Chương 4. NHỮNG KIỂU LỰA CHỌN NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ
4.3. Tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất văn xuôi và chất thơ
4.3.1. Cơ sở của việc tạo sự kết hợp giữa chất văn xuôi và chất thơ
Các khái niệm “chất văn xuôi” và “chất thơ” đã được sử dụng khá phổ biến trong nhiều tài liệu lý luận văn học. Chúng mang tính quy ước, thoạt đầu dùng để chỉ những tính chất khác nhau giữa văn xuôi và thơ vốn là hai đối tượng vẫn thường được đặt trong tương quan đối lập. Nếu chất văn xuôi được bộc lộ nhờ sự miêu tả trung thực những bề bộn, phức tạp của đời sống thì chất thơ được cất lên nhờ thiên hướng chọn lọc những nét đẹp, nét nên thơ của cuộc đời. Có tài liệu xác định chất văn xuôi là một đặc trưng quan trọng của tiểu thuyết hiện đại. Còn về chất thơ, sự lý giải có phần phân tán hơn. Có khi nó được đồng nhất với chất trữ tình, có khi nó được nhìn nhận như là một trong các biểu hiện của chất trữ tình. Với sự phát triển của những sáng tác mang tính hỗn dung về thể loại, hai khái niệm chất văn xuôi và chất thơ không còn nhằm chỉ các đặc trưng của những thể loại khu biệt, mà chỉ các tính chất nổi bật trong sáng tác, bất kể sáng tác đó thuộc thể loại gì. Theo đó, có những tác phẩm mang hình thức văn xuôi mà chất văn xuôi lại thiếu vắng, trong khi chất thơ lại nổi trội. Ngược lại, trong không ít tác phẩm thơ đích thực, người ta lại nhận thấy ở đó có biểu hiện của chất văn xuôi. Lưu Trọng Lư vốn sáng tác trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn xuôi, sân khấu, phê bình văn học. Đến với văn chương, ông dường như mang theo sứ mệnh “hòa giải” giữa thơ và văn xuôi, giữa hiện thực và lãng mạn (hiểu theo nghĩa đã tạo ra được một sự hòa hợp giữa các đối cực) để từ đó viết nên những tác phẩm khá phù hợp với thẩm mỹ truyền thống: “Lưu Trọng Lư được xem trước hết như một nhà thơ; nhưng thế giới thơ Lưu Trọng Lư thật ra không tách rời, mà ngược lại, có sự tiếp nối với thế giới văn xuôi do ông sáng tạo, đó là cuộc sống trong các truyện ngắn truyện dài ông viết. Nhiều khi, một vài ý tưởng xúc cảm chỉ in gọn trong một vài câu thơ đoạn thơ, sẽ có âm vang rộng dài hơn, mà không chỉ một lần, trong các truyện ngắn truyện dài” [95, tr.14].
Đặc trưng của văn xuôi là phát hiện thế giới hiện thực khách quan, vì vậy nó cần một lối văn ngắn gọn, chính xác. Bên cạnh tả đúng, tả thực, văn xuôi còn
cần sự biểu cảm, mà biểu cảm chính là thuộc tính của thơ. Như vậy, văn xuôi nhiều khi có nhu cầu mở lối để thơ tràn vào, tự tạo cho mình một màu sắc trữ tình riêng biệt. Hiện tượng chất thơ xâm nhập vào văn xuôi thời kì 1930 - 1945 không chỉ có trong dòng truyện ngắn trữ tình của Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh mà còn có ở tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, truyện ngắn Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân. Ngay cả trong văn học hiện thực phê phán, Nguyên Hồng đã để chất thơ tràn vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên trong Những ngày thơ ấu, Mợ Du, Buổi chiều xám...
