Đề tài kỷ niệm riêng tư

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 108 - 114)

Chương 3. DẤU ẤN CỦA VĂN XUÔI TỰ SỰ LƯU TRỌNG LƯ TRƯỚC 1945 Ở HỆ THỐNG ĐỀ TÀI VÀ HỆ THỐNG HÌNH TƯỢNG

3.2. Nét riêng của hệ đề tài trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945

3.2.3. Đề tài kỷ niệm riêng tư

Kỷ niệm riêng tư không phải là đề tài riêng của văn học lãng mạn hay những tác phẩm viết theo khuynh hướng lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng phải thừa nhận rằng, ở loại hình sáng tác này, đề tài kỷ niệm riêng tư được đặc biệt ưa thích và có những điểm nhấn đặc thù. Ở văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư, những kí ức về tuổi thơ, về bản thân, về gia đình, quê hương thường được trở đi trở lại thường xuyên. Trong các trường hợp này, người kể chuyện xưng “tôi” gần như trùng khít với tác giả, và do vậy, dáng dấp tự truyện của các sáng tác cũng được bộc lộ rõ.

Lồng ghép trong câu chuyện tình trắc trở ở tiểu thuyết Bến cũ là kí ức về tuổi thơ, gia đình của chính nhà văn. Cha từ quan về vườn, mẹ trước mất, để lại bầy con thơ: “Năm ấy trong làng tôi có dịch tả, người mẹ già tôi bỏ lại một bầy con dại và một cảnh nhà túng thiếu. Cố nhiên muốn chống chọi cho qua cảnh khốn khó, thầy tôi phải nghĩ đến sự tục huyền” [95, tr.523]. Rồi nhân vật tôi kể về nguyên do cha mình tìm về một làng hẻo lánh để cưới mẹ làm vợ lẽ là do của hồi môn của gia đình ông ngoại cho mẹ: “Sỡ dĩ thầy tôi lấy mẹ tôi là vì tiền, vì của cải của mẹ tôi… Sau ngày thành hôn, ông ngoại tôi liền làm khế giao cho thầy tôi hai chục mẫu “ruộng bầu”, là thứ ruộng tốt, nhiều màu mỡ. Đó là tất cả hồi môn của mẹ tôi. Cảnh nhà thầy tôi, nhờ thế, mỗi ngày một thêm tươi đẹp. Mấy anh tôi lúc

bấy giờ mới thật được yên ổn để lo việc học hành” [95, tr.523 - 524]. Và: “Từ làng tôi vào đến quê ngoại tôi, thật là đáng ngại. Đi bộ thì phải trèo qua nhiều truông nhiều núi, mà đi sông thì phải lượn quanh co nhiều khúc nhiều đoạn, thuận buồm xuôi gió cũng đến mất một ngày” [95, tr.523]. Chính quãng đường xa xôi như vậy cho nên ruộng vườn hồi môn của gia đình phải nhờ ông ngoại chăm bẵm và hàng năm chỉ việc đem thuyền bè qua quê ngoại chở lúa, ngô về nhà. Không khí gia đình chuẩn bị về quê được nhân vật tôi kể lại vô cùng náo nhiệt: “Ngày nhổ sào đi, tôi đứng ở trên mui thuyền... trông cái cảnh tấp nập chung quanh, tôi tưởng như tất cả chúng tôi là một đội thủy thủ bạo dạn sắp dấn thân vào cuộc viễn chinh” [95, tr.524]. Những kí ức về gia đình như vậy đã được tác giả đưa vào trong tác phẩm. Qua những lần chèo thuyền, giong buồm về quê ngoại lấy thóc lúa, Thiệu được cha cho xuống buồm ghé bến Thanh Lăng - bến của những người dân theo đạo Thiên chúa để thăm gia đình người bạn đã về hưu là ông Huấn Nguyễn Gia Khánh. Những lần ghé bến Thanh Lăng như vậy Thiệu đã gặp Quỳnh - con gái ông Huấn đạo, giữa hai người đã có tình cảm gắn kết từ tuổi thơ.

