Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những công trình nghiên cứu có liên quan đề đề tài
1.1.2. Những công trình nghiên cứu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ASXH đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan, tổ chức, các công trình ra đời góp phần làm rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quan trọng này. Cụ thể:
Cuốn “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH ở Việt Nam”
của tác giả Mai Ngọc Cường (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2009) [25]. Cuốn
sách là một trong những công trình đầu tiên ở Việt Nam đi sâu nghiên cứu về vấn đề ASXH trên quy mô toàn diện, rộng lớn. Theo tác giả, để nhận thức rõ hơn bản chất ASXH, cần phải tiếp cận theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng: “ASXH là sự đảm bảo thực hiện các quyền con người được sống trong hòa bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập; được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thỏa mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tại nạn, tuổi già” [25, tr.20].
Theo nghĩa hẹp: “ASXH là sự bảo đảm thu nhập và một số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, những người nghèo khổ và những người bị thiên tai, địch họa” [25, tr.20]. Bên cạnh đó, công trình tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản nhứ: sự cần thiết của hệ thống an sinh; khái quát hệ thống ASXH của Việt Nam qua các thời kỳ phát triển và hệ thống chính sách ASXH hiện hành ở Việt Nam. Từ việc phân tích thực trạng chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân, tác giả đã đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách ASXH ở Việt Nam đến năm 2015.
Cuốn “ASXH ở Việt Nam hướng tới năm 2020” của Vũ Văn Phúc (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2012) [85]. Cuốn sách tập hợp các bài viết của các nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực liên quan đến vấn đề ASXH. Mỗi bài viết được tiếp cận từ các khía cạnh khác nhau của vấn đề ASXH nhưng đều khẳng định đảm bảo ASXH sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Để có thêm tư liệu và cách nhìn đa chiều về ASXH, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, các cuộc tham vấn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài được tổ chức ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo khoa học
“Cơ sở khoa học của việc xây dựng sàn ASXH ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, năm 2013 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) kết hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội [144]. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm sàn ASXH và nhấn mạnh tầm quan trọng của sàn ASXH. Sàn ASXH là cơ sở xây dựng một cách toàn diện về hệ thống ASXH với vai trò là một hợp phần của chiến lược phát triển quốc gia. Việt Nam xây dựng sàn ASXH để tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực khan hiếm vì mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo ASXH. Sàn ASXH không chỉ hỗ trợ người nghèo và các đối tượng yếu thế vượt qua các rủi ro hiện tại mà nó còn giữ vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững.
Cuốn “Chính sách ASXH - Thực trạng và giải pháp” của tác giả Lê Quốc Lý (Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2014) [73]. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở các tư liệu nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn việc thực hiện chính sách ASXH ở Việt Nam hiện nay. Nội dung của cuốn sách tập trung vào những vấn đề chính như: Cơ sở lý luận và thực tiễn về những trở ngại trong thực thi chính sách ASXH; Những trở ngại trong thực thi các chính sách ASXH ở Việt Nam gần đây qua đánh giá của nhóm cán bộ thực thi và đối tượng thụ hưởng chính sách; Mục tiêu, quan điểm và giải pháp thực thi hiệu quả chính sách ASXH ở Việt Nam đến năm 2020.
Cuốn “Cơ sở khoa học của việc xây dựng sàn ASXH ở Việt Nam trong thời gian tới” của tác giả Doãn Mậu Diệp ( Nxb Lao động Xã hội, năm 2015) [29]. Tác giả đã trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng sàn ASXH ở Việt Nam, đánh giá thực trạng sàn ASXH ở nước ta giai đoạn 2006 - 2012 và những dự báo, đề xuất mô hình và đưa ra những giải pháp xây dựng sàn ASXH giai đoạn 2012 - 2020.
