Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH TẠI BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
2.2. Thực trạng quản lý di sản văn hóa phi vật thể
2.2.1. Công tác tuyên truyền hướng dẫn khách tham quan
Bảo tàng Hồ Chí Minh từ khi mới thành lập đã được giao phó trọng trách rất quan trọng như Nghị định số 375/CP ngày 15-10-1979 đã nêu rõ: “Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu những tài liệu, hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người và tuyên truyền, giáo dục quần chúng về sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người thông qua nhưng tài liệu, hiện vật và di tích lịch sử đó”. Đảng và Nhà nước ta mong muốn: Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cộng sản mẫu mực và chiến sĩ quốc tế kiên cường, trong sáng, thủy chung, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về tư tưởng trí tuệ, về nhân cách, đạo đức lối sống cho các thế hệ người Việt Nam.
Hơn 40 năm qua với mọi nỗ lực, cố gắng không ngừng phấn đấu để đạt được những kết quả trong công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh của tập thể cán bộ, công chức và người lao động của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) khẳng định: Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động. Với chức năng là nơi giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quý giá của dân tộc, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tập trung nghiên cứu, khai thác một cách triệt để nhất nội dung trưng bày qua các tài liệu, hiện vật của Bảo tàng để truyền đạt đến công chúng. Điều đáng lưu ý ở đây là: Trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh được thể hiện theo niên biên sự kiện về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên cách trưng bày này còn khó khăn cho việc nghiên cứu, giới thiệu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh trong những suy nghĩ, hành động và những cống hiến của Người cho cách mạng, cho sự nghiệp của đất nước. Do vậy mặc dù trưng bày không thể hiện theo chuyên đề nhưng cán bộ thuyết minh của Bảo tàng bằng phương pháp giới thiệu từ diễn dịch đến quy nạp và bằng trực quan sinh động có thể đem đến cho khách tham quan tiếp nhận được lượng thông tin chính xác về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu trong chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 27-11-1990, đã nhận xét: “Cụ Hồ là nhà yêu nước, một người cách mạng, một nhà triết học lớn. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh nói lên được tư tưởng chính trị và triết học của Cụ Hồ. Dân tộc Việt Nam tự hào có một vĩ nhân của nhân loại. Trong tương lai vấn đề dân tộc - độc lập tự do nổi lên bao nhiêu thì tư tưởng của Cụ Hồ càng sáng tỏ bấy nhiêu”.
Với phương pháp giới thiệu kết hợp với các sự kiện lịch sử với các tài liệu hiện vật cụ thể và những biểu tượng nghệ thuật thông qua trưng bày các chuyên đề về thế giới có thể thấy đóng góp của của lãnh tụ Hồ Chí Minh với Đảng cộng sản, với Nhà nước và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội, trong đó có vấn đề đối ngoại. Tư tưởng Hồ Chí Minh nổi lên thông qua những tác phẩm lý luận và hoạt động thực tiễn của Người qua các tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng trở thành cầu nối cho sự hiểu biết sâu sắc hơn không chỉ cho người Việt Nam mà cho cả khách nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Suthi Chai Youn - Tổng biên tập tập đoàn xuất bản Quốc gia Băng Cốc,Thái Lan đã để lại cảm nhận của mình sau chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 18/12/1990 như
sau: “Đoàn đại biểu chúng tôi có ấn tượng sâu sắc về sự hiểu biết rất rõ ràng và sâu sắc về lịch sử và cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng tôi lớp người của thế hệ sau chắc chắn có thể học được những bài học quý báu từ sự cống hiến, lòng quyết tâm và tình yêu Người dành cho dân tộc, đất nước và những con người đang đấu tranh vì tự do và hòa bình trên thế giới…”[5, tr.263].
Khách tham quan từ nhiều nước trên thế giới đều có một cảm nhận chung:
Bảo tàng Hồ Chí Minh chính là nơi mà họ được hiểu một cách cụ thể nhất, đầy đủ nhất về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu cao hơn của công chúng về tư tưởng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thường xuyên chú trọng nâng cao hiệu của công tác tuyên truyền.
