Chương 3. DẤU ẤN CỦA VĂN XUÔI TỰ SỰ LƯU TRỌNG LƯ TRƯỚC 1945 Ở HỆ THỐNG ĐỀ TÀI VÀ HỆ THỐNG HÌNH TƯỢNG
3.2. Nét riêng của hệ đề tài trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945
3.2.1. Đề tài con người trong môi trường đô thị
Văn học lãng mạn thường hay dựng lên sự tương phản giữa cuộc sống của con người cá nhân ưa tự do, phóng khoáng với môi trường sống ở đô thị vốn mang đặc trưng ngột ngạt, đầy những toan tính phàm tục. Với Lưu Trọng Lư, khả năng cảm nhận và biểu hiện đời sống đương thời, đặc biệt là đời sống của những nhân vật cùng sống trong bầu không khí đô thị trước Cách mạng tháng Tám được tái hiện khá toàn diện.
Cuộc sống của những con người trong lòng Hà Nội và thành phố Huế được nhà văn chú ý nhiều nhất. Có nhiều loại người đã đi vào tác phẩm của ông.
Trước hết là giới văn nghệ sĩ. Họ tụ họp nhau bên cạnh một cái hỏa thực, để nói chuyện phiếm, để pha trò, để dành cho nhau những phút giây thư giãn trong Bạn tôi cưới vợ; những trăn trở với nghề cầm bút trong truyện ngắn Cắm neo: “Đã
biết bao lần tôi dứt áo ra đi quyết từ biệt nghề cầm bút nhưng biết bao lần tôi vẫn trở lại với nghề… Cho đến nay thì tựa hồ tôi đã vui lòng nguyện sẽ đầy đọa thân thế mình, cho đến ngày cuối cùng, trong cái kiếp văn chương phụ bạc ấy”
[95, tr.136]. 15 truyện ngắn biểu lộ thói ma mãnh của ông chủ bút và ông chủ nhiệm trong một tờ nhật báo để người đọc thấy khả năng kém cỏi của một bộ phận trí thức trong giới báo chí thời bấy giờ, đồng thời phản ánh gu thưởng thức báo chí của lớp độc giả thành thị: “Những trang kia chỉ có tinh một thứ rao hàng.
Song cái đó không hề gì, vì, quả như lời ông chủ nhiệm đã đoán: các độc giả rất hài lòng vì số báo ấy cho họ có giấy gói hàng, nên họ cũng chẳng buồn giở báo ra đọc văn” [95, tr.97].
Hình ảnh nhân vật là những thanh niên thành thị sống toan tính, vụ lợi cũng được nhà văn thể hiện trong tiểu thuyết Cô gái tân thời. Lương được gia đình sắp đặt cưới cho cô vợ là con nhà giàu có. Lúc đầu, Lương còn do dự vì tình yêu của anh đối với Yến. Nhưng chính lối sống trọng vật chất, địa vị đã khiến Lương có những toan tính thực dụng: “Khi Lương lại là một viên y sỹ vừa tốt nghiệp mà Vinh lại là con một của một nhà phú hộ. Trước kia riêng phần Lương, Lương còn do dự có lẽ vì chút tình với Yến hoặc vì sợ dư luận của các bạn chê bai mình lấy vợ giầu. Nhưng về sau dần dần chàng thấy đó là những cái cớ mỏng manh không đủ sức ràng buộc chàng nữa. Hình ảnh Yến dần mờ trong trí chàng và nhường chỗ cho một cái ý hay hay: lấy Vinh chàng sẽ là chủ một gia tài lớn mà chàng có quyền sử dụng, chàng sẽ không cần đến nhà nước bổ nữa, và như thế tránh biết bao nhiêu điều phiền lụy khó chịu”
[96, tr.886].
