Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Nghiên cứu về ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi tự sự Việt Nam nói riêng
1.2.1. Những nghiên cứu công bố trước 1945
Trong phần viết này, điều chúng tôi quan tâm là những gợi mở từ những nghiên cứu về vấn đề nói trên đối với việc tìm hiểu những đặc điểm của văn
xuôi tự sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 (trong đó có văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư) - những đặc điểm được hình thành trong sự cọ xát văn hóa và trong những nỗ lực hiện đại hóa văn học của những nhà văn thức thời, được đào tạo từ
“trường Tây”, trong khi đón ngọn gió văn minh từ phương xa thổi tới vẫn không thôi thao thức với bẳn sắc và tiền đồ của nền văn hóa, văn học Việt Nam.
Trước khi tiếp xúc với văn hóa, văn học phương Tây, văn học Việt Nam đã có truyền thống tự sự bằng văn xuôi với những thành tựu đáng tự hào. Điều này có thể được kiểm chứng qua những bộ sưu tập dày dặn như Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại gồm 3 tập do nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na tuyển soạn và giới thiệu (Nxb Giáo dục 1997 - 2000) mà ở trên chúng tôi đã nhắc tới.
Đến cuối thế kỷ XIX, văn xuôi tự sự Việt Nam đã có một khuôn mặt khác:
truyện ngắn khác truyện truyền kỳ xưa, tiểu thuyết không còn là tiểu thuyết chương hồi nữa và ký thì có nhiều tiểu loại phong phú hơn, với việc đề cao nguyên tắc ghi chép trung thành những sinh hoạt thường ngày… Đây chính là lý do thúc đẩy các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu ảnh hưởng của văn học phương Tây, văn học Pháp đến văn học Việt Nam cũng như sự tiếp nhận chủ động những ảnh hưởng đó của các nhà văn Việt Nam đang khát khao đổi mới và hiện đại hóa sáng tác.
Sau khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX đã có một cuộc tiếp xúc sâu rộng với nền văn hóa, văn học phương Tây qua văn hóa, văn học Pháp. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu như Dương Quảng Hàm, Thiếu Sơn, Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế… xác nhận, khẳng định.
Có thể nêu ý kiến tiêu biểu sau đây của Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu khi nhận định về số người Nam ảnh hưởng văn hóa văn học phương Tây (đặc biệt là nước Pháp) ngày càng nhiều: “Sau khi người Pháp cai trị nước ta, Pháp học một ngày một phát đạt, số người Nam học chữ Pháp càng ngày càng nhiều, trước còn ở bậc tiểu học, trung học, sau lên đến bậc đại học, nhờ đó mà các bậc học thức trong nước được tiếp xúc thẳng với nền văn học của Âu Tây, thứ nhất là của nước Pháp và chịu ảnh hưởng sâu xa của nền văn hóa
ấy” [49, tr.418]1. Nhà nghiên cứu còn khẳng định cuộc tiếp xúc với phương Tây đã khiến cho luân lý, xã hội Việt Nam có sự thay đổi, chẳng hạn: con người bấy giờ thường hay nhắc đến chủ nghĩa cá nhân, những quan niệm về công dân, nghề nghiệp, danh dự… Dương Quảng Hàm đã phân tích khá kỹ lưỡng sự thay đổi nhiều mặt của văn học nước Nam khi tiếp xúc với nền văn học phương Tây (cụ thể là văn học Pháp). Về đường học thuật: “Các nhà trí thức biết để ý đến học thuật của các nước trên hoàn cầu, đến việc nước ta và việc thiên hạ; biết giá trị của phương pháp khoa học, của sự tìm tòi, sự phát minh và biết trọng những đặc sắc” [49, tr.419]. Còn ngôn ngữ và văn tự, Dương Quảng Hàm nhận định nó đã có nhiều đổi mới: “Nhờ ảnh hưởng của Pháp văn, nhiều nhà viết quốc văn ta gần đây đã biết trọng sự bình giảng sáng sủa, gãy gọn. Có nhiều cú pháp mới phỏng theo cú pháp văn Tây mà đặt ra. Đồng thời có nhiều danh từ gốc ở chữ Pháp đã theo cách phiên âm mà sáp nhập tiếng ta và có nhiều thành ngữ của Pháp đã do các nhà viết văn đem dịch ra tiếng ta” [49, tr.419]. Khi nói tới
“đường văn chương”, nhà nghiên cứu đem so sánh văn chương của “các cụ” xưa kia với các nhà học thức quốc văn. Các cụ thường viết văn bằng chữ Nho nhưng
“nhãng bỏ quốc văn”, họ thường “chuộng từ chương mà không vụ thực sự”, chú trọng đến “hạng người cao quý” mà không quan tâm tới lớp “thường dân”. Còn nay: “Các nhà học thức đã biết trọng quốc văn, biết quan sát và mô tả các cảnh vật xác thực, biết để ý đến cuộc sinh hoạt của người bình dân” [49, tr.419].
Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam khẳng định về ảnh hưởng phương Tây trên mọi phương diện của đời sống: “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết mọi sự thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình như ngày trước. Nào dầu Tây, diêm Tây, nào vải Tây, chỉ Tây, kim Tây, đinh Tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về
1 Khi trích dẫn ý kiến của Dương Quảng Hàm, chúng tôi bỏ gạch nối giữa các từ ghép mà tác giả đã sử dụng một cách nhất quán, để phù hợp với quy cách chính tả hiện nay.
vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới” [133, tr.16].
Cũng như Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhìn rõ sự thay đổi cả ở trong văn học, trong tư tưởng, hành động để hướng tới một nền quốc văn mới: “Họ bắt đầu viết quốc ngữ, một thứ chữ mượn của người phương Tây. Câu văn của họ cũng bắt đầu có cái rõ ràng, cái sáng sủa của văn tây.
Những tư tưởng phương Tây đầy rẫy trên Đông Dương tạp chí, trên Nam phong tạp chí và từ hai cơ quan ấy thấm dần vào các hạng người có học. Người ta đua nhau cho con em đến trường Pháp Việt, người ta gửi con em sang tận bên Pháp.
Thế rồi có những người Việt Nam đậu kỹ sư, đậu bác sỹ, đậu thạc sỹ, có những người Việt Nam nghiên cứu khoa học, triết học; và có những người Việt Nam nghĩ chuyện xây dựng một nền học riêng cho nước Việt Nam […]. Những hình thức mới của cuộc đời, những tư tưởng mới và nhất là ảnh hưởng văn học Pháp ngày một thấm thía, ấy là những lợi khí Âu hóa” [133, tr.16 - 17].
Cả Dương Quảng Hàm lẫn Hoài Thanh - Hoài Chân đều nhận định sự tiếp xúc với phương Tây tỏa khắp đời sống của dân tộc. Việc tiếp xúc cụ thể với văn học Pháp là con đường đầu tiên để cho lớp trí thức Tây học đến với nền văn minh phương Tây. Từ đó, nước nhà đã có phong trào quốc văn mới dựa trên sự thay đổi về tư tưởng, ngôn ngữ, văn chương.
Về Lưu Trọng Lư, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân cho rằng Lưu Trọng Lư “xếp riêng vào một dòng những nhà thơ tuy có chịu ảnh hưởng phương Tây nhưng rất ít và cũng không chịu ảnh hưởng của thơ Đường.
Thơ của họ có tính cách Việt Nam rõ nét”. Điều này có thể đúng trong thơ nhưng chưa hẳn đúng trong văn xuôi. Nhưng nói rằng Lưu Trọng Lư có ảnh hưởng văn học phương Tây thì hoàn toàn chính xác khi ta đọc các sáng tác văn xuôi của ông.
Những ý kiến của giới nghiên cứu trước 1945 (được lược thuật ở trên) về việc tiếp nhận ảnh hưởng của văn học phương Tây ở Việt Nam đã chứa đựng nhiều gợi ý quý báu, giúp chúng tôi nghiên cứu ảnh hưởng đó trong văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư giai đoạn 1930 - 1945 một cách thuận lợi.