Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.2. Sự tiếp biến các khuynh hướng thẩm mỹ thời đại trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945
2.2.2. Sự hội tụ của các khuynh hướng thẩm mỹ ở văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945
Như trên đã nói, Lưu Trọng Lư sinh ra, lớn lên, học tập và làm việc trong môi trường đô thị đang Âu hóa. Nhà văn đã nhanh chóng vận dụng, tiếp thu các khuynh hướng thẩm mỹ của nhiều trào lưu văn học đương thời vào trong các sáng tác của mình.
Lưu Trọng Lư cũng có nhiều trang văn hoài vọng quá khứ, luyến tiếc thời vàng son phong kiến. Trong thời loạn, mang phẩm chất của một nhà nho hành đạo nên ngoài việc mở trường dạy học, quan lớn Lê còn dẫn dắt dân làng chống chọi và tản cư khi ngôi làng bị bọn Hương Phương kéo sang vây đánh. Khi vua Hàm Nghi đang sống lẩn lút trong miền rừng núi vì thời loạn và kinh thành thất thủ, ông quyết tâm tập hợp, huấn luyện một đội quân rồi đi vào rừng sâu tìm và phò giá nhà vua. Nhưng nhà vua bị kẻ dưới trướng chỉ điểm cho quân Pháp bắt, nghĩa quân Cần Vương tan rã, quan lớn Lê trốn vào rừng sâu trở thành một anh hùng lỡ vận và sống ẩn dật với tâm trạng luyến tiếc quá khứ (Con voi già của vua Hàm Nghi). Với tiểu thuyết này, Lưu Trọng Lư muốn khẳng định giá trị trường tồn của những nhà nho chân chính: họ là rường cột của triều đình, có
trách nhiệm phò vua giúp nước khi dân tộc lâm nguy, khi không còn cơ hội thì theo lẽ xuất xử của nhà nho, rời bỏ chốn quan trường, mở trường dạy học, sống ẩn dật chờ thời, giữ đạo đức thanh liêm, trong sạch.
Trước cảnh xóm Cảo Đa bị giặc đốt phá, qua nhân vật Chế Văn Tô, Lưu Trọng Lư cũng kín đáo nói lên tiếng nói của kẻ mất nước thương nòi: “Một người thiếu nữ chết nhưng dồn dập tới trong lòng chàng biết bao là nỗi đau đớn:
thương tổ quốc, thương nòi giống, thương những người bất hạnh, thương những kẻ lạc loài” [95, tr.73]. Cũng như nhà thơ Chế Lan Viên, ông kêu lên tiếng kêu đau đớn của một người con Chiêm quốc trước cảnh mất nước: “Tôi là kẻ đau đời, một kẻ bơ vơ, một đứa lạc loài, một người dân mất nước, Chiêm Thành! Ôi Chiêm Thành Tổ quốc!” [95, tr.75].
Hoài niệm quá khứ có khi là kí ức về cảnh gia đình phong kiến đủ đầy, con cái được giáo dục dưới trường học chữ Hán, những lần chèo thuyền, giong buồm về quê ngoại lấy thóc lúa để rồi tác giả bộc lộ sự nuối tiếc một thời đã xa, một thời vang bóng qua Bến cũ, Dòng họ, Chiếc cáng xanh.
