Cơ sở hình thành RCEP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 40 - 44)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ TRONG KHUÔN KHỔ RCEP VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ

1.3. Tổng quan về RCEP

1.3.2. Cơ sở hình thành RCEP

Việc hình thành các khu vực mậu dịch tự do, cùng với đó là sự kết thúc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 là một trong những thành công quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của ASEAN kể từ năm 2007. Những bước đi này giúp củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các liên kết khu vực và thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập kinh tế khu vực Đông Á. Tuy nhiên, do một số hạn chế, vướng mắc trong việc thực thi, các hiệp định ASEAN+1 vẫn chưa mang lại được lợi ích tối đa cho các bên tham gia. Nhằm đạt được các tiêu chuẩn FTA tốt hơn và nhu cầu hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các chuỗi giá trị, ASEAN đã quyết định tiến thêm một bước xa hơn đó là lên ý tưởng xây dựng một hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Có thể nêu ra các cơ sở hình thành đề xuất này như sau:

Thứ nhất, các hiệp định FTA ASEAN+1 dù quan trọng nhưng bản thân chúng không thể thay thế được cho các hiệp định đa phương. Các FTA này chỉ nhằm thúc đẩy thương mại và cơ hội liên quan giữa những nhóm nhỏ của các nền kinh tế, trong khi đó chưa thể đảm bảo được những lợi ích trực tiếp như cải thiện việc tiếp cận thị trường và giảm nguy cơ dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất lợi trong cơ chế thương mại đầu tư nước ngoài, lẫn những lợi ích gián tiếp khác như dẫn tới những cải cách trong nước và thuận lợi hóa thương mại. Bên cạnh đó, các FTA ASEAN+1

cũng không thực thi được những quy tắc, đặc biệt là quy tắc về chống bán phá giá, chống trợ cấp nông nghiệp,… Điều này chỉ có thể thực hiện được ở cấp đa phương giúp tránh hoặc giảm bớt những phiền toái của Quy tắc xuất xứ. Các quốc gia có thể kỳ vọng vào các vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO để đạt được các lợi ích này. Tuy nhiên vòng Doha đến nay vẫn diễn ra rất chậm chạp, trong khi sự thiết lập một khuôn khổ cho hợp tác đa phương hiệu quả vẫn là yêu cầu cấp thiết với các nền kinh tế. Chính điều này đã thúc đẩy các quốc gia phải tìm kiếm giải pháp thay thế, mặc dù ít đa phương hóa hơn, và RCEP là một trong những phương án thay thế đối với ASEAN và 6 nước đã ký kết các FTA ASEAN+1, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Thứ hai, sự tồn tại của nhiều FTA ASEAN+1 dẫn đến tình trạng gia tăng hiệu ứng quan hệ chồng chéo giữa các FTA (được gọi là “hội chứng bát mỳ”), làm tăng chi phí giao dịch, cản trở việc sử dụng những hệ thống ưu đãi thương mại, từ đó làm giảm hiệu quả của các FTA hiện tại. Hiện nay, xét về việc xây dựng biểu thuế thương mại hàng hóa, những nước ASEAN+6 sử dụng phân loại thuế quan khác nhau cho ưu đãi thuế của họ. Không chỉ những quốc gia khác nhau sử dụng biểu thuế khác nhau, mà các quốc gia giống nhau cũng sử dụng biểu thuế khác nhau cho các FTA với những nước khác nhau. Ngoài ra, khung thời gian và ưu đãi thuế của cùng một quốc gia cũng khác nhau tùy theo các FTA, và tỷ lệ loại bỏ thuế quan cũng khác nhau đối với các FTA ASEAN + 1.

Bảng 1.3: Phạm vi loại bỏ thuế quan theo từng nước trong một số hiệp định FTA ASEAN+1 (tính theo %)

FTA

Quốc gia AANZFTA ACFTA AIFTA AJCEP AKFTA Trung bình

Brunei 99,2 98,3 85,3 97,7 99,2 95,9

Campuchia 89,1 89,9 88,4 85,7 97,1 90,0

Indonesia 93,7 92,3 48,7 91,2 91,2 83,4

Lào 91,9 97,6 80,1 86,9 90,0 89,3

Malaysia 97,4 93,4 79,8 94,1 95,5 92,0

Myanmar 88,1 94,5 76,6 85,2 92,2 87,3

Philippines 95,1 93,0 80,9 97,4 99,0 93,1

Singapore 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0 100,0

Thái Lan 98,9 93,5 78,1 96,8 95,6 92,6

Việt Nam 94,8 Không có 79,5 94,4 89,4 89,5

Australia 100,00

Trung Quốc 94,10

Ấn Độ 78,80

Nhật Bản 91,90

Hàn Quốc 90,50

New

Zealand 100,00

Nguồn: Fukunaga and Isono (2013) Bên cạnh đó, mức cắt giảm thuế quan trong ASEAN nói riêng và khu vực Đông Á nói chung tuy đã tăng nhưng cũng chưa đạt đến tỷ lệ hiệu quả4. Điều đó có nghĩa là nhiều hàng hóa, là những mặt hàng được bảo hộ cao trong các nước thành viên không bị cắt giảm thuế quan hoặc chỉ được cắt giảm từng phần.

