Nghiên cứu công bố sau 1945 về văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư thời kỳ trước Cách mạng

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 40 - 47)

Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.4. Nghiên cứu chuyên sâu về bộ phận văn xuôi tự sự sáng tác trước 1945 của Lưu Trọng Lư

1.4.2. Nghiên cứu công bố sau 1945 về văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư thời kỳ trước Cách mạng

Văn xuôi của Lưu Trọng Lư dù có số lượng tác phẩm khá lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa dành được sự quan tâm thỏa đáng. Thật dễ hiểu khi việc nghiên cứu đóng góp của văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước năm 1945 như một đối tượng chuyên biệt cũng chưa được đặt ra.

Trong cuốn Lưu Trọng Lư - Về tác gia và tác phẩm, Hà Minh Đức - Nguyễn Văn Thành đã tuyển chọn khá nhiều bài nghiên cứu về văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư. Đáng chú ý nhất là bài viết của Nguyễn Văn Long. Nhà nghiên cứu này đã có những nhận định khái quát đáng chú ý: “Lưu Trọng Lư viết văn xuôi khá sớm, cùng lúc với những bài thơ mới đầu tiên, tập truyện ngắn Người sơn nhân (1933) đã gây được sự chú ý. Trước Cách mạng, Lưu Trọng Lư đã viết hơn chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, nhiều tác phẩm đã in thành sách, một số là những chuyện dài đã đăng trên báo. Trong số đó, những tác phẩm còn có giá trị lâu dài có thể nói là không nhiều. Có

một lý do khá cơ bản là tác giả thường viết nhanh, viết vội, không mấy khi chăm sóc kĩ càng những trang văn xuôi của mình. (Trong xã hội Việt Nam hồi trước Cách mạng tháng Tám, để sống bằng ngòi bút thì việc phải đáp ứng những “commăng” của các ông chủ báo, chủ nhà xuất bản là điều dễ hiểu).

Nhưng lý do cũng còn ở chỗ khác, mà điều này mới là chủ yếu: ngòi bút của Lưu Trọng Lư không sở trường ở phía phát hiện và mô tả những quan hệ xã hội hiện thực, không mạnh ở năng lực quan sát và khắc họa chân dung, tính cách, xây dựng cốt truyện. Ở thể loại nào thì Lưu Trọng Lư cũng cứ “để lòng mình tràn lan trên trang giấy” [119, tr.205 - 206].

Tiếp đó, Nguyễn Văn Long phân tích tập truyện Người sơn nhân (1933) với ba truyện cụ thể gồm: Người sơn nhân, Con chim sổ lồng Ly tao tuyệt vọng để chỉ ra tiếng nói phản kháng, khát vọng tự do nhưng bế tắc của Người sơn nhân. Nhà nghiên cứu cho rằng Lưu Trọng Lư đã tiến gần bút pháp tả thực khi bày tỏ sự cảm thông, chua xót với thân phận của đứa trẻ nghèo trong Con chim sổ lồng hay đã dùng bút pháp lãng mạn để miêu tả thân phận những kẻ sĩ ở Ly tao tuyệt vọng. Kế đó, tác giả cũng phân tích Khói lam chiều (1935) để thấy được lòng trắc ẩn, sự cảm thông sâu sắc của Lưu Trọng Lư đối với số phận khổ đau của những người lao động nghèo và niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc chân chính của hai nhân vật Vịnh, Đối trong câu chuyện.

Nguyễn Văn Long cũng cho rằng: “Trong hơn mười năm sáng tác trước Cách mạng, Lưu Trọng Lư còn viết nhiều cuốn tiểu thuyết, nhưng phần nhiều vẫn là trong khuynh hướng lãng mạn thoát ly. Có tác phẩm khai thác những chuyện thần tiên ma quái (Huyền không động), nhiều cuốn khác đi vào những chuyện tình ái lãng mạn được thi vị hóa (Em là gái bên song cửa, Huế một buổi chiều…). Một vài tác phẩm khai thác đề tài lịch sử có phảng phất đôi chút tinh thần dân tộc (Con voi già của vua Hàm Nghi). Đáng chú ý hơn là những cuốn tiểu thuyết tự truyện mang tính chất hoài cổ (Chiếc cáng xanh, Dòng họ).

Ở đây, con người tác giả có dịp để bộc lộ, tự phân tích khi tách ra khỏi đời sống xung quanh để sống với những kỉ niệm về quê hương, gia đình, tuổi nhỏ”

[119, tr.206 - 207].