Từ kỉ niệm đó, tác giả đã viết nên câu chuyện tình của mình.

Những kí ức về gia đình, dòng tộc được Lưu Trọng Lư thể hiện sinh động trong tiểu thuyết Dòng họ. Đây “Được coi như một cuốn tiểu luận kiêm hồi ức về gia đình và quê hương tác giả” [96, tr.1081]. Bắt đầu là nỗi buồn của cậu bé mới lớn: “Cậu bé kia! Cái buồn đã là một sự thực hiển nhiên mà cũng có lẽ là một sự tiền định về cái kiếp mỗi người, nhưng thật là não nùng, thật là bi đát khi ta nhận thấy rằng ở trong cái xã hội mà đứa bé lên năm lên sáu đã mang trên lưng nó một tấn kịch, mang trong tâm hồn nó một nỗi đau thương” [96, tr.1107].

Truyện chứa đựng rất nhiều chi tiết về thời ấu thơ của tác giả, từ lúc tác giả đi học chữ Hán ở một nhà thầy đồ, cho đến lúc được chuyển tới học chữ quốc ngữ ở trường Tây. Rồi những hồi ức về cha, mẹ, ông ngoại, mệ ngoại, các anh em, những tình bạn thời tuổi thơ, về quê hương… đều được Lưu Trọng Lư đưa vào trong tác phẩm như đối tượng quan tâm đặc biệt của mình.

Như đã nói ở trên, trong văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư có nhiều tác phẩm mang dấu ấn tự truyện. Dường như tác giả tự kể lại, tự miêu tả chính

quãng đời đã qua của mình để suy ngẫm, chiêm nghiệm. Trước Cách mạng tháng Tám, nói tới tự truyện đích thực phải kể đến Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Qua hình ảnh cậu bé Hồng (trong Những ngày thơ ấu), nhà văn tái hiện tuổi thơ cay đắng, khắc nghiệt của chính bản thân trong cảnh gia đình đổ vỡ do hôn nhân miễn cưỡng (chỉ nhằm có đứa trẻ nối dõi tông đường). Sống nhờ (Mạnh Phú Tư) là tự truyện về đứa trẻ mất cha ngay khi chưa chào đời, lên sáu tuổi phải xa mẹ và “sống nhờ” vào họ hàng. Hình ảnh cậu bé Dần đã giúp cho người đọc hiểu về một tuổi thơ xót xa buồn tủi, về đời sống làng quê Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Trong nhiều tác phẩm, Lưu Trọng Lư nhớ đến kỷ niệm của những chuyến về quê ngoại. Ở tiểu thuyết Bến cũ, tác giả đã hóa thân vào nhân vật Thiệu - một thanh niên đã đỗ đạt làm quan - để hồi tưởng lại cảnh gia đình đi thuyền về quê ngoại và mối tình ngây thơ của cậu bé Thiệu với người con gái theo đạo Thiên chúa ở bến Thanh Lăng. Khi tái hiện những kỉ niệm về gia đình của các nhân vật, những yếu tố tự truyện thường xuyên được nhà văn sử dụng. Ở đây như có sự nuối tiếc một thời đã xa, một thời vang bóng (Dòng họ, Chiếc cáng xanh…).

Đó là sự hồi tưởng cuộc sống êm đềm của quê hương, trong vòng tay yêu thương của người mẹ suốt một đời tần tảo và cảnh gia đình sung túc thấp thoảng qua hình ảnh Chiếc cáng xanh: “Cuốn truyện của đời tôi, không biết đến bao giờ mới chép đến trang cuối, nhưng mỗi khi giở lại mấy trang đầu, bao giờ tôi cũng thấy sa xuống trên màu giấy trắng toát, cái bóng âm u của người đàn bà ấy mà tôi được gặp đầu tiên trong cõi đời trần thế của tôi” [96, tr.931]. Lưu Trọng Lư dễ dàng nhập vai vào cậu bé lên năm trong gia đình Nho giáo như Cọt (Dòng họ) hay vào những nhân vật thanh niên Tây hóa như thầy thuốc Hải (Gió cây trút lá), thi sĩ Liên (Em là gái bên song cửa), bởi vì khi nói về họ cũng chính là lúc nhà văn nói về những trải nghiệm rất thật của mình. Lưu Trọng Lư là một người đấu tranh quyết liệt cho sự cách tân trong sáng tạo nghệ thuật (trước hết là trong thơ), nhưng ông cũng là người luôn có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Việc kể về những kỷ niệm tốt đẹp với gia đình, quê hương mà chính nhà văn đã trải qua, như vậy, là một sự lựa chọn có ý thức, mang tính

