Chương 2. THIẾT KẾ TÌNH HUỐNG THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC TOÁN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
2.2. Quy trình thiết kế tình huống thực tiễn trong dạy học toán
Dựa trên việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở chương 1, tham khảo những nghiên cứu về việc sử dụng yếu tố thực tiễn trong dạy học Đại số, Giải Tích, Hình học
của các nhà nghiên cứu trước như [3], [4], [32], [48], [55], kế thừa quy trình thiết kế tình huống học tập trong các tài liệu [9], [13], [21], … trong luận án này, chúng tôi đưa ra quy trình thiết kế THTT trong dạy học toán gồm 6 bước như sau:
Bước 1: Nghiên cứu mục tiêu, nội dung bài học;
Bước 2: Quan sát thực tiễn;
Bước 3: Lựa chọn mô hình phù hợp với mục tiêu dạy học, xây dựng tình huống;
Bước 4: Thảo luận, điều chỉnh tình huống;
Bước 5: Thử nghiệm tình huống;
Bước 6: Xác nhận tình huống.
Phân tích quy trình
Bước 1: Nghiên cứu mục tiêu, nội dung bài học
GV cần nghiên cứu sâu chương trình trong SGK, sách GV, sách tham khảo để xác định nội dung bài học, xác định được chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất mà HS sẽ đạt được sau khi học nội dung bài học này. Xác định được kiến thức trọng tâm của bài học, kiến thức mà HS đang có, kiến thức HS cần được bổ trợ để nắm được nội dung bài học; xác định được kỹ năng HS đang có, kỹ năng HS cần đạt được, xác định các ứng dụng của nội dung bài học trong cuộc sống.
GV cần nghiên cứu SGK để xem xét các tình huống cài đặt trong SGK đã đảm bảo việc dạy học kết nối toán học với thực tiễn chưa, xem xét các kiến thức toán học nào có thể lồng ghép, điều chỉnh, bổ sung yếu tố thực tiễn vào dạy học. Từ đó GV cần xác định những kiến thức nào có khả năng thiết kế thành tình huống, cũng như tính cần thiết, lợi ích của tình huống so với mục tiêu bài dạy. Ở bước này, GV cũng dự tính những chức năng nào của THTT có thể có được để định hướng trong việc thiết kế THTT.
Bước 2: Quan sát thực tiễn
Sau khi xác định được mục tiêu bài học, GV tiến hành quan sát thực tiễn cuộc sống, có thể đi đến các cơ sở sản xuất ở địa phương để tìm kiếm, lựa chọn những mô hình thực tiễn liên quan đến nội dung cần thiết kế tình huống ở bước 1, … phù hợp với điều kiện dạy học của mình. Ở bước này, tri thức kinh nghiệm rất có lợi cho GV, dựa trên kinh nghiệm, vốn sống đã có của mình GV sẽ nhanh chóng xác định được dạng thức thực tiễn nào chứa tri thức toán học ở bước 1 cần quan sát. Đôi khi, GV có thể quan sát, tham khảo các mô hình thực tiễn đã được các nhà nghiên cứu giáo dục xây dựng trước để tham khảo.
Bước 3: Lựa chọn mô hình phù hợp với mục tiêu dạy học, xây dựng tình huống GV lựa chọn mô hình toán từ những mô hình mình quan sát được phù hợp với mục đích dạy học để xây dựng tình huống, lựa chọn kiến thức, kỹ năng HS cần đạt được để phác thảo tình huống cần xây dựng.
GV xác định mục tiêu dạy học phù hợp với mô hình (hình thành, vận dụng, củng cố khái niệm hay định lý, quy tắc, …) để xây dựng tình huống dựa trên những thông tin thu thập được. Tình huống cần được xây dựng một cách hệ thống, lôgic, dựa trên những nguyên tắc xây dựng tình huống, đảm bảo chính xác, cụ thể, không quá khó, không quá dễ đối với HS đồng thời thể hiện được chức năng của TH trong quá trình dạy học sau này.
Trong quá trình xây dựng TH, GV cần phân tích trình độ nhận thức, kinh nghiệm, các đặc điểm tâm lý – xã hội của HS để dự đoán xác nhận những khó khăn của TH hoặc những trở ngại HS phải vượt qua. Dự kiến các câu hỏi, các phương tiện kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ HS giải quyết TH.
Bước 4: Thảo luận, điều chỉnh tình huống
GV có thể chia sẻ tình huống mình vừa xây dựng với các đồng nghiệp, các nhóm nghiên cứu để thu nhận những góp ý quý báu về nội dung, tính hợp lý, tính mạch lạc, tính phù hợp của tình huống. Thông qua các buổi seminar hoặc trao đổi, phỏng vấn các GV có nhiều kinh nghiệm cần làm rõ các yêu cầu cần thiết của TH mình thiết kế như: TH có làm sáng tỏ ý nghĩa của tri thức cần dạy? TH có đảm bảo gây hứng thú, kích thích cho HS?
TH có gần gũi với sự hiểu biết của HS? HS có dễ dàng chuyển TH sang mô hình Toán?
HS có giải quyết được vấn đề (bài toán) trong mô hình toán của TH? HS có thể lý giải được thực tiễn khi có kết quả từ mô hình? Tham khảo các dự đoán của GV trong tổ bộ môn và những GV có kinh nghiệm về những khó khăn bất cập, những pha không cần thiết trong TH để cắt gọt, chỉnh sửa tình huống.
Bước 5: Thử nghiệm tình huống
GV tiến hành thử nghiệm tình huống đã được chỉnh sửa ở bước 4 trên một nhóm nhỏ HS. Trong quá trình thử nghiệm, GV cần quan sát để trả lời được các câu hỏi: - HS có hứng thú với TH, - HS giải quyết được bao nhiêu câu hỏi của TH, - HS có mô hình hóa được TH, - HS có thấy được ý nghĩa của tri thức toán học ẩn chứa trong TH, ...? Từ đó xem xét tính khả thi của tình huống, trợ giúp nếu cần để HS giải quyết TH. Ở bước này HS phải thực hiện được quá trình mô hình hóa từ THTT chuyển sang bài toán, giải quyết được bài toán và giải đáp được vấn đề trong TH đặt ra.
Bước 6: Xác nhận tình huống
Dựa trên những kết quả quan sát được ở bước thử nghiệm tình huống, GV sẽ xác nhận xem TH có khả thi hay không, nếu HS giải quyết được TH (có thể cần sự hỗ trợ của GV) thì chấp nhận TH, ngược lại trong trường hợp HS không thể giải quyết TH (mặc dù đã có sự trợ giúp của GV) thì có thể thay thế, thiết kế lại TH.
Chú ý: Quy trình thiết kế các THTT sẽ cần phải gắn liền với một bối cảnh nhất định, và không phải mọi chủ đề hay mọi đơn vị kiến thức đều có thể tìm được các bối
cảnh tương ứng để thiết kế các THTT, việc liên hệ gượng ép có thể gây tác dụng ngược lại. Trong mỗi chủ đề GV nên nghiên cứu các đơn vị kiến thức đại diện cho chủ đề đó.