Trong cách tả không gian, nhà văn đã tạo ra những không gian lãng mạn, đầy cuốn hút, bảng lảng sương khói. Thời gian của hiện tại và thời gian quá khứ đan xen trong tiểu thuyết Gió cây trút lá. Đôi tình nhân đang tâm sự dưới ánh nắng xanh trải dài trên đám cỏ, bất chợt Hải nhớ về kỷ niệm gia đình với những ký ức về người mẹ tần tảo, hàm răng đen láy và cái áo cổ y màu đỏ ẩn hiện trong nắng sớm. Điều này lại được nhà văn nhắc lại trong Chiếc cáng xanh với những kí ức của cuộc hành trình về quê ngoại, về tuổi thơ, đặc biệt là kí ức về người mẹ với khăn nhiễu tam giang, cái quần áo cổ y, và đôi vòng bạc ẩn hiện. Ngoài ra, người đọc còn thấy rõ những bức tranh phong tục, những hủ tục lạc hậu của làng xã phong kiến như tục phạt gái chửa hoang (Khói lam chiều), phong tục nộp cheo, đấu vật (Chiếc cáng xanh, Dòng họ), chế độ đa thê (Cô Nguyệt)…
Lưu Trọng Lư từng được mệnh danh là tác giả “sầu mộng” quả không sai. Con người và tâm hồn ông dường như gắn liền với từng trang văn ông viết. Những tác phẩm của nhà văn là sự góp nhặt các mảnh ghép của chính cuộc đời ông. Do vậy, người đọc nhận ra một Lưu Trọng Lư hóa thân vào nhân vật Hải (Gió cây
trút lá), vào thi sỹ Liên (Em là gái bên song cửa), vào cậu bé Cọt (Chiếc cáng xanh). Rồi hình ảnh của gia đình như hình ảnh của người mẹ trong tiềm thức hiện về từ tiếng gà trưa mà thi sỹ Liên nghe được khi hay tin người yêu về Huế và quyên sinh. Lại là hình ảnh của người mẹ với nụ cười đen láy mấp máy nụ cười hiền từ trên khoảng sân đầy nắng trong quá khứ được khúc xạ trong ban mai của giây phút riêng tư dưới hàng cây rợp nắng của cặp tình nhân Hải và Lan. Những phong tục của làng xã trong xã hội phong kiến xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm Chiếc cáng xanh, Dòng họ như một nỗi day dứt, ám ảnh của nhà văn khi tác giả đang đứng trước sự lưu giữ và lựa chọn những giá trị tốt đẹp của dân tộc trong thời kỳ mưa Âu gió Mỹ.
Khuynh hướng thẩm mỹ thị dân trong sáng tác của Lưu Trọng Lư biểu hiện trước hết ở sự chú ý miêu tả (với nhiều đồng cảm) lối sống Âu hóa và tâm lý hưởng thụ, trong đó có hưởng thụ trong tình yêu. Cùng tìm đến một địa danh là Văn Miếu để gợi nhớ về một tình yêu đẹp, nhưng một người đến đây mang theo một: “Thứ ái tình ngắn ngủi cay đắng mà vô vị” để hồi tưởng lại: “Cái ái tình của Ngưu Lang với Chức Nữ, suốt năm xa nhau nhớ nhau… Chàng ngồi trong một cái đình, trông ra cảnh hồ sen dưới trận mưa phùn, hồi tưởng lại những cái không còn nữa, và mơ ước những cái không bao giờ có được” [95, tr.49]. Còn một người khác lại: “Mang theo một cái hình ảnh xinh xắn tươi cười mà linh động, cái hình ảnh của người mỹ nhân… Cái hình ảnh thiếu nữ kia thường năm tôi lại cái nơi vắng vẻ quạnh hiu này mà ngồi tưởng tượng lại một lần. Tôi vẫn thấy nó trẻ trung xinh đẹp, xán lạn và linh động vô cùng” [95, tr.50]. Trong một truyện ngắn vỏn vẹn hai trang giấy, Chân ái tình đã được Lưu Trọng Lư lồng ghép vào hai tâm trạng, hai dòng cảm xúc của hai chàng thanh niên gặp nhau cùng một địa điểm để hồi tưởng về mối tình trong quá khứ. Hình ảnh hai người đẹp trong lòng hai chàng trai gắn liền với cảm xúc đau đớn, tuyệt vọng, nhớ nhung của Vân Bình: “Thường năm, cứ độ đông về thì dầu có sự trở ngại đến đâu, Vân Bình cũng phải về Hà Nội một lần để viếng lại cái nơi Khổng miếu rất u tịch này. Không phải chàng có lòng mộ đạo chi đâu; chàng chỉ là một kẻ tình nhân mê muội, về đây để tìm lại những cái dấu vết của những cái ái ân
buồn rầu, vô vị” [95, tr.49]. Còn chàng trai thứ hai tìm về đây để tìm lại cảm giác “sung sướng” vì: “Cái ái tình nằm trong mộng ấy cho tôi đủ mọi hạnh phúc.
