Nét riêng của Lưu Trọng Lư với các nhà văn cùng thời trên vấn đề nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 136 - 139)

Chương 4. NHỮNG KIỂU LỰA CHỌN NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ

4.2. Nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

4.2.3. Nét riêng của Lưu Trọng Lư với các nhà văn cùng thời trên vấn đề nhào nặn chất liệu hiện thực theo hướng phong tục hóa

Trong văn xuôi Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, phản ánh hiện thực là nhiệm vụ trung tâm của dòng văn học hiện thực phê phán. Nam Cao đi vào khai thác vấn đề của cuộc sống không chỉ ở chiều rộng mà còn ở chiều sâu, mở rộng việc phản ánh hiện thực bằng những cách khai thác sâu sắc thế giới tâm hồn của con người. Cái gốc, nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực ở Nam Cao chính là chủ nghĩa nhân đạo. Phân tích, giải thích hiện thực bằng cách lý giải hành động nhân vật trên phương diện tâm lý.

Nếu các nhà văn hiện thực cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… miêu tả hiện thực tỉ mỉ với nhiều chi tiết thì Lưu Trọng Lư lại thực hiện công việc đó bằng bút pháp chấm phá. Lưu Trọng Lư không tập trung phê phán rõ ràng một xã hội, một giai tầng hay một thói hư tật xấu...

Nguyên nhân các bi kịch được thể hiện trong văn xuôi của ông không hẳn đến từ xã hội mà trước hết đến từ lối sống, ứng xử của các nhân vật. Những nhân vật của Lưu Trọng Lư cũng là những con người mới, được học trường Pháp Việt, ảnh hưởng lối sống Tây phương rõ nét. Họ có tình yêu trong sáng tự do của tuổi học trò. Tưởng rằng họ sẽ theo đuổi lối sống mới tới cùng, nhưng một khi bị gia đình lên tiếng ngăn cản, ngay lập tức những con người ấy ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Đó là Nhung trong tiểu thuyết Cô Nhung, khi bị cha phát hiện những dấu hiệu của gái tân thời, ông bắt cô thôi học và chuyển cô vào Huế rồi gả cho một viên quan trẻ, Nhung không một lời phản kháng, âm thầm rời xa người yêu và lên xe hoa. Nguyệt (Cô Nguyệt) cũng vậy, bằng lòng làm thê thiếp cho ông quan - dượng lấy cô ruột của mình, với một ý nghĩ thật thà là làm con phải đặt chữ hiếu làm đầu. Trong khi cô đang có mối tình trong sáng của tuổi học trò với Thanh. Anh chàng Thiệu (Bến cũ) yêu Quỳnh mà không dám thưa với cha mẹ, bằng lòng chấp nhận cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt để nhận lấy kêt cục bi thảm là người yêu phải tự tử bằng thuốc độc trong thời điểm hai người cùng hẹn nhau bỏ trốn. Những hậu quả đau buồn đó bắt nguồn từ thái độ đấu tranh nửa vời của người trong cuộc.

Cũng sử dụng chất liệu hiện thực cho truyện ngắn Con chim sổ lồng, ở đây Lưu Trọng Lư đưa người đọc quay về cuộc sống đô thị những năm 30 của thế kỷ trước. Trước hết là cảnh sống của một gia đình tiểu thương ở phố Cổ Hà Nội. Cậu bé Cạc sống với bố đẻ và người mẹ kế ở phố Hàng Đồng. Ban đầu, người cha làm hiệu cầm đồ chèn ép người ta mà lấy lãi rồi hết tiền lại mang đồ nhà đi cầm: “Cha nó và dì nó làm nghề cầm đồ, bóp nặn người ta mà lấy lãi. Nhưng đời, không cứ làm ăn ác nghiệt mới chóng giàu. Cha nó bị nhiều mẻ “quỵt” chết đứt xương, nên cửa hàng thấy một ngày một sa sút… Ngày trước, người ta đến cầm đồ nơi cha thằng Cạc, bây giờ lại đến phiên ông cầm đồ nơi khác. Có khi cầm không được, ông phải vác cả mâm, cả nồi trở lộn về” [95, tr.34 - 35]. Nhà văn cũng miêu tả cảnh đối xử tàn nhẫn của người mẹ kế đối với Cạc: “Dì nó coi nó như một thằng ăn báo. Nhưng thật ra nó có tốn cho ai một chút xíu gì đâu: ăn thì ăn cơm thừa, mặc thì mặc áo thải. Nó có cướp là cướp phần của con Vện con vàng chứ nó có cướp phần ai” [95, tr.35]. Thằng Cạc bỏ nhà đi và cuộc sống lang thang của những đứa trẻ bán báo khắp phố phường Hà Nội một thời đã được tái hiện từ đây.

