Biểu hiện của cái nhìn thơ về hiện thực

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 143 - 146)

Chương 4. NHỮNG KIỂU LỰA CHỌN NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ

4.3. Tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất văn xuôi và chất thơ

4.3.2. Biểu hiện của cái nhìn thơ về hiện thực

Đi sâu miêu tả tâm lí, cảm giác của nhân vật là một trong những mũi nhọn thể nghiệm đầu tiên của các nhà văn trong chặng đường nỗ lực hiện đại hóa văn học Việt Nam. Khi viết tiểu thuyết, các tác giả Nam bộ như Trần Thiên Trung (Hoàng Tố Anh hàm oan), Nguyễn Chánh Sắt (Nghĩa hiệp kì duyên), Tân Dân Tử (Giọt máu chung tình), đặc biệt là Hồ Biểu Chánh đều bị chi phối bởi khuynh hướng đạo lí. Cũng bởi vậy, con người tâm lý chưa hiện diện trong sáng tác của những tác giả này, dù sự quan tâm miêu tả tâm lý đã xuất hiện đây đó với các mức độ khác nhau. Từ Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách đến tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, việc thể hiện tâm lí, cảm giác dần trở thành một đòi hỏi thiết yếu. Ở sáng tác của Tự lực văn đoàn, thế giới bên trong của con người được mở ra với tất cả những nét phong phú, phức tạp, thậm chí có cả những giằng xé trong đời sống nội tâm. Thế giới ấy có nhiều nỗi buồn nhưng cũng có vô vàn cái đẹp, cái thú vị. Phần lớn tiểu thuyết của văn đoàn này đều có kết cấu tâm lí, xoáy sâu vào cảm giác. Đứa con đầu lòng, Gió đầu mùa (Thạch Lam) là những chuyện mà cốt truyện có kết cấu đơn giản, không có cái lắt léo thường tình mang tính cách bố trí, giống như những bài thơ trữ tình bằng văn xuôi.

Lưu Trọng Lư trước hết là một nhà thơ, khởi nghiệp bằng thơ. Điểm xuất phát này đã ảnh hưởng rất lớn đến sáng tác văn xuôi của ông. Là một nhà thơ của sầu và mộng, khi viết văn xuôi ông chú tâm xoáy vào cảm giác của nhân vật.

Chúng ta thấy thi nhân có những câu thơ ứng khẩu mang đậm màu sắc cá nhân và tâm tình tự do rõ rệt như: “Xin rước cô em bước xuống thuyền/ Thuyền tôi sắp trẩy bến thần tiên” (Xin rước cô em). Trong thơ, thi tứ là điểm tựa có vai trò chỉ đạo, điều phối sự vận động của cảm hứng và suy tưởng. Những bài thơ gây ấn tượng thường chứa đựng trong nó những tứ thơ bất ngờ, tác động sâu sắc đến nhận thức và tình cảm người đọc. Văn xuôi tự sự của ông cũng vậy, có nhiều câu chuyện ông không nghiền ngẫm lâu, có khi trong một phút thăng hoa của cảm xúc, ông có thể lập ra một tứ truyện mang tính chủ quan. Đó là truyện không có tứ rõ ràng, không có sự chuẩn bị nghiền ngẫm từ trước, mà nó được chảy ra từ một ngòi bút miên man cảm xúc. Điều này thêm một lần nữa cho ta thấy sự kết hợp

nhuần nhuyễn giữa chất thơ và tính tự sự trong văn xuôi. Tứ truyện thường đến bất ngờ, đột ngột từ một miền vô thức phi lý tính có liên quan đến cảm hứng, giây phút thăng hoa, sự loé sáng trong tư duy nghệ thuật. Có một ngày, Lưu Trọng Lư chợt nhớ tới chiếc áo cổ y đỏ của mẹ thường đem ra giậu phơi khi trời có nắng sớm, ông hoàn thành ngay bài thơ Nắng mới. Tương tự, nhà văn cũng lập nên một tứ truyện mang tên Gió cây trút lá, trong đó có đoạn viết về cái áo cổ y màu đỏ của mẹ khi nắng mới lại đem ra dậu phơi: “Nhưng cứ mỗi bận có nắng sớm, thì bà lại lấy ra phơi ở dậu... bà đứng hồi lâu bên dậu mồng tơi để giăng ra cho thẳng cái áo cổ y của bà. Anh làm sao quên được cái màu đỏ ấy!” [96, tr.489].

