Những hình tượng nhân vật nổi bật

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 95 - 101)

Chương 3. DẤU ẤN CỦA VĂN XUÔI TỰ SỰ LƯU TRỌNG LƯ TRƯỚC 1945 Ở HỆ THỐNG ĐỀ TÀI VÀ HỆ THỐNG HÌNH TƯỢNG

3.1. Một số đề tài và hình tượng nổi bật của văn xuôi tự sự Việt Nam trước 1945

3.1.2. Những hình tượng nhân vật nổi bật

Khái niệm “con người nổi loạn” được chúng tôi dùng ở đây để chỉ một loại hình nhân vật khá đặc biệt của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Đó là loại nhân vật có cấu trúc nhân cách phức tạp, có những hành động khó lường theo quan niệm truyền thống, dám chống lại các khuôn phép đặt định cứng nhắc để theo đuổi tự do cá nhân. Khi xây dựng loại hình nhân vật này, các nhà văn Việt Nam rõ ràng có tiếp thu tư tưởng đề cao con người cá nhân trong văn học phương Tây. Giữa “con người nổi loạn” trong văn học Việt Nam và “con người nổi loạn” trong văn học phương Tây có nhiều điểm gần gũi, tuy nhiên, sự khác biệt vẫn rõ, do những mẫu hình con người ấy được hình thành dựa trên những tiền đề văn hóa, xã hội không giống nhau.

Hồ Biểu Chánh là tiểu thuyết gia có nhiều tác phẩm phỏng tác từ văn học phương Tây. Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, nhưng Hồ Biểu Chánh vẫn nhìn thấy một thực tế: con người cá nhân đang trỗi dậy mạnh mẽ, chống lại những khuôn khổ, nề nếp cũ. Nhiều nhân vật của ông đã phản ứng quyết liệt với gia đình, với lễ giáo để bảo vệ cho tình yêu. Lê Hiển Vinh, Thu Vân trong tiểu thuyết Chút phận linh đinh đã quyết định kết hôn bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ và bỏ đi. Nhưng rồi cuối cùng họ lại phải quay về trong vòng tay của gia đình phong kiến.

Các nhà văn Tự lực văn đoàn đã xây dựng nhân vật Mai trong Nửa chừng xuân như một con người nổi loạn. Mai dám đấu tranh để khẳng định cái tôi cá nhân trước gia đình phong kiến. Cô là người có nhan sắc, con nhà nế nếp nhưng gặp người mẹ chồng còn mang nặng tư tưởng lạc hậu, chọn con dâu phải môn đăng hộ đối. Bà Án quyết phá vỡ cuộc hôn nhân của Lộc và Mai. Trong tác phẩm, Mai dám vượt lên những rào cản của lễ nghi phong kiến, đấu tranh quyết liệt cho hạnh phúc, tình yêu tự do và bình đẳng.

Loan trong Đoạn tuyệt (Nhất Linh) đẩy cuộc đấu tranh mà Mai đã tiến hành lên một mức cao hơn. Cô phản ứng bà mẹ chồng cổ hủ ngay từ buổi đầu về nhà chồng. Cô đấu tranh kịch liệt để bảo vệ những giá trị mà mình theo đuổi.

Thoát án giết chồng, cô quyết định “đoạn tuyệt” với đại gia đình bà Phán để bước vào con đường tự lập, tự định đoạt hạnh phúc cho mình.

Từ 1936 trở đi, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn bước vào giai đoạn “khủng hoảng” (khái niệm này từng được dùng để chỉ sự “đi xuống” về tư tưởng và nghệ thuật của các sáng tác, nhưng hiện nay, nó đã chứa đựng một nội dung mới: chỉ sự xáo trộn trong quan niệm nghệ thuật và báo hiệu những đường hướng tìm tòi mới rất đáng biểu dương). Cuộc sống xã hội ngày càng ngột ngạt.

