Tác động của hội nhập kinh tế khu vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 27 - 31)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ TRONG KHUÔN KHỔ RCEP VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ

1.2. Cơ sở lý luận về hội nhập kinh tế khu vực

1.2.3. Tác động của hội nhập kinh tế khu vực

a) Tạo lập thương mại và chệch hướng thương mại

Hội nhập kinh tế khu vực đều hướng tới việc dỡ bỏ các hạn chế và rào cản đối với thương mại nội khối và do đó, đều hứa hẹn mang lại những lợi ích của thương mại tự do. Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo điều kiện cho thương mại tự do và là một bước tiến đến tự do hóa thương mại, với tính phân biệt trong tự do hóa thương mại giữa các thành viên tham gia với các thành viên ngoài khối, hội nhập kinh tế khu vực cũng có thể tạo ra những phí tổn.

Trong Lý thuyết về liên minh thuế quan của Jacob Viner (1950), tác giả đã phân tích việc tự do hóa trong khu vực có tính chất phân biệt và sẽ có hai tác động đối nghịch nhau: tác động tạo lập thương mại và tác động chệch hướng thương mại. Do sự có mặt của những tác động đối nghịch nhau, tác động phúc lợi cuối cùng của hội nhập khu vực là không rõ ràng, tùy thuộc vào tác động tạo lập thương mại hay tác động chệnh hướng thương mại chiếm ưu thế.

Theo phân tích của Viner, tác động tạo lập thương mại là việc thay thế hàng sản xuất trong nước có chi phí cao bằng hàng nhập khẩu rẻ hơn từ nước đối tác thương mại. Trong trường hợp này hội nhập kinh tế khu vực sẽ làm gia tăng thương mại giữa các nước cũng như thúc đẩy quá trình phân bổ nguồn lực giữa các nước thành viên.

Tác động tạo lập thương mại làm tăng phúc lợi của các nước tham gia và phụ thuộc vào sự sẵn có các nguồn nhập khẩu giá rẻ trong khu vực.

Ngược lại với tác động tạo lập thương mại là chệch hướng thương mại, xuất hiện do việc tự do hóa có tính chất phân biệt trong khu vực hội nhập. Do thuế quan và các rào cản phi thuế quan chỉ được dỡ bỏ với các hàng hóa trao đổi nội khối, trong khi vẫn được duy trì đối với hàng hóa từ các nước không phải thành viên, sự hình thành khu vực tự do thuế quan có thể chuyển hướng nhập khẩu từ các nước không phải thành viên tới các nước thành viên. Chệch hướng thương mại diễn ra khi hàng nhập khẩu từ một nước không phải thành viên bị thay thế bởi hàng nhập khẩu có giá thành cao hơn từ một nước thành viên (nhưng nhờ được cắt giảm thuế quan nên giá nhập khẩu từ nước trong thành viên vẫn thấp hơn từ nước không phải thành viên).

Tác động chệnh hướng thương mại rõ ràng làm giảm lợi ích của các nước thành viên tham gia vào liên minh thuế quan.

b) Lợi ích kinh tế nhờ quy mô

Tính kinh tế nhờ quy mô xuất hiện do sự có mặt của chi phí cố định. Chi phí cố định bao gồm chi phí về nhà xưởng, chi phí nghiên cứu và triển khai, tiền thuê văn phòng và tiền lương trả cho nhân viên hành chính và quản lý. Chi phí này không phụ thuộc vào mức sản lượng. Điều đó có nghĩa là, khi sản xuất gia tăng chi phí cố định tính trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm xuống, và chi phí sản xuất cũng sẽ giảm xuống.

Ngược lại, ở mức sản lượng thấp, chi phí sản xuất sẽ cao và sản xuất kém hiệu quả và không có tính cạnh tranh.

Việc tham gia hội nhập kinh tế khu vực có thể giúp các nước thành viên khai thác tính kinh tế theo quy mô nhờ mở rộng thị trường, qua đó cải thiện tính hiệu quả sản xuất. Thay vì sản xuất cho thị trường nội địa nhỏ hẹp, việc cắt giảm thuế quan trong các nước thành viên khi tham gia hội nhập kinh tế khu vực cho phép các doanh nghiệp trong mỗi nước có thể sản xuất và bán hàng trong cả liên minh. Thị trường mở rộng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong các nước thành viên cắt giảm chi phí sản xuất thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất. Tác động này thường được gọi là tác động cắt giảm chi phí sản xuất. Ngoài ra chi phí sản xuất giảm nhờ khai thác tính kinh tế quy mô cũng giúp hạn chế tác động chệch hướng thương mại và tăng cường hơn nữa lợi ích của hội nhập.

c) Gia tăng cạnh tranh, chuyên môn hóa sản xuất và tính hiệu quả

Việc cắt giảm thuế quan, cùng với lợi ích kinh tế nhờ quy mô mà hội nhập kinh tế khu vực mang lại sẽ thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa sản xuất trong các nước thành viên. Việc chuyên môn hóa sản xuất giúp tăng cường hiệu quả và năng suất thông qua quá trình học thông qua làm việc. Việc chuyên môn hóa vào một ngành sản xuất nhất định giúp tích lũy kinh nghiệm và tri thức, thúc đẩy việc đổi mới và sáng tạo, và qua đó nâng cao hiệu quả và năng suất trong các nước thành viên.

Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan hạn chế cạnh tranh và các doanh nghiệp được bảo hộ trên thị trường nội địa thường có ít động lực để đổi mới quản lý và công nghệ cũng như nâng cao tính cạnh tranh. Động lực đổi mới sẽ càng hạn chế nếu các doanh nghiệp này có vị trí độc quyền trên thị trường nội địa và được bảo hộ. Việc cắt giảm thuế quan giúp gia tăng cạnh tranh trong khu vực. Cạnh tranh nhiều hơn sẽ buộc các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tích cực của thương mại quốc tế tới năng suất và đổi mới công nghệ, và qua đó tới tăng trưởng kinh tế. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thường có năng suất lao động cao hơn, và do đó có mức tiền lương cao hơn các doanh nghiệp chỉ bán trên thị trường nội địa. Một số nghiên cứu khác cho thấy rằng chỉ những doanh nghiệp tốt mới có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện thương mại tự do. Quá trình “lựa chọn” thông qua thương mại quốc tế cũng sẽ giúp tăng năng suất và tính hiệu quả của nền kinh tế nói chung3.

d) Tạo lập đầu tư và chệch hướng đầu tư

Hội nhập kinh tế trong khu vực đóng góp vào việc thúc đẩy đầu tư của các nước thành viên, bao gồm cả đầu tư nội khối và đầu tư từ các nước ngoài khu vực. Việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực vốn và lao động trong các nước thành viên. Điều này giúp tăng cường phúc lợi và kích thích tăng truởng kinh tế, và tăng trưởng cao hơn cũng nâng cao mức đầu tư.

Một khi thuế quan và các hàng rào phi thuế quan được xóa bỏ, việc đầu tư vào một nước thành viên trong khu vực thương mại tự do sẽ cho phép khai thác thị trường rộng lớn của cả khu vực này. Việc mở rộng thị trường vì vậy giúp khai thác tính kinh tế quy mô và tăng hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư cao hơn sẽ giúp thu hút đầu tư từ các nước thành viên cũng như các nước bên ngoài. Tác động này có thể được xem là tác động tạo lập đầu tư. Bên cạnh tác động tạo lập, hội nhập kinh tế khu vực cũng có

3Các bằng chứng kinh nghiệm về tác động của thương mại quốc tế tới năng suất và tăng trưởng kinh tế được trình bày trong WTO (2008)

thể gây chệch hướng đầu tư. Tác động chệch hướng đầu tư xảy ra khi việc thành lập một khu vực tự do hóa thương mại thu hút đầu tư vào các nước thành viên trong khi nó có thể được đầu tư hiệu quả hơn trong các nước ở ngoài khu vực. Tác động chệch hướng đầu tư có thể làm giảm phúc lợi của một hình thức hội nhập kinh tế khu vực.

e) Tạo lập khả năng gây ảnh hưởng đến điều kiện thương mại

Thương mại tự do không nhất thiết tối đa hóa phúc lợi cho tất cả các nước. Khác với trường hợp của nước nhỏ, một nước lớn có sức mạnh trong thương mại quốc tế và có thể tác động đến điều kiện thương mại. Trong trường hợp này, một nước lớn có thể tăng phúc lợi cho mình bằng cách áp dụng thuế quan và qua đó ảnh hướng đến điều kiện thương mại.

Khả năng tác động đến điều kiện thương mại cũng hứa hẹn những lợi ích khi tham gia hội nhập kinh tế khu vực.Trong khi từng nước là nhỏ và không thể tác động đến điều kiện thương mại, một liên minh bao gồm nhiều nước nhỏ có thể có tác động đến thương mại quốc tế và điều kiện thương mại. Trên ý nghĩa này, các nước nhỏ có thể bảo vệ mình tốt hơn khi tham gia vào một khu vực thương mại tự do. Các nước nhỏ cũng có thể tăng cường sức mạnh thương lượng của mình khi tiến hành thương lượng như một nhóm thay vì thương lượng riêng rẽ. Điều này cũng cho thấy hội nhập trong khu vực có lợi thế hơn so với tự do hóa thương mại đơn phương.

1.3. Tổng quan về RCEP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)