Năm 2011, nhà xuất bản Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây đã cho phát hành Lưu Trọng Lưu tác phẩm - Truyện ngắn, tiểu thuyết (trọn bộ hai tập). Là một trong hai người tham gia sưu tầm, biên soạn, Lại Nguyên Ân đã khơi dậy việc nghiên cứu văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư với bài viết mở đầu tập sách. Lại Nguyên Ân nhận định: “Lưu Trọng Lư được xem trước hết như một nhà thơ; nhưng thế giới thơ Lưu Trọng Lư thật ra không tách rời, mà ngược lại, có sự tiếp nối với thế giới văn xuôi do ông sáng tạo, đó là cuộc sống trong các truyện ngắn, truyện dài ông viết. Nhiều khi, một vài ý tưởng xúc cảm chỉ in gọn trong một vài câu thơ đoạn thơ, sẽ có âm vang rộng dài hơn, mà không chỉ một lần, trong các truyện ngắn, truyện dài” [95, tr.14]. Lịch sử nghiên cứu văn xuôi Lưu Trọng Lư đã được Lại Nguyên Ân miêu tả tương đối khái quát trong bài viết nêu trên. Lại Nguyên Ân nhắc lại các bài viết (có bài đánh giá cao, có bài đánh giá thấp văn xuôi Lưu Trọng Lư trước 1945) của Phan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ, Đỗ Đức Hiểu (chủ biên - mục từ Lưu Trọng Lư trong Từ điển văn học). Lại Nguyên Ân nêu nhận xét khái quát:

“Mặc dù chưa thể nói đã tìm được lại hết những tác phẩm văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư từng in trên sách báo đương thời tác giả, nhất là trong những khoảng năm 1933 - 1945, ta vẫn có thể nói rằng Lưu Trọng Lư là một trong những tác giả có số lượng tác phẩm văn xuôi tự sự khá phong phú, dưới dạng tác phẩm in sách hoặc tác phẩm đăng báo” [95, tr.12].

Nói về việc in ấn, giới thiệu sáng tác văn xuôi của Lưu Trọng Lư, Lại Nguyên Ân cho rằng: “Trong số những tác gia được ưu ái hưởng quy chế làm tuyển tập văn học của nền xuất bản thời bao cấp (1960 -1990), Lưu Trọng Lư cũng đã được tính đến (người ta biết, Lưu Trọng Lư là quan chức trong nền văn nghệ chính thống thời VNDCCH và CHXHNCVN), nhưng thuộc hàng sau, tức là được làm khá muộn. Rốt cuộc, một tuyển tập mỏng nhẹ đã ra mắt vào năm 1987, trong đó chỉ có khoảng 150/452 trang khổ nhỏ (13x19 cm) giành cho văn xuôi tự sự, với các truyện Con chim sổ lồng, Khói lam chiều, Chiếc cáng xanh (trích), Chiến khu Thừa Thiên (trích) và hai đoạn trích tùy bút [95, tr.11].

Lại Nguyên Ân nhấn mạnh việc nghiên cứu về văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư đã được “nhìn nhận” lại một cách thỏa đáng hơn trong thời gian gần đây: “Trong nỗ lực khắc phục chất “quan liêu đại khái” cố hữu của nền nghiên cứu văn học chính thống thời bao cấp, một số công trình kiểm kê, mô tả diện mạo sách báo văn học theo thể loại đã được thực hiện. Nhờ thế, một số trường hợp bị lãng quên, trong đó có văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư, được vớt vát ít nhiều. Chẳng hạn, cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) đã có 7 mục từ mô tả 7 tác phẩm tự sự của Lưu Trọng Lư (Người sơn nhân, Huyền không động, Con đười ươi, Nàng công chúa Huế, Huế một buổi chiều, Chiếc cáng xanh, Cô Nhung), kèm theo một thống kê 15 tác phẩm (cùng thể loại, trong đó có 7 tác phẩm kể trên) của tác gia này” [95, tr.11 - 12].

Lại Nguyên Ân còn phác họa những thay đổi trong quá trình sáng tác

“tiểu thuyết” của Lưu Trọng Lư trên phương diện đề tài: “Ban đầu, Lưu Trọng Lư thường viết các câu chuyện thần tiên, truyền kỳ vì gần gũi với “giọng điệu thơ lãng mạn”, “phù hợp với lời văn kể chuyện ước lệ” mà nhà văn thường dùng: “Đề tài hầu hết những truyện thần tiên này của Lưu Trọng Lư đều là tình yêu: những tình yêu không bị giới hạn bởi ranh giới tiên - tục, thần - người, thầy tu - gái điếm, v.v…, những tình yêu như là tham vọng sống sục sôi, làm thành động lực vô song của nhân vật, khiến họ thậm chí sẵn sàng đối mặt với cái chết, đối mặt những trừng phạt tàn khốc (Công chúa Lã Mai, Con đười ươi)” [95, tr.16].

Lại Nguyên Ân - tác giả của bài viết Văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư - còn chỉ ra “khả năng cảm nhận và biểu hiện đời sống đương thời” trong tác phẩm của nhà văn. Ông đánh giá tác phẩm Lưu Trọng Lư “chứa đựng một loại giá trị như những bằng cứ về màu sắc cụ thể của đời sống ở thời đại mình - điều mà ngay đương thời người ta còn chưa thấy rõ” [95, tr.16].

Cũng theo Lại Nguyên Ân, sáng tác của Lưu Trọng Lư mang đậm dấu ấn vùng miền: “Ở tác phẩm tự sự của Lưu Trọng Lư, người ta có thể cảm nhận được màu sắc, dáng vẻ cuộc sống thiên nhiên và con người ở ba vùng đất mà

ông từng sống và viết về chúng: vùng thôn quê đồi núi Quảng Bình quê hương ông; thành phố Huế; và thành phố Hà Nội” [95, tr.16]. Bên cạnh những đề tài hiện thực, phong tục... thì nổi bật nhất vẫn là tính chất lãng mạn: “Lãng mạn là nét phong cách khá nổi bật ở văn xuôi tự sự trước 1945 của Lưu Trọng Lư. Tất nhiên điều này không ngăn cản việc ở phần sáng tác này của ông, ta còn có thể tìm thấy những minh chứng về sự tố cáo những biểu hiện phi nhân tính, phản xã hội ở cuộc sống đương thời, - tức là những thuộc tính thường vẫn được gắn cho văn chương “tả thực phê phán”. Lại cũng có thể tìm thấy ở mảng sáng tác này của ông những trường đoạn, thậm chí gần như nguyên vẹn cả một tác phẩm cho thấy những tập tục sinh hoạt của cư dân Việt, từ tục phạt vạ gái chửa hoang (Khói lam chiều) đến tục chặn đường đám đón dâu để xin “cheo” (Chiếc cáng xanh), hoặc những quan hệ dòng tộc theo phụ hệ giành ưu thắng trong gia tộc (Dòng họ), v.v… nhưng cũng không dễ để có thể coi Lưu Trọng Lư như nhà văn phong tục” [95, tr.22].

Cũng trong bài viết này Lại Nguyên Ân còn đề cập thế giới nhân vật trong văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư. Ông đánh giá và khái quát các nhân vật chính trong các tác phẩm là “những con người thất bại”, từ đó chỉ ra nguyên nhân nhân vật chính thất bại trong tác phẩm của nhà văn: “Giải trình như hậu quả những cản ngại từ họ hàng, gia đình hay từ khác biệt tôn giáo” [95, tr.19].

Cuốn Từ điển văn học (Bộ mới) do Đỗ Đức Hiểu chủ biên mới chỉ có dẫn và kể tên một số tác phẩm văn xuôi trước Cách mạng của Lưu Trọng Lư nhưng chưa đánh giá cụ thể: “Ông còn viết nhiều truyện ngắn và truyện dài, đáng kể là các tập Người sơn nhân (1933), Khói lam chiềuChiếc cáng xanh (tự truyện - 1941)” [58, tr.905].

Quyển Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (tập 1 - từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) do Vũ Tuấn Anh - Bích Thu (chủ biên) trong “Thư mục tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến 1945” đã kể tên 15 tác phẩm của Lưu Trọng Lư, trong đó có 7/15 truyện được Lưu Khánh Thơ tóm tắt, nhận xét đánh giá. Chúng tôi xin lược thuật nhận định của Lưu Khánh Thơ về 7 tác phẩm của Lưu Trọng Lư như sau:

Về kết cấu cốt truyện: bên cạnh những truyện Lưu Khánh Thơ cho là

“ít chú ý cốt truyện”, “cốt truyện rời rạc”, “kết cấu tùy hứng”… nên thường có cấu trúc “lỏng lẻo” (Chiếc cáng xanh; Con đười ươi; Cô Nhung; Huế, một buổi chiều; Huyền không động) vẫn có những truyện có cốt truyện “hấp dẫn”, kể một cách “rõ ràng, mạch lạc”, có kết cấu “khéo léo, chặt chẽ”

(Nàng công chúa Huế, Người sơn nhân). Về cách miêu tả nhân vật: nhân vật thường hành động ít, chủ yếu nhân vật được Lưu Trọng Lư thể hiện qua

“những trạng thái tình cảm” cũng như “diễn biến tâm lý”. Còn tính cách của nhân vật thường: “Được bộc lộ chủ yếu qua đối thoại và những dòng suy nghĩ nội tâm” [4, tr.392].

Gần đây có một số đề tài luận văn thạc sĩ đã nghiên cứu về văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư. Trước hết là luận văn Phong cách văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư thời kỳ trước 1945 của chúng tôi (Trường Đại Vinh, 2012). Trong luận văn này, chúng tôi có tìm hiểu về tính lãng mạn trong cảm hứng sáng tạo và chọn lựa đề tài, sự ưu tiên thể hiện thế giới cảm xúc của con người và sự tiếp thu kinh nghiệm nghệ thuật của một số khuynh hướng sáng tác trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước 1945. Ngoài ra, có thể kể đến một số luận văn khác như: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư của tác giả Trần Hoài Ngọc (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2012); Đặc điểm truyện Lưu Trọng Lư của tác giả Lê Phương Thảo (Trường Đại Vinh, 2013)...

Nhìn chung, các công trình, bài viết và luận văn thạc sĩ nêu trên mới chỉ dừng lại ở nhận định khái quát, đi vào một số thể loại hoặc đánh giá phong cách văn xuôi tự sự của Lưu Trọng Lư. Chúng tôi trân trọng những ý kiến đi trước vì dù ít, dù nhiều, đã góp một tiếng nói có ý nghĩa cho việc nhìn lại văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư trước cách mạng tháng Tám. Thực hiện đề tài Đóng góp của văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư giai đoạn trước 1945, chúng tôi muốn góp tiếng nói đánh giá toàn diện, hệ thống một hiện tượng văn học của thời đã qua, nhằm làm sáng tỏ hơn vị trí văn học của Lưu Trọng Lư, mà do nguyên nhân này nguyên nhân khác, cho đến nay, vẫn chưa được nhìn nhận một cách thực sự thỏa đáng, công bình.

Tiểu kết chương 1

Chương 1 được chúng tôi triển khai qua bốn tiểu mục: 1.1. Nghiên cứu lý thuyết về văn xuôi tự sự; 1.2. Nghiên cứu về ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi tự sự Việt Nam nói riêng; 1.3. Nghiên cứu mang tính khái quát về vị trí Lưu Trọng Lư trong bức tranh chung của văn học Việt Nam trước 1945; 1.4. Nghiên cứu chuyên sâu về về bộ phận văn xuôi tự sự sáng tác trước 1945 của Lưu Trọng Lư.

Với tiểu mục thứ nhất, chúng tôi đi vào minh định khái niệm/ thuật ngữ văn xuôi tự sự - một khái niệm/ thuật ngữ có chức năng khoanh vùng bộ phận sáng tác thuộc loại hình tự sự được viết bằng hình thức văn xuôi và được định dạng trong nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết… Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khái niệm/ thuật ngữ này được hiểu khá thống nhất.

Đây là điều kiện thuận lợi giúp chúng tôi xác định được mẫu khảo sátđối tượng nghiên cứu của luận án. Với tiểu mục thứ hai, chúng tôi đã tiếp thu những gợi mở quý báu từ các công trình nghiên cứu có trước đối với nhiệm vụ nghiên cứu về đóng góp của văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư - những đóng góp được thực hiện trong một bối cảnh giao lưu văn hóa, văn học mang tính đặc thù. Với hai tiểu mục còn lại, chúng tôi muốn tổng hợp tình hình nghiên cứu về trước tác của Lưu Trọng Lư nói chung, văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư nói riêng. Thực tế cho thấy, những nghiên cứu về đóng góp của Lưu Trọng Lư đối với phong trào Thơ mới là rất phong phú và mang âm hưởng khẳng định. Thế nhưng, bộ phận văn xuôi tự sự của ông lại chưa được đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc và ý kiến cũng khá phân cực. Tình hình này đã được cải thiện hơn sau khi bộ sách Lưu Trọng Lư tác phẩm - truyện ngắn, tiểu thuyết (2 tập) do Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh biên soạn được ấn hành năm 2011. Đây là những cơ sở quan trọng để chúng tôi triển khai các luận điểm ở hai chương tiếp theo của luận án.

Chương 2

SỰ HÒA TRỘN CÁC KHUYNH HƯỚNG THẨM MỸ TRONG VĂN XUÔI TỰ SỰ LƯU TRỌNG LƯ TRƯỚC 1945

2.1. Một số khuynh hướng thẩm mỹ chính chi phối văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)