Luận án “Đảm bảo ASXH gắn với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Tâm, năm 2015 [91]. Bằng lý luận và thực tiễn,
tác giả luận án đã góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ASXH và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Theo tác giả, việc thực hiện mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bản thân nó đã hàm ý là phải chú trọng đến vấn đề công bằng xã hội mà việc thực hiện nó chủ yếu thông qua hệ thống hay mạng lưới ASXH. Tuy nhiên, không phải lúc nào Việt Nam cũng thực hiện tốt mối quan hệ này. Trong những năm 1990 và đầu những nămg 2000, tăng trưởng kinh tế đạt ở mức 7,5%, trong khi đó vấn đề ASXH chưa được đầu tư thỏa đáng. Hệ thống ASXH phát triển chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, số người hưởng lợi từ chính sách ASXH còn hạn chế, một bộ phận người dân chưa được hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế một cách công bằng. Trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước chú trọng nhiều hơn đến ASXH, thì nền kinh tế đứng trước những thách thức lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, áp lực cạnh tranh cao, năng suất lao động thấp… điều này đã hạn chế đến việc đảm bảo ASXH cho người dân.
Luận án “Vai trò của ASXH đối với tiến bộ xã hội ở Việt Nam hiện nay”
của nghiên cứu sinh Nguyễn Tiến Hùng, 2016 [64]. Thông qua luận án mối quan hệ biện chứng giữa ASXH với tiến bộ xã hội được làm rõ dưới góc nhìn Triết học. Tác giả nhấn mạnh: ASXH góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, giải phóng người lao động, tạo thế ổn định về chính trị, văn hóa - xã hội; thực hiện quyền con người; góp phần hoàn thiện chức năng xã hội của nhà nước theo hướng tiến bộ xã hội. Ngược lại, tiến bộ xã hội (trong đó có tiến bộ về kinh tế) tạo ra tiền đề để thực hiện tốt hệ thống ASXH và góp phần đảm bảo công bằng trong thực hiện ASXH. Tác giả cũng chỉ ra thực trạng của vai trò ASXH đối với tiến bộ xã hội ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay. Bên cạnh những tác động tích cực, tác giả còn chỉ ra khó khăn, thách thức cần được giải quyết như: Hệ thống ASXH chưa đồng bộ, mức độ bao phủ thấp; thể chế về ASXH có mặt còn bất cập; nguồn lực tài chính còn hạn chế cản trở thực hiện vai trò của ASXH đối với tiến bộ xã hội. Từ đó, luận án đề xuất một số giải pháp như: Đổi
mới nhận thức về ASXH; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; phát triển hệ thống ASXH đa dạng, đa tầng để thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Bên cạnh nghiên cứu một cách tổng quát về ASXH nêu trên, thì có những công trình lựa chọn một vấn đề cụ thể của ASXH để nghiên cứu. Đề cập vai trò của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với chính sách ASXH, có:
Luận án “Chính sách ASXH và vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện chính sách ASXH ở Việt Nam” của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Chiều, năm 2013 [14] và Luận án “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện ASXH từ năm 2001 đến năm 2011” của nghiên cứu sinh Nguyễn Mai Phương, năm 2014 [87]. Hai công trình đã cho thấy được vai trò mỗi chủ thể trong quá trình thực hiện ASXH ở Việt Nam. Luận án của Nguyễn Văn Chiều, từ góc độ triết học đã luận giải tính tất yếu và vai trò của nhà nước trong việc đề ra các chính sách cũng như tổ chức thực hiện các chương trình của ASXH; cung cấp một cách chi tiết, cụ thể hệ thống chính sách ASXH của Việt Nam. Thông qua đó, nhấn mạnh bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam là luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, đảm bảo cho tất cả mọi người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ để ổn định cuộc sống của mình. Trong khi đó, công trình của nghiên cứu sinh Nguyễn Mai Phương đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với việc thực hiện đảm bảo ASXH, làm rõ quá trình phát triển nhận thức của Đảng về ASXH vừa phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và phù hợp với xu thế trên thế giới về cách tiếp cận và giải quyết vấn đề ASXH.
Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, đa phần dân cư tập trung ở nông thôn và tỷ lệ nông dân chiếm đa số trong cơ cấu dân số do đó, một số công trình đã dành sự quan tâm đến đối tượng này. Cuốn “ASXH đối với nông dân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” của tác giả Mai Ngọc Anh (Nxb Chính trị quốc gia, năm 2010) [2]; Luận án “Vai trò của nhà nước về ASXH đối với nông dân ở Việt Nam” của nghiên cứu sinh Phan Thị Kim Oanh, năm
2014 [84]. Các công trình trên cho thấy, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi các yếu tố bất lợi về kinh tế, xã hội và tự nhiên. Với những cách tiếp cận khác nhau, các tác giả đã tập trung phân tích các giải pháp để đảm bảo ASXH cho người nông dân. Trong đó, nghiên cứu sinh Phan Thị Kim Oanh làm rõ vai trò của Nhà nước như: xây dựng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách; tổ chức, phối hợp thực hiện chính sách ASXH với các chính sách kinh tế- xã hội khác; tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm thiết lập và tạo các điều kiện thực thi của hệ thống ASXH đối với nông dân. Đồng thời luận án cũng chỉ rõ 4 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến vai trò của nhà nước về ASXH đối với nông dân là 1) Quan điểm của nhà nước về ASXH đối với nông dân; 2) Khả năng tài chính của nhà nước và thu nhập của nông dân; 3) Năng lực hệ thống quản lý ASXH đối với nông dân và 4) Nhận thức xã hội về ASXH đối với nông dân.
ASXH là một chính sách chung vừa có tính đặc thù của địa phương, mỗi địa phương có những nét riêng về tự nhiên và xã hội do đó, quá trình thực hiện cũng có sự khác biệt. Điều này được thể hiện ở một số công trình như:
Cuốn “Lý thuyết và mô hình ASXH (Phân tích thực tiễn ở Đồng Nai)”
của Sở khoa học và công nghệ Đồng Nai, năm 2009 [88]. Trong cuốn sách, tập thể tác giả phân tích ASXH ở Đồng Nai với tư cách là một cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Trong đó, Đồng Nai là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Đồng thời đây là địa phương có sự phát triển toàn diện về kinh tế công nghiệp và nông nghiệp. Về vấn đề ASXH ở Đồng Nai, công trình đã làm rõ những trụ cột chính của hệ thống ASXH như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội và xóa đói giảm nghèo. Với những kết quả đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại, cuốn sách đã gợi mở nhiều vấn đề về xây dựng mô hình, cách thức tổ chức thực hiện ASXH ở một địa phương cụ thể. Từ đó, một vấn đề quan trọng
được rút ra là phải đảm bảo tính thống nhất, không tách rời với hệ thống ASXH chung của Việt Nam.
Luận án “Chính sách ASXH với người nông dân sau khi thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp (Nghiên cứu tại Bắc Ninh)” của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Nhường, năm 2010 [83]. Công trình đã làm rõ việc thực hiện chính sách ASXH ở một địa phương thuần nông trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, một vệ tinh phát triển cạnh Thủ đô Hà Nội. Đi liền với quá trình chuyển đổi kinh tế đó, ASXH cho người nông dân bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp được đặt ra cần phải giải quyết. Từ kết quả nghiên cứu, luận án khẳng định 6 yếu tố quan trọng của chính sách ASXH cho nông dân bị thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp gồm: 1) Chính sách đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; 2) Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm; 3) Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; 4) Chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện; 5) Chính sách trợ giúp xã hội; 6) Chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, luận án đã chỉ rõ các doanh nghiệp tham gia đầu tư là một trong các nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ASXH đối với người nông dân có đất bị thu hồi.
