Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Nghiên cứu mang tính khái quát về vị trí Lưu Trọng Lư trong bức tranh
1.3.2. Nghiên cứu công bố sau 1945
Việc tìm hiểu về tác giả Lưu Trọng Lư vẫn giành được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu sau 1945 ở cả hai miền Nam - Bắc.
Ở miền Nam, Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên đã nhận định về Lưu Trọng Lư ở hai vai trò là nhà viết văn xuôi và nhà thơ của phong trào Thơ mới. Khi nhấn mạnh Lưu Trọng Lư là nhà viết tiểu thuyết, Phạm Thế Ngũ đã xếp phần nghiên cứu về tác giả này vào mục “Mấy tiểu thuyết
gia khác”, từ đó ông đã liệt kê ra một số tiểu thuyết tiêu biểu của Lưu Trọng Lư in ở các tạp chí hoặc nhà xuất bản: “Tiểu thuyết của ông thực nhà Tân Dân in ra khá nhiều: Con đười ươi (1937), Từ thiên đường đến địa ngục (1938), Nàng công chúa Huế (1938), Huế một buổi chiều (1939), Một người đau khổ”…
không kể còn xuất bản ở các nhà khác. Sinh ở Quảng Bình, sống nhiều năm ở Hà Nội, Sài Gòn, ông đem những kiến thức kinh lịch của ông vào tác phẩm, thuật cho ta lắm chuyện đau lòng, nhất là ở đất thần kinh mà ông biết rõ” [104, tr.559]. Tác giả của Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cũng đồng tình với nhận định của Vũ Ngọc Phan khi đánh giá về văn xuôi Lưu Trọng Lư viết trước Cách mạng tháng Tám trong quyển Nhà văn hiện đại. Cả hai người đều thống nhất quan điểm là văn xuôi Lưu Trọng Lư viết “phẳng lặng”, kể chuyện như trong mộng: “Ông không có tài dựng truyện, lại kém thuật quan sát ngoại cảnh cũng như nội tâm. Văn viết thì phẳng lặng có khi lôi thôi, cho nên tiểu thuyết của ông không có giá trị mấy. Ai cũng phải đồng ý với Vũ Ngọc Phan là ông chỉ có tài về thơ. “Lưu Trọng Lư chỉ là một thi sĩ, còn về tiểu thuyết ông kể nhiều truyện gần như trong mộng, những truyện không có liên lạc gì với nhau làm cho độc giả khi đọc từng đoạn một cũng thấy hay hay nhưng đọc cả thì thấy chán”
[104, tr.559 - 160].
Khi đánh giá về vai trò của thơ Lưu Trọng Lư, tác giả Việt Nam văn học sử giản ước tân biên khẳng định: “Làng thơ mới cũng không thể nào quên được một vai trò tiên phong khác, Lưu Trọng Lư, người không những đã làm những bài thơ mới đầu tiên mà còn đăng đàn diễn thuyết, nghị luận trên báo để bênh vực phong trào” [104, tr.582]. Trong công trình nghiên cứu này, Phạm Thế Ngũ nhận định về đề tài và tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư còn nghèo nàn bởi vì ông vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng trong thơ cũ: “Nếu chỉ căn cứ vào đề tài, vào tư tưởng, thì thơ Lưu Trọng Lư không có gì giầu có cả. Có thể nói ông chỉ tiếp tục nguồn thơ lãng mạn êm đềm của Tản Đà mà ông khơi rộng ra: say, mộng, tình, buồn, sầu vơ vẩn, nhớ bâng khuâng, trước một tiếng chim kêu, một câu hát đò đưa, một nấm mồ bên đường, một cảnh rừng thu” [104, tr.583]. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng không quên khen nhạc điệu trong thơ Lưu Trọng Lư
qua tập Tiếng thu. Ông cho rằng giọng điệu của âm thanh du dương đi vào lòng người: “Song cái nhạc điệu cái giọng ông tìm ra để diễn tả mỗi một khía cạnh, một trường hợp, biến đổi dồi dào, gợi cảm vô tận” [104, tr.583]. Cái giọng điệu khi “nỉ non, thánh thót”, khi thì “thân mật lẳng lơ”, có lúc “sang sảng cao vời”
nhưng khi lại “buồn bã, ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”.
