CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1. TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỚI SỐ NGƯỜI CHỊU ẢNH HƯỞNG BỞI THIÊN TAI
Dữ liệu nghiên cứu được sử dụng là dữ liệu bảng nên nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để đánh giá tổng quan về tác động của BĐKH thông qua hai cơ chế: số người bị ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế bởi thiên tai từ năm 1985 đến năm 2020. Sau khi kiểm tra khuyết tật tự tương quan, phương sai sai số thay đổi (PSSS) và kết quả thu được trình bày trong Phụ lục 1, 2 và 3.
Kiểm định PSSS thay đổi: Đối với mô hình được lựa chọn, sử dụng kiểm định Breusch-Pagan-Godfrey cho kết quả p_value > 0,05 tại phụ lục 1,2,3. Vì vậy, chấp nhận giả thuyết H0: Phương sai giữa các thực thể là không đổi, kết quả là không có khuyết tật PSSS thay đổi trong mô hình nghiên cứu.
Kiểm định hiện tượng tự tương quan: Đối với mô hình nghiên cứu, kiểm định Breusch-Godfrey cho kết quả p_value > 0,05 (phụ lục 1,2,3) chấp nhận giả thuyết H0:
Không có hiện tượng tự tương quan, kết quả mô hình không bị hiện tượng tự tương quan.
Bảng 4.1 trình bày kết quả hồi quy chuỗi dữ liệu của Việt Nam từ năm 1985 đến 2020 bằng phương pháp hồi quy tuyến tính.
Bảng 4.1: Tác động của BĐKH tới số người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Biến số Mô hình 1 Hà Nội
Mô hình 2 Huế
Mô hình 3 Cà Mau
C 13.54161 -5.169335 2.503856
Nhiệt độ 0.392302 0.990682** 0.667953
Lượng mưa 0.001591* 0.001338*** 0.001011
Tốc độ tăng dân số -2.41307** -1.564175* -1.671960
Chỉ số HDI -14.28210** -13.46582** -11.67368
Các kí hiệu ***, **, * tương ứng với giá trị p-value 1%, 5% và 10%.
Nguồn: Kết quả thu được từ Eviews
Thứ nhất, nhiệt độ trung bình năm tăng sẽ khiến số lượng người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai tăng ở mức ý nghĩa 5%. Cụ thể, sự biến động của nhiệt độ sẽ gây ảnh hưởng khôn lường tới cả hai mặt: kinh tế và xã hội của một con người.
Đứng trên bình diện kinh tế, Horowitz (2009), Deryugina và Hsiang (2014) đều chỉ ra rằng nhiệt độ có mối liên hệ ngược chiều đối với thu nhập của con người. Cụ thể, nhóm tác giả đã chứng minh rằng năng suất lao động tổng thể trong một ngày giảm 1,7% mỗi 1oC tăng lên làm cho nhiệt độ trung bình hàng ngày vượt quá 15oC ở Mỹ. Và mỗi ngày nắng nóng hơn 30°C sẽ làm giảm tổng thu nhập bình quân đầu người $ 20,56, khoảng 28% thu nhập trung bình ngày. Lương mỗi người giảm sẽ dẫn đến thu nhập chung của nền kinh tế giảm sút. Horowitz (2009) dự đoán rằng nếu nhiệt độ tăng 1°C ở tất cả các quốc gia sẽ khiến GDP thế giới giảm 3,8%. Thêm nữa, nhiệt độ tăng cao còn khiến cho nước biển dâng lên nhanh chóng, khiến ngư dân ven biển bị ảnh hưởng đáng kể. Theo thống kê từ trạm quốc gia Hòn Dấu, mực nước biển sẽ dâng 20cm trong vòng 50 năm tới. Và nếu xu hướng này tiếp tục, khi mực nước dâng thêm 100cm, Việt Nam sẽ mất 40.000km2 diện tích đất liền, 10% người dân toàn quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, GDP sẽ giảm 10%, và điều này được dự báo sẽ xảy ra vào năm 2100 (Điệp, 2021).
