Công tác tư liệu thư viện, in ấn xuất bản, tổ chức hội thảo

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di sản văn hóa hồ chí minh tại bảo tàng hồ chí minh (Trang 77 - 81)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH TẠI BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

2.2. Thực trạng quản lý di sản văn hóa phi vật thể

2.2.2. Công tác tư liệu thư viện, in ấn xuất bản, tổ chức hội thảo

Công tác nghiên cứu khoa học là hoạt động cơ bản, là mắt xích quan trọng trong hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh, tạo tiền đề cho nhiều khâu công tác khác của Bảo tàng. Ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được rải đều trong các khâu công tác của Bảo tàng, các bộ phận công tác đều có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp cơ sở.

Để tập trung trí tuệ tư vấn phương hướng hoạt động và chỉ đạo các hoạt động khoa học nói chung, Bảo tàng Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng tư vấn khoa học.

Hội đồng khoa học gồm một số nhà khoa học là giáo sư, tiến sỹ của các cơ quan nghiên cứu, trường Đại học và một số cán bộ tư vấn cho việc xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học cho cơ quan và đóng góp những ý kiến quyết định trong lĩnh vực chuyên ngành bảo tàng và nghiên cứu khoa học.

Từ năm 1990 đến nay, hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm… đã được bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện và các hoạt động khoa học đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đã tổ chức được nhiều hội nghị, hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực, như:

- Thông tin thư viện mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh (4/1992) - Về sự kiện Bác Hồ thăm đền Hùng tháng 9 năm 1954 (5/1992);

- Nghiên cứu các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước (8/1995);

- Nghiên cứu đổi mới trưng bày bảo tàng Hồ Chí Minh (10/1997);

- Tình hữu nghị Việt - Lào truyền thống và triển vọng (7/2002);

- Chủ tịch Hồ CHí Minh với sự nghiệp giáo dục (10/2003);

- Hoạt động của bảo tàng trong sự nghệp đổi mới đất nước (01/2004);

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh (5/2005);

- Nghiên cứu, xác định tư liệu và địa chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở nước ngoài từ 1911 đến 1941 (3/2009);

- Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/2011)…

Các cuộc Hội thảo khoa học do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức hay phối hợp với một số cơ quan, địa phương tổ chức đều nhằm mục tiêu làm rõ tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giúp nhiều cho các khâu công tác khác của Bảo tàng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ khoa học của Bảo tàng qua các cuộc hội thảo cũng học tập và rèn luyện nên ngày càng trưởng thành, vững về chuyên môn, xứng đáng là trụ cột, là niềm tin của một trong những trung tâm lớn nghiên cứu, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu đổi mới các hoạt động chuyên môn của bảo tàng và di tích lưu niệm. Đã thực hiện được nhiều đề tài cấp Bộ và đề tài khoa học cấp cơ sở, khi nghiệm thu được đánh giá tốt. Kết quả nghiên cứu được vận dụng vào thực tiễn tại bảo tàng cũng như trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn khoa học nghiệp vụ đối với các bảo tàng chi nhánh và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như:

- Nghiên cứu định hướng trưng bày trong các chi nhánh thuộc hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh (1995-1996);

- Nghiên cứu ứng dụng điều kiện khí hậu, vi khí hậu bảo quản hiện vật kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh (1997);

- Nghiên cứu nhằm đổi mới trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh (1996-1999);

- Ứng dụng kết quả nghiên cứu và trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh vào việc tuyên truyền giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các trường phổ thông (2003-2004);

- Nghiên cứu, hệ thống hóa về hoạt động của Nguyễn Ái quốc ở Liên Xô, 1923-1938, năm 2005-2006;

- Nghiên cứu, tư liệu hóa sưu tập tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa công bố hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (2007-2008);

- Nghiên cứu, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các Bảo tàng và Di tích lưu niệm thuộc hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh (2009-2010)…

Đồng thời các hoạt động trên, công tác xuất bản ngày càng được chú trọng.