Công việc trước hết đó là thường xuyên có sự bổ sung chỉnh lý nội dung trưng bày. Việc bổ sung dựa trên các tài liệu hiện vật mới, những tài liệu hiện vật đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, những sự kiện trọng đại của đất nước. Ví dụ:
năm 1997, để phục vụ tốt cho khách tham quan dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VII các nước có sử dụng tiếng Pháp, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chỉnh lý trưng bày và bổ sung tài liệu hiện vật mới. Việc chỉnh lý bổ sung đó nhằm nêu bật tư tưởng ngoại giao của Người. Trong một tuần đã có 20 đoàn đại biểu của Hội nghị đến tham quan Bảo tàng, trong đó có nhiều Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn hóa.
Ông Bernard Zaziza Ourou - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Côt - đi - voa đã viết:
“Chúng tôi có một niềm vui thầm lặng được thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi là một thành viên của thế hệ người châu Phi, những người đã ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đạo đức, ý chí kiên cường và lòng yêu nước phi thường của Bác Hồ luôn trong chúng tôi và còn là bài học cao quý. Nhân dân Việt Nam có may mắn đặc biệt là có được người lãnh đạo như thế” [5, tr.264].
Như vậy, thông qua việc chỉnh lý bổ sung trưng bày, kết hợp với hướng dẫn, giới thiệu, công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng đi về chiều sâu, đáp ứng ngày càng được nhiều hơn nhu cầu học tập của khách trong nước và quốc
tế. Nếu như năm 1990 số lượt vào tham Bảo tàng Hồ Chí Minh là 943.528 người thì năm 2000 lên tới 1.668.470 người năm 2004. Để hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng “chuyên đề” nhưng chưa thể là trưng bày chuyên đề thuyết minh về tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ trương của Bảo tàng quán triệt đến cán bộ làm công tác thuyết minh nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ và tăng hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Công việc này đã được bắt đầu từ những năm 1994 và đến nay đang tiếp tục bổ sung và hoàn thiện. Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh đang được biên tập xuất bản thành sách để phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền như chuyên đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và về Đảng Cộng sản Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số tài liệu được soạn thảo thuyết minh theo đối tượng khách trong nước và quốc tế…
Năm 2012, đón 1.137.519 khách tham trong đó có 229.063 khách nước ngoài, thuyết minh phục vụ 2.268 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số người là 54.694 lượt người
Năm 2013 đón 1.179.913 khách tham trong đó có 252.463 khách nước ngoài.
Năm 2015, Bảo tàng đón tiếp và phục vụ 1.292.151 lượt khách trong đó số khách nước ngoài: 266.573 khách.
Năm 2016, Bảo tàng đón tiếp và phục vụ 1.234.167 lượt khách, trong đó, số khách nước ngoài: 222.098 (tính theo số lượng vé bán). Thuyết minh phục vụ 2.484 lượt đoàn khách trong và ngoài nước với tổng số 49.282 người, trong đó có 438 lượt đoàn với 21.360 người đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm chính trị, các cơ quan đoàn thể,… nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh; Tổ chức 07 cuộc nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài Bảo tàng. Phòng Khám phá đón, phục vụ 3.643 khách, trong đó có 831 khách quốc tế và 2.812 khách Việt Nam.
Bước sang thế kỷ XXI, nhiệm vụ của Bảo tàng càng vinh dự và nặng nề hơn.
Chỉ tiêu đặt ra: Nếu như trước đây, trong số một triệu lượt người đến Bảo tàng có gần 200.000 người được hướng dẫn thuyết minh thì tương lai con số đó phải được tăng lên
là 400.000 người được nghe thuyết minh. Bên cạnh đó cần chỉnh lý trưng bày để giúp khách tham quan tự do có thể hiểu đầy đủ hơn giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng: Di sản tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh soi đường cho quốc dân đi, bảo tàng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ cố gắng nỗ lực để thực sự trở thành một trung tâm giáo dục lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt Nam và sẽ là nơi tuyên truyền và đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là chiếc cầu nối liền khách quốc tế và du lịch đến với Việt Nam.