Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH TẠI BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH
2.1. Thực trạng quản lý di sản văn hóa vật thể
2.1.1. Công tác sưu tầm hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng là công tác nghiên cứu, phát hiện thu thập và lựa chọn những hiện vật gốc tiêu biểu, điển hình mang giá trị bảo tàng về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, về con người và môi trường tồn tại xung quanh con người theo phương pháp khoa học tùy theo nội dung và loại hình của bảo tàng và là công tác bổ sung thường xuyên cho kho cơ sở của bảo tàng.
Công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng là khâu công tác nghiệp vụ cơ bản quan trọng và có vai trò vị trí đặc biệt trong toàn bộ hoạt động bảo tàng, nó gắn kết các khâu công tác khác như công tác nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giáo dục thành chính thể bảo tàng, để bảo tàng tồn tại và phát triển. Nếu không có công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng thì không có hiện vật bảo tàng, mà hiện vật bảo tàng là cơ sở vật chất cho mọi hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Bên cạnh đó, các tài liệu hiện vật gốc là những bằng chứng phản ánh trung thực những khía cạnh của lịch sử, chúng là nguồn sử liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và phổ biến trí thức.
Mặt khác, công tác sưu tầm có vai trò chuẩn bị cho sự ra đời của bảo tàng, song khi bảo tàng đã ổn định trưng bày cũng vẫn cần được đẩy mạnh để không ngừng bổ sung làm giàu cho kho cơ sở, chỉnh lý và mở rộng nội dung trưng bày.
Nhận thấy tầm quan trọng đó nên ngay từ những ngày đầu hoạt động Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt tới công tác sưu tầm, tìm kiếm thu thập những tài liệu hiện vật gốc liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Người qua đời, nhiều khối tài liệu hiện vật, phim ảnh… được lưu giữ và bảo quản ngay tại khu di tích Phủ Chủ tịch – nơi sinh thời Người từng ở và làm việc. Tuy nhiên, còn một số lượng lớn các tài liệu hiện vật vẫn
còn nằm ở nhiều nơi, do các cá nhân, cơ quan, tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước hiện lưu giữ mà bảo tàng chưa có được. Do vậy, mục tiêu đặt ra là phải khẩn trương sưu tầm tài liệu, hiện vật các giai đoạn còn chưa đầy đủ, bổ sung kho cơ sở và tập trung tài liệu, hiện vật về một nơi bảo quản tránh thất thoát và hư hỏng.
Những tài liệu hiện vật gốc sưu tầm về được nhập kho cơ sở trở thành tài sản cố định quan trọng của bảo tàng, cung cấp tư liệu cho các hoạt động của bảo tàng từ nghiên cứu khoa học cho đến tổ chức trưng bày, triển lãm… Nhằm đáp ứng nhiệm vụ đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch sưu tầm thường xuyên để đưa ra những hiện vật gốc có giá trị bảo tàng về kho cơ sở, bởi bảo tàng không coi kho cơ sở là đầy đủ mà phải dần được hoàn thiện qua nhiều lần sưu tầm. Đó là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng và các bảo tàng trong cả nước nói chung.
Trong những năm qua, công tác sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn được quan tâm đẩy mạnh, nhờ đó mà tổ chức thực hiện nhiều cuộc triển lãm, nghiên cứu khoa học để tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Kể từ khi thành lập cho tới nay các cán bộ bảo tàng với lòng kính yêu Bác Hồ đã luôn cố gắng phấn đấu hết mình, tích cực phát huy kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, khai thác tối đa mọi mối liên hệ trong và ngoài nước để sưu tầm về bảo tàng những tài liệu hiện vật gốc quý giá để cho nhân dân có điều kiện tiếp cận và hiểu thêm về cuộc đời gần gũi bình dị mà cao đẹp của vị lãnh tụ dân tộc.
Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc loại hình bảo tàng lịch sử xã hội song công tác sưu tầm của Bảo tàng mang những đặc thù riêng của một bảo tàng lưu niệm danh nhân với chức năng và nhiệm vụ của một trung tâm nghiên cứu những tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử có quan hệ đến đời sống và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của Người và tuyên truyền giáo dục quần chúng về sự nghiệp tư tưởng đạo đức tác phong của Người thông qua những tư liệu hiện vật và di tích đó.
Những tài liệu hiện vật được phải phản ánh được nếp sống, sinh hoạt, phong cách làm việc, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, đất nước, dân tộc và tình cảm của nhân dân đối với Người; mặt khác thể hiện được vai trò, sự cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc, sự nghiệp tư tưởng, trí tuệ, đạo đức tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc có tác dụng sâu sắc trong công tác giáo dục quần chúng nhân dân.
Công tác sưu tầm tài liệu hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh gắn với những hoạt động cách mạng, chính trị, xã hội, sinh hoạt đời thường trong cuộc đời một con người cụ thể - cuộc đời vĩ nhân Hồ Chí Minh. Do vậy đối tượng hiện vật được sưu tầm về Bác Hồ vô cùng phong phú đa dạng, có thể xếp theo các nhóm sau:
+ Hiện vật gốc thể khối
Bảo tàng tổ chức sưu tầm các tài liệu hiện vật là đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng tiếp khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tặng phẩm trong nước và quốc tế tặng Người, cùng với các hiện vật Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Mỗi hiện vật sưu tầm phải gắn với hoạt động của Người trong thời gian và không gian cụ thể, nó là minh chứng cho cuộc đời giản dị, nhân cách sống cao đẹp, lòng nhân ái, đức khiêm nhường của vị lãnh tụ đứng đầu dân tộc.
+ Tài liệu hiện vật gốc có chữ viết (tài liệu sách báo)
Bảo tàng Hồ Chí Minh tiến hành sưu tầm các bản thảo viết tay hoặc đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thư, điện, bài nói chuyện, các văn kiện, sắc lệnh, tài liệu chính trị, tác phẩm văn học, sách báo cách mạng…
Các tài liệu như văn bản, sách báo Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem và để lại bút tích cũng là đối tượng sưu tầm của bảo tàng Hồ Chí Minh. Những hiện vật này phản ánh nội dung tư tưởng, quan điểm, sự chỉ đạo của Người đối với phong trào cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tiến hành sưu tầm các tài liệu, sách báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc, cùng với thư, điện, quyết tâm thư… của đồng bào trong nước và quốc tế gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
+ Tác phẩm nghệ thuật gốc tạo hình
Trong thời gian qua, Bảo tàng cũng đón nhận những hiện vật tặng phẩm của các cá nhân, cơ quan, đoàn thể gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, các tác phẩm hội họa, điêu khắc… cùng thời hoặc những sáng tác về Bác có giá trị bảo tàng để phục vụ cho công tác trưng bày, triển lãm.
+ Tài liệu phim ảnh, băng ghi âm, ghi hình
Tiến hành sưu tầm những phim ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, các phim âm bản và phim tư liệu ghi lại các hoạt động của Người, băng ghi âm tiếng nói chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó còn sưu tầm những cuốn phim, các phóng sự… của thế hệ sau thực hiện về Bác ở trong nước và ngoài nước.
Ngoài việc sưu tầm những tư liệu, phim ảnh về Bác Hồ, Bảo tàng đã và đang xúc tiến việc ghi âm, ghi hình hồi ký của những nhân chứng, những người đã từng trực tiếp gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng kho tư liệu âm thanh hình ảnh thực sống động và phong phú góp phần khắc họa đầy đủ về con người Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mọi phương diện thông qua lời kể của các nhân chứng. Việc ghi hình các nhân chứng là một hình thức sưu tầm mà Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số bảo tàng mới thực hiện trong thời gian gần đây, chính là hình thức sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể về bảo tàng.
