Những nghiên cứu công bố sau 1945

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 26 - 30)

Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Nghiên cứu về ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi tự sự Việt Nam nói riêng

1.2.2. Những nghiên cứu công bố sau 1945

Sau Cách mạng tháng Tám, vấn đề tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây ở nước ta vẫn được các nhà nghiên cứu tiếp tục quan tâm. Ở miền Nam có Bùi Đức Tịnh, Phạm Thế Ngũ…; ở miền Bắc có các tác giả như Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Đặng Anh Đào, Đào Duy Hiệp, Đỗ Lai Thúy…

Trong Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, thiểu thuyết & Thơ mới, tác giả Bùi Đức Tịnh đã khẳng định sự ảnh hưởng của văn học phương Tây tới văn học Việt Nam qua văn học Pháp bằng việc khảo sát nội dung một số truyện ngắn trong nền văn học Nam Bộ từ 1911 đến 1932: “Các truyện ngắn của giai đoạn đầu nền văn học Nam Bộ đã phản ánh khá rõ nét cuộc tiếp xúc giữa văn hóa dân tộc và văn hóa Pháp do nhà trường và lối sống dưới chế độ thuộc địa đưa vào. Văn hóa dân tộc đang phát triển bằng cách xóa bỏ những tư tưởng xưa cũ, những lề thói lạc hậu và tiếp nhận những đổi mới phù hợp với tinh thần dân tộc. Văn hóa do chế độ thuộc địa đưa vào dựa trên chủ nghĩa cá nhân và những tiện nghi của đời sống vật chất. Trong cuộc tiếp xúc giữa hai nền văn hóa, đã có sự bảo vệ văn hóa dân tộc, tiếp nhận đổi mới để tiến bộ và sự xung đột với văn hóa ngoại lai” [143, tr.126].

Còn khi nhận định về tiểu thuyết, cũng trong cuốn sách này, Bùi Đức Tịnh cho rằng: “Khi nói tiểu thuyết, chúng ta hiểu từ này theo định nghĩa tổng quát tiếp nhận của văn học phương Tây: tác phẩm kể lại một câu chuyện tưởng tượng khá dài, trong đó người kể tạo sự thích thú cho độc giả bằng những tình tiết gay cấn của câu chuyện, bằng cách trình bày những phong tục, tính tình, bằng sự phân tích những tâm tư và thái độ” [143, tr.157]. Theo định nghĩa này, Bùi Đức Tịnh đã khẳng định sự ảnh hưởng to lớn của tiểu thuyết phương Tây đến tiểu thuyết Việt Nam, kể cả trong quan niệm và thực tiễn sáng tác.

Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học giản ước tân biên rất chú ý bàn về ảnh hưởng của văn học phương Tây trong thơ và văn xuôi: “Sự hiểu biết về văn học Pháp qua giai đoạn này ở người đọc cũng như người viết đã vượt lên một mức cao hẳn. Những trường phái Pháp: lãng mạn, tả chân, tượng trưng, siêu thực đã lần lượt in dấu vết vào những sáng tác của ta. Ở Xuân Diệu, Huy Cận

người ta thấy vết tích Baudelaire, Verlaine, Khái Hưng đã chịu bao nhiêu ảnh hưởng của Anatone France. Người ta có thể phân tách cả một “gidisme” ở tiểu thuyết Việt Nam thời này từ Nhất Linh đến Nguyễn Tuân. Nhất là ra khỏi 1940 ảnh hưởng văn chương Pháp ngày càng mở rộng. Văn gia ta đã đi tìm mẫu mực qua cả các nền văn học Tây phương khác như Anh, Nga” [104, tr.419].

Điểm qua một số nhận định, chúng tôi thấy các nhà nghiên cứu đều thừa nhận ảnh hưởng của văn học phương Tây (qua trường hợp tiêu biểu là văn học Pháp) đối với văn học Việt Nam. Ngoài nghiên cứu ảnh hưởng chung như chúng tôi đã nêu ở trên thì các tác giả còn nghiên cứu những trường hợp cụ thể. Phạm Thế Ngũ có nhận định về văn của Phạm Duy Tốn: “Phạm Duy Tốn là nhà Tây học, chịu ảnh hưởng của văn Tây nhất là văn tả chân Pháp. Ông chỉ để ý miêu tả bằng dáng điệu bằng ngôn ngữ nhân vật. Những nét tả chân của ông thật ra đôi khi không khỏi bị phóng đại (làm ta nghĩ đến Nguyễn Công Hoan sau này) song vẫn đầy vẻ linh hoạt tự nhiên” [104, tr.328 - 329].

