Tổng hợp kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 100 - 105)

Trong xu thế toàn cầu hóa,Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam cùng với các nước trong khối ASEAN đã thành lập khu vực thương mại tự do AFTA, tiến đến hoàn thiện Cộng đồng ASEAN và không ngừng tăng cường hợp tác ASEAN với các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc xây dựng một loạt các khu vực thương mại tự do ASEAN+1. Kế hoạch hiện thực hóa RCEP là một trong những nỗ lực mạnh mẽ của ASEAN trong tiến trình mở rộng hội nhập nội khối với các đối tác lân cận là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Mặc dù những nội dung hội nhập theo khuôn khổ RCEP vẫn đang trong quá trình đàm phán nhưng với quy mô rộng lớn gồm 16 quốc gia tham gia hiệp định, RCEP được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho các nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam. Luận văn nghiên cứu tác động của RCEP đến một ngành cụ thể trong nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp điện tử. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam trong những năm vừa qua và được Chính phủ xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn.

Đánh giá chung về tình hình thương mại ngành cho thấy trên phương diện là đối tác xuất khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam, thị trường RCEP dù không còn giữ vai trò chính yếu như thời kỳ trước nhưng vẫn đang duy trì tầm quan trọng đáng kể, còn xét trên phương diện đối tác nhập khẩu, khu vực này là một kênh cung cấp sản phẩm CNĐT không thể thiếu đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Thương mại hai chiều trong lĩnh vực CNĐT của Việt Nam với các nền kinh tế RCEP hiện tập trung vào ba đối tác chủ chốt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, những năm gần đây, Ấn Độ đang nổi lên là một đối tác quan trọng khi trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (năm 2005, đây chỉ là thị trường xuất khẩu đứng thứ 11). Xét theo nhóm sản phẩm: Về xuất khẩu, năm 2014, nhóm sản phẩm thiết bị viễn thông ghi nhận sự tăng trưởng đột phá, chiếm 50% giá trị xuất

khẩu toàn ngành CNĐT của Việt Nam sang thị trường RCEP; trong khi đó, nhóm sản phẩm máy tính và thiết bị ngoại biên đã giảm tỷ trọng. Về nhập khẩu, nhóm linh kiện điện tử đạt mức tăng ấn tượng nhất, phần đóng góp của nhóm này đã đạt tới 40,84%

trong kim ngạch nhập khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam từ các quốc gia RCEP năm 2014; ngược lại, tỷ trọng của nhóm máy tính và thiết bị ngoại biên có sự sụt giảm lớn.

Nghiên cứu về lợi thế và những bất lợi của Việt Nam trong thương mại ngành CNĐT, luận văn sử dụng chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu RCA. Kết quả tính toán cho thấy năm 2005, Việt Nam hoàn toàn bất lợi thế trong lĩnh vực CNĐT khi mà tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam rất thấp so với mức bình quân của thế giới.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã bắt đầu thiết lập được khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm CNĐT thuộc nhóm máy tính và thiết bị ngoại biên, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng.

Để đánh giá mức độ tập trung thương mại giữa Việt Nam và các nền kinh tế RCEP trong lĩnh vực CNĐT, luận văn sử dụng chỉ số cường độ thương mại. Nếu xét khu vực RCEP như một đối tác, chỉ số cường độ thương mại chỉ ra rằng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam sang khu vực RCEP đang có dấu hiệu giảm dần.

Xét theo đối tác trong khu vực, năm 2014, Singapore là đối tác mà Việt Nam có mối quan hệ thương mại tập trung cao hơn so với mức giao thương trung bình với thế giới trong tất cả các nhóm sản phẩm CNĐT. Tuy nhiên nếu đánh giá về sự gia tăng độ lớn của chỉ số cường độ thương mại qua thời gian thì đối tác đáng chú ý nhất là Ấn Độ.

Đây là một thị trường rất tiềm năng cho xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam.

Trọng tâm nghiên cứu của luận văn được thể hiện trong chương 4 với những phân tích định tính và định lượng về tác động của RCEP đến ngành CNĐT Việt Nam.

