Nhìn chung, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong thời gian vừa qua gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, bắt nguồn từ cả các nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan. Cụ thể là:
3.3.3.1. Về nguyên nhân chủ quan
- Công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan điện tử chưa được tính toán kỹ lưỡng, khoa học, một phần do chưa tiên lượng hết được khối lượng công việc triển khai, năng lực chuyên môn của cơ quan được ký kết xây dựng phần mềm cũng như hạn chế về thời gian đã ảnh hưởng tới chất lượng, tiến độ xây dựng phần mềm.
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, chương trình phần mềm chưa được thử nghiệm đầy đủ trước khi vận hành… nên có nhiều phát sinh trục trặc.
- Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết chiếm nhiều quỹ thời gian, đặt lộ trình bị thay đổi, không đúng kế hoạch, gây tâm lý chờ đợi, hụt hẫng cho cán bộ công chức và cộng đồng doanh nghiệp;
- Việc trang bị bổ sung máy móc thiết bị cho các Chi cục thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử đòi hỏi phải tiến hành theo trình tự mua sắm, đấu thầu nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
- Công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của các Cục, Vụ, đơn vị chức năng, sự phối hợp của các đơn vị liên quan có lúc chưa được kịp thời và trách nhiệm.
- Các thủ tục đầu tư, xây dựng phần mềm, mua sắm trang thiết bị máy móc còn rất rườm rà, phức tạp, kéo dài ảnh hưởng tới tiến độ đáp ứng yêu cầu so với kế hoạch đặt ra, đặc biệt là thủ tục ký kết hợp đồng để nâng cấp phần mềm TTHQĐT chậm.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số đơn vị các cấp còn thiếu quyết liệt. 3.3.3.2. Về nguyên nhân khách quan
a) Các quy định, cơ sở hạ tầng, phần mềm nghiệp vụ
- Việc chuẩn hóa, mã hóa danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyên ngành của các Bộ, ngành chưa được thực hiện và cập nhật vào hệ thống nên tính tự động xử lý của hệ thống chưa cao;
- Chưa tích hợp tốt phần mềm khai điện tử với các phần mềm ứng dụng khác nên khi làm thủ tục, công chức hải quan phải thực hiện nhiều thao tác, phải chờ kết xuất dữ liệu lâu;
- Đường truyền từ doanh nghiệp đến Hải quan thông qua C-VAN không ổn định, tốc độ truyền nhận chậm, việc khắc phục các sự cố mất nhiều thời gian, gây tâm lý không tin tưởng, cho rằng làm thủ tục hải quan điện tử không thuận lợi, nhanh chóng bằng làm thủ tục hải quan thủ công.
- Hệ thống hạ tầng mạng viễn thông của quốc gia phát triển nhanh nhưng vẫn chưa ổn định, thiếu đồng bộ gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc truyền nhận dữ liệu giữa doanh nghiệp và hải quan.
-Việc cung cấp dịch vụ chữ ký số chậm, chưa đồng bộ dẫn đến cơ quan hải quan rất khó khăn trong việc triển khai chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử.
b) Việc phối hợp của tổ chức truyền nhận dữ liệu C-VAN
Thủ tục hải quan điện tử liên quan trực tiếp đến tốc độ đường truyền C-VAN mà trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện tốt. Đồng thời do chưa có sự ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng với C-VAN nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai, khắc phục những phát sinh, hỗ trợ vận hành, bảo trì… làm ảnh hưởng đến tốc độ, ưu thế của thủ tục hải quan điện tử.
c) Ý thức, quan điểm nhìn nhận của doanh nghiệp làm thủ tục hải quan điện tử
- Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ lợi ích lâu dài của thủ tục hải quan điện tử đem lại; Tư duy và cách thức làm việc của không ít doanh nghiệp vẫn theo phương thức, lối mòn cũ, ngại đầu tư thay đổi vì ảnh hưởng đến cách thức kinh doanh, có thể gian lận được khi làm theo kiểu cũ; Một số ít không muốn xáo trộn vì lo ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân… Trong khi phương thức làm thủ tục truyền thống vẫn được duy trì, thậm chí còn có nhiều cải tiến, thuận lợi không kém thủ tục hải quan điện tử. Đồng thời theo thống kê cho thấy, nước ta có số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm số lượng rất lớn. Rào cản lớn nhất để một doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thủ tục hải quan điện tử chính là chi phí: chi phí mua sắm thiết bị, phần mềm và đầu tư vào đội ngũ nhân viên chuyên ngành về công nghệ thông tin... Điều này thì cơ quan hải quan khó có thể can thiệp nên việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử còn khó khăn.