Tôi chưa hề có một tý thất vọng” [95, tr.50]. Nhà văn đã sử dụng thể loại truyện ngắn, với nhân vật mang tâm lý thoát ly, với sự lâng lâng của cảm xúc lãng mạn, đặt trong không gian đô thị đầy xô bồ lúc bấy giờ.
Khuynh hướng thẩm mỹ thị dân thường đánh vào cái tò mò, éo le, vắt ra nước mắt, nên nội dung phải có phần ly kì, phương xa, lắt léo, lạ lẫm. Nhung (Cô Nhung) được học trường Pháp Việt, biết tiếng Pháp, sớm hòa nhịp với văn minh phương Tây. Cô Nhung thích tới rạp để xem cô đào Sydney nổi tiếng, Nhung càng xem kịch càng mê mẩn đến nỗi bản thân cô như đang nhập hồn mình vào vai diễn: “Nhung đã bắt đầu quên mình, quên cảnh xung quanh mình, và thấy phiêu lưu trong cảnh trời trong sáng nhí nhỏm của nước Nhật Bản” [95, tr.361]. Nhung thích viết nhật kí, và có mối tình tuổi học trò trong sáng với Đông. Nhưng cô đã lặng lẽ xa Đông để theo cha vào Huế làm vợ một ông quan trẻ và chấp nhận sống cuộc đời “tầm thường”. Đó là bi kịch của một cô gái tân thời nửa vời trong văn học những năm đầu thế kỷ XX.
Nếu đọc văn xuôi Lưu Trọng Lư, người đọc sẽ nhận thấy dường như nhà văn đứng phân vân trước hai giá trị cũ và mới, một bên là sự luyến tiếc những cái đẹp xa xưa, một bên là ý thức về sự thắng thế của cái mới. Nàng công chúa Huế là sự kết hợp giữa hai xu hướng đó. Cổ điển ngay cách tác giả đặt tên cho truyện, và ông khéo léo lồng ghép vào trong tác phẩm cuộc sống vàng son của nàng và cuộc sống giang hồ, trụy lạc cơ hàn cũng của nàng trong môi trường thành thị mới. Từ đó, nhà văn đưa người đọc khám phá những điều bất ngờ, thú vị qua cuộc đời của một nàng công chúa của một vương triều đã hết thời. Tác phẩm lồng ghép hai câu chuyện. Câu chuyện về gia đình mình do chính Liên Hing kể; và câu chuyện Liên Hing gặp cô kĩ nữ trên sông Hương - nàng công chúa Huế: “Nàng là một công chúa một trăm phần trăm, và vua cha hiện đang sống những ngày thừa ở một đảo xa…, vì thế, cũng như các công chúa khác, nàng phải trôi nổi. Hơn hết mọi sự ở đời, nàng cần tiền để cứu vãn lấy cái tình cảnh đã suy vi của nàng - không bao giờ bằng lúc ấy, nàng cần tiền - để sống mãi, để giữ mãi cái cuộc đời
huy hoàng của một nàng công chúa” [95, tr.642]. Rồi Liên Hing cưới công chúa làm vợ. Hai người lại sống những ngày ăn chơi quá độ ở Huế: “Công chúa là một người thích vui vẻ: vì thế mà nhà tôi luôn luôn có người ca hát, đàn địch và những lúc có bạn đông, thì chúng tôi lại bày ra đánh bạc, hoặc me, hoặc tứ sắc. Tôi tính ra cái năm tôi ở Huế đó, công chúa và tôi tiêu hết non vạn bạc” [95, tr.642]. Khi vào đất Sài thành, thời gian đầu, hai người trắng tay, họ sống cuộc sống cơ hàn:
“Tôi về đến nhà, tôi thấy công chúa đang ngồi vá tấm áo rách của tôi” [95, tr.664].