Xét từ góc độ xã hội, trước hết là về sức khỏe của người dân. Kết quả chứng minh rằng nhiệt độ tăng sẽ gây ra nhiều thương vong hơn. Điều này là nhất quán với kết quả kiểm chứng của Acemoglu và cộng sự (2001), Ye, Yu và Wolff (2012), Guo và Gasparrini (2017, 2018). Nền nhiệt tăng cao gây ra các đợt nắng nóng, hoặc nghiêm trọng hơn là hạn hán. Cả ba bài nghiên cứu đều thống nhất rằng chưa kể tới nạn hạn hán, chỉ riêng các đợt nắng nóng đã gây ra tác động bất lợi đáng kể đến sức khỏe dân số, bao gồm gia tăng tỷ lệ tử vong (Guo và cộng sự, 2017) và tỷ lệ mắc bệnh (Ye và cộng sự, 2012) ở người dân. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do thời tiết cực đoan gây nên ở Việt Nam xếp thứ 11 toàn thế giới, gây thiệt hại đến 0,6782% GDP của cả nước (Bùi Phương Linh và cộng sự, 2022). Hơn nữa, hạn hán, thiên tai xảy ra do nhiệt độ tăng chóng mặt sẽ khiến các ngành, lĩnh vực có sản phẩm và năng suất gắn liền với điều kiện thời tiết gặp nhiều khó khăn, gây thất nghiệp diện rộng và xóa bỏ những thành quả đã gặt hái được từ công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Thứ hai, ở mức ý nghĩa 1%, lượng mưa trung bình năm tăng sẽ khiến số lượng người bị tác động bởi thiên tai tăng và ngược lại. Bộ TN&MT (2021) nêu rõ trong Báo cáo Quốc gia về Môi trường năm 2016 - 2020: "BĐKH đang thúc đẩy chu trình nước diễn ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng do sự biến động và bốc hơi nhiều hơn."
Nhiều hơi hơn có nghĩa là mưa nhiều hơn và sự phân bố không đồng đều hơn. Một số địa điểm có thể nhận được nhiều mưa hơn bình thường, trong khi những nơi khác có thể chịu đựng hạn hán, lượng mưa ngày càng tăng, mưa lớn kéo theo lũ lụt, triều cường và sạt lở đất. Năm 2020 đã ghi nhận mưa lớn trên 49 tỉnh thành, mưa đá diện rộng, đặc biệt là đợt lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22/10 tại khu vực Trung Bộ và 86 trận động đất trên cả nước khiến 291 người chết, 64 người mất tích) và 876 người bị thương cùng nhiều thiệt hại về tài sản. Ngược lại, khi lượng mưa giảm mạnh ở nhiều nơi, sự khan hiếm nguồn nước và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của con người. Điều này thể hiện rõ nhất ở ĐBSCL, năm 2019 – 2020 là một năm kinh hoàng với người dân nơi đây khi lượng nước từ thượng nguồn chảy về khu vực này thiếu hụt trầm trọng khiến tình trạng xâm nhập mặn ở mức cao nhất trong lịch sử, khiến khoảng 96.000 hộ với 430.000 người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước sinh hoạt và làm thiệt hại nhiều hoa màu, ruộng vườn, ảnh hưởng đến sinh cơ của họ (Bùi Phương Linh và cộng sự, 2022). Ngoài những thiệt hại to lớn về người và kinh tế, lượng mưa tăng dẫn đến gia tăng tần suất và quy mô, cường độ của thiên tai còn kéo theo hệ lụy trên nhiều mặt khác của xã hội. Đợt lũ miền Trung năm 2020 kéo dài 6 tháng đã khiến cơ sở hạ tầng sụp đổ, mất điện toàn vùng, học sinh, sinh viên phải nghỉ học, rất nhiều người phải di cư sang vùng khác để đảm bảo tính mạng. Đồng thời, lũ lụt, sạt lở còn gây gián đoạn giao thông: chia cắt đường sắt Bắc Nam, Quốc lộ 1, Quốc lộ 9A, Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh dẫn đến tổng thiệt hại về kinh tế hơn 30.000 tỷ đồng.