Đối tượng hiện vật phong phú, được khai thác trên nhiều nguồn khác nhau, song địa bàn sưu tầm hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất khác biệt so với các bảo tàng khác: vừa rộng mà lại vừa hẹp. 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã đi qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khoảng thời gian ấy Người đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều tài liệu hiện vật ở rất nhiều nơi. Công tác sưu tầm hiện vật được thực hiện ở một địa bàn trải rộng trên nhiều nước khác nhau, đây là một đặc thù của công tác sưu tầm ở Bảo tàng Hồ Chí Minh so với các bảo tàng khác ở Việt Nam. Tuy nhiên đối tượng hiện vật lại được giới hạn ở góc độ hẹp hơn, đó phải là những tài liệu, hiện vật trực tiếp liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người sử dụng như các tài liệu hoạt động, các tư liệu phim ảnh về Người…
Điều này tạo ra những đặc trưng riêng của công tác sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh so với các bảo tàng loại hình lịch sử xã hội và ngay cả với những bảo tàng lưu niệm danh nhân khác ở Việt Nam.
Do đặc điểm và hoàn cảnh cụ thể, kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh được hình thành trước khi Bảo tàng chính thức ra đời. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, toàn bộ khối tài liệu hiện vật liên quan đến Người đã được lưu giữ bảo quản tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều giai đoạn trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta chưa có đủ tư liệu, vì vậy công tác sưu tầm được thực hiện với mục đích bổ sung và hoàn thiện tư liệu về cuộc đời Hồ Chủ tịch, phục vụ cho những hoạt động chuyên môn của bảo tàng.
Chính thức đi vào hoạt động đến nay đã gần hơn 40 năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu chỉnh lý nội dung trưng bày cho phù hợp với điều kiện hiện nay, áp dụng những giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật mới vào trưng bày để tạo ra sức hút đối với khách tham quan hơn nữa. Chính vì vậy công tác sưu tầm trong những năm qua càng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Mặt khác, hoạt động sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài bảo tàng. Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ là một cơ quan truyền bá khoa học mà còn là cơ quan nghiên cứu khoa học thông qua các đề tài dựa trên cơ sở hiện vật, sưu tập hiện vật của bảo tàng. Với nỗ lực muốn xây dựng bảo tàng trở thành một trung tâm thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng luôn cố gắng đáp ứng những yêu cầu tìm kiếm thông tin, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng, đạo đức của các cơ quan, đoàn thể, các trường học, hoặc các cá nhân muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Hồ Chủ tịch. Do vậy, sưu tầm hiện vật gốc và những thông tin ghi chép trong quá trình lập hồ sơ đưa về bảo tàng tạo tiền đề cung cấp thông tin giúp cho hoạt động khoa học đạt được kết quả to lớn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng tạo cơ sở cho việc sưu tầm, như tìm nguồn khai thác, chỉ ra trọng tâm của công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật về kho cơ sở, phục vụ cho trưng bày.
Hiện nay, kế hoạch sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh chia ra ra làm hai loại: kế hoạch sưu tầm dài hạn và kế hoạch sưu tầm ngắn hạn.
Kế hoạch sưu tầm dài hạn gắn liền với hoạt động và định hướng phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trải qua một quá trình nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở những hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung và loại hình của bảo tàng và được ban Giám đốc phê duyệt. Kế hoạch dài hạn chính là những dự án cho bảo tàng thực hiện trong một thời gian dài từ 5 năm, 8 năm thậm chí lâu hơn.
Dựa trên cơ sở của bản Kế hoạch sưu tầm dài hạn, Bảo tàng đặt ra các bản Kế hoạch sưu tầm ngắn hạn (kế hoạch thường xuyên) cho từng năm, từng quý hoặc từng tháng với những đề tài cụ thể hoặc chuyên đề nghiên cứu trong bảo tàng. Từ đó mà khoanh vùng cụ thể từng địa bàn sưu tầm, thành phần đoàn tham gia, dựa vào nghiên cứu kho cơ sở, nghiên cứu trưng bày và các loại sách báo tài liệu liên quan tới cuộc khảo sát sưu tầm. Nội dung cụ thể của bản kế hoạch sưu tầm ngắn hạn về cơ bản vẫn thể hiện những vấn đề trong bản kế hoạch sưu tầm dài hạn như: mục đích, yêu cầu, thời gian, địa điểm sưu tầm… nhưng cụ thể hơn, chi tiết hơn đối với một đề tài sưu tầm cụ thể tại một địa bàn cụ thể. Trong quá trình đi thực tế sưu tầm có trường hợp những điều dự kiến không tìm mà lại thu thập được những tài liệu, hiện vật không có trong kế hoạch thì cũng cần phải hết sức linh hoạt trong việc chọn lựa đưa hiện vật về bảo tàng. Đồng thời tùy từng đối tượng mà phương pháp sưu tầm cho phù hợp.