Những vấn đề tương tự cũng xuất hiện liên quan đến mức độ và phạm vi tự do hóa thương mại dịch vụ trong các khu vực thương mại tự do ASEAN+1. Như đã đề cập ở trên, mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ tiến triển chậm hơn so với tự do hóa thương mại hàng hóa. Thỏa thuận về tự do hóa thương mại dịch vụ mới chỉ đạt được trong ba khu vực thương mại tự do ASEAN+1 giữa các nước ASEAN với Trung quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Trong nhiều trường hợp, cam kết mà các nước thành viên đưa ra chỉ ngang bằng với các cam kết đã có sẵn trong khuôn khổ của WTO. Cũng có sự khác biệt đáng kể về các ngành dịch vụ cam kết và mức độ

4 Theo Yoshifumi Fukunaga and Arata Kuno (2012), nếu đặt mốc tự do hóa thuế quan 95% là tiêu chuẩn thì mức tự do hóa thuế quan trung bình của toàn bộ 10 nước ASEAN và 6 đối tác hiện nay không vượt quá 90%.

cam kết giữa các khu vực thương mại tự do khác nhau. Cam kết của các nước ASEAN trong các khu vực thương mại tự do khác nhau cũng không có sự đồng nhất.

Ngoài ra, sự đa dạng và phức tạp về Quy tắc về xuất xứ trong các hiệp định ASEAN+1 gây khó khăn cho các doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hiệp định5, chi phí tìm hiểu và áp dụng những ưu đãi và hạn chế về thương mại và đầu tư của các nước đối với từng loại hình doanh nghiệp là rất lớn.

Tình trạng chồng chéo này xuất hiện một phần là do thiếu tầm nhìn hướng đến hội nhập kinh tế Đông Á. Trong khi châu Âu mất hơn một thập niên để thảo luận về thỏa thuận thương mại của châu lục thì hàng chục thỏa thuận song phương giữa các quốc gia Đông Á đã xuất hiện chỉ trong vài năm qua mà không có một tầm nhìn cho sự hội nhập lớn hơn và sâu sắc hơn. Vì vậy, RCEP sắp tới được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống các quy tắc hài hòa, với một biểu cam kết đối với tất cả các nước thành viên ASEAN (như khả năng áp dụng phương pháp “gói cam kết tổng thể” được hình thành bởi một tập hợp các hiệp định liên quan, đơn giản hơn về thiết kế, với các định dạng khác nhau và có thể đạt được tại các thời điểm khác nhau phù hợp với quá trình hội nhập không ngừng của khu vực). Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động của sự chồng chéo và tối ưu hóa những nỗ lực của các chính phủ trong việc hình thành một mạng lưới sản xuất có sức cạnh tranh cao trong khu vực Đông Á.

Thứ ba, việc thiết lập RCEP giúp ASEAN duy trì vai trò trung tâm mạng lưới hợp tác kinh tế khu vực Đông Á, xa hơn là khu vực Châu Á Thái Bình Dương – nơi chứa đựng nhiều cơ hội cũng như rủi ro tiềm tàng từ các sáng kiến cạnh tranh trong khu vực như Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc (CJKFTA) được Trung Quốc ưa chuộng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ ủng hộ hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA) do Nhật Bản khởi xướng. Bên cạnh đó RCEP cũng giúp ASEAN nói riêng và khu vực

5 Những so sánh liên quan đến ROOs giữa các hiệp định ASEAN+1 được đề cập chi tiết trong nghiên cứu của Medalla, E.M. and M. A. D. Rosellon (2011)

Đông Á nói chung giảm bớt sự phụ thuộc vào các nền kinh tế phương Tây hiện đang gặp nhiều khó khăn trong phục hồi tăng trưởng.

Thứ tư, trên quan điểm của 6 nước bên ngoài ASEAN tham gia vào RCEP, họ đều được lợi nếu ủng hộ và thúc đẩy việc hình thành RCEP. Australia và New Zealand được RCEP dành cho cơ hội vượt ra ngoài những kết quả có thể đạt được qua đường song phương. Đối với Trung Quốc, RCEP không chỉ tiếp tục gây áp lực lên các quá trình cải cách mà còn gắn kết chặt chẽ những quá trình này với một khu vực rộng, đồng thời tạo nên đối trọng với Mỹ khi Trung Quốc không có mặt trong TPP. Ấn Độ không đủ điều kiện để trở thành một thành viên của TPP nên RCEP là cuộc chơi khu vực chính của Ấn Độ. Còn với Nhật Bản, động cơ chính của họ là sử dụng RCEP để đạt được những cải cách lớn hơn trong nước. Ngoài ra, ba nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhận thấy việc đàm phán trong diễn đàn của RCEP dễ dàng và có lợi hơn là đàm phán FTA riêng giữa ba nước này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)