quan niệm rõ ràng. Chính trong “Lời nói đầu” của tiểu thuyết Dòng họ, Lưu Trọng Lư đã nhận định: “Hôm nay, không có lòng tin ở dĩ vãng đời ta sẽ bơ vơ, sẽ lạc loài ngay giữa thời đại, giữa đất nước và giữa gia đình ta” [96, tr.1081].

Cùng với Sống nhờ (Mạnh Phú Tư), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng)…, những trang viết giàu màu sắc tự truyện trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945 là sự khởi đầu tốt đẹp cho dòng tự truyện trong văn xuôi sau này.

Xin được nói sâu hơn về một số cách thể hiện nổi bật của Lưu Trọng Lư khi viết về đề tài mà chúng tôi gọi ước lệ là “kỷ niệm riêng tư”. Trước hết, phải thấy rằng nhà văn đã sử dụng rất thành công hình thức thư tín. Thư tín là phương tiện để đưa tin và cũng là cách trao đổi tình cảm thầm kín, tế nhị mà con người ưa dùng. Chính vì lẽ đó khi viết về những kỷ niệm riêng tư, Lưu Trọng Lư không ngại đưa vào trong truyện ngắn, tiểu thuyết của mình những bộc bạch tình cảm dưới hình thức viết thư. Tiểu thuyết Cô bé Hái dâu dài 23 trang nhưng có tới 15 bức thư cô bé hái dâu gửi cho người bạn tên Hạnh, từ đây người đọc cảm nhận được cuộc sống của cô nữ sinh “về vườn” cùng mẹ sống theo nghề tầm tang và hơn nữa là sự đau đớn, tiếc nuôi của cô bởi sự ngập ngừng, thiếu quyết đoán trước lời tỏ tình của Dương khiến Liên đánh mất người yêu trong phút chốc. Là nhà văn thiên về nội cảm, nên có một truyện ngắn và mười hai tiểu thuyết (trong tổng số 27 truyện ngắn và 27 tiểu thuyết) trước 1945 nhà văn xen vào hình thức viết thư. Ngay cả những chuyện dã sử như tiểu thuyết Con voi già của vua Hàm Nghi cũng được tác giả dùng các bức thư để kêu gọi phong trào

“Cần Vương”, bàn bạc kế sách đánh giặc thậm chí thư đe dọa, kêu gọi đầu hàng của giặc gửi cho Quan lớn Lê. Qua những bức thư giữa hai mẹ con cậu bé Đạc, người đọc xúc động trước tình cảnh cô đơn và nỗi nhớ mong của cậu bé lên mười về người mẹ: “Me nói: Me vẫn thương con, con cũng tin như vậy. Nhưng sao nỡ để con hôm nay còn ở đây một mình, không về nhà mang con đi. Còn thầy con nữa! Thầy sao mà cũng tệ thế? Những bạn học của bạn con đã về nhà cả, từ hôm qua” [96, tr.1072]. Nỗi day dứt trong lòng người mẹ bỏ con đi lấy chồng để vĩnh viễn không còn được gặp lại đứa con trai bé bỏng khi cậu bé

quyết định bán mình cho Chúa để nhập dòng khổ hạnh: “Mẹ tìm đến nhà thờ R.T. xin vào thăm con, một người bề trên đáp: “Những người vào đây không còn cha mẹ nữa và không hề tiếp đàn bà”. Thật là đứt từng đoạn ruột. Mẹ bước lên xe về thuê một cái buồng, và cố ngồi bình tĩnh viết thư này cho con. Có lẽ khi con đọc xong thì hồn mẹ đã lìa xác rồi. Thôi bây giờ thì con cầu nguyện đi cho mẹ. Cầu đi, cầu đi con. Một phút con hãy trở lại làm con của mẹ, rồi chốc nữa, mai kia suốt đời, vạn vạn kiếp, con hãy là con của Chúa” [96, tr.1080].