Ngoài ra, Phạm Thế Ngũ còn nhắc đến sự ảnh hưởng của Lưu Trọng Lư với một số tác giả cùng thời như Nguyễn Tuân ảnh hưởng bởi “nết giang hồ”
của Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương ảnh hưởng họ Lưu ở chất giọng “véo von”. Cụ thể, trong mục nghiên cứu về Nguyễn Tuân: “Ở Nguyễn Tuân trước hết người ta thấy con người phóng đãng từ Tản Đà truyền lại, từng rung nhịp với Lưu Trọng Lư. […] Cái nết giang hồ của Lưu Trọng Lư chuyển sang Nguyễn Tuân trở thành một căn bệnh, hơn thế một tiền kiếp, “kiếp ngựa tù chân lại nhớ đường” [104, tr.680 - 681]. Còn với Vũ Hoàng Chương thì: “Thơ Vũ Hoàng Chương nhắc ta nghĩ đến không phải Xuân Diệu, Huy Cận gần kề, mà về trước hơn nữa, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, những người đi đầu Thơ mới và còn thừa kế cái giọng véo von trơn tru của Tản Đà” [104, tr.687].
Nhắc lại Cuộc bút chiến giữa Tản Đà và Lưu Trọng Lư về Thơ mới với thơ cũ, Nguyễn Tấn Long và Phan Canh cho rằng: Lưu Trọng Lư là người mang hai trọng trách trước lịch sử văn học, vừa là người mở đường cho Thơ mới, vừa là người dung hòa trong cuộc đấu tranh giữa thơ mới và thơ cũ. Khi thơ mới còn phôi thai, chính ông là người “tiên phong dẫn đầu khai phá”, lúc nó đã thu được quả ngọt, nó quay lại đả kích thơ cũ; chính Lưu Trọng Lư là người đau khổ, day dứt vì tư tưởng giữa hai thế hệ nhà thơ của dân tộc bị ngăn cách nên ông đã “trở về vườn thơ xưa với tâm hồn lưu luyến kính yêu”. Cuối cùng, ông là người gắn kết tiếng nói chung giữa hai thế hệ: “Cảm thông được lẽ ấy, Lưu Trọng Lư đã làm được hai trọng trách trước lịch sử văn học. Thứ nhất, vượt khó khăn vươn mình tới, dẫn đầu thế hệ trẻ tìm một nguồn sinh lực mới cho tâm hồn; thứ hai là phá hẳn mọi thành kiến, lấy tình cảm làm môi trường, hàn gắn vết thương đã rạn nứt trong cuộc “xung đột” tư tưởng mới cũ vừa qua” [119, tr.85].
Ở miền Bắc, quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX (do Phan Cự Đệ chủ biên) đã khái quát tác giả Lưu Trọng Lư ở các vai trò: nhà thơ, nhà lý luận phê bình, nhà báo, nhà viết kịch, người viết hồi kí. Đầu tiên, cuốn sách đã viết về con đường Lưu Trọng Lư đi đến với văn thơ: “Sau những ngày chán nản ở Quốc học Huế, Lưu Trọng Lư đã bỏ trường đến ở nhà Phan Bội Châu. Rồi ông cùng Hoài Thanh đến thăm nhà nho Võ Liêm Sơn trong một nếp nhà tranh tối om om gần cửa Đông Ba, ngâm ngợi những vần thơ tuyệt vọng trong Cô lâu mộng. Vẫn thấy đất trời tối tăm mù mịt, Lưu Trọng Lư bỏ ra Hà Nội thì nghe tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã thất bại. Người thanh niên đó bắt đầu cảm thấy “chán nản về những sự chính trị ồn ào”. Gặp một tình yêu không may mắn cộng thêm vào nữa (Tình điên), thế là ông bỏ nhà đi tu. Nhà tu hành trai trẻ ấy mang cả Đốt (Đôxtôiépxki) vào chùa để đọc, chắc lòng đời hãy còn nặng lắm. Tên cáo già Sogny nghi ông là cộng sản, bắt bỏ vào nhà lao. Thế là đã nương náu cửa Thiền mà đế quốc vẫn không để cho yên. Từ đấy, Lưu Trọng Lư đi hẳn vào con đường văn thơ” [41, tr.21].
Phan Cự Đệ cũng khẳng định vai trò nhiều mặt của Lưu Trọng Lư: “Lưu Trọng Lư là kiện tướng dũng cảm, tung hoành, sử dụng nhiều loại binh khí chống thơ cũ: đăng đàn diễn thuyết, viết báo và thể hiện rõ quan niệm nhân sinh và quan điểm nghệ thuật của mình: sầu, mộng, say, giang hồ phiêu lãng. Đó là tất cả Lưu Trọng Lư. Và tất cả được tắm trong một tình yêu mơ màng” [41, tr.453].
