CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ TRONG KHUÔN KHỔ RCEP VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ
1.3. Tổng quan về RCEP
1.3.3. Các nguyên tắc, nội dung và tiến trình đàm phán RCEP
Những ý tưởng xây dựng RCEP hình thành từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19, diễn ra tại Bali, Indonesia, vào tháng 11 năm 2011. Đến Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tháng 11/2012 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, các lãnh đạo ASEAN cùng 6 đối tác mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Trên cơ sở Bản hướng dẫn Các mục tiêu và nguyên tắc đàm phán RCEP (Guiding Principles and Objectives for Negotiating the Regional Comprehensive Economic Partnership), RCEP được nhìn nhận như một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên tham gia với các nguyên tắc cơ bản như sau:
(1) Thống nhất với các nguyên tắc của WTO;
(2) Có mức độ can dự sâu và rộng hơn với những cải thiện đáng kể so với các hiệp định ASEAN+1 hiện nay;
(3) Có những điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư và tăng cường tính minh bạch trong các mối liên hệ thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên;
(4) Tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước thành viên và sẽ có các biện pháp đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước thành viên kém phát triển trong ASEAN nhất quán với các khu vực thương mại tự do ASEAN+1 hiện có;
(5) Các khu vực thương mại tự do ASEAN+1 và các khu vực thương mại tự do song phương và đa phương giữa các nước thành viên sẽ tiếp tục tồn tại;
(6) Có điều khoản mở cho phép các nước đối tác của ASEAN chưa tham gia vào RCEP cũng như bất kỳ một nước đối tác khác tham gia vào RCEP với sự đồng ý của các nước thành viên khác;
(7) RCEP sẽ hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước thành viên kém phát triển và đang phát triển;
(8) Thương lượng về thương mại hàng hóa, dịch vụ và thương lượng trong các lĩnh vực khác sẽ diễn ra đồng thời để đảm bảo kết quả cân bằng, toàn diện.
Bản hướng dẫn cũng đề cập đến bảy lĩnh vực đàm phán chính, lần lượt là thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng sẽ được bổ sung trong quá trình thương lượng.
Bảng 1.4: Các nội dung đàm phán RCEP
Lĩnh vực đàm phán Mục tiêu
Thương mại hàng hóa Xóa bỏ căn bản thuế quan và các hàng rào phi thuế quan trong thương mại hàng hóa giữa các nước thành viên nhằm
xây dựng một khu vực thương mại tự do giữa các nước thành viên.
Thương mại dịch vụ Xóa bỏ cơ bản các hạn chế và các biện pháp phân biệt đối xử trong thương mại dịch vụ giữa các nước thành viên RCEP.
Tất cả các ngành dịch vụ và phương thức trao đổi dịch vụ đều được đưa vào thương lượng
Đầu tư Tạo ra một môi trường đầu tư tự do và có tính chất cạnh tranh trong khu vực.
Thương lượng trong RCEP sẽ bao gồm các vấn đề về khuyến khích, thuận lợi hóa, bảo hộ, và tự do hóa đầu tư.
Hợp tác kinh tế và kỹ thuật
Hợp tác kinh tế và kỹ thuật dựa trên các thảo thuận hợp tác hiện có giữa ASEAN và các nước đối tác trong RCEP nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên.
Sở hữu trí tuệ Giảm bớt các rào cản liên quan đến sở hữu trí tuệ thông qua việc thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Cạnh tranh Thúc đẩy cạnh tranh, tính hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng.
Giảm bớt các biện pháp hạn chế cạnh tranh tính tới sự khác biệt giữa các nước thành viên RCEP.
Giải quyết tranh chấp Xây dựng cơ chế minh bạch, có hiệu lực và hiệu quả cho việc tư vấn và giải quyết tranh chấp giữa các thành viên.
Nguồn: Nguyễn Tiến Dũng (2016) b) Tiến trình đàm phán RCEP
Bắt đầu từ năm 2013, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng 6 đối tác đã tiến hành các vòng đàm phán đề hình thành RCEP. Tính đến tháng 2/2016 đã có 11 vòng đàm phán được tổ chức. Nhiều vấn đề khác nhau đã được thảo luận trong các vòng đám phán này, bắt đầu từ việc xác định thời hạn hoàn tất Hiệp định vào cuối năm 2015 (về sau rời tới cuối năm 2016) và thống nhất Bản hướng dẫn Các mục tiêu và nguyên tắc đàm phán RCEP (Guiding Principles and Objectives for Negotiating the Regional
Comprehensive Economic Partnership). Trên cơ sở đó, các nội dung về tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, cũng như các vấn đề cụ thể về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, quy tắc xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và cơ chế giải quyết tranh chấp dần được đưa vào thảo luận, đi đến thống nhất.
Các nước thành viên cũng đã thành lập các Nhóm công tác về Thương mại hàng hóa, Thương mại dịch vụ và Đầu tư (tại vòng đàm phán thứ nhất), về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Hợp tác kinh tế và kỹ thuật, Giải quyết tranh chấp (tại vòng đàm phán thứ ba), về Thương mại điện tử (tại vòng đàm phán thứ bảy), về Viễn thông và Dịch vụ tài chính (tại vòng đàm phán thứ chín) nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Thương lượng về tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư đã đạt được một số kết quả trong các vòng đàm phán gần đây. Các vòng đàm phán ban đầu chỉ dừng lại ở việc thảo luận về phương thức cam kết cắt giảm thuế quan và tự do hóa thương mại, dịch vụ. Thương lượng về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư chỉ mới bắt đầu trong các vòng đàm phán gần đây. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mặc dù thỏa thuận về phương thức cắt giảm thuế quan, được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng phán thứ tám tại Nhật Bản, đã không thành công, nhưng vào tháng 10/2015, tại vòng đàm phán thứ mười ở Hàn Quốc, các nước thành viên đã đưa ra được các gói đề xuất cắt giảm thuế quan, và chính thức bắt đầu quá trình thương lượng về thuế quan. Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, các nước thành viên đạt được thỏa thuận về phương thức đưa ra các cam kết trong hội nghị bộ trưởng RCEP vào tháng 7/2015 tại Malaysia. Các nước thành viên sau đó đã đưa ra các gói đề xuất đầu tiên về mở cửa thị trường dịch vụ và thương lượng về tiếp cận thị trường trong ngành dịch vụ bắt đầu ở vòng đàm phán thứ chín tại Myanmar vào tháng 8/2015.
Các vấn đề trọng tâm được đưa ra tại các vòng đàm phán được trình bày cụ thể trong Phụ lục 1.