- Trong mở rộng thủ tục hải quan điện tử, đại lý khai thuê hải quan có vị trí quan trọng, tuy nhiên còn thiếu những quy định ưu đãi để họ tham gia, nhất là các quy định trách nhiệm, gây tâm lý nặng nề cho họ.
CHƯƠNG 4
GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUI TRÌNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT NHẬP KHẨU
TẠI CỤC HẢI QUAN TP HÀ NỘI VÀ VIỆT NAM 4.1. Mục đích xây dựng giải pháp
Việc xây dựng và thực hiện các giải pháp là nhằm những mục đích sau đây: - Tiếp tục hoàn thiện quy trình thủ tục HQ hiện tại, khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, tạo mọi điều kiện cho hoạt động XNK phát triển.
- Phát triển thủ tục HQĐT theo mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam: đa dạng hóa về loại hình, mở rộng quy mô về số lượng DN tham gia, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức HQ chính quy, hiện đại, trong sạch vững mạnh, có trình độ và phẩm chất đạo đức đáp ứng cho yêu cầu hiện đại hóa ngành HQ, hội nhập với HQ trong khu vực và quốc tế.
4.2. Căn cứ của các giải pháp
4.2.1. Xu thế phát triển của thế giới và hội nhập của Việt Nam
- Hiện nay, xu thế hội nhập của Việt Nam với khu vực và quốc tế là tất yếu khách quan. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia WTO . HQ Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của bộ máy Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, việc hội nhập của ngành HQ cũng là một xu thế tất yếu, khách quan.
- Xu thế phát triển của HQ quốc tế ngày nay là ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý một cách có hiệu quả. Việc ứng dụng thủ tục HQĐT là con đường phát triển của hầu hết các nước và là yêu cầu của HQ quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa.
- Việc thực hiện thí điểm thủ tục HQĐT tại Việt Nam là bước đột phá trong các bộ ngành trong việc triển khai Chính phủ điện tử, là cuộc tổng diễn tập để ngành HQ
tham gia vào tiến trình hội nhập chung với HQ các nước, nhất là các nước trong khu vực (Hiệp định khung E-Asean) và là bước chuẩn bị để Việt Nam gia nhập vào WTO.
4.2.2. Điều kiện và khả năng của đơn vị, ngành HQ
Các giải pháp được xây dựng dựa trên điều kiện và khả năng của ngành HQ nói chung và đơn vị Cục HQ Hà Nội nói riêng. Đó là cơ sở hạ tầng CNTT, hệ thống trang thiết bị chuyên ngành, nguồn nhân lực, nguồn tài chính phục vụ cho mục tiêu, chiến lược, kế hoạch hiện đại hóa ngành HQ.
4.2.3. Thực trạng thủ tục HQĐT
- Các giải pháp được xây dựng dựa trên thực tế triển khai thực hiện thí điểm thủ tục HQĐT tại Cục Hải quan Hà Nội trong thời gian qua.
- Căn cứ từ những bài học kinh nghiệm về sự thành công lẫn thất bại, những việc đã làm được, những việc chưa làm được cùng nguyên nhân của nó.
- Căn cứ vào những ưu điểm, những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại chưa được khắc phục, những nhân tố tác động đến toàn bộ quá trình thực hiện. Cụ thể là những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện là:
+ Cơ sở pháp lý
+ Hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT (hệ thống mạng, hệ thống thiết bị). + Nguồn nhân lực.
+ Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp + Áp dụng công cụ quản lý Hải quan hiệu quả + Các tồn tại khác
- Căn cứ kết quả điều tra nghiên cứu xã hội học từ cộng đồng DN và xã hội.
4.2.4. Cơ sở pháp lý quy định
Các giải pháp được xây dựng dựa trên các văn bản pháp lý quy định của Nhà nước về các lĩnh vực như Luật HQ, Luật thuế XNK, quy định về KTSTQ, QLRR, đại
lý HQ, thương mại điện tử, thu thập, xử lý thông tin, thủ tục HQĐT, xây dựng hệ thống chất lượng theo tiêu chuẩn ISO v.v...