Đọc những trang văn xuôi của Lưu Trọng Lư, chúng ta nhận thấy sự hòa trộn cảm xúc của người làm thơ với người truyện, tiểu thuyết. Bởi lẽ, cảm hứng chủ đạo dẫn dắt ngòi bút văn xuôi của ông là cảm hứng trữ tình. Lưu Trọng Lư làm thơ về mẹ, về mùa thu, về những kỉ niệm theo ông suốt cuộc đời. Lưu Trọng Lư cũng viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, viết hồi kí về những đề tài trên nên sự gặp gỡ giữa thơ và văn xuôi là một điều hiển nhiên. Chất thơ trong văn xuôi Lưu Trọng Lư được cất lên từ sự hồi tưởng về kí ức tuổi thơ, về mẹ. Lưu Trọng Lư đã bộc lộ thiên tư của một nhà thơ từ lúc năm tuổi: “Nhưng nhân cái chết đi sống lại của tôi đó mà có người cho rằng tôi vì đó mà lạc đi mất một vía. Đó là nguyên nhân làm cậu bé lên năm kia phải thẫn thờ… cũng như một người anh tôi đã cho sự thẫn thờ lúc nhỏ ấy là do cái tinh thần thi nhân của tôi sớm phát triển" [96, tr.1108]. Không có gì lạ khi chúng ta rất dễ gặp những trang thấm đẫm chất thơ trong văn xuôi của ông.
Thi sĩ Liên (Em là gái bên khung cửa), quen và yêu cô nữ sinh Cẩn, khi biết sự thực về Liên là người đã có vợ con, Cẩn bỏ Hà Nội về Huế thú nhận trước gia đình và tự kết liễu đời mình. Nhận được tin dữ, anh miên man trong sự hồi tưởng: Liên hồi tưởng về những lần buồn ảo não khi nghe tiếng gà gáy khiến anh nhớ tới cơn nắng ban trưa của thời niên thiếu với hình ảnh người mẹ phơi chiếc áo cổ y màu đỏ: “Ôi cái màu đỏ đã chói mạnh vào tâm linh tôi, cái màu đỏ đã làm tôi nhớ mãi và bùi ngùi và ghê sợ... Tôi bùi ngùi vì tiếc nhớ những màu sắc huy hoàng, những giọng nói líu lo của thơ ấu, những ngày tươi đẹp ở trong cái bóng râm của lòng mẹ” [96, tr.1048].
Gió cây trút lá kể câu chuyện tình giữa thầy thuốc Hải và Lan - vốn xuất thân là con nhà quan, nhưng thất cơ lỡ vận phải làm gái giang hồ trên sông Hương. Có lần Hải đã tâm sự với Lan về mẹ anh: “Bà có một cái áo cổ y đỏ bà không bao giờ mặc cả, trừ một lần, là khi cưới vợ cho anh cả của anh. Thế rồi thôi, quanh năm bà cứ để yên trong rương. Nhưng cứ mỗi bận có nắng sớm, thì bà lại lấy ra phơi ở dậu... Anh còn thấy rõ như mới hôm qua cái dáng điệu của bà từ trong nhà đi ra sân, lấy vạt áo che lên đầu, bà đứng hồi lâu bên dậu mồng tơi để giăng ra cho thẳng cái áo cổ y của bà. Anh làm sao quên được cái màu đỏ ấy!
- Thế mẹ mất đã mấy năm rồi anh?
- Đã mười mấy năm!” [95, tr.489].
Trong Chiếc cáng xanh những hồi ức của tác giả đã trở thành chất liệu hư cấu cho câu chuyện. Đó là những kí ức của cuộc hành trình về quê ngoại, về tuổi thơ, đặc biệt là kí ức về người mẹ có chiếc áo cổ y, cái khăn nhiễu thường đem ra trước dậu phơi mỗi bận trời có nắng.