Qua nghiên cứu trường hợp Hồ Biểu Chánh, các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung, Phạm Thế Ngũ đã khẳng định các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như: Ai làm được, Chúa Tầu Kim Qui, Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa

được phỏng theo cốt truyện của phương Tây: “Ai làm được mô phỏng cuốn André Corlenis của Paul Bourget, thuật truyện một cô gái (Bạch Tuyết) nuôi chí báo thù cho mẹ, bị vợ bé của cha đầu độc. Chúa Tầu Kim Qui mô phỏng Le Comte de Mont-Cristo của Alexandre Dumas thuật truyện một thư sinh (Lê Thủ Nghĩa) bị một tên cường hào hãm hại lại gặp tham quan đồng lõa nên phải tù oan, song nhờ được quen với một người khách trong tù, trối lại cho một kho vàng ở đảo Kim Qui (gần đảo Phú Quốc) nên sau thoát tù lẻn ra đào lấy vàng, mua tàu, trở thành chúa tàu, rồi thi hành tất cả một chương trình báo phục cho đến thành công. Cay đắng mùi đời mô phỏng rất sát Sans famille của Hector Malot, thuật truyện lưu lạc của một đứa bé (thằng Được) con nhà giàu (con ông bà hội đồng Phan Thanh Nhàn), song bị vợ bé của cha âm mưu với chú đoạt gia tài, đem vứt bỏ ngay lúc sơ sinh, một người đàn bà nhà quê (chị Ba Thời) xí được đem về nuôi cho nó lớn lên, rồi trải qua lắm điều cay đắng, nó lò mò tìm ra

được gốc gác cùng gia đình. Ngọn cỏ gió đùa mô phỏng Les Misérables của Victor Hugo, thuật truyện một người dân quê cùng khổ (Lê Văn Đó) về đời Gia Long, Minh Mệnh, ăn cắp một trả cháo heo mà bị cả chục năm tù, sinh ra oán ghét nhà giàu, bất mãn với xã hội, nhưng nhờ sự đối xử phi thường của hòa thượng Chánh Tâm mà giác ngộ đạo từ bi, nghĩa nghiệp chướng, nên về sau đem cả cuộc đời ra làm hạnh phúc cho người khác - một thứ Jean Valjean Việt Nam vậy” [104, tr.358 - 359]. Lưu Trọng Lư là một tiểu thuyết gia sáng tác tác phẩm dưới dạng mô phỏng những cốt truyện đã có. Nếu Hồ Biểu Chánh phỏng tác theo tác phẩm của phương Tây thì Lưu Trọng Lư lại phỏng tác theo một số cốt truyện cổ.

Thời kỳ này, ảnh hưởng của văn học phương Tây không chỉ có trong văn xuôi mà còn có cả trong thơ. Trong quyển Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân đã phân tích sự ảnh hưởng của văn học phương Tây đến các nhà Thơ mới với những mức độ đậm nhạt khác nhau: “Chung quanh ngôi sao Thế Lữ châu tuần bao nhiêu hành tinh có tên và không tên, hầu hết các thi sĩ lớn nhỏ hồi bấy giờ: Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Đỗ Huy Nhiệm, Tường Bách, Lam Sơn, Việt Nữ Hoàng Hương Bình, Thụy An, Nguyễn Nhuệ Thủy, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Phi Yến, Lư Khê… cả những vì sao vốn ở một trời khác: Vân Đài, Đông Hồ, Mộng Tuyết, cũng ghé về chầu tuần một lúc. Cái vinh quang rực rỡ của Thế Lữ có lẽ đã khiến nhiều người thèm thuồng. Trong những người ấy có Huy Thông và Nguyễn Vỹ. Nguyễn Vỹ là người có chí cao nhưng tài mọn… cái mộng Tây hóa của trường thơ Bạch Nga (Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn) chỉ lưu lại có một bài “Sương rơi”.

Huy Thông khá hơn, đã đôi ba lần nhập tịch được vào thơ Việt cái không khí mơ màng của những vở kịch Shakespeare và cái giọng hùng tráng của Victor Hugo” [133, tr.34 - 35].

Lưu Trọng Lư tiếp nhận ảnh hưởng văn học phương Tây như thế nào thì chưa có phân tích cụ thể, chi tiết. Nhưng cũng đã có những nhận định khái quát về ông. Sách Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ tuy chỉ nhận xét về thơ Lưu Trọng Lư, nhưng nhận xét đó cũng có mặt đúng với văn

xuôi của ông: “Đối với ông, đổi mới chỉ là phá vỡ những trói buộc ấy, để tình cảm dồi dào trăm hình ngàn trạng của con người mới được tự do bộc lộ theo điệu tự nhiên, hồn nhiên... Tùy tình cảm mà tìm ra điệu thơ, diễn tả thi tứ bằng âm hưởng, bằng nhạc thơ, đó là cái đặc sắc lớn của Lưu Trọng Lư” [104, tr.583].