Thứ ba, ở mức ý nghĩa 5%, tốc độ gia tăng dân số tác động ngược chiều với số lượng người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tức là tốc độ gia tăng dân số tăng khiến cho số lượng người bị ảnh hưởng bởi thiên tai giảm. Kết luận này đồng nhất với kết quả của theo báo cáo về gia tăng dân số và phát triển bền vững từ Ban Dân số của UN DESA (n.d). Họ cho rằng tăng trưởng dân số không hề tỷ lệ thuận với tốc độ và mức độ, quy mô của BĐKH bởi vì lượng phát thải từ các nước có thu nhập trung bình trở
lên đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2000, đóng góp rất lớn vào việc đẩy nhanh BĐKH, mặc dù tỷ lệ tăng dân số giảm trong suốt thời kỳ này. Bên cạnh đó, Ramaswami (2021), Chow và Li (2018), Hội nghị thượng đỉnh về Hành động Khí hậu toàn cầu (2018) và Pencarelli và cộng sự (2019) đã chỉ ra rằng tỷ lệ số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão lũ, hạn hán, sóng thần, lũ lụt,… không đến từ nguyên nhân tỷ lệ gia tăng dân số quốc gia mà do chính thói quen tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, cao cấp gia tăng khiến cho việc sản xuất các mặt mặt hàng này trở nên ồ ạt, gây ra thiệt hại lớn đến môi trường: khí thải CO2 tăng gấp 1,2 - 2 lần so với trước, gây mất cân bằng hệ sinh thái,… nhất là các mặt hàng thời trang cao cấp. Chỉ tính riêng lượng phát thải CO2 của chi nhỏnh thời trang và hàng da thuộc của Tập đồn Moởt Hennessy Louis Vuitton, đó tăng từ 143.336 tấn năm 2016 lên 146.180 tấn năm 2020. Chính việc liên tiếp và gia tăng sản xuất những mặt hàng như thế này đã khiến cho Trái đất nóng lên, ảnh hưởng lớn đến đời sống và an toàn sức khỏe của con người (Pencarelli và cộng sự [2019]) mà không phải là chỉ do tốc độ gia tăng dân số nhanh.
Thứ tư, kết quả hồi quy dữ liệu bảng cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) tác động ngược chiều tới số lượng người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai ở mức ý nghĩa 5%. Kết quả đưa ra trùng khớp với Masum Billah và các cộng sự (2019), A.P.S Prasojo và các cộng sự (2021). Trong đó, Masum Billah chỉ ra rằng số người bị ảnh hưởng do thiên tai tập trung ở các nước có trình độ phát triển con người (HDI) thấp hơn so với các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á. Theo đó, khoảng 85% người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai là cư dân của các nước có trình độ phát triển con người trung bình và thấp. Cùng chung quan điểm này, A.P.S. Prasojo và các cộng sự (2021) nhận định rằng HDI tăng tương ứng với số lượng người bị thiệt hại do thiên tai giảm.
Thực tế, việc chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai là rất quan trọng để tránh nhiều tổn thất cho con người. Lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm sóng thần và lũ lụt đã giúp giảm thiểu số lượng thiệt hại về người và tài sản. Việc phát triển và nâng cao trình độ học vấn cũng thúc đẩy nhận thức của con người trước thảm họa của thiên tai. Cụ thể, trong trường hợp phát cảnh báo, không chỉ một hệ thống cảnh báo chính thức do chính phủ cung cấp mà còn cảnh báo dựa vào người dân cũng đáng kể để mọi người tránh bị nhiều ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Nhận thức được điều đó, tháng 2 năm 2022, Nhà nước đã tập hợp nguồn lực để triển khai Chiến lược phát triển ngành khí tượng
thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm hỗ trợ công tác dự báo, đưa ra cảnh báo để người dân linh hoạt và chủ động trong việc đối phó với thiên tai. Vậy nên, chỉ số HDI càng cao tức thu nhập và học vấn cao hơn, càng chủ động trong việc ứng phó với thiên tai thì càng khẳng định rằng có thể giảm thiểu số người bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH gây ra.