Sự hình thành RCEP mang đến cho ngành nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Về cơ hội, lợi ích trực tiếp nhất là khả năng mở rộng thị trường và tăng trưởng thương mại ngành với cơ sở là sự dỡ bỏ từng phần và tiến tới toàn phần các dòng thuế trong ngành CNĐT giữa các nước thành viên. Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn

nhờ tiết kiệm chi phí yếu tố đầu vào cho sản xuất khi nhóm sản phẩm linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị nhập khẩu xét theo nhóm hàng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, RCEP sẽ giảm thiểu ràng buộc của các nguyên tắc xuất xứ. Với Việt Nam, phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ ngành CNĐT được cung cấp từ các nền kinh tế thành viên của RCEP, điều này giúp cho việc chứng minh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trở nên vô cùng thuận lợi để nhận được ưu đãi thuế quan trong thương mại nội vùng. Ngoài ra RCEP cũng dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, đơn giản hóa và tăng cường tính minh bạch, nhất quán trong các thủ tục hải quan hay hành chính, giúp làm giảm chi phí cũng như thời gian giao dịch. Thứ hai, RCEP giúp thúc đẩy đầu tư vào ngành CNĐT Việt Nam. Thị trường Việt Nam vốn đã có những lợi thế về thu hút đầu tư nước ngoài cùng những chính sách ưu đãi đầu tư tích cực của Chính phủ. Hiện nay, trong 6 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam thì có 4 quốc gia là các thành viên của RCEP. Như vậy một khi các nội dung về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ RCEP được thống nhất, nguồn vốn từ các nước trong khu vực đổ vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và vào ngành CNĐT nói riêng có nhiều khả năng tăng mạnh. Bên cạnh đó, sự hình thành RCEP cũng tạo thuận lợi cho CNĐT Việt Nam nhận thêm vốn đầu tư từ các quốc gia ngoài RCEP khi các nước này nhận thấy lợi ích lớn của việc khai thác tính kinh tế quy mô với thị trường rộng lớn của cả khu vực liên minh thuế quan. Thứ ba, Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất trong khu vực. Việc hình thành RCEP sẽ mang lại cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng hơn trong mạng lưới sản xuất của khu vực và tham gia ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng này. Việc mở rộng sản xuất ra cả khu vực trở nên dễ dàng hơn, cho phép Việt Nam và các nước thành viên RCEP khai thác lợi thế so sánh bổ sung nhau để giảm tích cực chi phí sản xuất. Với những điều kiện thuận lợi mới, Việt Nam có thể lựa chọn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sản xuất hàng điện tử theo cả chiều rộng và chiều sâu. Thứ tư, RCEP tạo điều kiện để ngành CNĐT Việt Nam tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là từ các quốc gia có thu nhập cao và có nền công nghiệp phát triển ngoài phạm vi ASEAN.

Bên cạnh những cơ hội rõ rệt mà RCEP có thể mang lại cho ngành CNĐT Việt Nam, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Đầu tiên là áp lực cạnh tranh. Khi RCEP được ký kết, kèm theo đó là sự dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh với chính các quốc gia trong khu vực trong việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng CNĐT mà chúng ta có sự tương đồng nhất định về lợi thế so sánh. Nói cách khác, Việt Nam có khả năng sẽ chịu tác động tiêu cực của chệch hướng thương mại nếu không thể giảm thiểu được chi phí sản xuất.

Thách thức thứ hai là yêu cầu nâng cao năng lực và phát triển công nghiệp phụ trợ.

Việt Nam đứng trước đòi hỏi phải đào tạo chất lượng bài bản cho đội ngũ lao động, kỹ sư, cũng như các nhà quản lý trong ngành điện tử để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động; phải tham gia được vào các chuỗi sản xuất công nghệ cao của các doanh nghiệp lớn để cung cấp linh kiện, thiết bị hoặc cung ứng cho họ các sản phẩm bán thành phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, nhằm tạo ra được những chân rết giữ chặt doanh nghiệp nước ngoài. Thứ ba là nguy cơ phát triển không bền vững. Sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào CNĐT trong nước có khả năng biến Việt Nam thành công trường sản xuất thứ hai của thế giới sau Trung Quốc với giá nhân công rẻ; người lao động bị o bế, lạm dụng; vấn đề kiểm soát môi trường không gắt gao, đặc biệt khi phần lớn ôi nhiễm của ngành CNĐT đến từ các chất thải rắn.