Trong một bài viết được tuyển vào Lưu Trọng Lư - Về tác gia tác phẩm, Hà Minh Đức cho rằng Lưu Trọng Lư là người chịu ảnh hưởng của thơ ca truyền thống nhưng vẫn đến với thơ ca hiện đại bằng một tinh thần lãng mạn, bằng tình và mộng: “Lưu Trọng Lư vẫn có ý thức giữ lại những đường dây tiếp nối giữa truyền thống, quá khứ và hiện tại. Lưu Trọng Lư là nhà thơ mới ít chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây. Lưu Trọng Lư vẫn đến được với thơ ca hiện đại nhưng lại theo một nẻo đường khác với Xuân Diệu, Huy Thông, Hàn Mặc Tử. Thơ Lưu Trọng Lư là một mạch từ nguồn thơ ca truyền thống, đặc biệt là giọng điệu, thể loại và ngôn từ. Nội dung của thơ Lưu Trọng Lư thường gắn với hai chữ sầu và mộng” [119, tr.16]. Do đó, những ai yêu thơ của Lưu Trọng Lư cũng đều nhận ra sự ảnh hưởng của thơ lãng mạn Pháp trong sáng tác của ông.

Đó là ảnh hưởng ở tinh thần lãng mạn, ở trạng thái mông lung bất định, trong cái tôi cá nhân mơ màng mộng ảo… tất cả được ông nắm bắt và đưa vào trong sáng tác. Chính vì điều này nên khi cuộc chiến giữa thơ cũ và thơ mới diễn ra, bên nào cũng có cớ để xếp Lưu Trọng Lư về chiến tuyến của mình. Tác giả Nguyễn Ngọc Thiện - Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) trong Tao đàn 1939 - Sưu tập trọn bộ tạp chí văn học của nhà xuất bản Tân Dân (tập 1) đã viết: “Thành ra khi họ dùng hai chữ thơ cũ, họ nghĩ đến Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và bao nhiêu tên rạng rỡ nữa; họ cũng có thể nghĩ đến Lưu Trọng Lư, Thái Can… kể như vậy cũng tiện! Trong các cuộc xung đột họ sẽ đưa những tên ấy ra làm hậu thuẫn thì ai còn dám đương đầu. Song bọn mới cũng chẳng vừa chi. Họ nhất định cướp cho được Lưu Trọng Lư, Thái Can… và dành luôn cả Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đỗ Phủ, Lý Bạch. Có gì đâu” [137, tr.48]. Nhận định nêu trên là một gợi ý để chúng tôi sọi rọi vào sáng tác của Lưu Trọng Lư, đặc biệt là văn xuôi tự sự trước 1945, trong đó có sự đan xen cả hai khuynh hướng thẩm mỹ: thẩm mỹ cổ điển và thẩm mỹ thị dân.

Khi bàn về ngôn ngữ thơ, Phan Cự Đệ cho rằng: ngôn ngữ trong thơ Lưu Trọng Lư ảnh hưởng của ngôn ngữ thơ Pháp. Đó là cách ông đi từ ngôn ngữ lãng mạn đến ngôn ngữ của thơ tượng trưng, siêu thực của thơ Pháp. Do đó, trong quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Phan Cự Đệ đã nhận định: “Họ tư duy bằng liên tưởng, bằng ấn tượng, bằng cảm giác, âm thanh, nhịp điệu, biến cái trừu tượng thành cụ thể, cái cụ thể thành trừu tượng. Để giãi bày tâm trạng, để tìm một sự thông cảm trong nỗi buồn, cô đơn, niềm ân ái, họ cần một ngôn ngữ gợi cảm, trong sáng, giàu hình ảnh, nhạc điệu lôi cuốn, say mê. Trước hết, những điều đó chúng ta thấy rất rõ trong ngôn ngữ thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương… Trong sáng tác của Lưu Trọng Lư chẳng hạn, tứ thơ đơn giản, nhưng lại gợi lên những bản nhạc êm ái, nhẹ nhàng” [41, tr.515].

Trong quyển Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Phan Cự Đệ (chủ biên), các tác giả đã kết hợp trích dẫn cuốn sách Văn chương và hành động (Lưu Trọng Lư viết chung với Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều) để khẳng định vai trò của cá nhân đối với văn học, và khẳng định điều này được khơi nguồn từ văn học phương Tây: “Một dân tộc khinh miệt cá nhân, không biết đến cá nhân, không thể có được một nền văn chương phong phú (Văn chương và hành động). Cần phải nhấn mạnh đây là tư tưởng có tính thời đại đã xuất hiện ở Đức, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và nhiều nước khác, đánh dấu sự ý thức về đặc trưng của văn học” [41, tr.692].

Như vậy, bên cạnh xác định sự ảnh hưởng của văn học phương Tây đối với văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì các nhà nghiên cứu còn tìm hiểu sự ảnh hưởng này ở một số gương mặt nhà văn cụ thể. Trong các gương mặt đó, có những nhận định bước đầu về Lưu Trọng Lư, chủ yếu là thơ ông.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)