Nếu những người yêu thích thơ Lưu Trọng Lư, khi đọc tới những trang văn này ắt hẳn sẽ có một sự liên tưởng tới Nắng mới - bài thơ viết tặng mẹ rất nổi tiếng của tác giả trong phong trào Thơ mới: “Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời/
Lúc người còn sống tôi lên mười/ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước dậu phơi”. Người mẹ mất có lẽ đã lâu lắm, nhưng những nét dáng quen thuộc vẫn “chửa xóa mờ”. Vẫn còn đây bóng hình tất bật, làm lụng lúc vào ra, và đặc biệt là “nét cười đen nhánh sau tay áo” trong ánh nắng trưa hè như một bức chân dung đầy ấn tượng được chạm khắc vĩnh viễn trong tâm hồn nhà thơ. Nhiều nhà phê bình đã đồng thuận với nhau khi cho rằng “Lưu Trọng Lư có một tâm hồn sầu mộng”. Sầu là buồn, mộng là mơ và người mộng mơ thường sống trong mộng, trong những kỉ niệm, mơ ước hư ảo, xa xăm. Quả vậy, bài thơ như một cõi xa tít tắp, một thời dĩ vãng, thuở thiếu thời, thuở lên mười, cái thời mẹ còn sống. Ở cõi ấy có một tuổi thơ êm đềm bên nụ cười đen láy của mẹ, bên tấm lòng mẹ yêu thương.
Trong phong trào Thơ mới, độc giả nhắc tới Lưu Trọng Lư không chỉ vì ông là một trong những người khởi xướng phong trào mà vì ông là tác giả của
tập thơ Tiếng thu. Bài thơ có tên được dùng làm tên chung cho cả tập là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Ở đó, độc giả bắt gặp hình ảnh kẻ chinh phu, người cô phụ, con nai vàng, lá vàng... Thật thú vị khi ta được gặp trong tiểu thuyết Bến cũ có đoạn văn này: “Ái tình đợi mùa thu mới đến. Tôi còn nhớ rõ ràng như vừa mới hôm qua, khi mùa thu vừa rũ lá vàng xuống đầy sân, thì mối tình kia cũng rộn ràng như chân ngựa của chính khách, đã trở về với tôi ở ngoài thềm” [95, tr.531 - 532].
Trong thơ ông, có khi ta bắt gặp sự đan xen giữa nhiều yếu tố của kí ức, chẳng hạn như chiếc cáng điều và những câu chuyện liêu trai: “Lững thững sườn non chiếc cáng điều/ Ngàn thông còn đắm mộng thân yêu/ Lỏng buông mái tóc sau riềm võng/ Tiếng ngọc mùi hương, lẫn gió chiều/ Những anh phu cáng đo từng bước/ Tỉ tê cùng kể chuyện hoang đường/ Vén riềm thiếu nữ tưng bừng ngắm/ Truông núi: muôn chim gọi rộn ràng” (Chiếc cáng điều). Tiểu thuyết Người nữ tỳ của bà chúa Liễu có đoạn đã truyền tải nội dung của hai khổ thơ trên, nhưng nó mang âm vang rộng và dài hơn: với hình ảnh chiếc cáng đủng đỉnh lên đèo khi màn đêm buông xuống, hai anh phu cáng kể về chuyện Nường Ba xuất quỷ nhập thần cho Lê Sinh và thiếu nữ nghe khiến ai cũng sợ sệt:
“Người thiếu nữ đi sau cũng hỏi xen:
- Thế Nường Ba là ai, hai chú nhỉ?
Một người phu đáp:
- Cô ở xa không biết đấy, chứ ở khắp vùng này ai cũng biết tiếng Nường Ba.
- Thế là người hay là ma?
- Là người thì làm sao lại xuất thần nhập quỷ như thế được? Một tay Nường Ba đã phá hoại biết bao gia đình! Nường Ba từ gia đến trẻ không từ ai là Nường không lấy!” [95, tr.238 - 239].
Trong số 54 truyện ngắn và tiểu thuyết của tác giả trước Cách mạng tháng Tám, chúng ta thấy có tới 21 tác phẩm tác giả đưa thơ vào hoặc để nhân vật hát (15 tác phẩm trích dẫn thơ, 6 nhân vật để cho nhân vật cất tiếng hát). Đây là một minh chứng cho sự đồng điệu, sự kết nối của tâm hồn thi sĩ và tâm hồn văn sĩ Lưu Trọng Lư.