Một đặc điểm khác, nhiều truyện của Lưu Trọng Lư thường có kết cấu theo kiểu nhân vật kể lại một câu chuyện từng được chứng kiến hoặc nhớ lại cuộc đời của mình trong quá khứ. Chẳng hạn truyện ngắn Nàng Vân may áo cho chồng là câu chuyện của một người bạn kể về Bình và những bức thư Vân gửi cho Bình sau khi Bình qua đời. Qua lời kể đó, người đọc nhận thấy chính mối tình ngăn cách đã khiến hai nhân vật Bình và Vân phải sống trong đau khổ, bệnh tật và chỉ gặp được nhau, trao cho nhau những kỷ vật trong tưởng tượng mà thôi. Một người đau khổ là tiểu thuyết do nhân vật Minh kể lại chính cuộc đời của mình cho Hồng nghe: “Hồng ạ! Thật chính tôi cũng không hiểu sao hôm nay tôi dám cả quyết đưa cái chuyện tâm sự của tôi ra kể cho Hồng nghe. Cái chuyện tâm sự ấy là cả cái dĩ vãng, cả đời tôi. Bấy nay đã biết bao người cả Thao, Nhạn, Nhung, Huệ biết bao lần dục tôi kể cho họ nghe”. Truyện ngắn Em hãy còn thơ là lời kể của anh chàng Lê về mối tình học trò cùng những bức thư tình anh nhờ bé Hảo gửi cho Tâm và tình yêu thầm kín của Hảo giành cho anh mà sau này Lê mới biết.

Lưu Trọng Lư thường lấy những kí ức về tuổi thơ, bản thân, gia đình, quê hương làm chất liệu để hư cấu nên tác phẩm. Nhiều hình ảnh trong văn xuôi cũng là hình ảnh ám ảnh trong nhiều bài thơ ông: chiếc cáng điều lững thững bên sườn núi; hình ảnh người mẹ với “Nét cười đen nhánh sau tay áo” và “Áo đỏ người đưa trước dậu phơi (Nắng mới), hình ảnh những cô em ngồi buồn bên song cửa (Tình điên, Một mùa đông)... Nhìn chung, với đề tài kỷ niệm riêng tư, Lưu Trọng Lư đã thực hiện được một sự kết nối tự nhiên giữa thơ và văn xuôi.

Người ta có thể đọc các truyện ngắn, tiểu thuyết mà ông viết để hiểu hơn về thơ ông cũng như ngược lại.

Đã nói tới kỷ niệm riêng tư, người ta không thể không nhớ đến những bối cảnh không gian đặc thù gắn với nó. Trong văn xuôi tự sự trước 1945 của Lưu Trọng Lư, người đọc thấy thấp thoáng một không gian mang tính địa phương.

Nếu không gian trong tiểu thuyết của Bùi Hiển là vùng quê miền biển xứ Nghệ với hình ảnh những ngư dân làm nghề chài lưới (Chiều sương, Nằm vạ…);