Nhờ buôn bán quế, hai vợ chồng lại giàu có. Sự giàu có, thừa thãi về vật chất khiến cho nàng công chúa Huế nhiễm thói cờ bạc. Bao nhiêu của cải cũng dần ra đi. Không chịu được, Liên Hing đã xúc phạm nàng, xúc phạm tới cha nàng - vị vua đang ẩn náu ở một hòn đảo xa xôi. Công chúa ra đi. Bước đường cùng nàng lại dấn thân vào cuộc đời giang hồ trụy lạc lần thứ hai.
Cũng miêu tả cảnh sinh hoạt trong gia đình quan lại của triều đình Huế, Lưu Trọng Lư cùng miêu tả đan xen hai không gian trái ngược trong cuốn tiểu thuyết Cô Nguyệt. Hình ảnh những cậu ấm ngồi trên sập cao và lính hầu đứng quanh được nhà văn tái hiện qua nhận xét của nhân vật Thanh: “Mình ngồi vách mảy ở trên sập cao, bắt thằng lính đứng khép nép dưới đất mang cái điếu bình cho mình kéo, phà hơi lên mặt nó” [95, tr.431]. Đó là không gian của xứ Huế, cái xứ đặc những quan;
quan lớn, quan bé, cái xứ của bài ngà, kim khánh, mũ cánh chuồn, áo thụng xanh, xà cạp đỏ là biểu tượng tập trung của chế độ quân chủ quan liêu lỗi thời ở Kinh thành Huế: “Cái xứ đi đâu một bước là không phải chạm phải quan lớn thì quan bé, cái xứ bài ngà, kinh thánh, mũ cánh chuồn, áo thụng xanh, xà cạp đỏ” [95, tr.431].
Tuy sống trong không khí đặc mùi quan trường nhưng Nguyệt và Thanh lại có lối suy nghĩ tân tiến. Đôi nam nữ lên án lối sống chạy chức, chạy quyền, chạy án và kiếm tiền từ sự oan khuất của kẻ khác rồi chiếm đoạt tài sản của họ. Chính vì vậy, nhiều chàng trai trong đó có Thanh đã cảm nhận được chút ít tư tưởng mới để sẵn sàng rời bỏ Huế ra đi.Thanh đã tâm sự với Nguyệt: “Thầy me anh đã nhờ chú Tham vận động cho anh bổ gấp… Nhưng vận động! Anh không muốn, nhà nước có dư chỗ, ai ra trước thì được trước. Anh không muốn nhờ những cách ám muội để tranh đoạt những quyền mà mình chưa đến lượt hưởng. Vận động!... hèn! [...]
Thanh dõng dạc nói tiếp: - Ví dầu nhà nước không cho bổ nữa, thì anh sẽ vào Sài Gòn kiếm việc. Ta đi xa, đi cho thật xa cái xứ này” [95, tr.431]. Chính Thanh và Nguyệt là những chàng trai, cô gái được hưởng lợi lộc trong môi trường quan lại ở chốn kinh thành, nhưng họ sớm hướng đến những tư tưởng mới. Họ thích lối sống tự do, không bị ràng buộc; học tập, làm việc theo sở thích. Đó chính là sự trỗi dậy của cái tôi cá nhân trong xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta những năm trước 1945 mà nhà văn muốn phản ánh.
Lưu Trọng Lư đã đặt nhân vật của mình sống trong không gian giao thời giữa “khuynh hướng cũ” và “khuynh hướng mới” để họ chọn lựa. Tương tự như nhân vật Thanh (Cô Nguyệt), Thiệu trong tiểu thuyết Bến cũ là một sĩ tử chuẩn bị vào trường thi nhưng điều Thiệu sợ nhất là “thi đỗ”: “May sao là giời cũng hiểu ý tôi, vì nhà vua ban chỉ ra và truyền cho các sỹ phu biết rằng: Khoa thi sau không còn nữa, và từ nay, sự học chữ Hán đổi ra là học chữ Pháp!” [95, tr.537]. Với những lớp nhà Nho thì việc triều đình bỏ khoa thi là một sự mất mát lớn: “Đó là cả một điều nhục nhã, một sự đau đớn chung cho cả một thời đại, chứ không phải riêng gì cho thầy mẹ tôi, cho ông nhạc tôi, cho ông đồ già ở Sơn Lệ của tôi” [95, tr.537]. Còn đối với lớp người trẻ tuổi như Thiệu, họ lại thích tiếng Pháp, yêu văn chương của Pháp: “Trong thời kỳ có mấy năm mà tôi đã nói và viết Pháp văn như một người thông thạo! Tôi biết ham mê cả những sách về khoa học và triết lý.