Lương quyết tâm theo đuổi một sự nghiệp có ý nghĩa xã hội to lớn khi lấy được vợ giàu như mở bệnh viện hoặc làm báo: “Chàng sẽ mở một bệnh viện riêng, trong tay hang mấy chục người giúp việc, có quyền săn sóc bệnh nhân của mình theo ý muốn, theo cách riêng của mình. Nhưng chỉ có thể, chàng cho rằng chưa đủ số nợ chàng phải trả cho xã hội, chàng sẽ mở một tờ báo bằng quốc văn, một tờ báo nghị luận để dẫn đạo quần chúng trong khi quần chúng bâng khuâng bối rối trước trăm nghìn ngả đường... Chàng sẽ thực hiện biết bao nhiêu cái
mộng cũ của mình” [96, tr.886]. Lương đã dùng số tiền của ông bố vợ giàu có để mở tờ báo mang tên là Hồng Việt nhật báo. Ngỡ rằng Lương sẽ thực hiện lí tưởng tốt đẹp đó đến hết cuộc đời, nhưng ông chủ bút Lương đã vụng về không biết cách chèo chống tờ báo của mình trước sự cạnh tranh của những tờ báo khác. Và tờ Hồng Việt đã bị xóa tên, thay vào đó là Hoa Hoa khiêu vũ để Lương được ăn chơi cho thỏa thích: “Lương không làm được một nhà ngôn luận để hướng đạo cho quần chúng như lời chàng thường ước nguyện, thì chàng mở một tiệm khiêu vũ để mà nuôi sống mình, nuôi vợ và để ăn chơi cho thỏa thích. Và cũng chỉ có những sự vui thích về vật chất mới có thể làm người ta quên được những cái đau đớn về tinh thần. Mà sự thất bạ của tờ Hồng Việt đối với Lương là một cái đau đớn về tinh thần. Chàng mất tờ Hồng Việt cũng như mất đi một đứa con yêu quý vậy. Sự thất bại ấy nó càng chua chat khi nó lại gây nên bởi những người đồng nghiệp của mình. Chàng căm hờn quá đến nỗi không còn có những cái tư tưởng phục thù nữa. Chàng đành chịu bại trận, và ung dung bước ra ngoài vòng báo giới. Mở một tiệm khiêu vũ, chàng đường hoàng dấn thân vào cái nghề ấy mà trước kia chàng và cả vợ chàng nữa hết sức công kích ở trên tờ Hồng Việt” [96, tr.902 - 903].
Ngược lại với sự hưởng lạc của những thanh niên như Huy và Lương là cuộc sống nghèo khó của một bộ phận trí thức Tây học cùng thời. Nhân vật Văn Hữu gặp bạn tại quán phở vừa nói chuyện thơ vừa ăn phở. Thi sỹ này thích đọc thơ của họ Bạch, họ Lý, họ Đỗ còn tiền tài đối với một nhà thơ là vô nghĩa:
“Tiền tài, một vấn đề khốn nạn đối với kẻ làm thơ. Tôi không bao giờ nói đến tiền tài. Tôi không bao giờ đưa một bài thơ của tôi ra những con số không có tý âm hưởng nào, họ sẽ làm cho bài thơ cũng có một cái giá tùy theo thời buổi mà lên xuống” [95, tr.84]. Sau một hồi hùng biện, bác Văn Hữu chén hết ba bát phở.
Bác ra về cùng tiếng cười khanh khách, ngạo nghễ. Nhưng điều bất ngờ nhất của câu chuyện là mẩu giấy nhà thi sĩ đánh rơi, đó là tờ giấy của hiệu cầm đồ Vạn bảo, trong đó ghi những món đồ “2 cái áo the” tổng cộng gán được 2p00, “1 cái quần đàn bà” ước giá 2p00, “đã mua gạo”: 1p00, “Sẽ mua”: 1/ Một quyển thơ Thế Lữ 1p00, 2/ Một cái bánh dẻo cho thằng Mít 0p50.
Truyện ngắn Khỏi truông là cuộc gặp gỡ tình cờ của hai người bạn học cũ.
Qua sự hồi tưởng của nhân vật Vinh và Vân trên con đường đồng hành, những hồi ức về quãng niên thiếu của những cô cậu học trò học trường Pháp Việt được tái hiện như sự phân chia lớp học trong trường Faifo những năm 30 của thế kỷ trước: “Bấy giờ ở Faifo trường nữ học mới lập được bốn lớp dưới, cho nên những nữ sinh học đến lớp nhất, thì phải qua học chung bên trường con trai. Tất cả mười cô được qua học lẫn với chúng tôi” [95, tr.138]. Những hoạt động của toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội được tái hiện qua việc nhà trường cử nữ sinh ưu tú đại diện lên phát biểu: “Tôi nhớ chừng như thuở ấy, ông Varenne vừa nhận chức toàn quyền Đông Pháp ở Sài Gòn, ngài đi ra Hà Nội, và không rõ nhân vào dịp gì ngài nghỉ lại ở Faifo một đêm. Tất cả học sinh trong thành phố đều được lệnh tới chào ngài và Vân được cử đọc một bài discours do một ông giáo soạn”
[95, tr.139].