Trong bối cảnh đó, các tiểu thuyết gia trụ cột của Tự lực văn đoàn cho ra đời các tiểu thuyết “khác lạ” như Bướm trắng (Nhất Linh, 1941), Thanh Đức (Khái Hưng, 1943), miêu tả khá sống động kiểu người nổi loạn vô chính phủ, sống vô luân, trụy lạc, bệnh hoạn.

Lưu Trọng Lư gặp gỡ với Hồ Biểu Chánh trong Chút phận linh đinh, Hoàng Ngọc Phách trong Tố Tâm ở cách thể hiện sự nổi loạn nửa vời của nhân vật. Đôi nam nữ Thiệu và Quỳnh trong tiểu thuyết Bến cũ hẹn hò nhau bỏ trốn để thoát khỏi sự cản trở từ gia đình và tôn giáo: “Ta sẽ làm những việc thiện là sự hoài bão duy nhất của các vị giáo chủ, và để tỏ cho hết thẩy rằng: Ái tình cũng là một đạo giáo, nhưng không có một quy tắc hẹp hòi nào để ràng buộc kẻ tín đồ, mà nó chỉ theo một mệnh lệnh thiêng liêng, là cõi lòng” [95, tr.551]. Ngòi bút của Lưu Trọng Lư thật sự táo bạo khi ông để trong đêm tân hôn, Thiệu lén cưỡi ngựa để trốn đi cùng Quỳnh như lời giao hẹn qua thư từ trước của hai người, nhưng đến nơi thì Quỳnh đã tự tử bằng thuốc độc.

Huy trong tiểu thuyết Từ thiên đường xuống địa ngục tiêu biểu cho kiểu

“nổi loạn nửa vời”. Huy cưới vợ và hai vợ chồng chàng đều là những con người tân thời, nhưng cuộc sống vợ chồng Huy bị mẹ kiểm soát gắt gao, bản thân Huy bị cha mẹ ép ra làm quan trong khi chàng đã sớm ảnh hưởng luồng tư tưởng mới. Huy bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ làm quan lên Hà Nội. Nhưng rồi chàng gặp Kỉ và sa vào bàn đèn, ả đào. Sau gần một năm quay về nhà, vợ mất, còn mình thì thân tàn ma dại.

Trong những tiểu thuyết viết về thận phận người phụ nữ, Lưu Trọng Lư cũng đã thể hiện họ như những nhân vật mang tính cách nổi loạn. Chẳng hạn,

tiểu thư họ Phan trong Tàn một kiếp đã từ bỏ thân phận và cuộc sống giàu sang, phú quý để “quẩy bầu gánh” đi theo và làm vợ một anh Xẩm mù có tài đánh đàn. Nàng công chúa Lã Mai trong tiểu thuyết Công chúa Lã Mai trái ý vua cha, thà không lấy chồng chứ không chịu “lấy làm chồng, một người trong cái đám người tầm thường” [95, tr.258] mà nàng khinh bỉ.

3.1.2.2. Con người tha hóa

Con người tha hóa là loại hình nhân vật mà văn học giai đoạn trước 1945 nói chung, văn học hiện thực phê phán nói riêng hết sức quan tâm. Trong khi tập trung phản ánh sự tha hóa như một hiện tượng phổ biến trong xã hội thực dân nửa phong kiến, các nhà văn hiện thực phê phán đã thực sự xây dựng được những điển hình bất hủ, thể hiện sự phát triển của tư duy tiểu thuyết trong cách khám phá, miêu tả hiện thực, con người.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một thế giới tha hóa, dị dạng, vật hóa cao độ. Con người trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan bị tha hóa, méo mó, “vật hóa” một cách khủng khiếp. Có nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Công Hoan bị ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên. Nhìn vào hình tượng, đặc biệt là một số hình tượng nhân vật người nghèo, dễ nghĩ rằng ông cười cợt, mỉa mai họ. Nhưng cái chính là từ thực tế bi đát đó, ông kết án xã hội cũ một cách sâu sắc, mãnh liệt. Ông nhìn thấy một thực tế phổ biến: xã hội đã biến nhiều con người thành những con vật - người dị dạng (Hai cái bụng, Bữa no đòn...). Về phía những kẻ thống trị, bọn quan ông, quan bà, ông thường vẽ bằng những nét phóng đại, biếm họa. Bọn chúng tâm địa xấu xa, còn hình thức thì thường béo, phì nộn, khó coi. Nguyễn Công Hoan đúng là bậc thầy của nghệ thuật vẽ tranh biếm họa bằng ngôn từ.