Bản kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn đều mang tính khoa học bởi đều phải được nghiên cứu kỹ càng, thống nhất ý kiến trong đoàn sưu tầm và được Ban Giám đốc thông qua. Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu coi bản kế hoạch dài hạn là một dự án thì kế hoạch ngắn hạn là một vấn đề cụ thể trong đó nêu chi tiết công việc cần làm và dự kiến các tài liệu, hiện vật cần sưu tầm.
Với đặc thù của loại bảo tàng lưu niệm danh nhân, Bảo tàng Hồ Chí Minh có điểm khác biệt đó là công tác sưu tầm không chỉ được tổ chức trong nước mà còn được tiến hành ở nước ngoài, trên những quốc gia mà Người đã đặt chân tới trong chuyến hành trình đi tìm đường cứu nước, đặc biệt là những quốc gia mà thời gian
Người hoạt động lâu hơn và lưu lại nhiều tài liệu, hiện vật. Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành sưu tầm hiện vật từ nhiều nguồn phong phú khác nhau:
- Nguồn hiện vật do bảo tàng trực tiếp sưu tầm ở những di tích, địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc.
- Nguồn hiện vật do bảo tàng tiếp nhận từ các cơ quan đơn vị, các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân, các cộng tác viên…
Một trong những phương pháp truyền thống và rất có hiệu quả của công tác sưu tầm đó là tổ chức các chuyến đi sưu tầm tại thực tế. Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát thành các đoàn sưu tầm đến tận những di tích hoặc địa điểm gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh… để thu thập, lựa chọn, những hiện vật gốc có giá trị bảo tàng. Mỗi đợt khảo sát này thường có từ 3 hoặc 4 cán bộ đi sưu tầm ở tại một địa bàn, trong một khoảng thời gian dài, ngắn tùy theo yêu cầu chuyên môn và khối lượng công việc. Bảo tàng Hồ Chí Minh thường áp dụng phương pháp này đối với những tài liệu, hiện vật về Bác Hồ còn đang được lưu giữ trong nhân dân. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm, cán bộ sưu tầm trực tiếp thực hiện công việc sưu tầm, lựa chọn tài liệu, hiện vật gốc theo đề cương đã được đề ra (ngoài ra có thể sưu tầm cả những tài liệu, hiện vật gốc không có trong đề cương song có giá trị đối với Bảo tàng Hồ Chí Minh), đồng thời lập hồ sơ khoa học pháp lý cho các hiện vật đã sưu tầm được theo các yêu cầu về chuyên môn để đưa về bảo tàng. Địa điểm sưu tầm được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ từ giai đoạn chuẩn bị sưu tầm, được cụ thể hóa trong bản đề cương sưu tầm. Việc lựa chọn địa điểm sưu tầm sẽ góp phần vào sự thành công của cuộc khảo sát. Đó là những nơi ở và làm việc của Hồ Chủ tịch trong thời gian Người hoạt động cách mạng đã để lại nhiều tài liệu, hiện vật quý báu. Đối tượng sưu tầm của Bảo tàng nằm trong địa bàn rộng, trên cả nước đồng thời cón có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, do vậy, công tác khảo sát khoa học ở Bảo tàng Hồ Chí Minh còn bao hàm cả vấn đề đối ngoại và hợp tác quốc tế. Thời gian qua, Bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt khảo sát khoa học ở các địa phương trong cả nước như một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái