Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 60 - 63)

CHƯƠNG 3: THƯƠNG MẠI TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT

3.1. Tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Về tình hình sản xuất, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng ngành CNĐT của Việt Nam tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ 2011 đến 2015. Năm 2011, nếu như chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đạt mức tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước thì đến năm 2015, chỉ số này tăng 35,1%, mức tăng cao nhất trong các chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành công nghiệp. Riêng mặt hàng điện thoại di động được xếp vào danh sách các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng trưởng sản xuất cao: năm 2010, sản xuất đạt 37,5 triệu cái, ước tính năm 2015 đạt 239 triệu cái, 5 năm 2011-2015 tăng 536,65%, bình quân mỗi năm tăng 44,80%. (Tổng cục Thống kê, 2016)

Phần lớn quy trình sản xuất các sản phẩm CNĐT tại Việt Nam đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ. Thời gian gần đây, các công ty điện tử hàng đầu thế giới đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam hoặc chuyển dịch cơ sở sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài này thường làm chủ hoàn toàn quá trình sản xuất mà rất ít phụ thuộc vào doanh nghiệp trong nước. Hoạt động từ phía Việt Nam chỉ dừng ở mức độ gia công, lắp ráp, các doanh nghiệp trong nước chưa đóng góp nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện

tử. Hiện Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNĐT, hạn chế về công nghệ. Các doanh nghiệp nhỏ đầu tư không quá 0,5% doanh thu vào thiết bị và công nghệ so với 10% ở các công ty đa quốc gia châu Á, đặc biệt là các công ty của Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam. Không thể trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Cụ thể như vừa qua, Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10% (tức chỉ khoảng 6 đến 7 doanh nghiệp), đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế. Hoạt động của ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất các sản phẩm CNĐT cũng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng phù hợp. Những linh kiện, phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao chủ yếu được nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp FDI trong nước cung cấp. So sánh số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp, trong khi Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60% thì Việt Nam lại chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp.

Về tình hình xuất nhập khẩu của ngành CNĐT, trong những năm vừa qua, CNĐT là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường quốc tế và khu vực. Số liệu xếp hạng giá trị thương mại theo sản phẩm của Việt Nam từ WITS, chỉ ra rằng từ năm 2011 nhóm sản phẩm máy móc và thiết bị điện tử đã vượt lên nhóm sản phẩm dệt may để đứng đầu trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm CNĐT năm 2011 đạt trên 9.399 triệu USD chiếm tỷ trọng 9,70% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, giá trị này tiếp tục tăng gấp hơn 3,8 lần vào năm 2014, đạt trên 35.826 triệu USD, chiếm 23,85%. Kim ngạch nhập khẩu cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể, năm 2011 đạt khoảng 10.296 triệu USD, tương đương 9,64%, tới năm 2014 tăng lên mức 27.142 triệu USD, chiếm 18,36% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các số liệu này cũng cho thấy, năm 2011, cán cân thương mại trong lĩnh vực CNĐT của Việt Nam còn thâm hụt nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã có thặng dư lớn trong cán cân thương mại ngành.

Có thể thấy, các sản phẩm CNĐT đang dần trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ cho ngành CNĐT vẫn phải nhập khẩu. Ngoài ra, cùng với việc nắm ưu thế trong quy trình sản xuất, các doanh nghiệp FDI cũng nắm giữ tới 90% giá trị xuất khẩu sản phẩm CNĐT.

Bảng 3.1: Kim ngạch xuất và nhập khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam với thế giới qua các năm

Năm

Giá trị xuất khẩu (Nghìn USD)

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (%)

Giá trị nhập khẩu (Nghìn USD)

Tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu (%)

2005 899.388,94 2,77 2.163.971,27 5,89

2010 3.939.018,12 5,45 6.579.548,87 7,76 2011 9.399.291,60 9,70 10.295.586,66 9,64 2014 35.826.300,43 23,85 27.142.187,53 18,36

Nguồn: Cơ sở dữ liệu từ WITS – UN Comtrade và tính toán của tác giả Đáng chú ý, trong thương mại sản phẩm CNĐT của Việt Nam với thế giới, khu vực RCEP đóng một vai trò quan trọng. Năm 2011, 35,14% giá trị xuất khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam là tới thị trường các quốc gia RCEP, tỷ trọng này giảm còn 26,69% vào năm 2014 do Việt Nam bắt đầu mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia châu Mỹ và châu Âu. Về kim ngạch nhập khẩu, năm 2011, tỷ trọng rất lớn 90,58% trong kim ngạch nhập khẩu sản phẩm CNĐT của Việt Nam là tới từ các nước RCEP, đến năm 2014, con số này còn cao hơn, đạt mức 90,97%. Như vậy, trên phương diện là đối tác xuất khẩu sản phẩm CNĐT, thị trường RCEP không còn giữ vai trò chính yếu đối với Việt Nam như thời kỳ trước nhưng vẫn đang duy trì tầm quan trọng đáng kể, còn xét trên phương diện đối tác nhập khẩu, khu vực này là một kênh cung cấp sản phẩm CNĐT không thể thiếu đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với ngành công nghiệp điện tử việt nam (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)