Trong Giông tố, Trúng số độc đắc, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, nhiều nhân vật chính như Mịch, Long, Phúc, Huyền... đều là những kẻ tha hóa. Họ xuất thân là những trí thức có lòng tự trọng, những thiếu nữ nông dân trong trắng. Nhưng hoàn cảnh xã hội đen tối đã xô đẩy họ. Những lợi ích vật chất, tiền và tình đã cuốn trôi họ, khiến họ không thể cưỡng lại. Khi đã trượt dài vào vũng lầy, họ chỉ còn biết đổ cho số phận, đổ cho hoàn cảnh. Vũ Trọng Phụng nhìn

thấy thảm cảnh tha hóa phổ biến, nhưng điểm hạn chế của ông là không nhìn thấy và không tin vào lương tri, sức chống đỡ của con người.

Những nhân vật của Nam Cao phần lớn đều là những người lương thiện, nhưng do không đủ khả năng để chống lại những cạm bẫy của xã hội nên họ dần bị biến chất và tha hóa. Anh cu Lộ trong Tư cách mõ, vốn được sinh ra trong gia đình tử tế lại sống hiền lành, thật thà, biết chăm lo cho vợ con; nhưng khi cu Lộ bị ép làm mõ, từ một anh nông dân hiền lành, thật thà trở thành một tên mõ tham lam đê tiện. Nguyên nhân bắt nguồn từ những kẻ sống quanh anh, họ ghen ăn tức ở, đố kỵ, nham hiểm khi nhìn thấy anh cu Lộ từ ngày làm mõ mà trở nên khấm khá. Sự ganh ghét, lạnh nhạt và lòng khinh trọng của mọi người đối với anh đã tạo nên vết thương trong tâm hồn cu Lộ, anh cảm thấy xấu hổ và mặc cảm trước sự đối xử và hành động của mọi người. Để trả đũa, cu Lộ ngày càng trở nên tham lam và trơ trẽn, cũng từ đó anh trở thành một con người biến chất, tha hóa.

Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên lại mang bi kịch sinh ra là người nhưng không được làm người. Chí vốn là anh canh điền hiền lành, lương thiện nhưng đã bị xã hội phong kiến bóc lột, áp bức và vô cớ đẩy vào tù. Sau khi ra tù y trở thành con quỷ dữ ở làng Vũ Đại. Chí bị lưu manh hóa và trở thành tay sai đắc lực cho bọn cường hào ác bá trong làng. Từ đó, Chí sống trong vô thức, bị xã hội ruồng bỏ, bị hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính, bị tước đi quyền làm người. Cứ vậy, Chí Phèo triền miên trong cơn say. Đến khi Chí ý thức được cuộc sống xung quanh và khao khát có một tổ ấm gia đình thì chính xã hội đã không thừa nhận hắn, không cho hắn được trở thành con người lương thiện. Đó chính là bi kịch của con người bị cướp mất quyền làm người trong sáng tác của Nam Cao.

