Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA VÀ TỔNG QUAN VỀ DI SẢN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH TẠI BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý di sản văn hóa
1.1.3. Khái niệm về di sản văn hóa Hồ Chí Minh
Trong điều 1, chương I của Luật Di sản văn hoá có quy định rõ khái niệm di sản văn hoá được hiểu như sau: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác” [42, tr.4].
Từ khái niệm trên, có thể hiểu di sản văn hoá gồm hai bộ phận di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể.
Tại khoản 1, điều 4, của Luật Di sản văn hoá được sửa đổi năm 2009 quy định rõ:
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác [42, tr.9].
Tại điều 4, chương I của Luật Di sản văn hoá cũng nêu ra: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” [42, tr.4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thăng hoa những gì ưu tú nhất, tốt đẹp nhất của dân tộc và thế giới nhân loại. Hồ Chí Minh, ở tầm vóc văn hóa và nhân cách lớn, là bậc Đại Trí, Đại Nhân, Đại Dũng.
Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa độc đáo, chung đúc những tinh hoa của dân tộc, của thời đại và thế giới nhân loại. Ở Người là một sự thống nhất hữu cơ giữa:
+ Con người với cuộc đời và sự nghiệp + Tư tưởng với phương pháp và phong cách + Đạo đức với lối sống và nhân cách.
Bởi vậy, để hiểu di sản Hồ Chí Minh phải có cách tiếp cận hệ thống, đa chiều và chung đúc trong một chỉnh thể trọn vẹn, toàn vẹn, thống nhất, nhất quán đến cao độ.
Như vậy, từ quan niệm đầy đủ và chân thực về “Di sản Hồ Chí Minh” phải nhìn nhận rằng, đó là tổng hợp từ toàn bộ hệ thống tư tưởng, từ hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú của Người và từ đạo đức nhân cách mẫu mực của Người, có ảnh hưởng quan trọng và vô cùng sâu sắc tới cuộc sống của mọi người dân, tới sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam, tới các dân tộc được thức tỉnh trong cuộc đấu tranh chống áp bức nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, trong cách mạng giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc trong thời đại ngày nay. Di sản Hồ Chí Minh nổi bật dòng tư tưởng
chủ đạo “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” – Phát kiến vĩ đại này đã mở ra ở Việt Nam một thời đại lịch sử oanh liệt, thời đại Hồ Chí Minh, hòa trong dòng lớn của thời đại quá độ từ Chủ nghĩa tư bản lên Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, được mở ra từ sau thắng lợi của cách mạng Tháng Mười Nga.
Di sản Hồ Chí Minh sống động bởi tấm gương đạo đức cao cả, vừa là tư tưởng đạo đức học Mác xít của Việt Nam hiện đại vừa là tấm gương đạo đức và thực hành đạo đức mẫu mực của Người với các chuẩn mực giá trị: Cần, kiệm, liêm, chính và các nguyên tắc ứng xử: Chí công – vô tư”.
Di sản Hồ Chí Minh là tổng hợp tất cả hệ thống tư tưởng lý luận của Người, thể hiện các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp của Người – với tư cách nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo – định hình thành đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng không chỉ tới cách mạng Việt Nam mà còn góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của phong trào cách mạng thế giới. Di sản Hồ Chí Minh còn là hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú của Người trong hơn 6 thập kỷ đấu tranh cách mạng, từ lúc tìm đường cứu dân cứu nước, chọn đường và nhận đường đến khi tìm thấy con đường cách mạng khi giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, theo đuổi đến cùng lý tưởng và mục tiêu Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản, sáng lập ra Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và các đoàn thể cách mạng, tổ chức lực lượng, gây dựng phong trào, đào tạo huấn luyện cán bộ, thực hành triết lý Thân dân và Chính tâm trong đạo làm người, phát triển từ Thân dân tới Dân chủ, từ chính tâm đến đạo đức cách mạng, đấu tranh chống Chủ nghĩa cá nhân – giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, trau dồi đạo đức cách mạng để suốt đời là đầy tớ, là công bộc trung thành, tận tụy của nhân dân.
Nói tóm lại, di sản Hồ Chí Minh là tất cả những gì mà Người sáng tạo ra từ những phát kiến lý luận, dự báo tương lai, đến xây dựng tổ chức – thể chế và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đến quan hệ của Người với dân, với Đảng, với Nhà nước, các đoàn thể và chế độ, quan hệ quốc tế thủy chung trong sáng, mẫu mực, đến đời tư
trong sáng, cuộc sống riêng giản dị… tất cả chung đúc lại tạo nên văn hóa – văn hóa chính trị, văn hóa dân chủ, văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử, lối sống giản dị, tinh tế, cao thượng của Hồ Chí Minh. Di sản Hồ Chí Minh làm sống động di sản truyền thống của dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa thế giới và thời đại.
Từ lý luận trên có thể định nghĩa di sản văn hóa Hồ Chí Minh là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần được Người tạo ra và để lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Di sản này được các thế hệ người Việt Nam và nhân loại tiến bộ gìn giữ, phát triển và truyền trao cho các thế hệ kế tiếp.
Di sản văn hóa vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh: bao gồm những đồ dùng, vật dụng, tặng phẩm… của Người để lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Di sản văn hóa phi vật thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh mà đặc biệt đó là nguồn xúc cảm cho các thế hệ người Việt Nam, nhân loại tiến bộ khi nghĩ và nói về Người.