CHƯƠNG 3: THƯƠNG MẠI TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT
3.3. Lợi thế so sánh và cường độ thương mại của Việt Nam và các nước thành viên RCEP trong ngành công nghiệp điện tử
3.3.1. Lợi thế so sánh của Việt Nam và các nước thành viên RCEP trong ngành công nghiệp điện tử
Sự thay đổi cấu trúc thương mại giữa Việt Nam và các nền kinh tế RCEP được thể hiện rõ hơn qua chỉ số lợi thế cạnh tranh, hay chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu RCA.
Trên cơ sở phương pháp phân tích chỉ số thương mại đã nêu ở Chương 2, trong tính toán chỉ số RCA đối với sản phẩm CNĐT, tác giả chọn i lần lượt là các quốc gia trong RCEP, j được hiểu là thế giới và k là các nhóm sản phẩm trong ngành CNĐT. Cách thức phân loại các nhóm sản phẩm này dựa trên định nghĩa về sản phẩm CNĐT của OECD năm 20087. Từ đó OECD đưa ra bảng sắp xếp các sản phẩm vào từng nhóm hàng theo hệ thống phân loại HS ở cấp độ 6 chữ số. Ở nội dung tính toán này, tác giả sử dụng hệ HS2002 để nhận được dữ liệu trong khoảng thời gian 10 năm từ 2005 đến 2014 (Xem Phụ lục 2A).
7 Theo “Guide to Measuring the Information Society, 2009” và “Guide to Measuring the Information Society, 2011”, định nghĩa 2008 của OECD về sản phẩm CNĐT được đưa ra như sau “Các sản phẩm CNĐT trước hết phải nhằm thỏa mãn hoặc cho phép thực hiện chức năng tiếp cận thông tin và truyền thông bằng phương tiện điện tử, bao gồm các phương tiện truyền tải và hiển thị”.
Bảng 3.4 và 3.5 trình bày kết quả tính lợi thế so sánh cho Việt Nam và các nền kinh tế RCEP, vào các năm 2005 và 2014. Năm 2005, khi nền CNĐT còn sơ khai và chưa thu hút mạnh mẽ được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam hoàn toàn bất lợi thế trong lĩnh vực này. Các chỉ số cho thấy tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam rất thấp so với mức bình quân của thế giới. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã bắt đầu thiết lập được khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm CNĐT thuộc nhóm máy tính và thiết bị ngoại biên, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Trong đó, Việt Nam đặc biệt có lợi thế ở nhóm thiết bị viễn thông, đạt chỉ số RCA cao nhất so với tất cả các quốc gia khác thuộc RCEP. Điều này cũng lý giải cho sự tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam ở nhóm sản phẩm này trong những năm gần đây.
Bảng 3.4: Chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu của các nước thành viên RCEP trong lĩnh vực CNĐT năm 2005
Nhóm s.phẩm Quốc gia
Máy tính và thiết bị ngoại biên
Thiết bị viễn thông
Thiết bị điện tử tiêu dùng
Linh kiện điện tử
Sản phẩm điện tử
khác
Malaysia 3,49 1,46 2,71 4,6 1,16
Singapore 2,97 1,75 0,95 6,26 1,81
Thái Lan 2,3 0,37 1,88 1,96 0,82
Campuchia 0 0 0,01 0 0,01
Việt Nam 0,31 0,05 0,28 0,18 0,03
Trung Quốc 3,06 1,97 3,39 0,87 2,38
Nhật Bản 0,82 0,26 1,71 1,9 1,95
Hàn Quốc 1,33 3,27 1,24 2,66 3,8
Ấn Độ 0,09 0,05 0,08 0,07 0,16
Australia 0,16 0,18 0,09 0,06 0,11
New Zealand 0,13 0,2 0,05 0,1 0,18
Nguồn: Cơ sở dữ liệu WITS – UN Comtrade và tính toán của tác giả
Bảng 3.5: Chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu của các nước thành viên RCEP trong lĩnh vực CNĐT năm 2014
Nhóm s.phẩm Quốc gia
Máy tính và thiết bị ngoại biên
Thiết bị viễn thông
Thiết bị điện tử tiêu dùng
Linh kiện điện tử
Sản phẩm điện tử
khác
Indonesia 0,38 0,04 1,3 0,15 0,57
Malaysia 1,97 0,72 2,33 4,72 1,89
Philippines 3,62 0,18 0,53 6,05 1,19
Singapore 1,4 0,76 0,54 6,16 1,05
Thái Lan 2,69 0,37 2,22 1,21 1,11
Brunei 0,02 0,04 0,01 0 0,01
Campuchia 0,02 0 0,18 0