Luận án “Đảm bảo ASXH trên địa bàn thành phố Hà Nội” của nghiên cứu sinh Đồng Thị Hồng, năm 2015 [59]. Luận án đã phân tích và luận giải những nét đặc thù trong quá trình đảm bảo ASXH ở Hà Nội với tư cách là Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Đồng thời, đây là nơi tập trung đông dân cư và có lượng lớn người nhập cư. Tác giả đã làm rõ những thành công quan trọng trong việc đảm bảo ASXH ở các trụ cột chính là: BHXH, thị trường lao động và trợ giúp xã hội. Bên cạnh đó, tác giả chỉ ra những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, đề xuất một số phương hướng, giải pháp để đẩy mạnh có hiệu quả đảm bảo ASXH trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Luận án “Quá trình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Hải Dương từ năm 1997 đến năm 2010” của NCS Nguyễn Văn Tuân, 2015 [130]. Dưới góc độ lịch sử, luận án đã làm rõ quá trình thực hiện chính sách ASXH của tỉnh Hải Dương từ khi tái lập tỉnh đến năm 2010. Công trình đã nên bật những thành công, hạn chế và lý giải những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên trong quá trình thực hiện chính sách ASXH ở tỉnh Hải Dương. Từ đó, tác giả đã góp phần tổng kết thực tiễn việc thực hiện một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đổi mới ở một địa phương.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu kể trên, có nhiều bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên ngành.
Bài “Vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam” của tác giả Hoàng Chí Bảo (Tạp chí Lý luận chính trị, 2/2008), trong công trình này, tác giả có định nghĩa: “ASXH là sự an toàn của cuộc sống con người từ cá nhân đến cộng đồng, tạo tiền đề và động lực cho sự phát triển con người và xã hội. ASXH là những đảm bảo xã hội cho con người tồn tại như một con người và phát triển các sức mạnh bản chất người, tức là nhân tính trong hoạt động, trong đời sống hiện thực của nó như một chủ thể mang tính nhân cách” [8, tr.38]. Đồng thời, tác giả nêu 4 phương diện hợp thành nội dung của ASXH, gồm: xóa đói giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ cấp xã hội và ưu đãi xã hội; phúc lợi xã hội. Các cách tiếp cận ASXH cũng được tác giả nêu lên trong bài viết: ASXH như một mục tiêu của phát triển xã hội, thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn của chế độ XHCN; ASXH như một nhân tố, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội; ASXH như một tiêu chí của tiến bộ xã hội; ASXH như một lĩnh vực quản lý xã hội.
Bài “Nền tảng chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam” của Bùi Đình Phong (Tạp chí Bảo hiểm xã hội, 4/2011) [86]. Tác giả khẳng định nền tảng của chính sách ASXH ở Việt Nam đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo tác giả, Hồ Chí Minh, từ sớm đã có cách nhìn về những chính sách,
biện pháp bảo vệ người dân khỏi sự hụt hẫng về kinh tế - xã hội như đói nghèo, mù chữ, sức khỏe, nhà ở và các vấn đề khác trong cuộc sống. Đó chính là tư duy về ASXH.
Bài “Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”
(Tạp chí Bảo hiểm xã hội, 3/2011) của Đào Văn Dũng và Nguyễn Kim Phượng [32]. Trong bài báo, các tác giả đã khẳng định hệ thống ASXH ở Việt Nam được hình thành và ngày càng hoàn thiện trên nhiều mặt như: hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội; chính sách ưu đãi xã hội; chính sách cứu trợ xã hội; xóa đói giảm nghèo và bảo hiểm thương mại. Bên cạnh đó, ASXH ở Việt Nam cũng còn tồn tại những hạn chế như: hệ thống ASXH chưa toàn diện, thiếu sự liên kết; diện bao phủ còn chưa cao; chất lượng các dịch vụ ASXH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về định hướng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác ASXH trong quá trình CNH, HĐH có bài “Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020” (Tạp chí Cộng sản, 9/2010) [35] của Nguyễn Tấn Dũng. Bài báo đã nêu ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện như: 1) Đẩy mạnh triển khai có các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc làm; 2) Phát triển đồng bộ, đa dạng và nâng cao chất lượng hệ thống bảo hiểm, đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân tích cực tham gia; 3) Thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững; 5) Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; 6) Nhà nước tăng thêm nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo để nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản; 7) Huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện tốt ASXH và phúc lợi xã hội.
Bài “Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với nông dân nước ta hiện nay” (Tạp chí Cộng sản, 12/2008) của tác giả Nguyễn Hữu Dũng [31].