Đánh giá định lượng tác động của RCEP đối với ngành CNĐT Việt Nam, luận văn sử dụng công cụ phân tích từng phần SMART. Kết quả cho thấy do thuế quan đã được cắt giảm sâu trong các khu vực thương mại tự do ASEAN+1 và AFTA, tự do hóa thương mại trong RCEP sẽ chỉ có tác động hạn chế đến ngành CNĐT Việt Nam.

Về phía nhập khẩu, tổng giá trị thay đổi trong kim ngạch nhập khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam sau khi giảm thuế chỉ bằng 0,5% giá trị trước khi giảm thuế.

Trong đó, sự gia tăng chủ yếu nằm ở nhóm hàng thiết bị điện tử tiêu dùng. Do các dòng thuế còn tồn tại chủ yếu được áp dụng đối với 6 nước ngoài ASEAN nên khi thuế được dỡ bỏ, sự gia tăng nhập khẩu cũng tập trung ở các nước này, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ là những đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đáng chú ý, sự dỡ bỏ thuế quan đã chuyển hướng nhập khẩu của Việt Nam từ các quốc gia bên

ngoài RCEP vào các quốc gia nội khối, thể hiện qua kết quả giá trị nhập khẩu tăng thêm từ khu vực các nước tham gia RCEP cao hơn so với khi tính trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, tác động chệch hướng thương mại này là không đáng kể, hàm ý rằng chi phí sản xuất sản phẩm CNĐT của các nước tham gia RCEP khá gần so với chi phí sản xuất ở một bộ phận các quốc gia ngoài khu vực mà trước khi giảm thuế vẫn là nguồn nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh những tác động về thương mại, mức phúc lợi của Việt Nam dự tính cũng sẽ tăng lên khoảng 2,2 triệu USD khi Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu sản phẩm CNĐT trong khuôn khổ RCEP.

Về phía xuất khẩu, ngành CNĐT Việt Nam chỉ tăng 0,01% giá trị xuất khẩu so với trước khi các nước thành viên RCEP cắt giảm thuế quan hoàn toàn. Sự thay đổi này chủ yếu đến từ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm thiết bị điện tử tiêu dùng. Xét về cơ cấu thay đổi giá trị xuất khẩu theo đối tác, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu có tiềm năng nhất đối với sản phẩm CNĐT Việt Nam khi RCEP trở thành hiện thực.

Đóng góp đáng kể của luận văn là những phân tích, kết luận mới về tác động định lượng của cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ RCEP đối với ngành CNĐT của Việt Nam, đặc biệt là về phương diện tăng trưởng thương mại ngành. Mặc dù những cơ hội mà RCEP mang lại cho ngành CNĐT Việt Nam là không thể phủ nhận, nhưng những tác động trên thực tế của việc cắt giảm thuế quan trong RCEP có thể không mang lại nhiều lợi ích cho thương mại ngành như kỳ vọng. Kết quả cho thấy những tác động dự tính của RCEP đối với tăng trưởng nhập khẩu và đặc biệt là với xuất khẩu của Việt Nam là không đáng kể. Tuy nhiên Việt Nam có thể tập trung vào các lợi ích khác mà hội nhập trong khuôn khổ RCEP mang lại như thúc đẩy đầu tư, tạo cơ hội chuyển giao, tiếp thu công nghệ, sự hình thành mạng lưới sản xuất trong khu vực hay các thuận lợi về chứng minh xuất xứ.

Ở nghiên cứu khác (tác giả từng đề cập trong phần Tổng quan tình hình nghiên cứu), những tác động của các FTA đối với ngành CNĐT Việt Nam cũng đã được đặt ra nhưng không được phân tích chi tiết. “Báo cáo Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do đối với kinh tế Việt Nam” của MUTRAP III (2010) khi xác định

điện tử là một trong những ngành được đặc biệt quan tâm đã cho rằng đối với nhiều sản phẩm của ngành, tiềm năng ưu đãi có thể bị hạn chế. Theo đó nghiên cứu chỉ đề cập đến mức thuế xuất khẩu bị áp đặt đối với các sản phẩm điện/điện tử của Việt Nam trong điều kiện không có các ưu đãi FTA, mà không chỉ ra tiềm năng Việt Nam sẽ được hưởng lợi hay bị thách thức, và ở mức độ nào, nếu các dòng thuế này được dỡ bỏ hoàn toàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 100 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)