĩa là việc quản lý dòng trung chuyển và lưu kho nguyên vật liệu, quá trình sản xuất, thành phẩm và xử lý các thông tin liên quan… từ nơi xuất xứ đến nơi tiêu thụ cuối cùng theo yêu cầu của khách hàng.
Hiểu một cách rộng hơn nó còn bao gồm cả việc thu hồi và xử lý rác thải”.
Điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 nói rằng: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Với ba cách định nghĩa điển hình như trên ta có thể thấy, so với CSCMP và ESCAP thì logistics theo Luật Thương mại Việt Nam có phạm vi hẹp hơn, bao gồm các hoạt động rời rạc, có thể thực hiện một hoặc một số dịch vụ. Nếu logistics theo Luật Thương mại Việt Nam chỉ gắn liền với hoạt động chu chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng cuối cùng thì theo CSCMP logistics đã trở thành một bộ
12
phận của chuỗi cung ứng, bao gồm cả quá trình hoạch định kế hoạch, ESCAPE còn đề cập đến cả quá trình logistics ngược, đó là “ thu hồi và xử lý rác thải”. Do đó, theo sách “Logistics và vận tải quốc tế” của NXB Hồng Đức do TS. Trần Nguyễn Hợp Châu chủ biên đã đưa ra một cách định nghĩa mang tính xây dựng, bổ sung như sau:
“Logistcis là quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển, lưu trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm và xử lý các thông tin liên quan từ nới xuất xứ đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Mục tiêu của logistics là đáp ứng các yêu cầu của khách hàng một cách ịp thời và tối ưu về chi phí”.
1.1.2. Đặc điểm dịch vụ logistics
Thứ nhất, dịch vụ logicstics là một chuỗi các hoạt động liên tiếp, liên tục, có tính xuyên suốt cả quá trình.
Logistics không phải là một hoạt động riêng lẻ trong quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp mà nó bao gồm hàng loạt các hoạt động gắn bó mật thiết, tác động qua lại với nhau và có mặt trong mọi hoạt động của doanh nghiệp từ giai đoạn quản lý nguyên vật liệu đầu vào đến khi sản phẩm được tiêu thụ tới người tiêu dùng cuối cùng. Logistics xuất hiện để hỗ trợ doanh nghiệp trong từng quy trình như kiểm soát, điều phối, vận chuyển, lưu kho, đóng gói, phân phối sản phẩm. Vì vậy, nó là một hoạt động thiết yếu trong quá trình kinh doanh, sản xuất.
Thứ hai, phát triển dịch vụ logistics gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới.
Trước những năm 1850, logistics chỉ xuất hiện trong lĩnh vực quân sự ở các nước phương Tây, từ giữa thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, khi nền công nghiệp ra đời cùng với những đột phá trong công nghệ máy móc, đường sắt, tàu hỏa, động cơ đốt trong đã dần hình thành các chức năng riêng biêt của hoạt động logistics trong vận tải. Đến những năm 1960-1970, với sự ra đời của máy tính ngành logistics đã cải thiện việc lập kế hoạch logistics, quản lý hàng tồn kho và tối ưu hóa định tuyến xe tải. Sang thế kỉ XXI, quá trình toàn cầu hóa, công nghệ và internet phát triển đã thúc đẩy ngành logistics bùng nổ, vai trò của quản lý CCƯ ngày càng được quan tâm trong mọi doanh nghiệp. Phát triển dịch vụ logistics gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
13
Với vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, logistics phát triển sẽ làm động lực phát triển kinh tế và ngược lại một nền kinh tế vững mạnh sẽ là động cơ, bàn đạp tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) giao thông giúp dịch vụ logitistics hoạt động trơn tru.