Được cảm hứng trữ tình sâu lắng dẫn dắt, những câu chuyện rất giản dị mà Lưu Trọng Lư kể ra đã mất đi cái chất nôm na ngày thường của nó mà lấp lánh cái cấu trúc kỳ ảo của những tứ thơ. Ông ưa đi sâu khám phá những tâm tình lãng mạn qua đó thể hiện những nỗi niềm ưu tư, trắc ẩn về số phận con người, thời đại.

Nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn Cắm neo là một nhà văn. Anh thuê một thằng nhỏ nhà quê giúp việc cho mình, sau một thời gian huấn luyện cho nó thích nghi với cuộc sống thành thị, anh chắc chắn rằng: “Hà Nội đã cảm hóa được nó rồi. Tôi yên chí rằng con chim con ở lại với tôi mãi mãi” [95, tr.135]. Một hôm anh nhớ người bạn cũ liền mở đĩa hát Nam bằng ra nghe, đang say sưa thưởng thức âm nhạc bỗng nhiên anh nghe tiếng sụt sùi của thằng nhỏ, bởi vì: “Điệu hát não nùng ấy đã làm nó nhớ những cánh đồng quê xanh mát với tiếng sáo diều mênh mông, làm cho nó nhớ tới những rừng sim u huyền, tiếng hát mơ màng của các cô cắt cỏ. Nó nhớ đến quê hương, nhớ đến những ngày trong sáng hay âm u của dĩ vãng... Và ngay tối hôm ấy, con chim ấy bỏ tôi” [95, tr.136]. Còn nhân vật tôi từ đây cũng nghĩ lẩn thẩn đến cái số kiếp của bản thân: “Đã biết bao lần tôi dứt áo ra đi quyết từ biệt nghề cầm bút nhưng biết bao lần tôi vẫn trở lại với nghề...

Cho đến nay thì tựa hồ tôi đã vui lòng nguyện sẽ đầy đọa thân thế mình, cho đến ngày cuối cùng, trong cái kiếp văn chương phụ bạc ấy” [95, tr.136]. Truyện có cốt truyện đơn giản, tình tiết chỉ xoay quanh nhân vật chủ nhà kể về thằng nhỏ giúp việc. Ấy vậy mà nó đã truyền tải được biết bao vấn đề của cuộc sống đương thời.

Đó là chuyện của các bạn văn chương, chuyện cuộc sống thị thành, chuyện của

những đứa nhỏ “chải chuốt” bản thân để mong được tuyển làm đứa ở. Hơn cả, là câu chuyện hồi cố của thằng nhỏ và suy ngẫm về nghề cầm bút của chính người trong cuộc. Yếu tố mới lạ của truyện ngắn Cắm neo là cuốn hút người đọc vào những sự kiện đang diễn ra ở cả đời thường và những chuyện lớn lao của thời đại.

Điều cần nhấn mạnh là, yếu tố mới lạ đó là sự xâu chuỗi cái đời thường và những cái lớn lao thành một cấu trúc nghệ thuật hoàn chỉnh đặc biệt ngắn gọn, cô đọng.

Cái cụ thể và cái trừu tượng cùng cái cá biệt ở truyện ngắn hòa vào nhau và dường như là một để tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ ở người đọc - đọc liền một mạch. Với truyện ngắn này, một lần nữa ta thấy cái phẩm chất gắn bó với thơ của nó: mạch cảm hứng không đứt đoạn và truyện ngắn nào hay chính là những truyện ngắn có cấu trúc theo một cái tứ độc đáo như của tứ thơ.