không gian trong truyện ngắn của Thạch Lam thường gắn với hình ảnh phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) qua những truyện ngắn Hai đứa trẻ, gió lạnh đầu mùa… thì không gian nổi bật trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư là không gian của mảnh đất miền trung Quảng Bình quê hương ông với nhiều hang động, sông ngòi, truông núi, đường đèo. Nhân vật Lê Sinh quê ở Nghệ An trên đường vào Kinh đã phải trải qua đường đèo, núi non hiểm nguy: “Lê tới Đèo Ngang thì trời tối sầm, khỏi quan ải độ một dặm, thì con ngựa của Lê cứ chúi đầu vào bụi cây và nhất định không chịu đi nữa... Lê xuống ngựa, túm cương kéo đầu nó ra, nhưng nó vẫn cố rúc vào. Hai chân sau của nó lại “chặt” lia lịa. Lê biết rằng có sự tai biến sắp đến… Theo như lời tin của những người thường đi đường rừng thì mỗi khi có cọp hay beo, ngựa không chịu đi và cứ chúi đầu vào bụi như thế đặng để chống cự với mãnh thú. Được một đoạn thì Lê thấy trước mặt một quãng bao la trắng xóa, rì rào tiếng sóng vỗ” [95, tr.234].

Hình ảnh dân làng chạy lụt trâu bò phải lùa lên núi, lợn gà phải lùa lên sàn nhà, giường ghế buộc chặt vào cột nhà… rồi ngồi rỗi “nhá” ngô rang, nói chuyện gẫu để chờ con nước xuống; nhưng con sông Gianh mùa lũ trong tiểu thuyết Cầu sương điếm cỏ thì nước vẫn lên, lên mãi, đỏ ngầu, đồng lúa bị khỏa ngập, nhà cửa chìm trong bể nước. Một vùng nước mênh mông, chỉ lòi lúp xúp một vài chòm nhà.

Dấu ấn của mảnh đất Quảng Bình đẹp nhất trong văn xuôi của ông là hình ảnh hang động Phong Nha kỳ thú: “Những thạch nhũ ấy rũ xuống hai bên khi thì lấy hình những ông tiên ngồi đánh cờ, khi thì lấy hình con hạc hay con voi phục, và có khi chỉ là những tảng phẳng lì, ở trên ấy những người phương xa xứ lạ tới khắc cái tên mình, hoặc là ghi cái cảm giác kì lạ của mình khi tới xem cái cảnh kỳ lạ ấy: cái cảm giác ấy là một bài thơ” [95, tr.423].

Sông Hương, nhà vườn Huế là không gian được nhà văn nhắc tới nhiều lần: “Cảnh chiều hôm ấy, không biết về cuối hạ hay đầu thu. Trời trong xanh và mây xốp bay mau theo một chiều gió vội. Phía Tây, trên dải núi xa, một ít ráng vàng… người ta như thấy chiếu rọi vào tâm hồn, cả cái rạng rỡ của mùa hạ tàn, và cái trong trẻo của mùa thu tới. Người ta chỉ muốn đi nhè nhẹ, nói in ít, thở dịu dàng. Đất ở dưới chân như biến thành cát mịn, và cỏ bên đường thành tuyết nhung” [95, tr.679].

Sông Hương, núi Ngự, núi Thiên Thai là những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của đất Cố Đô. Lưu Trọng Lư cũng không quên nhắc đến bức tranh thiên tạo đó trong những trang văn của mình: “Xưa nay, núi Ngự và Sông Hương đã làm nên danh tiếng cho đất đế đô. Những núi sông ấy kể cũng đẹp thật, nhưng vẫn là cái đẹp ẻo lả, tha thướt, cái đẹp của cô gái bên bờ sông Hương… Thiên Thai! Tuy rằng chốn thắng cảnh ấy mượn cái tên đầy thi vị của một cái động tiên, nhưng mà nó vẫn có cái phong cốt của một ông võ tướng lẫm liệt ở trên mình ngựa, tay múa ngọ gươm sáng quắc” [95, tr.161 - 162].

Như vậy, khi viết về những không gian gắn bó với ký ức bản thân, Lưu Trọng Lư cũng như Bùi Hiển, Thạch Lam đã thể hiện được phong vị riêng của miền quê mình gắn bó. Phong vị địa phương này đã góp phần làm nên sức quyến rũ riêng của các sáng tác và khí quyển thẩm mỹ đặc thù rất cần có trong văn chương.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 108 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)