Không ai bằng tôi thuở ấy, về cái mến phục Tây phương. Tôi lại đọc rất nhiều tiểu thuyết lý tưởng và tình cảm, và tôi cởi cho thôi một điều ngộ nhận: Xưa kia, tôi cứ tưởng rằng văn minh Tây phương chỉ là văn minh “vật chất”, biết đâu rằng người Tây phương cũng có rất nhiều những tính tình cao nhã, và những đạo lý siêu phàm. Ngày ở trường ra, cuộc đời tinh thần của tôi đã thay đổi hẵn, và tôi đã trở thành một người khác trước. Tây phương đã pha vào máu tôi một thứ tính chất trẻ trung, đậm đà, và cho tôi một nhân sinh quan dồi dào, phóng khoáng, đầy những lòng ham muốn, chí tiến thủ…” [95, tr.537].
Như vậy, những khuynh hướng thẩm mỹ chính của thời đại đã được Lưu Trọng Lư chọn lọc, tiếp thu và thể hiện trong sáng tác. Nhà văn vẫn bộc lộ nỗi lòng luyến tiếc những ký ức đẹp, những giá trị vàng son một thời. Nhưng mặt
khác, nhà văn thấy sự thắng thế tất yếu của tư tưởng Âu hóa, của những giá trị mới nảy sinh do tiếp thu lối sống, sinh hoạt phương Tây. Tất cả những điều ấy thể hiện qua tâm trạng, cảm xúc đầy phức tạp của nhân vật, nhất là nhân vật thị dân trong tác phẩm của ông.
Ở trên, chúng tôi đã trình bày khái quát về sự hội tụ của các khuynh hướng thẩm mỹ trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945. Các nhà văn thường không tuyên bố mà thực ra cũng khó tuyên bố được rạch ròi về khuynh hướng thẩm mỹ của mình, bởi các khuynh hướng thẩm mỹ thường được trổ nhánh trên/
từ cùng một bối cảnh văn hóa - xã hội có nhiều mối tương quan phức tạp. Cũng vậy, điều sẽ được triển khai ở phần viết tiếp đây có liên quan tới một khái niệm cần phải có mấy lời minh định: khái niệm nguyên tắc phản ánh - biểu hiện. Nói đến nguyên tắc, thường người ta nghĩ đến những lề luật của lý trí, được chủ thể hành động ý thức rõ và tuân thủ nghiêm ngặt. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, vấn đề không đơn giản thế. Trừ một số trường phái văn học, trong khi tuyên ngôn về đường hướng nghệ thuật của mình, các nhà văn, nhà thơ có nêu một số nguyên tắc sáng tác khá rạch ròi (mà trên thực tế, không phải lúc nào họ cũng thực hiện đúng y như thế), còn lại, cái gọi là nguyên tắc phản ánh - biểu hiện kia thường chỉ tồn tại như một cơ chế sáng tạo bên trong, ít được chính chủ thể phát biểu đầy đủ, tập trung, nhất quán, có hệ thống. Tuy vậy, từ góc độ nghiên cứu, dựa trên sự khảo sát toàn diện sáng tác của nhà văn, người ta có cơ sở để nói tới những nguyên tắc phản ánh - biểu hiện như là cái tạo nên sự thống nhất của một thế giới nghệ thuật, cũng là cái đảm bảo cho nhà văn tạo được dấu ấn phong cách riêng trong lịch sử văn học. Không phải ngẫu nhiên mà những khái quát về nguyên tắc phản ánh - biểu hiện vẫn được nhìn nhận như là loại công cụ hữu ích, giúp chúng ta đi sâu khám phá sáng tác của một nhà văn nào đó.