CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ TRONG KHUÔN KHỔ RCEP VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.2. Các nghiên cứu về ngành công nghiệp điện tử các nước thành viên RCEP và tác động của hội nhập kinh tế khu vực đến hoạt động của ngành
Myrna S. Austria (2008) đã đánh giá về “Hiện trạng phát triển trong các mạng lưới sản xuất điện tử tại Đông Nam Á” (Recent Developments in the Electronics Production Networks in Southeast Asia). Theo tác giả, mạng lưới sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử có sức ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng và phát triển của ASEAN 5 (bao gồm các nước CLMV và Brunei), tuy nhiên việc củng cố vị thế và duy trì tính cạnh tranh trong chuỗi sản xuất quốc tế vẫn là thách thức lớn cho các nước Đông Nam Á. Các công ty đa quốc gia luôn tìm kiếm hiệu quả hệ thống trong chuỗi sản xuất toàn cầu, họ mong đợi một liên kết chặt chẽ trong toàn khu vực 10 nước thành viên ASEAN với các lợi thế về hiệu quả chi phí, ưu đãi đầu tư và là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay CLMV và Brunei đang
là mắt xích yếu nhất trong chuỗi và điều này sẽ làm giảm tính thu hút của vùng trong mạng lưới sản xuất được định hướng bởi FDI. Nghiên cứu cũng cho rằng thương mại ngành CNĐT ở Đông Nam Á đang tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm có phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá trị gia tăng nội địa thấp, điều này cũng khiến đầu tư FDI vào ngành không ổn định. Vì vậy nếu các nước ASEAN không nâng cấp ngành công nghiệp của mình thì khả năng trụ được trong chuỗi giá trị là thấp, đặc biệt khi đứng trước đối thủ cạnh tranh rất mạnh là Trung Quốc.
Parinduri, R. A. và S. M. Thangavelu (2011), trong nội dung nghiên cứu “Các FTA ASEAN+1 và chuỗi giá trị toàn cầu tại Đông Á: Trường hợp ngành công nghiệp điện tử Malaysia” (ASEAN+1 FTAs and Global Value Chains in East Asia: The Case of the Electronics Industry in Malaysia), đã phân tích sự phát triển ngành CNĐT của Malaysia và những thách thức, trở ngại mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt trong chuỗi cung ứng. Với cách tiếp cận phân tích chỉ số thương mại và nghiên cứu trường hợp, các tác giả đã kết luận rằng ngành CNĐT Malaysia đã phát triển rất nhanh chóng trong vài thập niên gần đây nhờ sự mở rộng thương mại nội ngành về linh kiện điện tử. Xu hướng sản xuất và thương mại trong CNĐT của Malaysia có sự tương quan với xu hướng của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên năng suất lao động thấp và sự sụt giảm lợi thế cạnh tranh trong sản xuất sản phẩm điện tử đang là mối quan ngại tới sự phát triển bền vững của ngành.
Ingeborg Vind (2003), trong nghiên cứu “Sự năng động của quá trình khu vực hóa Đông Nam Á – Trường hợp ngành công nghiệp điện tử Singapore” (Southeast Asian Regionalisation Dynamics - The Case of Singapore’s Electronics Industry) đã sử dụng các phương pháp định tính: nghiên cứu trường hợp, phỏng vấn và tổng hợp thông tin để đánh giá về tiến trình khu vực hóa năng động trong ASEAN và vai trò của Singapore trong tiến trình này. Tác giả cũng nghiên cứu về ngành CNĐT của khu vực và Singapore thông qua trường hợp cụ thể là lĩnh vực sản xuất, thương mại các ổ đĩa cứng và các chất bán dẫn. Nghiên cứu khẳng định rằng chính phủ và các công ty điện tử tại Singapore là những tác nhân quan trọng trong tiến trình khu vực hóa Đông Nam Á cũng như trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung
Quốc. Tại Singapore, CNĐT là ngành sản xuất quan trọng nhất, nó thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi các mạng lưới sản xuất quốc tế như một phần trong chiến lược toàn cầu của các công ty.
Hisami Mitarai (2004) đã nghiên cứu về “Các vấn đề trong ngành công nghiệp điện và điện tử ASEAN và những hàm ý cho Việt Nam” (Issues in the ASEAN Electric and Electronics Industry and Implications for Vietnam), trong đó tác giả đã tổng hợp và phân tích chi tiết quá trình phát triển của ngành công nghiệp điện và điện tử tại một số quốc gia ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines trên các phương diện chính sách công nghiệp, hồ sơ công nghiệp và các quyền ưu tiên dưới góc độ của các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số bài học cho Việt Nam, một nước mà ngành công nghiệp điện và điện tử còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, trong việc hoàn thiện khuôn khổ chính sách và pháp lý, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tập trung cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Nguyen Anh Thu và Tran Trung Duc (2015), trong “Phân tích các tác động của tự do hóa thương mại trong ASEAN tới thương mại sản phẩm điện tử của Việt Nam”
(Analyzing the Impacts of ASEAN Trade Liberalization on Vietnam’s Trading of Electronic Products) đã sử dụng mô hình Trọng lực để đánh giá sự thay đổi trong thương mại sản phẩm điện tử giữa Việt Nam và 47 quốc gia đối tác dưới tác động của tự do hóa thương mại trong ASEAN. Kết quả chỉ ra rằng mức GDP cao hơn của Việt Nam và các nước đối tác dẫn tới sự tăng trưởng trong cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm điện tử. Việt Nam có xu hướng giao thương với các đối tác vừa và lớn vì GDP của nước đối tác càng cao thì giá trị thương mại được tạo ra càng lớn.
Các tác giả cũng kết luận AFTA có ảnh hưởng tích cực tới giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng lại tác động tiêu cực tới giá trị nhập khẩu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong thị trường điện tử kể từ khi Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) ra đời.
Huong, Nguyen Lan (2007) đã thực hiện nghiên cứu “Các giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới”
(Solutions for Development of Vietnamese Electronics Industry in Joining in World Trade Organization) và chỉ ra những lợi thế (nguồn lao động rẻ và có tay nghề, lĩnh vực tư nhân có tiềm năng phát triển, hệ thống chính trị ổn định, chính sách đầu tư và môi trường kinh doanh thuận lợi), cũng như bất lợi của ngành (nền CNĐT còn yếu và non trẻ, các yếu tố bên trong như công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), vốn, tầm nhìn chiến lược, mức độ chuyên môn còn ở mức thấp hơn các quốc gia ASEAN khác, các yếu tố bên ngoài như cơ sở hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính còn chưa đạt chất lượng). Sau khi nghiên cứu trường hợp của Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và phân tích ma trận SWOT, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động R&D, coi đây là chìa khóa cho sự phát triển vững chắc của ngành CNĐT Việt Nam.