Một số khuyến nghị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 105 - 109)

Từ kết quả nghiên cứu của luận văn, có thể nhận diện một số hàm ý và đề ra những khuyến nghị đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nhằm giúp ngành CNĐT tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà RCEP có thể mang lại như sau:

Thứ nhất, về định hướng phát triển thương mại ngành CNĐT: Với sự gia tăng rất nhỏ trong thương mại ngành dự tính có thể nhận được nhờ cắt giảm thuế quan theo RCEP, Việt Nam không nên quá lạc quan về tác động tích cực của hiệp định này đối với tăng trưởng thương mại sản phẩm CNĐT, đặc biệt là với xuất khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng cần phải tranh thủ những ảnh hưởng tích cực của sự cắt giảm thuế quan trên cả phương diện nhập khẩu và xuất khẩu bằng cách khai thác lợi ích tập trung theo nhóm sản phẩm và theo từng quốc gia cụ thể:

- Về nhập khẩu, Việt Nam vẫn có thể khai thác nguồn nhập khẩu từ những đối tác chính là Trung Quốc và Hàn Quốc và tận dụng lợi thế khi có thể nhập khẩu nguyên liệu rẻ hơn từ nước đối tác để nâng cao tính cạnh tranh về giá cho các sản phẩm CNĐT của Việt Nam nhờ xóa bỏ thuế quan. Khi thuế quan không còn là rào cản, Việt Nam có thể lựa chọn chuyển hướng nhập khẩu một số sản phẩm từ các nước có chi phí nhập khẩu cao hơn như Philippines, Singapore, Campuchia và Myanmar sang các nước khác có chi phí nhập khẩu thấp hơn trong khu vực, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia.

- Về xuất khẩu, Việt Nam có nhiều khả năng tăng trưởng giá trị thương mại ở nhóm hàng hiện còn bị các nước thành viên RCEP giữ mức bảo hộ thuế quan cao là thiết bị điện tử tiêu dùng. Đây là nhóm sản phẩm có thể mang lại tác

động thương mại lớn nhất một khi thuế được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tập trung vào Ấn Độ như là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất.

Hiện tại, số liệu về chỉ số cường độ thương mại cho thấy Ấn Độ là đối tác mà Việt Nam đang có mức độ tập trung thương mại tăng mạnh qua các năm ở lĩnh vực CNĐT. Hơn nữa, trong kịch bản cắt giảm thuế quan theo RCEP, Ấn Độ cũng là thị trường tạo nên giá trị xuất khẩu tăng thêm nhiều nhất cho ngành CNĐT của Việt Nam. Cùng với việc khai thác thị trường tiềm năng, Việt Nam nên duy trì sự hiện diện ở các quốc gia mà chúng ta đang có mối quan hệ thương mại tập trung cao hơn so với mức giao thương trung bình với thế giới ở nhiều nhóm sản phẩm CNĐT là Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhận thức rõ về tác động tiêu cực của chệch hướng thương mại có thể xảy ra đối với ngành CNĐT trong nước khi thuế được đưa về 0%.

Dự tính những tác động chệch hướng thương mại này làm giảm rất nhiều tác động tích cực của tạo lập thương mại đối với xuất khẩu ngành CNĐT Việt Nam khi RCEP đi vào thực tế. Để hạn chế việc các quốc gia trong khu vực chuyển hướng nhập khẩu sang đối tác khác, Việt Nam cần tăng cường lợi thế so sánh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm CNĐT của mình. Ngoài ra, trong thương mại ngành, Việt Nam cần chú trọng vào các nhóm sản phẩm mà hiện tại mình đang có lợi thế so sánh hiện hữu là máy tính và thiết bị ngoại biên, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý về sự tương đồng trong lợi thế này để nhận diện các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Trung Quốc, Malaysia, Philippines hay Thái Lan cũng là những quốc gia có chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu cao ở cùng một số nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế.