Nam Cao cũng miêu tả sự tha hóa của tầng lớp trí thức tiểu tư sản. Nhân vật Hộ trong Đời thừa vốn là một nhà văn có hoài bão lớn lao, sống đề cao tình thương và lòng bác ái. Anh muốn viết được những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị, dùng tình thương để cứu vớt cuộc đời người phụ nữ bất hạnh. Nhưng vì cuộc sống cơm áo, chính anh đã phải vội viết những trang văn hời hợt. Hơn

thế nữa, chính anh đã vi phạm lên lẽ sống tốt đẹp do mình đã đề ra, để rồi những khi tỉnh ngộ Hộ lại đau khổ, dằn vặt và tự cho mình là thằng “khốn nạn”.

Khác với nhiều nhà văn hiện thực, Lưu Trọng Lư ít chú ý giải thích nguyên nhân xã hội của sự tha hóa. Ông chỉ tập trung phản ánh thảm cảnh của tha hóa, chủ yếu với lớp thanh niên tân thời như Huy (Từ thiên đường đến địa ngục), Lương (Cô gái tân thời), Minh (Một người đau khổ). Từ những con người ít nhiều có hoài bão, họ nhanh chóng đầu hàng, chạy theo lối sống hưởng lạc. Nguyên nhân trước hết không phải do xã hội mà do lối sống hời hợt, dễ buông xuôi theo hoàn cảnh ở họ. Có lúc, nhà văn còn thi vị hóa lối sống giang hồ, hưởng lạc: “Phù dung đã cho chàng những cảm giác say sưa và mới lạ như đương ngồi ở trên một chiếc xe nhanh chóng băng mình một cách điên cuồng ở trong một xứ mà mình chưa bao giờ bước chân tới. Sự đau khổ làm cho người ta đâm mến cái khí vị giang hồ. Dầu rằng chưa đi đâu xa, Minh cũng đã bắt đầu nếm cái khí vị ấy, cái khí vị của những giờ vô định, những ngày không thường;

Minh đã có cái cốt cách của những người ghét những cảnh nề nếp quen thuộc quá tầm thường” [96, tr.746 - 747].

Trước Cách mạng tháng Tám, vấn đề con người tha hóa đã được nhiều nhà văn hiện thực phê phán quan tâm. Con người trong các tác phẩm hiện thực phê phán không đủ khả năng để vượt qua cạm bẫy xấu xa của xã hội. Lưu Trọng Lư góp thêm vào bức tranh chung những thanh niên tân thời, nam thanh nữ tú sống thiếu lý tưởng, buông thả, sa chân vào con đường trụy lạc bên con hát, bàn đèn.

3.1.2.3. Con người nạn nhân xã hội

Hình tượng con người nạn nhân xuất hiện tập trung trong sáng tác của các nhà văn thuộc khuynh hướng văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945. Các nhà văn thường quan tâm tới hình tượng những con người nhỏ bé bị chèn ép, bị tước đoạt quyền lợi, từ ruộng đất, miếng ăn cho tới quyền làm người.

Với tư duy duy vật, cắt nghĩa nguyên nhân nghèo đói, bất hạnh là từ xã hội, các nhà văn hiện thực phê phán đã mở rộng phạm vi phản ánh, đi sâu thể hiện cuộc sống cơ cực của nhiều tầng lớp trong xã hội, vạch ra các mâu thuẫn giai cấp chủ yếu. Trên đề tài nông dân, các nhà văn đã gặt hái được nhiều thành

tựu với Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Giông tố (Vũ Trọng Phụng), các truyện ngắn Nam Cao, Nguyên Hồng... Nhiều nhân vật như chị Dậu, anh Pha, Chí Phèo là tiêu biểu cho những người nông dân bị xã hội tước đoạt toàn diện. Trên đề tài trí thức, đời sống đô thị, văn học hiện thực phê phán cũng dựng lên nhiều thảm cảnh đau lòng. Những Hộ, Điền, Thứ (Nam Cao), Long, Phúc, Huyền (Vũ Trọng Phụng), bác Vuông, Huyền (Nguyễn Đình Lạp)... đều nhanh chóng trở thành những nạn nhân của một xã hội ngột ngạt, không cho con người được tồn tại, được sống đúng nghĩa con người.