Chúng rao các loại báo: “Hà thành Ngọ báo, Nông công thương báo, Phụ nữ thời đàm, chuyện cô Khim chim xừ Thám!” [95, tr.35]. Chúng sống lang thang, chạy khắp các ngõ ngách của phố phường để bán báo kiếm tiền nuôi thân: “Thằng Tín giao lại cho thằng Cạc một nữa xấp báo rồi hai đứa cùng chạy, vừa chạy vừa la:

Phụ nữ thời đàm, Hà thành Ngọ báo mỗi số 3 xu!”. Thế là thằng Cạc đã nghiễm nhiên thành một thằng bán báo rồi đấy. Nó không còn là đầy tớ của dì nó, của

“cậu nó” nữa. Nó sẽ là người của Hàng Bông, Hàng Trống, của Hà Nội, của trời, của đất, của gió, của bụi. Nó ăn dọc đường, ngủ ngoài thềm nhà báo” [95, tr.37].

Qua câu chuyện về gia đình Cạc và sự “sổ lồng” của cậu bé, Lưu Trọng Lư đã tái hiện sự bươn chải của những đứa trẻ bán báo, cuộc sống, thị hiếu đọc của một tầng lớp thị dân Hà Thành trước 1945.

Người đọc không thấy trong sáng tác của Lưu Trọng Lư cái mỉa mai cay độc, sự lạnh lùng của Vũ Trọng Phụng hay chất triết lí của Nam Cao. Đứng từ điểm nhìn của một nhà thơ nhiều mơ mộng, thái độ phê phán của Lưu Trọng Lư không gay gắt, không giằng xé. Viết về việc thiếu sưu thuế, Ngô Tất Tố đã để

chị Dậu phải dứt tình bán con gái đầu lòng (cùng ổ chó mới đẻ) để nộp sưu cho chồng. Cùng viết về một sự việc nhưng Lưu Trọng Lư lại đặt nhân vật trong mối quan hệ với chủ nhà. Từ đó, nhà văn tạo cho người đọc thấy một niềm tin vào sự dung hòa giai cấp. Nhân vật chị Vú em trong truyện ngắn Con vú em thiếu tiền nộp sưu cho chồng nên phải dứt ruột bỏ lại đứa con chưa đầy năm tháng tuổi để đi làm vú nuôi con người khác. Chủ nhà vô tình phát hiện ra một việc bất ngờ, đó là đêm nào, con vú em cũng lẻn ra lòi để tình tự với “tình nhân”. Nhưng sự thật là vì thương con, đêm đêm chị hẹn chồng bế con ra lòi gặp mẹ cho con qua cơn thèm sữa. Lưu Trọng Lư có cái kết độc đáo: ông bà chủ nhà đã ngẫm lại mình, thấy mình đối xử với chị vú em không bằng con vật. Nếu như ở tác phẩm của Nam Cao, hiện thực là đói, miếng ăn và sự áp bức thì hiện thực trong văn Lưu Trọng Lư lại không thiếu kết thúc có hậu. Ví như ở truyện vừa dẫn ở trên, ông bà chủ trả nốt bảy đồng bạc (theo giao kèo ở hết một năm mới được trả) cho vú em và để chị về với chồng và đứa con nhỏ.

Hiện thực trong văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư là những trạng huống, những bức tranh nho nhỏ về đời sống, không có cái rùng rợn và bão tố, không có cái sần sùi, gồ ghề kịch tính. Ngôn ngữ và giọng điệu trữ tình cũng vì thế là đặc trưng cơ bản của văn xuôi Lưu Trọng Lư. Không gân guốc, không đao to búa lớn nhưng đằng sau những dòng chữ lặng lẽ ấy là bao nhiêu dằn vặt về sự thức tỉnh nhân cách con người. Là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư chịu ảnh hưởng của trường phái lãng mạn, vì vậy tác phẩm của ông thức tỉnh niềm vui sống trong sâu thẳm con người. Giọng văn Lưu Trọng Lư có sức lôi cuốn rất riêng, đã diễn tả khá tinh tế những cung bậc tình cảm của nội tâm. Đó là nỗi buồn của Em là gái bên song cửa, niềm tin vào cuộc sống của Con vú em hay mơ ước được sống tự do của thằng Cạc trong Con chim sổ lồng. Bằng giọng văn đó, tác giả đã đánh thức miền ký ức của mỗi người, đánh thức những xúc cảm thầm kín nhất, sâu xa nhất về những kỷ niệm yêu dấu đã qua trong tâm hồn mỗi người.Vì vậy, văn xuôi tự sự Lưu Trọng Lư nhẹ nhàng và giàu chất thơ, không gân guốc hay nặng nề với những triết lí, những thói quen lật trở vấn đề một cách ráo riết.

Một phần của tài liệu Đóng Góp Của Văn Xuôi Tự Sự Lưu Trọng Lư Giai Đoạn Trước 1945 (Trang 136 - 139)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)