Truyện ngắn Một lần tôi đi qua hiện lên hình ảnh nhân vật tôi nhớ về tình yêu đơn phương của mình với cô gái ở biệt thự Les Eglantines mỗi khi anh đi học qua nơi đây. Qua những hồi tưởng của anh, Lưu Trọng Lư đã tái hiện cuộc sống của những cậu ấm được cha mẹ gửi lên Hà Nội học. Họ được sống, chăm sóc sức khỏe theo lối sống phương Tây và làm những gì mình thích: “Khi tôi gửi cái tính mệnh của tôi cho các y sỹ Pháp, tôi vững lòng hơn… Tôi vẫn bảo người đánh điện cho thầy tôi ra. Khi thầy tôi ra bệnh tôi đã khá lắm. Thấy tôi người gầy hư đi nhiều, thầy tôi nhất định mang tôi về Huế, không muốn cho tôi học nữa, vả nhà tôi có nhiều phố cho thuê ở kinh nên cũng không cần trông vào sự học hành của tôi làm gì” [95, tr.119]. Những công tử như nhân vật tôi tiếp nhận tư tưởng phương Tây một cách nhiệt tình. Anh thích đọc tiểu thuyết của các nhà văn đương thời: “Những nhà văn đương thời, thì không có mấy nhà là tôi không đọc tác phẩm của họ, Proust, Claudel, Giraudoux, Montherlant, Gorki, Barbusse và ngay cả Decobra, tôi cũng không từ” [95, tr.119]. Sống bằng sự bao bọc của gia đình nên anh dùng tiền của cha mẹ để thỏa mãn những thú vui. Nhân vật tôi lại ra Hà Nội mở một cái tùng thư rồi hàng tuần lên trường đua ngựa để cá độ.
Qua đây, Lưu Trọng Lư tái hiện bóng dáng của những công tử thị thành sống
phóng túng, tự do. Trong bối cảnh bức bối, chật chội của những căn gác trọ, họ vẫn chia sẻ những gắn kết rất con người: “Thế là cái sợi dây đã định số mệnh của hai cánh song, vì rằng, từ nay hai cánh song của nàng cũng không còn đóng lại được nữa. Cái tình của chúng tôi bây giờ tôi có thể nói đã đến một thời kì giãy giụa liều lĩnh” [96, tr.1027 - 1028]. Trong tiểu thuyết Mẹ con, những con người trong khu gác trọ sống cuộc đời gần nhau: “Cái ông chủ nhà khốn nạn quá! Đến hôm nay cũng không chịu gọi thợ điện đến! và chàng vừa trèo vừa đáp: “Thằng cha ấy bủn xỉn có tiếng”, rồi chàng lại hỏi: “Cô có diêm cho tôi xin một cái”. Người kia không đáp, đánh diêm lên và rọi cho chàng trèo, cho đến khi cái diêm tắt thì chàng cũng khép câu chuyện bằng một tiếng cảm ơn rồi cánh cửa phòng của chàng đóng ập lại, và cửa phòng của nàng cũng đóng ập lại… Vì người đàn bà ấy chính là người láng giềng của chàng đã 3 - 4 tháng nay… Hai người ấy ở hai cái gác, gần nhau, nhỏ bằng nhau, cùng một chủ, và cùng một giá thuê và cùng một cuộc đời gần nhau” [96, tr.1059].
Nhà văn không có ý định bao quát bức tranh rộng lớn, xô bồ muôn màu sắc của con người trong môi trường đô thị mà chủ yếu đi sâu vào cuộc đời của tầng lớp tiểu tư sản, tầng lớp văn nghệ sĩ mà ông có gắn bó, thông thuộc (vì thực chất ông cũng là một người thuộc số họ). Ông cũng không quá đi sâu miêu tả những bi kịch tinh thần của những con người ấy theo kiểu Nam Cao. Đọc những sáng tác văn xuôi tự sự của ông, có thể thấy rõ tính hai mặt của thứ văn minh vật chất được bày ra ở chốn thị thành. Một mặt, nó bộc lộ tính hiện đại của không gian sống với những nhu cầu thụ hưởng có thật và chính đáng của con người, mặt khác nó cũng mang theo nhiều hiểm họa, sẽ cuốn không ít kẻ vào con đường sa đọa, đánh mất chính mình. Ở đây, rõ ràng cái nhìn của ông về “ánh sáng kinh kỳ” là cái nhìn không thiên lệch, định kiến. Chính vì thế, ông có được những trang văn thật trong trẻo khi phác họa hình ảnh học sinh Hà thành những năm trước Cách mạng. Cảnh vui nhộn, ngộ nghĩnh của những cô cậu học trò ở lớp học tân thời trong buổi học cuối năm, cả lớp học không còn bị trói buộc bởi những phép tính toán. Các nữ sinh được viết nhật ký, trêu chọc nhau cười khúc khích. Các cô cậu học trò tha hồ quậy phá, trao đổi thư tay: “vẽ voi và vẽ chó ở
trên những miếng giấy thừa mà hàng ngày các cô phải vẽ những con số” [96, tr.363]. Trong tiểu thuyết Huế một buổi chiều, Lưu Trọng Lư đưa người đọc hòa nhịp với cuộc sống của những thanh niên kiểu mới được học trường Pháp - Việt, thích đến rạp xem “chớp bóng”. Họ biết tìm đọc những tác phẩm mới nhất của văn chương Pháp, hát những bài hát của Tây, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Những trí thức này đến với tình yêu tự do, không bị ràng buộc, ngăn cấm.