Hình ảnh bà lão trong truyện ngắn Một bữa no (Nam Cao) vốn là một người hiền lành, nhân hậu, cuộc sống khiến bà phải lâm vào hoàn cảnh đói khát, bần cùng, cái đói làm bà đánh mất nhân phẩm. Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao cuối cùng phải tìm đến cái chết để giải thoát. Chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) giống như người đàn bà bị săn đuổi. Lúc còn sống với chồng con ở quê, chị bị địa chủ bắt nộp sưu cho cả người em trai chồng đã chết. Khi lên nhà vợ chồng Nghị Quế, chị bị bắt chẹt từng đồng qua màn bán con, bán chó. Tưởng chừng đã xong nhưng không ngờ chị còn bị Nghị Quế trả tiền thiếu, khi lên tới Phủ làm vú nuôi, chị lại bị chính cụ cố tuổi ngoài 80 dở trò dâm ô. Tám Bính (Bỉ vỏ - Nguyên Hồng) muốn sống cuộc đời lương thiện, nhưng càng cố bám lấy cuộc sống lương thiện thì lại càng bị xã hội dồn xuống vũng lầy trụy lạc.

Văn xuôi Lưu Trọng Lư cũng viết về những con người nạn nhân, nhưng họ trước hết là nạn nhân của những hủ tục, của thói xấu của những kẻ có quyền.

Nhân vật Nguyệt trong tiểu thuyết Cô Nguyệt kể lại cuộc đời làm vợ lẽ đầy những đọa đày, oan khuất bởi lòng ghen tuông của người vợ cả - cô ruột của Nguyệt. Cô Nhung trong tiểu thuyết cùng tên khi bị cha đọc được nhật kí và phát hiện những dấu hiệu kiểu “gái tân thời” liền bị cha đưa vào Huế ép gả cho một viên tri huyện trẻ. Lúc Đông (người yêu cũ) tìm cách gặp lại, Nhung một mực xin chàng quên mình đi, coi mình như kẻ đã chết. Nhiều nhân vật trong văn xuôi Lưu Trọng Lư là nạn nhân của chế độ phụ quyền, của kiểu ứng xử phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Và đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết trong tâm hồn của nhiều nhân vật.

Trong phần viết trên, chúng tôi đã điểm qua những đề tài và hình tượng nổi bật của văn xuôi tự sự Việt Nam trước 1945, với mục đích xác lập một trường quan sát rộng rãi trước khi đi vào tìm hiểu dấu ấn của Lưu Trọng Lưu trên phương diện này. Có thể thấy, nhiều đề tài được các nhà văn khác quan tâm cũng là những đề tài mà Lưu Trọng Lư thường đề cập và không ít hình tượng được nhiều cây bút đương thời chú tâm xây dựng cũng là những hình tượng rất hay gặp trong sáng tác của Lưu Trọng Lư. Rõ ràng, giữa các mà văn có sự chia sẻ những mối bận tâm nghệ thuật chung. Nhưng khẳng định điều này không đồng nghĩa với việc phủ nhận đóng góp của Lưu Trọng Lư. Ngược lại, công việc đó thúc đẩy chúng tôi bước tiếp một bước nữa nhằm nhận diện dấu ấn riêng của Lưu Trọng Lư trên bức tranh văn học tổng thể. Như vậy, ở hai phần viết sau đây, việc gọi tên, phân tích những đề tài chính và các loại hình tượng con người trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư cần được xem như sự định danh cho những khám phá, tìm tòi bộc lộ sở trường của nhà văn này rõ hơn cả và chính nó làm cho việc khái quát về các đề tài, hình tượng nổi bật trong văn xuôi tự sự Việt Nam trước 1945 trở thành những luận điểm mang tính gợi dẫn. Chúng hoàn toàn không mâu thuẫn mà thống nhất với nhau.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 95 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)