Số lượng sách xuất bản tăng lên hàng năm. Các sách chuyên đề: Hồ Chí Minh về văn hóa, năm 1997; Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, năm 1999; Hồ Chí minh về xây dựng chỉnh đốn Đảng, năm 1999 đã phục vụ kịp thời việc học tập Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Chương trình: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về Xây dựng chỉnh đốn Đảng…

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã bổ sung nhiều tài liệu cho các bộ sách: Hồ Chí Minh toàn tập, từ lần xuất bản đầu tiên năm 1980, đến các lần tái bản sau. Riêng bộ Hồ Chí Minh toàn tập dự kiến tái bản năm 2010, với 15 tập, bảo tàng đã góp phần hàng ngàn trang tài liệu mới. Đồng thời Bảo tàng cũng đóng góp nhiều tài liệu để biên soạn bộ sách Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, góp ý bổ sung cho các lần tái bản bộ sách này. Bên cạnh đó Bảo tàng cũng chủ động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách khác, với nguồn tài liệu tin cậy, biên soạn công phu, chất lượng như: Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Sách ảnh);

Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ; Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong (1931-1933) – tư liệu và hình ảnh; Hồ Chí Minh - Chuyện kể dọc đường cách mạng; Tiểu sử Hồ Chí Minh; Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước; Trái đất nặng ân tình nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh… Trong đó, nhiều cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, được bạn đọc hoan nghênh, đánh giá cao.

Năm 2011, biên tập, xuất bản sách “Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc”, “Hồ Chí Minh vị đại sứ Việt Nam trên khắp toàn cầu”, “Vũ Kỳ tuyển tập”

đồng thời tổ chức và phối hợp nhiều cuộc hội thảo, hội nghị khoa học.

Năm 2012, xuất bản Đặc san Thông tin tư liệu số 34, 35, 36, 37. Hoàn thành việc viết phiếu và nhập máy các sự kiện trong Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh và các bài trong Đặc san Thông tin tư liệu từ đầu năm 2012. Tổ chức toạ đàm khoa học về tài liệu “Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ”. Đồng thời phục vụ 2.199 lượt bạn đọc đến nghiên cứu tại thư viện và kho tư liệu. Tập hợp, viết phiếu, scan, thông tin hơn 2.021 bài viết về Bác. Nhập máy tính thư viện 2021 biểu ghi bài báo, tạp chí.

Từ tháng 5/2003, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cho ra một ấn phẩm mới, đó là Nội san Thông tin tư liệu (từ số 26, tháng 2/2010 đổi là Đặc san), ra thường kỳ 3 tháng/ 1 số. Nội san đã được bạn đọc, các nhà nghiên cứu đón nhận và khích lệ động viên. Tuy nội dung của Nội san chưa thật sự phong phú, chất lượng bài viết chưa sâu, nhưng những nội dung thông tin tư liệu, đính chính, trao đổi, giới thiệu sách rất cần thiết đối với cán bộ của Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong năm 2013, Bảo tàng đã tổ chức 05 cuộc hội thảo và xuất bản 04 đầu sách và 04 số Thông tin tư liệu bảo tàng. Trong 4 đầu sách có 02 cuốn: Hồ Chí Minh với nước Nga, Hội thảo 90 năm Hồ Chí Minh đến nước Nga đã được đặt hàng của Ban tuyên giáo TW và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Năm 2016, Bảo tàng phục vụ 667 lượt bạn đọc với 2.107 đầu tài liệu; cập nhật 123 tin, bài lên Website của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Số lượng khách truy cập trang web của Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2016 là 8.362.145 lượt.

Có thể nói rằng, nhờ định hướng đúng, kịp thời và xác định rõ đối tượng các tài liệu, hiện vật cần sưu tầm, trong nhiều năm qua Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thu thập, bổ sung ngày càng nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðặc biệt là đã cung cấp nhiều tài liệu, sự kiện mới cho việc biên soạn các bộ sách và những công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Người như: Hồ Chí Minh Toàn tập, Hồ Chí Minh Tuyển tập, Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh Tiểu sử... Bảo tàng

đã biên soạn và xuất bản hàng chục đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di sản văn hóa hồ chí minh tại bảo tàng hồ chí minh (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)