Thứ ba, ngày nay, dịch vụ logistics là ngành mang tính quốc tế cao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những bứt phá trong trí tuệ nhân tạo và sự ra đời của các công cụ hiện đại hóa, tự động hóa đã thay đổi đáng kể bộ mặt logistics. Để bắt kịp xu hướng này các công ty logistics trên thế giới đã phải nhanh chóng áp dụng tiến bộ công nghệ, trang bị các công cụ tự động hóa như robot, xe chuyển hàng tự động (AGV), ứng dụng quét mã vạch trực tuyến trong quản lí kho, lao động,…Ngoài ra, khi thương mại điện tử (TMĐT) phát triển bùng nổ như ngày nay thì lĩnh vực E-logistics cũng ra đời, các DN kinh doanh dịch vụ logistics đã đưa TMĐT vào hoạt động của mình để giảm thiểu chi phí, tăng khả năng cạnh tranh về giá,…
1.1.3. Vai trò dịch vụ logistics
1.1.3.1. Đối với nền kinh tế quốc dân
Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế đã khiến thế giới được nhìn nhận như các nền kinh tế liên kết với nhau tạo ra một chuỗi giá trị toàn cầu ( Global value chain – GVC) và logistics chính là công cụ đắc lực liên kết GVC. Lấy ví dụ về chuỗi sản xuất đa quốc gia của Apple.
14
Hình 1.1. Chiếc mặt cười Apple
Nguồn: cafef.vn Logistics đã giúp các doanh nghiệp vừa tìm kiếm các nhà cung cấp vừa mở rộng thị trường buôn bán quốc tế, bởi vậy Apple đã chọn Đức là nơi tốt nhất thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), Trung Quốc là nơi thực hiện công đoạn lắp ráp bởi nguồn lao động dồi dào với giá rẻ, không nơi nào thu mua nguyên vật liệu rẻ và chất lượng như Canada, thu mua phụ tùng tốt như Hàn Quốc và Nhật Bản - chuyên gia trong lĩnh vực phân phối. Việc lưu thông sản xuất giữa các quốc gia được thực hiện trơn tru chỉ khi các mắt xích logistics được phối hợp nhịp nhàng.
Phát triển dịch vụ logistics giúp thúc đẩy nền kinh tế của đất nước, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Bởi, thứ nhất, logistics là thành tố quan trọng đóng góp vào GDP. Theo Báo cáo "Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngành Logistics tại Việt Nam" năm 2019: “Ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12% - 14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5% và bình quân 10 nước ASEAN, ngành Logistics đóng góp vào GDP trung bình 5% ở các nước thành viên ASEAN, thu nhận 5% việc làm trong ASEAN, tỷ lệ thuê ngoài khoảng 60%-70%, chi phí logistic tương đương 16,8% GDP”. Thứ hai, chi phí logistics chiếm một khoản không nhỏ tới nền kinh tế. Theo hình 1.1, chi phí logistics trung bình trên Thế giới so với GDP là 10,7%. Như vậy, giảm thiểu chi phí logistics sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của một quốc gia. Ngoài ra, với logistics cung cấp các dịch vụ đa dạng trọn gói loại bỏ đi rất nhiều chi phí cho giấy tờ thủ tục,
15
nâng cấp và chuẩn hóa chứng từ cũng như giảm khối lượng công việc văn phòng trong lưu thông hàng hóa, từ đó nâng cao hiệu quả buôn bán quốc tế.
1.1.3.2. Đối với doanh nghiệp
Logistics giúp nâng cao hiệu quả quản lý DN, giảm chi phí trong sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ nhất, logistic giúp nâng cao hoạt động quản lý DN vì nó giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn như thời điểm bổ sung nguồn nguyên liệu, địa điểm kho, khối lượng nguyên liệu nhập kho,…Thứ hai, logistics giúp tiết kiệm chi phí vận tải chẳng hạn việc áp dụng mô hình cross-docking (gom hàng từ nhiều nơi vào trung tâm phân phối để thực hiện dán nhãn, ký mã hiệu,..,và sau đó chuyển đi theo các kênh phân phối) giúp giảm thiểu chi phí vận tải nhất là với các đơn hàng nhỏ lẻ. Ngoài ra việc giảm thiểu thủ tục, giấy tờ phức tạp cũng góp phần tối ưu hóa chi phí và thời gian, ví dụ như trong vận tải đa phương thức thay vì ký hợp đồng vận chuyển với từng nhà cung cấp vận chuyển đường bộ, đường biển,.. người gửi hàng có thể sử dụng dịch vụ vận tải đa phương thức của doanh nghiệp logistics với chỉ 1 loại vận đơn. Tất cả những lợi ích trên của dịch vụ logistics sẽ giúp nâng sức cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế.