Chương 2. HÌNH TƯỢNG NGUYỄN ÁI QUỐC- HỒ CHÍ MINH
2.3. Người thanh niên cách mạng xa xứ luôn hướng về “Cố quốc”
2.3.1. Hình bóng quê hương, đất nước, đồng chí, đồng bào
Hình ảnh đất nước luôn trong tâm trí Nguyễn Ái Quốc, đó là một nước tươi đẹp của cha ông xưa nhưng nay đã mất chủ quyền, người dân chịu thân phận nô lệ với bao cay đắng. Đoạn hội thoại giữa Nguyễn Ái Quốc và cụ Phan Châu Trinh khi hai người ở bên Pháp đã thể hiện rõ những đớn đau của Nguyễn Ái Quốc mỗi khi nhắc đến hai từ “đất nước”, khi Cụ Phan cho rằng “Việt Nam cần có nền cộng hòa và bàn tay của nước mẹ Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn trả lời “Lẽ nào bác lại chưa biết đến vô vàn những tội ác mà bọn thực dân Pháp gây ra trên đất nước ta? Nhà tù nhiều hơn trường học và nhà tù lúc nào cũng chật ních tù nhân. Dân ta bị phân biệt đối xử, họ không có lấy một chút quyền sơ đẳng nào. Bọn thực dân Pháp chẳng những áp bức mà còn nhạo báng, khinh miệt ta, chúng còn cưỡng bức dân ta phải uống rượu, hút thuốc phiện để đầu độc chúng ta, làm cho chúng ta ngu đần” [65, tr .117]. Mấy chục năm sau, trong Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh viết và đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945 khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã lên án tội ác của thực dân đế quốc, phong kiến bằng những từ ngữ đanh thép với dẫn chứng, lập luận đầy sức thuyết phục: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung,
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược…”
Chính vì vậy, Nguyễn Thế Truyền (người cùng hoạt động cách mạng với Nguyễn Ái Quốc trong tờ báo Người cùng khổ những năm 1920 tại Pháp) đã nhận xét về Nguyễn Ái Quốc như sau: “Con người đầy tham vọng ư? Đúng.
Nhưng anh tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh rơi vào vòng nô lệ, bị bọn thực dân bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không? Ngực anh không huy chương. Túi anh không có ngân phiếu của chính phủ. Nhưng anh mang cả nguyện vọng của nhân dân và niềm hi vọng của một dân tộc bị áp bức” [65, tr.153]
Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh luôn dõi theo tình hình đất nước dù ở tận phương trời xa. Anh đau đớn khi Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 nổ ra ở Nghệ An – Hà Tĩnh bị dìm trong bể máu “Dòng người càng đi càng được bổ sung, đến gần Vinh, số người từ tám ngàn đã tăng lên ba mươi ngàn người, xếp hàng dài tới 4 cây số. Thực dân Pháp đáp trả mạnh mẽ và tàn bạo. Chúng huy động máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm gần bốn trăm người chết và bị thương. Hai làng Lộc Hà và Lộc Hải bị triệt hạ. Nhiều sơ quan đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương, các cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên bị bắt, bị hành quyết...” [65, tr.422]. Nguyễn Ái Quốc tâm sự với đồng chí Phùng Chí Kiên và Trịnh Đông Hải “Trong lòng tôi lúc nào cũng vang lên hai tiếng tổ quốc, trái tim tôi luôn hướng về quê hương, đôi mắt tôi lúc nào cũng hướng về cố quốc. Tôi đã bao lần tìm cách đột nội trở về nhưng đều thất bại. Tôi đã mất liên lạc với tổ chức Đảng nay đã được chắp nối lại. Ngày hôm nay sẽ là ngày rất đáng nhớ của tôi và chúng ta” [65, tr. 527]
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
Dù hiện tại đất nước đầy đau thương nhưng Nguyễn Ái Quốc luôn hình dung một đất nước Việt Nam tươi đẹp sau khi cách mạng thành công “Tháng 8 năm 1823, triển lãm nông nghiệp toàn Nga lần thứ nhất được tổ chức tại Mátxcơva. Nguyễn và Manuinxki đã đến dự phiên khai mạc. Hai người thường dừng lại rất lâu ở các gian trưng bày sản phẩm, ngắm nhìn bình phẩm và thán phục. Nguyễn ngắm nhìn rất lâu những khuôn mặt sạm nắng gió với nụ cười rạng rỡ trên môi của những người nông dân... Nguyễn mơ về đất nước mình ngày cách mạng thành công, chính quyền về tay nhân dân để rồi chính họ là người xây dựng nên xã hội tươi đẹp, đất nước phồn vinh” [65, tr.170]. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nói về nỗi niềm đau đáu hướng về tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh:
“…Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa…” [16, Tr. 102]
Để đất nước được độc lập, Nguyễn Ái Quốc luôn tìm mọi cách để về nước trực tiếp đấu tranh cách mạng. Đầu năm 1924, Nguyễn vào học tại Trường Cộng sản Phương Đông. Một ngày giữa tháng ba năm 1924, trong một chuyến đi về ngoại ô nông thôn Mátxcơva, Nguyễn ngồi cùng toa xe lửa với một phóng viên Ý. Một cuộc phỏng vấn không định trước. Khi phóng viên hỏi: “Khi học xong, anh dự định làm gì?” Nguyễn trả lời không do dự “Dĩ nhiên là tôi trở về tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm...”. Sau nhiều lần đề xuất nguyện vọng, ngày 25/4/
1928, Quốc tế Cộng sản đã quyết định “Theo nguyện vọng của đồng chí, đồng chí có thể về Đông Dương. Chi phí chuyến đi cũng như thời gian 3 tháng lưu lại tại đó do Đảng Cộng sản Pháp chịu’’ [65, tr.344]. Đã nhiều lần Nguyễn Ái Quốc muốn “đột nội” về nước những không thành công. Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế cộng sản - 1930 “Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu và Công nghệ thông tin – ĐHTN http://lrc.tnu.edu.vn
về công tác ở Đông Dương, tôi đã từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm tháng 7/1928. Tôi đã làm việc với một số người An Nam di cư ở đấy tới tháng 11/1929. Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân Đảng” [65, tr.345]
“Tôi sẽ trở về tổ quốc tôi”. “Tôi sẽ trở về nơi tôi đã ra đi, trở về với nhân dân, tuyên truyền, tổ chức, tập huấn họ đi vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc” [65, tr. 339]. Những câu nói ấy luôn vang lên thường trực trong tâm trí Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.