Việt Nam 1,45 5,75 1,17 0,53 0,5
Trung Quốc 3,12 2,96 2,68 1,25 1,61
Nhật Bản 0,26 0,23 0,9 1,51 1,16
Hàn Quốc 0,69 1,71 0,68 2,92 3,06
Ấn Độ 0,04 0,16 0,11 0,05 0,29
Australia 0,18 0,12 0,1 0,02 0,08
New Zealand 0,08 0,13 0,06 0,05 0,07
Nguồn: Cơ sở dữ liệu WITS – UN Comtrade và tính toán của tác giả Xuất khẩu thiết bị viễn thông của Việt Nam sang khu vực RCEP tập trung chủ yếu vào ba thị trường chính là Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan (chiếm 50%), đây cũng là các thị trường tiêu thụ lớn và có chỉ số RCA ở nhóm hàng này rất thấp so với các nền kinh tế RCEP khác. Nắm bắt lợi thế so sánh trong nhóm hàng điện tử viễn thông của Việt Nam, hiện nay rất nhiều nhà máy CNĐT đang tập trung vào sản xuất điện thoại di động, và sản phẩm nghe nhìn khác. Các sản phẩm điện tử tinh xảo như máy tính bảng, máy tính xách tay và màn hình LCD sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong tương lai gần. Theo các chuyên gia, thị trường điện tử thế giới sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian sắp tới, trong đó các sản phẩm được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ bao gồm các thiết bị kỹ thuật số, máy tính, đặc biệt là máy tính bảng và điện thoại
di động – đây chính là những dòng sản phẩm tiêu biểu trong nhóm điện tử viễn thông mà Việt Nam có lợi thế. Với những con số thống kê tích cực này, trong vòng 3-5 năm tới, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất và trở thành trung tâm sản xuất điện tử tại Đông Nam Á và tiếp tục có những bước tăng trưởng đáng kể.
Đối với hai nhóm sản phẩm còn lại là linh kiện điện tử và các thiết bị điện tử khác, Việt Nam đều không có chỉ số cạnh tranh cao. Nhu cầu sử dụng tăng nhanh, trong khi lại bất lợi tương đối về các sản phẩm linh kiện điện tử trong thương mại quốc tế là lý do Việt Nam hiện phải nhập khẩu lượng lớn sản phẩm thuộc nhóm này.
Xét về mức độ tương đồng lợi thế so sánh giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác của RCEP, bảng 3.5 cho thấy mức độ tương quan này là khá thấp. Trừ các nước có giá trị thương mại nhỏ trong lĩnh vực CNĐT (Xem Phụ lục 3), so với các quốc gia còn lại của khu vực RCEP, ở các nhóm sản phẩm mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh thì các quốc gia này đều thể hiện một chỉ số RCA tích cực, trong khi đó ở nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế so sánh cao nhất là thiết bị viễn thông thì các quốc gia RCEP khác (trừ Trung Quốc và Hàn Quốc) lại gặp bất lợi. Thực tế các nền kinh tế RCEP có giá trị thương mại trong ngành CNĐT lớn thường có thứ hạng RCA cao trong những sản phẩm mà Việt Nam có thứ hạng RCA thấp và ngược lại sẽ là cơ sở thuận lợi cho giao thương của RCEP khi mỗi quốc gia thành viên có những lợi thế so sánh khác biệt với đối tác của mình. Tuy nhiên, đối với hai nhóm sản phẩm còn lại mà Việt Nam cũng có lợi thế là máy tính và thiết bị ngoại biên, và thiết bị điện tử tiêu dùng, chúng ta còn gặp phải sự cạnh tranh đáng kể từ nhiều quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, đây là các quốc gia có chỉ số RCA trong các nhóm hàng này cao vượt so với Việt Nam.
Ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế RCEP về chỉ số RCA là Trung Quốc.
Trong khi một số quốc gia vốn đã có lợi thế cạnh tranh trong tất cả hoặc hầu hết các nhóm sản phẩm CNĐT từ năm 2005 như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, thì hiện nay, chỉ còn Trung Quốc vẫn đang củng cố vững chắc lợi thế của mình trong tất cả các nhóm hàng, các quốc gia còn lại đều đánh mất lợi thế trong một số ngành sản phẩm nhất định.