Việc nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 133 - 136)

Chương 4. NHỮNG KIỂU LỰA CHỌN NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ

4.2. Nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

4.2.2. Việc nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

Ở Lưu Trọng Lư, có lẽ bẩm tính nhà thơ mạnh hơn nên khi viết văn xuôi, trước hiện thực bề bộn, ông chủ yếu chấm phá, lướt qua mà không đi sâu. Cũng do vậy, đọc văn xuôi tự sự của ông, người đọc thấy bàng bạc chất phong tục.

Qua bi kịch tình yêu trong Khói lam chiều, ta thấy hiện lên rõ nét bức tranh sinh hoạt của làng quê với cảnh phạt vạ gái chửa hoang: “Một đoàn những ông Lí, ông Phó, ông Trùm và ba bốn thằng Xeo, bịt khăn tai chó. Cái đoàn người ấy sừng sừng sộ sộ như một đoàn mặt ngựa đầu trâu mà Diêm Vương sai đi lùng những quân tội lỗi. Con Vịnh rụng rời tay chân. Nó có cái cảm giác rằng mấy người ấy vào bắt nó để làm tội… Đáng kiếp đồ voi chà, băm ra trăm mảnh còn chưa hết tội” [95, tr.190 - 191]. Đối với những độc giả chưa từng sống ở

nông thôn trong những năm tháng ấy, những cảnh như được trích ở trên chắc chắn gieo nhiều ám ảnh. Ở Chiếc cáng xanh, ta lại được thấy một cảnh tượng khác không kém phần độc đáo: người ta chặn đường đón dâu để xin “cheo”. Đây là câu chuyện hư cấu nhưng dựa sát vào những hồi ức tuổi thơ về gia đình của chính tác giả. Doãn về quê ngoại dự đám cưới của người anh họ. Nhà gái ở cách làng nên lễ rước dâu phải đi qua một con sông dài phải nộp cheo bến.Theo phong tục cũ, nếu có đám cưới đi qua một làng nào đó, thì làng ấy cử người đem mấy thước lụa đỏ giăng ngang đường mà đón, gọi là “nhai lan”. Khi ấy, nhà trai phải đưa tiền. Nếu ở cùng làng thì ít còn khác làng, thì nhà trai phải đưa ba quan tiền, rồi xin làng nhận và cho đám cưới đi qua. Nghĩa sự việc ấy gọi là “chiêu thân”. “Cheo” nghĩa là “chiêu thân”: “Một giây pháo nữa lại nổ! Đám cưới bắt buộc phải ngừng lại. Tôi ngẩng trông ra. Hai cái “án thư” đã đặt ở hai bên đường... Chúng tôi chỉ bỏ ra mấy quan tiền kẽm thì họ lấy kéo cắt cái dây hồng ấy, và lại để cho chúng tôi đi” [96, tr.971]. Đám cưới không chỉ nộp một lần cheo mà còn có những lần khác nữa: Cheo của bọn chăn trâu, rồi cheo làng,cheo họ, cheo đình, cheo chợ, cheo xóm: “Tất cả đám cưới anh Mượn tôi đã phải trả món nợ hơn 20 quan tiền kẽm” [96, tr.972].

Việc chú ý thể hiện các mối quan hệ dòng tộc cũng là một bằng chứng cho thấy chiều hướng viết ngả sang phía “phong tục” của tác giả Lưu Trọng Lư. Dòng họ là cuốn tự truyện kiêm tiểu luận về gia đình và quê hương của nhà văn. Ở đó, những quan hệ trong dòng tộc, gia tộc được tác giả thể hiện rất rõ. Nhân vật tôi là con trai thứ trong gia đình có vài chục người con: “Thầy tôi thường khen rằng: nhiều con là cái phúc lớn… mà thuở bấy giờ chỉ kể con sống thầy tôi đã có được vài chục đứa, không kể về con gái, tôi là đứa con trai đến sau cùng và mang con số 11” [96, tr.1114]. Khi bà mẹ đích quy tiên, mẹ của nhân vật tôi (trong truyện gọi là Cọt) tuy là vợ thứ tư nhưng mẹ của Cọt được gia đình chọn làm người kế thất gánh vác, lo toan mọi việc lớn bé trong nhà. Và những quan hệ phụ hệ giành ưu thắng trong gia tộc bắt nguồn từ đây.

Để cho êm thấm người cha đã tìm ra một biện pháp áp dụng riêng trong dòng tộc của mình: “Đứa nào lớn tuổi thì là anh mà đứa nào nhỏ thì là em. Thật ông

đã xử một cách rất hợp lí” [96, tr.1115]. Nhưng cái lí của ông đồ nho đã phụ lại cái tình. Nếu xét về tình vợ chồng, thì mẹ của Cọt là người được ông yêu chiều hơn. Tuy bà là vợ thứ tư nhưng lại là người kế thất, nên bà không chịu sự sắp xếp của chồng mình. Vì nghĩ đến tương lai của dòng tộc, ông đồ nho phải làm, dù ông biết rằng ông đã phụ lòng người vợ thứ. Đó chính là nguyên nhân khiến cho người mẹ đau đớn, hằng đêm khi mọi người đã ngon giấc, bà bắt đầu khóc lóc rồi kể lể. Tất cả những nỗi khổ tâm đau đớn của người đàn bà cần cù, chịu thương chịu khó ấy đều bắt nguồn “cái sắp con” của chồng mình. Bà đã đặt vào đó mối quan hệ mất còn ghê gớm: “Chính những sự xích mích ấy đã làm cho mẹ tôi kiếm chuyện rầy rà với thầy tôi như cái cây một ngày một thêm khô héo. Tôi thấy có lần, trước những lời kể lể than khóc của mẹ tôi, thầy tôi chẳng biết tính toán sao được nên một hôm thầy tôi đang ngồi hút thuốc lào, kéo xong một hơi thì ông đập đầu vào tường, mẹ tôi vội vàng chạy lại, đỡ thầy tôi dậy”

[96, tr.1115 - 1116].

Trong tác phẩm, người đọc còn được sống trong không khí của những xới vật giữa các “côi làng”. Ở đây, rất nhiều những từ ngữ để miêu tả trận đấu vật được nhà văn sử dụng: “Cái ngã vẫn là cái ngã danh giá, vì người đô vật kia sau khi đã giở hết các ngón, này khóa, này mở, này đưa, này gạt, này lộn, này tréo, này vạt, này lăn, này công trái, này công mặt, mà cũng đành thất thủ trước cái dẻo dai của ông già” [96, tr.1163].

Nhà văn cũng tái hiện lại cảnh dân làng mong đợi nhất vào ngày mồng bốn tết là cảnh thi văn (buổi sáng) và thi võ (buổi chiều - cướp cù). Với sự chuẩn bị chiến thuật một cách cẩn thận, hai làng chỉ chờ lúc có tín hiệu là tất cả thanh niên hai phía nhảy vào cuộc “chiến” hỗn độn. Phần thắng sẽ thuộc về đội có lòng tin vào chính sức mạnh của làng mình.

Lưu Trọng Lư thường tỏ thái độ, tình cảm chăm chút với những bức tranh nho nhỏ lấy từ trong ký ức của ông về gia đình, về dòng tộc, về quê hương làng xã. Người đọc nhận thấy ông không có tham vọng khái quát bề rộng của hiện thực, ít khi đi đến cùng trong việc nghiên cứu, thể hiện xung đột mà chủ yếu quan tâm miêu tả, thể hiện những bức tranh sinh hoạt mang tính đặc dị.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 133 - 136)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)