Chính vì không cần dàn dựng một kết cấu chặt chẽ, chi tiết cho câu chuyện cho nên ở những tiểu thuyết về đề tài thần tiên, có nhiều đoạn đối thoại của nhân vật, Lưu Trọng Lư đã để họ nói như đọc một bài thơ. “Con đười ươi”

có ba câu chuyện lồng trong một truyện. Truyện về con đười ươi (nghiệp Lý Chiêu Vân phải trả) quấy quả hòa thượng và bị Viên Thông hòa thượng bắt nhốt trên núi Tuyết Mã. Truyện về công chúa lý Chiêu Vân và nước Tây Thục.

Truyện về tiền kiếp của Lý Chiêu Vân và tiên ông. Trong màn đối thoại của Lý Chiêu vân với Đào Lang (người được Lý Chiêu Vân chọn làm phò mã), khi Đào Lang dò hỏi nàng về cây đàn thần, nàng đã trả lời như một bài thơ:

“Thiếp sẽ trả lời thần mộng…

Thiếp sẽ lấy chồng…

Thiếp sẽ làm cho xã tắc Tây Thục nghiêng ngửa.

Thiếp sẽ làm cho thân phụ thiếp phải lưu lạc, Ôi! Có thể như thế được ư?

Và như thế, là vì một người, Người ấy là Đào phò mã.

Than ôi! Thiếp có ngờ đâu như thế!

Thân phụ thiếp có ngờ đâu như thế?

Vị lão tiên ở trong giấc mộng có ngờ đâu như thế?” [95, tr.290].

Lưu Trọng Lư thường không cầu kỳ dàn dựng một cốt truyện, có hứng, có cảm xúc là ông viết. Sáng tác truyện là phương tiện để chuyển hoá nội tâm, cảm giác bằng đoạn văn ngắn, ít nhiều có người có việc, thế thôi. Chiếc cáng xanh là câu chuyện dựa vào những hồi ức tuổi thơ của tác giả. Ông nhớ về những kỉ niệm gia đình, ông viết thành truyện, thật đơn giản! Trong đó chúng ta thấy thấp thoáng màu xanh, đó là màu của tuổi thơ đầm ấm, hạnh phúc bên người mẹ hiền; là màu của sự thịnh vượng gia đình trong trí nhớ của một đứa bé lên lên tám.

Một trong những biểu hiện của cái nhìn thơ về hiện thực là tác giả hay khai thác yếu tố bi trong cuộc sống, với định hướng gây cảm xúc mạnh cho người đọc. Điều này thể hiện rõ ở mảng văn xuôi viết về đề tài tình yêu và những nhân vật thất bại. Đó là câu chuyện tình kết thúc thương tâm khi những nhân vật nữ phải chọn tới cái chết để giữ trọn lòng mộ đạo như Quỳnh trong Bến , hoặc cô Cẩn chọn cái chết để tạ lỗi trước gia đình vì trót yêu một thi sĩ đã có vợ con đề huề trong Em là gái bên song cửa. Còn nhân vật Đối phải chết ở nơi tha hương để Vịnh ở lại quê nhà ôm hận nuôi con qua tiểu thuyết Khói lam chiều.

Kiểu nhân vật thất bại như quan lớn Lê trong Con voi già của vua Hàm Nghi, Huy trong Từ thiên đường đến địa ngục

Như vậy, trong văn xuôi Lưu Trọng Lư, có nhiều tác phẩm xoáy vào cảm giác để thể hiện cách cảm nhận mang tính chủ quan của nhà văn, tạo cơ sở cho việc khám phá những tâm tình lãng mạn, song song với việc khai thác các yếu tố bi trong cuộc sống. Đó đều là những biểu hiện của cái nhìn thơ về hiện thực trong văn xuôi tự sự Lưu Trong Lư giai đoạn trước 1945. Tuy nhiên điều này cũng tạo nên những hạn chế mà người đọc dễ nhận ra trong văn xuôi ông: kết cấu truyện lỏng lẻo, tâm lý nhân vật thay đổi thiếu logic, tác giả thường phát ngôn thay cho nhân vật.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 143 - 146)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)