Thứ hai, về thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNĐT: Mặc dù mong muốn tạo lập chỗ đứng vững chắc cho các doanh nghiệp CNĐT trong nước nhưng Việt Nam không thể phủ nhận hoặc hạn chế vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong sự phát triển của ngành CNĐT. Khả năng thu hút đầu tư phụ thuộc rất lớn vào khuôn khổ pháp lý và chính sách của Chính phủ. Có thể nói,

hiện nay Chính phủ đã xây dựng được một “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” khá rõ ràng, trong đó xác định những mục tiêu cụ thể đối với ngành CNĐT của đất nước. Bên cạnh đó, còn có “Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, của Nhật Bản nói riêng vào ngành CNĐT tại Việt Nam. Những chính sách này đi kèm với các hoạt động cụ thể sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tương lai. Điều quan trọng là phải giám sát được chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các ngành, các cấp, tránh sự nhiêu khê, thủ tục rườm rà hoặc gây khó dễ để các doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng các chính sách này một cách kịp thời, đầy đủ nhất. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc xây dựng, củng cố chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn cung ứng điện phục vụ sản xuất và cải thiện mạng lưới đường sá giao thông. Giải pháp có thể lựa chọn là tập trung đầu tư phát triển CNĐT ở một số khu công nghiệp, khu chế xuất tại các vùng trọng điểm – những nơi đã có cơ sở hạ tầng tốt để đồng vốn phát huy hiệu quả.

Thứ ba, về nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh của ngành CNĐT Việt Nam:

Để hội nhập hiệu quả khi RCEP đi vào thực tế và đuổi kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực, ngành CNĐT Việt Nam cần chuyển từ việc cạnh tranh về chi phí nhân công thấp sang cạnh tranh về lợi thế so sánh dựa trên tri thức và tạo lập được giá trị gia tăng cao hơn. Khả năng cạnh tranh phải dựa trên sự đổi mới không chỉ ở khía cạnh công nghệ mà còn bao gồm những cải tiến đối với quy trình sản xuất và sản phẩm, tinh thần doanh nghiệp, chất lượng lao động, các thể chế thân thiện với thị trường và khả năng quản lý đúng đắn nền kinh tế vĩ mô. Trong đó phát triển nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng giáo dục là một yếu tố then chốt đối với lĩnh vực CNĐT. Hiện nay ở Việt Nam, số lượng các trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề đào tạo các kỹ sư và lao động chuyên nghiệp còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp vì vậy rất khó khăn để tuyển dụng được kỹ sư và các chuyên gia, đặc biệt trong lĩnh

vực CNĐT. Trong tình hình này, Việt Nam nên khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết ba bên (doanh nghiệp – viện, trường – cơ quan quản lý Nhà nước) để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh việc tập trung vào nguồn nhân lực, Việt Nam cũng có thể hướng tới hình thành những lợi thế mới thông qua đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh việc nghiên cứu thiết kế ra sản phẩm mới có nhiều tính năng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh. Hướng đi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNĐT Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và được hưởng giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập một tổ chức phụ trách theo dõi, hỗ trợ hoạt động của ngành CNĐT. Tổ chức này sẽ có nhiệm vụ phối hợp hành động của các công ty nước ngoài và bản địa để thúc đẩy ngành công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc (i) xác định các yêu cầu của ngành CNĐT;

(ii) thúc đẩy trao đổi thông tin trong và ngoài nước; (iii) tăng cường quản lý và nâng cao trình độ kỹ thuật của các danh nghiệp trong nước với sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài; (iv) hỗ trợ đào tạo lao động tại các doanh nghiệp trong nước; và (v) cung cấp dịch vụ về tiêu chuẩn an toàn và kiểm tra sản phẩm quốc tế.

Thứ tư, về nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất trong khu vực: Các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế về trình độ công nghệ, bởi vậy một trong những hướng đi phù hợp để tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực là phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành CNĐT. Việt Nam cần tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc ngành công nghiệp điện tử. Đối tượng cần tập trung hướng đến chính là các doanh nghiệp CNĐT trong nước. Việc đẩy mạnh các chương trình hợp tác giữa các doanh nghiệp CNĐT nước ngoài với các doanh nghiệp bản địa sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam xác định rõ yêu cầu về chất lượng đối với sản phẩm phụ trợ và được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ sản xuất phù hợp, đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh hướng đi ban đầu này, Việt Nam

cũng có thể triển khai dần các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm, sản xuất, quản lý từ các doanh nghiệp CNĐT có vốn đầu tư nước ngoài để từ đó có thể tham gia vào những khâu quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên cách thức tiếp cận theo chiều sâu này đòi hỏi phải có trọng tâm bởi nguồn vốn thực hiện là rất lớn trong khi các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam đều chỉ có quy mô vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính hạn chế. Chính phủ có thể định hướng tập trung cho đầu tư nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ đối với các nhóm sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh là máy tính và thiết bị ngoại biên, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng đến nhóm sản phẩm thiết bị điện tử tiêu dùng bởi đây là nhóm sản phẩm mà Việt Nam có khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao nhất nếu RCEP đi vào thực thi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 105 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)