Các tác giả của Văn học Việt Nam thế kỷ XX còn khẳng định Lưu Trọng Lư là một người đa tài. Là một trong những tác giả của Văn chương và hành động, tuy Lưu Trọng Lư ủng hộ phái nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng cũng không quên vai trò xã hội của nhà văn. Ông “Ca ngợi văn chương muôn đời nhưng không phản đối văn chương tranh đấu một thời. Họ ca ngợi nhà văn đuổi theo cái Đẹp thuần túy nhưng không phản đối người cầm bút làm chính trị” [41, tr.25]. Nhà nghiên cứu nhắc lại ở những năm 30 của thế kỷ XX, khi cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh” diễn ra sôi nổi, trong quyển Văn chương và hành động, “Lưu Trọng Lư đã thống thiết kêu lên: “Một dân tộc khinh miệt cá nhân, không biết đến cá nhân, không
thể có được một nền văn chương phong phú là sự tất nhiên” và khẳng định:
“Tự do và thành thực là điều kiện cốt yếu để dựng lên một nền văn chương phong phú” [41, tr.692].
Cũng trong công trình này, các tác giả cũng cho rằng trong cuộc tranh luận về thơ mới - thơ cũ, Lưu Trọng Lư là một người đấu tranh sôi nổi cho một nền thơ ca tự do, ông đòi hỏi: “Tự do phát triển thi ca, đưa thi ca đến chỗ cao xa rộng lớn” (1932). “Người thanh niên Việt Nam ngày nay chỉ ao ước có một điều là được có một thi nhân hiểu thấu mình mà yên ủi mình, một bậc thiên tài lỗi lạc đi vào tận tâm hồn của mình, đến những chỗ cùng sâu, mà vạch những cái kín nhiệm, u uất, rồi đưa phả vào những cái âm điệu du dương, cho mình được nhẹ nhàng, thư thả”, họ muốn từ giã những “chính trị ồn ào”, “những mộng tưởng giả dối” (Người sơn nhân - 1933)” [41, tr.698].
Viết về Lưu Trọng Lư trong vai trò nhà báo, Phan Cự Đệ đã chỉ ra ngòi bút mang dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực, nhưng cái cốt lõi trong ông vẫn mang tâm hồn thi nhân: “Lưu Trọng Lư nhà báo đã dám cho đăng trên tờ Tân thiếu niên của mình bài thơ Con voi già của Huy Thông ca ngợi Phan Bội Châu và ký sự Đời cạo giấy của Vũ Trọng Phụng ca ngợi Ký Con Đoàn Trần Nghiệp là một vị anh hùng dân tộc, do đó báo ra số 1 thì bị thực dân cấm lưu hành, nhưng Lưu Trọng Lư thi sĩ thì vẫn đắm chìm trong mộng và tình, trong giang hồ phiêu lãng, như “con nai vàng” ngơ ngác giữa cuộc đời!” [41, tr.25].
Cuốn Lưu Trọng Lư - Về tác gia và tác phẩm của Hà Minh Đức - Nguyễn Văn Thành (tuyển chọn và giới thiệu) đã tập hợp các bài nghiên cứu về Lưu Trọng Lư được đăng trên các báo, tạp chí, được xuất bản (cả trước và sau Cách mạng) vào ba phần: Lưu Trọng Lư - Thơ và đời, Tác phẩm và dư luận, Hồi ức và kỷ niệm. Đây là cuốn sách tập hợp khá công phu, toàn diện các công trình nghiên cứu về sáng tác của Lưu Trọng Lư ở cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng, trong đó có những tài liệu mà chúng tôi đã lược thuật ở trên.
Bài viết Lưu Trọng Lư, người có công đầu trong phong trào Thơ mới (Tạp chí Văn học, số 5, ngày 9 - 10 - 1991), tác giả Lê Thị Đức Hạnh nhận định:
“Là một người đa tài, Lưu Trọng Lư đã làm thơ, viết tiểu thuyết, ký sự, hồi ký văn học, kịch thơ, kịch nói, tranh luận văn học,… ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp mang dấu ấn riêng” [119, tr.93]. Bài Nhà thơ Lưu Trọng Lư của Nguyễn Văn Long (viết Lời giới thiệu “Tuyển tập Lưu Trọng Lư”, Nxb Văn học, H., 1987) đã khẳng định Lưu Trọng Lư: “Chẳng những là một chiến sỹ tiên phong hăng say trong việc bảo vệ nền Thơ mới, Lưu Trọng Lư còn có một nhãn quan bén nhạy, cảm nhận trước tiên mọi trạng thái biến chuyển từng giai đoạn, trong lĩnh vực thi ca ông luôn luôn hướng dẫn tư tưởng của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ” [119, tr.221].
Điểm qua những tài liệu nghiên cứu sau 1945 về tác giả Lưu Trọng Lư, chúng tôi thấy Lưu Trọng Lư là người nghệ sỹ giành được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều tác giả ở cả hai miền Nam Bắc. Mảng văn xuôi tự sự của ông viết trước Cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục được đánh giá, nhìn nhận. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở những nhận xét khái quát nhất, chưa có sự phân tích, khảo sát một cách có hệ thống những tác phẩm văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư.